Tôi dịch bài này cho các bạn tôi, những người mê đọc sách, mê mua sách và mê sở hữu sách.
MỘT ĐỜI VỚI SÁCH
Tôi đã sống trong sách, vì sách, do sách và cùng sách; trong
những năm gần đây, tôi đủ may mắn để sống nhờ sách. Và chính là qua sách mà lần
đầu tiên tôi nhận ra có những thế giới khác bên ngoài thế giới của mình; lần đầu
tiên tưởng tượng ra là một người khác thì có cảm giác thế nào; lần đầu tiên chạm
trán mối liên kết thân mật sâu xa tạo ra khi giọng nói của nhà văn đi vào bên
trong đầu độc giả. Có lẽ tôi đã may mắn khi trong mười năm đầu đời không có sự
cạnh tranh của ti vi; và rồi khi cuối cùng nhà tôi cũng có một cái thì nó bị bố
mẹ tôi kiểm soát chặt chẽ. Cả hai đều là giáo viên, do vậy lòng quý trọng sách
vở chữ nghĩa là đương nhiên. Chúng tôi không đi nhà thờ, nhưng chúng tôi lại đến
thư viện.
Ông bà ngoại tôi cũng là giáo viên. Ông ngoại có một bộ
Dickens đặt qua đường bưu điện và một bộ Bách khoa toàn thư Nelson gồm
hai mươi lăm cuốn bìa đỏ khổ nhỏ. Sách của bố mẹ tôi sang hơn và phong phú hơn.
Những năm sau này họ trở thành hội viên của Folio Society[1]. Hồi nhỏ tôi cứ ngỡ nhà
nào cũng có sách, rằng như thế là bình thường. Cũng bình thường là việc sách được
đánh giá qua độ hữu ích: để học ở trường, để cung cấp và kiểm tra thông tin, và
để giải trí trong những kỳ nghỉ. Bố tôi có một bộ sưu tập sách Fourth Leaders của
tạp chí Times, còn mẹ tôi có thể thưởng thức một cuốn của Nancy Mitford.
Kệ sách của họ còn có những giải thưởng bọc bằng da mà bố tôi giành được tại
trường hạt Ilkeston từ năm 1921 đến 1925, hầu hết là cho "Thành tựu toàn
diện" hoặc "Xuất sắc toàn diện": The Pageant of English Prose,
Poetical Works của Goldsmith, Dante của Cary, Last of the
Barons của Lytton, The Cloister and the Hearh của Reade.
Hồi tôi còn nhỏ những tác phẩm này không làm tôi hào hứng
chút nào. Chỉ khi chớm có ý thức về tính dục thì tôi mới bắt đầu nghiên cứu kệ
sách của bố mẹ (cũng như tủ sách của ông ngoại và ông anh tôi). Tủ sách của ông
ngoại chẳng có gì khêu gợi lắm trừ một hai cảnh trong Bhowani Junction của
John Master; bố mẹ tôi thì có The Outline of Art của William Orpen trong
đó có nhiều minh họa trắng đen hết sảy; nhưng anh tôi thì sở hữu một bản Satyricon
của Petronius, là cuốn nóng bỏng nhất trên các kệ sách ở nhà. Người La Mã
rõ là sống một cuộc đời náo nhiệt hơn so với đời sống tôi chứng kiến quanh mình
ở Northwood, Midllesex. Yến tiệc, nô lệ gái, tình dục tập thể, đủ thứ. Tôi
không biết là ông anh tôi có để ý thấy sau một thời gian thì một số trang trong
cuốn Satyricon của mình gần như long khỏi gáy không. Thật là ngớ ngẩn vì
tôi cứ ngỡ tất cả tác phẩm cổ điển của anh mình đều có nội dung phong tình
tương tự. Tôi bỏ ra bao nhiêu ngày tẻ ngắt với những cuốn của Hesiod rồi mới nhận
ra rằng không phải là như thế.
Con phố tấp nập ở chỗ tôi có một cửa tiệm mà chúng tôi gọi
là "tiệm sách". Thực ra, đó là một cửa hàng bán đồ trang trí và văn
phòng phẩm có một phòng ở dưới lầu, phân nửa diện tích dành cho sách. Một số cuốn
ở đây khá oách - sách cổ điển của nhà Penguin, tiểu thuyết của Penguin và Pan.
