Saturday, 18 May 2013

Một đời với sách

Bài tiểu luận 'A Life with Books' vốn được Julian Barnes viết cho Tuần lễ các nhà bán sách độc lập, sau được đưa vào làm lời tựa cho tập Through the Windows - Seventeen Essays and a Short Story.

Tôi dịch bài này cho các bạn tôi, những người mê đọc sách, mê mua sách và mê sở hữu sách.



MỘT ĐỜI VỚI SÁCH


Tôi đã sống trong sách, vì sách, do sách và cùng sách; trong những năm gần đây, tôi đủ may mắn để sống nhờ sách. Và chính là qua sách mà lần đầu tiên tôi nhận ra có những thế giới khác bên ngoài thế giới của mình; lần đầu tiên tưởng tượng ra là một người khác thì có cảm giác thế nào; lần đầu tiên chạm trán mối liên kết thân mật sâu xa tạo ra khi giọng nói của nhà văn đi vào bên trong đầu độc giả. Có lẽ tôi đã may mắn khi trong mười năm đầu đời không có sự cạnh tranh của ti vi; và rồi khi cuối cùng nhà tôi cũng có một cái thì nó bị bố mẹ tôi kiểm soát chặt chẽ. Cả hai đều là giáo viên, do vậy lòng quý trọng sách vở chữ