Phần nào trong tôi ngỡ rằng đây là tất cả sách có trên đời. Ý tôi là, tôi biết
trong thư viện công cộng có những đầu sách khác, rồi sách dùng ở trường thì lại
khác nữa, nhưng xét về một thế giới sách rộng lớn hơn thì tôi tưởng những cuốn ở
đây khá là tiêu biểu. Thỉnh thoảng, chúng tôi có thể ghé thăm một tiệm sách
"thực thụ" ở một khu hay thị trấn khác, thường hóa ra lại là một cửa
hàng thuộc chuỗi W.H.Smith.
Nguồn sách duy nhất khác có được là nhờ giành các giải thưởng
ở trường (tôi học Trường City of London, khi đó ở trên đê Victoria bên cạnh cầu
Blackfriars). Những người đoạt giải được phép chọn sách cho mình, thông thường
dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Nhưng dù gì thì đây là một hoạt động thu hẹp lại
hơn là mở rộng ra. Bạn chỉ có thể chọn sách trong số những cuốn có trong một
phòng trưng bày riêng trong một tòa nhà văn phòng ở South Bank: một nơi vừa hơi
bí ẩn vừa hoàn toàn không hấp dẫn. Sau này tôi khám phá ra đó lại là một bộ phận
khác của W.H.Smith. Sách ở đây tuyền là những cuốn nặng trịch, giá trị, nhưng
có lẽ để trầm trồ hơn là để đọc. Giải thưởng của nhà trường thường có một giá
trị nhất định, bạn được chọn một cuốn sách trong khoản đó, nó sẽ biến mất khỏi
tầm nhìn của bạn, để tái xuất hiện trong Ngày trao giải của Thị trưởng, khi đó
ngài Thị trưởng London, đầy đủ mũ áo trang trọng, sẽ đích thân trao nó cho bạn.
Bấy giờ cuốn sách sẽ có một trang được dán vào bìa trong mô tả thành tích của bạn,
trong khi bìa vải bên ngoài sẽ được dập phù hiệu trường mạ vàng. Tôi không nhớ
lắm những tựa sách mà tôi đã vâng lời bố mẹ chọn. Nhưng năm 1963 khi giành giải
Mortimer English tôi đã mười bảy tuổi và phải tự đến cái nhà kho nghiêm túc ấy,
ở đó tôi tìm thấy (liệu có thể là hớ hênh của ai?) một cuốn Ulysses. Tôi
vẫn có thể nhìn thấy vẻ mặt không tán thành của ngài Thị trưởng khi bàn tay đeo
găng bảo vệ của ngài trao cho tôi cuốn tiểu thuyết có tiếng là bẩn thỉu này.
Đến lúc này, tôi đã bắt đầu nhìn sách không chỉ ở công dụng
của nó: là nguồn thông tin, hướng dẫn, niềm vui sướng hay tính khêu gợi.Trước hết
là có sự háo hức và ý nghĩa trong việc sở hữu. Sở hữu một cuốn sách nhất định -
và chọn nó mà không cần ai giúp - là để xác định bản thân. Và sự tự xác định đó
phải được bảo vệ về phương diện vật lý. Nên tôi thường bao những cuốn sách yêu
thích nhất của mình (sách bìa mềm, chắc chắn như vậy, do hạn chế về tài chính)
bằng ni-lông trong. Tuy nhiên, đầu tiên tôi sẽ viết tên mình - với kiểu chữ
nghiêng mới luyện được, bằng mực xanh biển, gạch chân bằng mực đỏ - trên mép
bìa trong. Tờ ni lông trong sau đó sẽ được cắt sao cho vừa vặn để bao bọc và bảo
vệ cả chữ ký sở hữu kia nữa. Một số cuốn này - ví dụ, bản dịch các tác phẩm cổ
điển Nga của David Magarshak nhà Penguin - vẫn còn trên kệ sách của tôi.
Tự xác định mình là một hình thức của điều kỳ diệu. Sau đó
tôi dần dần được giới thiệu một hình thức khác: đó là điều kỳ diệu của sách cũ,
đã qua sử dụng, không còn mới. Tôi nhớ một hàng Auden bản in đầu trong tủ kính
một người láng giềng: một người thực sự quen biết Auden mấy chục năm về trước
và thậm chí còn chơi cricket cùng với ông. Những điều này với tôi thật đáng
kinh ngạc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một nhà văn, hay quen biết ai có quen biết
một nhà văn. Có thể tôi đã nghe một hai người nói trên sóng phát thanh, thấy một
hai người trên ti vi trong chương trình phỏng vấn "Gặp mặt" của John
Freeman. Nhưng mối liên hệ gần gũi nhất của gia đình tôi với Văn chương là sự
kiện bố tôi từng học ngôn ngữ hiện đại ở Đại học Nottingham, mà Giáo sư môn đó
là Ernest Weekley, vợ ông đã bỏ trốn cùng D.H. Lawrence. Ồ, và mẹ tôi từng nhìn
thấy R.D.Smith, chồng của Olivia Manning, trên một sân ga ở Birmingham. Tuy
nhiên ở đây lại là những bản sách thuộc sở hữu của một người quen biết với một
trong những nhà thơ nổi tiếng nhất nước còn sống. Hơn thế nữa, những quyển sách
này chứa đựng những chữ vẫn còn vang vọng của Auden dưới cái hình thức mà lần đầu
tiên nó đến với thế giới. Tôi cảm nhận được điều kỳ diệu này một cách sâu sắc,
và muốn có một phần của nó. Do vậy, từ những năm sinh viên, bên cạnh việc là
người sử dụng sách, tôi bắt đầu trở thành một người sưu tập sách và khám phá ra
rằng chẳng phải tất cả tiệm sách đều thuộc W.H.Smith.
Trong thập kỷ kế tiếp hay đại khái vậy - từ cuối những năm
sáu mươi đến cuối những năm bảy mươi - tôi trở thành một kẻ hăng say săn lùng
sách, lái xe đến các thị trấn và thành phố của nước Anh trên chiếc Morris
Traveller của mình, chất đầy xe những cuốn sách mua với một tốc độ vượt xa bất
kỳ tốc độ đọc nào. Đây là thời mà hầu hết thị trấn cỡ vừa nào cũng đều có một
tiệm sách cũ lớn, lâu đời, có thể tìm thấy được gần nhà thờ của thành phố; theo
như tôi nhớ, bạn thường có thể đậu xe ngay bên ngoài bao lâu cũng được. Một
trăm phần trăm tiệm sách này là tiệm sách độc lập không thuộc một chuỗi nào -
đôi khi có một hàng sách mới ngay cửa trước; vào các tiệm này ngay lập tức tôi
cảm thấy thoải mái như ở nhà. Thoạt đầu, không khí thật khác lạ. Ở đây sách dường
như được coi là quý giá và là một phần của một văn hóa tiếp diễn. Đến giờ thì
có lẽ tôi ưa sách cũ hơn sách mới. Ở Mỹ những cuốn như vậy được gọi một cách
khinh thị là "sách trước đây của người khác", nhưng chính sự tiếp diễn
trong sở hữu này là một phần vẻ quyến rũ của chúng. Một cuốn sách giãi bày về
thế giới cho một người, rồi một người khác, thế hệ này qua thế hệ khác; những
bàn tay khác nhau cầm cùng một cuốn sách và rút ra được đôi chút khôn ngoan đôi
khi giống nhau đôi khi khác nhau từ đó. Sách cũ phơi bày ra tuổi tác: chúng có
vết ố như người già có da mồi. Mùi của chúng dễ chịu - kể cả khi hôi mùi thuốc
lá và (thi thoảng) mùi xì gà. Nhiều cuốn có thể làm rơi ra những vật dậy mùi của
một thời: thông báo xa xưa của nhà xuất bản và những thẻ đánh dấu sách cũ mèm-
thường cho các công ty bảo hiểm hay xà bông Sunlight.
Nên tôi thường lái xe đến Salisbury, Petersfield, Aylesbury,
Southport, Cheltenham, Guidford, chui vào những căn phòng ở mặt sau và những
nhà kho khóa kín bất cứ khi nào có thể. Tôi kém thoải mái hơn ở những nơi tỏa
mùi của những tòa nhà sang trọng, hay những nơi biết quá rõ giá trị của từng vật
dụng rao bán. Tôi thích vẻ lộn xộn dân chủ của những cửa hàng mà ở đó hàng hóa
được sắp xếp qua loa và có thể mặc cả. Hồi ấy, ngay cả ở những tiệm bán sách mới,
cũng chưa hề có cái kiểu quay vòng nhanh dữ dội mà cách quản lý trung tâm hiện
đại áp đặt. Ngày nay, thời gian trung bình trên kệ của một cuốn tiểu thuyết mới
bìa cứng - cứ cho là trước hết nó có thể lên kệ - là bốn tháng. Hồi ấy, sách cứ
nằm trên kệ cho đến khi có người mua, hoặc khi người ta miễn cưỡng đưa vào một
đợt bán giảm giá đặc biệt, hoặc chuyển sang khu sách cũ, ở đó chúng có thể nghỉ
ngơi hàng năm trời. Cuốn sách nào mà bạn chưa đủ tiền mua, hay không chắc là bạn
thực sự muốn mua, thường năm sau quay lại bạn vẫn thấy còn ở đó. Những tiệm
sách cũ cho thấy phán xét của hậu thế thường hóa ra là nghiêm trọng như thế
nào. Charles Morgan, Hugh Walpole, Dornford Yates, Lord Lytton, Bà Henry Wood -
sách của họ xếp dài hàng thước, chờ thời của mình quay lại. Nhưng rất hiếm khi.
Tôi mua sách với một khao khát mà nhìn lại tôi phải công nhận
đó là một dạng quẫn: thì đấy, chứng cuồng thư (bibliomania) có phải lạ lùng gì.
Mua sách đương nhiên chiếm hơn nửa thu nhập của tôi. Tôi mua ấn bản đầu của các
nhà văn mà tôi ngưỡng mộ nhất: Waugh, Greene, Huxley, Durrel, Betjeman. Tôi mua
ấn bản đầu của các thi sĩ thời Victoria như Tennyson và Browning (cả hai tôi đều
chưa đọc) vì chúng có vẻ rẻ đáng kinh ngạc. Lằn ranh giữa sách tôi thích, sách
tôi nghĩ tôi sẽ thích, sách tôi hy vọng tôi sẽ thích, và sách tôi hiện không
thích nhưng nghĩ rằng một ngày nào đó trong tương lai sẽ thích gần như mờ mịt.
Tôi thu thập sách King Penguins, sách của nhà Batsford về đồng quê và loạt Nước
Anh qua hình ảnh do nhà Collins xuất bản trong những năm 1940 và 1950. Tôi
mua các tập thơ mỏng và các bách khoa thư tiếng Pháp bìa da do Larousse ấn
hành; truyện tranh và các vật lưu niệm thời Victoria; các từ điển lỗi thời và tạp
chí đóng tập từ Cornhill cho tới Strand. Tôi mua một bản Sensation!,
ấn bản Bỉ đầu tiên của cuốn Scoop của Waugh. Thậm chí tôi còn bịa ra một
hạng mục là Sách Kỳ Cục, để biện minh cho những khoản mua lập dị như Pig-Sticking
or Hog-Hunting của Sir Robert Baden-Powell, Physical Energy của
Bombadier Billy Well, Guide to the Hand của Cheiro, va Tap Dancing
Made Easy của "Isode". Tất cả hãy còn trên kệ sách nhà tôi, hầu
như không động đến. Tôi cũng mua những cuốn mà chả có cớ gì để mua cả, kể cả
vào thời điểm ấy hay sau này - ví dụ như ba tập hồi ký của Sir Anthony Eden (bản
in lần đầu, còn áo, và chắc chắn là người chủ trước chưa đọc.) Có lý do nào
trong việc mua cuốn đó đâu? Trường hợp của tôi còn tồi tệ hơn do sự thể tôi là,
theo thuật ngữ trong ngành, một tay cầu toàn (completist). Cho nên, ví dụ, vì
trót ngưỡng mộ vài vở kịch của Shaw đã xem, thế là rốt cuộc tôi mua hàng chồng
tác phẩm của ông, không bỏ qua cả những tập giấy mỏng tối nghĩa bàn về ăn chay.
Vì Shaw quá phổ biến, và do đó bản in tác phẩm của ông là rất nhiều, tôi không
bao giờ phải mất quá nhiều tiền cho bất kỳ cuốn nào trong bộ sưu tập này. Điều
này cũng có nghĩa là, ba mươi năm sau, bớt khoái kiểu cách mô phạm và óc tự ý
thức của Shaw, quyết định bán sạch thì tôi chịu lỗ kha khá.
Thi thoảng, có những khám phá thật hấp dẫn. Trong nhà kho của
F.Weatherhead & Son ở Aylesbury tôi tìm được một bản của hai khổ đầu bài Don
Juan của Byron, in năm 1819 không ghi tên tác giả. Bản in đầu rất hiếm này,
đóng gáy vải lam, làm tôi tốn hết 62.5 bảng. Tôi cũng muốn giả vờ (thỉnh thoảng
tôi làm thế) rằng là nhờ kiến thức chuyên môn về thư mục Byron mà tôi phát hiện
ra ấn bản này. Nhưng như thế thì phải bỏ qua cả dòng ghi chú bằng bút chì của
người bán sách bên trong bìa trước ("Khổ I và II xuất hiện ở London
tháng Bảy năm 1819 không có tên tác giả lẫn tên người bán trong một cuốn sách
khổ bốn (quarto) mỏng"). Cái giá 62.5 bảng do đó chẳng phải là bán hớ;
mà nhiều khả năng là, đó là dấu hiệu cuốn sách đã nằm trên kệ hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, tôi cũng thường xuyên mắc sai lầm. Ví dụ như, tại
sao tôi lại mua của tiệm D.M. Beach ở Salisbury, cuốn Oliver Twist, bản
gốc ra dưới dạng hàng tháng do Bentley's Miscellany phát hành lần đầu?
Đó là một ý tưởng hay vì tình trạng của chúng hoàn hảo, hình ảnh, bìa và quảng
cáo đều còn tốt. Đó là một ý tưởng tồi vì một phần (đầu hoặc cuối) bị lạc mất -
lý giải tại sao giá cả của bộ là chấp nhận được. Đó là một ý tưởng lạc quan vì
tôi chắc mẩm mình sẽ có thể lùng ra được phần còn thiếu một lúc nào đó trong cuộc
đời sưu tầm của mình. Không cần phải nói, tôi chưa bao giờ làm được, và sự ngu
ngốc ấy khiến tôi lãng tránh kệ sách của mình trong nhiều năm.
Rồi có những thời khắc khi tôi nhận ra thế giới của sách và
sưu tầm sách không hoàn toàn giống như tôi tưởng tượng. Trong khi không xa lạ
gì với những trường hợp giả mạo sách nổi tiếng, tôi luôn luôn tưởng rằng nhà
sưu tập toàn là những người trung thực và ngay thẳng (tôi cũng từng nghĩ tương
tự về những người làm vườn.) Rồi, một ngày nọ, tôi đến tiệm Lilies ở Weedon,
Bucks - đó một cuộc gặp có lịch hẹn trước - một tòa lâu đài kiểu Victoria ba mươi
lăm phòng đầy nghẹt sách khiến một chuyến ghé thăm cũng mất gần trọn một ngày.
Trong khu vực ấn bản đầu tôi tìm thấy một cuốn sách mà tôi đã đeo đuổi hàng năm
trời: Vile Bodies của Evelyn Waugh. Nó thiếu áo (chuyện bình thường, vì
trước đây ít người mua tác phẩm của Waugh lại không ném áo đi), nhưng tình trạng
nguyên vẹn. Giá thấp đến đáng kinh ngạc. Rồi tôi đọc thấy một ghi chú nhỏ bằng
bút chì giải thích lý do. Đó là chữ viết kèm chữ ký của Roger Senhouse, chủ nhà
xuất bản ở Bloomsburyite, tình nhân cuối cùng của Lytton Strachley. Tôi nhớ
dòng chữ đó viết thế này: "Bản in lần hai này được để lại trên kệ của tôi
thế vào chỗ bản in lần đầu của tôi". Tôi cực kỳ choáng váng. Rõ ràng, đó
không phải là hành động bộc phát. Thủ phạm hẳn đã đến nhà Senhouse cùng bản
sách của mình giấu trong người - tôi đoán người này là đàn ông chứ không phải
phụ nữ - và rồi xoay xở đánh tráo khi không có ai trong phòng. Đó có thể là ai?
Liệu có bao giờ tôi bị cuốn hút vào làm một việc như thế không? (Có, về sau tôi
có bị cuốn hút, thế đấy). Và liệu ai đó có thể làm như vậy với tôi và bộ sưu tập
của tôi? (Tới giờ thì tôi chưa thấy.)
Gần đây, tôi nghe được một dị bản của câu chuyện này, từ một
góc độ khác. Một độc giả gửi cho một tác giả còn sống khá nổi tiếng một bản của
một tiểu thuyết thời kỳ đầu của ông ấy (một cuốn mà số phát hành là dưới một
nghìn bản), xin chữ ký và kèm cước gửi lại. Sau một thời gian, vị độc giả ấy nhận
được một bưu kiện , trong đó có cuốn tiểu thuyết tác giả ký đàng hoàng - ngoại
trừ việc ông ta đã giữ lại bản in đầu quý giá và thay vào đó bản in lần thứ
hai.
Hồi đó, săn sách thường phải đi rất xa, tích lũy chậm chạp
và thường bực dọc; tác dụng phụ là khuynh hướng khi không tìm được thứ bạn cần,
bạn sẽ mua tá lả cả đống để chứng tỏ rằng chuyến đi của bạn không lãng phí.
Cách thức tích góp này bây giờ không thể làm được nữa, không còn có ý nghĩa nữa.
Tất cả cửa tiệm lâu đời, bề bộn, vị trí tuyệt đẹp ấy đã biến mất. Cuốn The
Book Browser's Guide to Secondhand và Antiquarian Bookshops của Roy Harly
Lewis (ấn bản lần thứ hai, 1982) viết về tiệm D.M. Beach ở Salisbury: "Có
một số tiệm sách nằm ở các địa điểm giá trị đến nỗi chủ nhân có thể kiếm được một
khoản kha khá bằng cách bán đi rồi làm việc ở nhà... Trong khi giá bất động sản
ở Wiltshire không thể đọ nổi với (giả dụ) London, vị trí góc tuyệt vời này trên
High Street là một khoản tiền khổng lồ cho bất kỳ tiệm sách nào." Tiệm
Beach đóng cửa năm 1999; tiệm Weatherhead (tiệm này có túi giấy in riêng) năm
1998. Tiệm Lilies - vốn có đầy các mẫu vật lạc loài như khuôn thạch cao mặt của
John Cowper Powy và 'cái đồng hồ thuộc về những người lắp động cơ cho chiếc tàu
nơi Shelley chết đuối' - không còn nữa. Càng lớn, bán càng nhiều thứ, càng dễ bị
tổn thương, dường như ấy là quy luật.
Với Internet, công cuộc sưu tầm đã thay đổi hoàn toàn. Tôi
đã mất hơn chục năm mới tìm được bản in đầu của Vile Bodies với giá 25 bảng.
Ngày nay, chỉ cần 30 giây trên abebooks.com hai tá bản in đầu tình trạng và giá
cả khác nhau sẽ hiện ra (bản đắt nhất, với áo hiếm nhất, có giá từ 15.000 đến
28.000 bảng.) Khi tiểu thuyết gia người Anh tuyệt diệu Penelope Fitzgerald mất,
để tưởng niệm bà tôi quyết định mua các bản in đầu (có áo) bốn tiểu thuyết cuối
cùng của bà - bốn cuốn làm nên sự vĩ đại của bà. Việc này tất tần tật còn tốn
ít thời gian hơn so với việc ngày nay tìm chỗ đậu xe ở nơi tiệm Beach từng tồn
tại. Và mặc dù tôi có thể huyên thuyên về sự Lãng mạn và Khả năng cầu may của
Khám phá - và đúng là có sự lãng mạn - cách mua bán cũ không tiết kiệm cả về thời
gian lẫn tiền bạc.
Tôi bớt là người sưu tầm sách (hay, có lẽ, kẻ sùng bái sách)
sau khi in cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Có lẽ, ở một tầng ý thức ngầm nào đó, tôi
quyết định rằng vì bây giờ mình đã sản xuất ra những bản in đầu của chính mình,
mình ít cần của người khác hơn. Thậm chí tôi còn bắt đầu bán sách, điều mà có
thời là chuyện không tưởng tượng nổi. Nhưng việc này không làm giảm tốc độ tích
lũy sách của tôi: tôi vẫn mua sách nhanh hơn mức tôi có thể đọc. Nhưng một lần
nữa, điều này có cảm giác hoàn toàn bình thường: thật là kỳ cục chừng nào nếu
xung quanh bạn chỉ có đủ sách để bạn đọc trong phần còn lại của cuộc đời . Và
tôi vẫn gắn bó sâu sắc với những cuốn sách in và tiệm sách thực thụ. Áp lực hiện
tại lên cả hai là to lớn. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của tôi giá 12.99 bảng
trong một tiệm sách, mua trên mạng khoảng nửa giá đó (kể cả cước), và phiên bản
Kindle chỉ có 4.79 bảng. Có vẻ không có câu trả lời về mặt kinh tế học. Tuy vậy,
may thay kinh tế học chưa bao giờ hoàn toàn kiểm soát cả hành vi đọc lẫn hành
vi mua sách. John Updike, gần cuối đời, đã trở nên rất bi quan về tương lai của
sách in:
Vì còn ai, trong tương lai
không tưởng tượng nổi ấy
Khi tôi chết, sẽ đọc? Trang giấy
in
Chỉ là sự kỳ lạ ngắn ngủi của
một nửa thiên niên kỷ...
Tôi lạc quan hơn, cả về việc đọc lẫn về sách. Sẽ luôn luôn
có những người không đọc sách, những độc giả tồi, những độc giả lười biếng - họ
luôn luôn tồn tại. Đọc là một kỹ năng đa số nhưng là một nghệ thuật thiểu số.
Tuy nhiên không gì có thể thay thế mối tương thông chính xác, phức tạp, tinh tế
giữa tác giả vắng mặt và độc giả có mặt và bị mê hoặc. Tôi cũng không nghĩ là
công cụ đọc sách điện tử sẽ hoàn toàn thay thế sách giấy - ngay cả khi nó chiếm
ưu thế về số lượng. Trên tay bạn mỗi cuốn sách có cảm giác và trông khác nhau;
mỗi lượt tải về cho Kindle có cảm giác và trông hoàn toàn như nhau (mặc dù có lẽ
công cụ đọc sách điện tử một ngày nào đó sẽ có chức năng mùi, bạn có thể bấm
vào đó và cuốn tiểu thuyết Dickens bản điện tử của bạn đột nhiên tỏa mùi giấy ẩm
ướt, mùi vết ố và mùi nicotine). Sách phải cố chứng minh sự tồn tại của mình -
tiệm sách cũng vậy. Sách phải trở thành một cái gì đó khiến người ta khao khát
hơn, thèm muốn hơn: không phải là hàng xa xỉ, nhưng phải được thiết kế đẹp, hấp
dẫn, làm cho ta muốn cầm nó lên, giữ chúng, nghĩ về việc đọc đi đọc lại chúng,
và nhiều năm về sau nhớ lại rằng đây chính là ấn bản mà ta lần đầu tiên chạm mặt
những gì chứa đựng bên trong. Tôi không có thành kiến với công nghệ mới; chỉ có
điều sách trông như thể chứa đựng kiến thức, trong khi công cụ đọc sách điện tử
trông như thể chứa đựng thông tin. Các giải thưởng ở trường của cha tôi ngày
nay vẫn còn trên kệ, chín chục năm sau khi ông đoạt giải. Tôi thà đọc thơ của
Goldsmith dưới dạng này hơn là đọc trên mạng.
Nhà văn và con người đam mê nghệ thuật người Mỹ Logan
Pearsall Smith từng nói: "Một số người nghĩ rằng đời là quan trọng, nhưng
tôi thích đọc hơn." Lần đầu đọc thấy câu này, tôi nghĩ đó là một câu nói
khôn ngoan; bây giờ thì tôi thấy câu đó - cũng như nhiều câu cách ngôn khác -
là sai và cạn. Đời và đọc không phải là những hoạt động riêng rẽ. Sự phân biệt
là giả tạo (cũng giống như khi Yeat tưởng tượng ra sự lựa chọn của nhà văn giữa
"hoàn thiện cuộc đời hay tác phẩm"). Khi bạn đọc một cuốn sách lớn, bạn
không thoát khỏi cuộc đời, trái lại bạn càng cắm sâu hơn vào đó. Có thể có một
cuộc đào thoát hời hợt - sang những đất nước, tục lệ, cách nói khác - nhưng việc
bạn làm về căn bản là nâng tầm hiểu biết của bạn về những tinh tế, các nghịch
lý, niềm vui, nỗi đau và những sự thật của cuộc đời. Đọc và đời không tách biệt
mà cộng sinh với nhau. Và dành cho khám phá này, có, và vẫn còn, một biểu tượng
hoàn hảo: sách in.
No comments:
Post a Comment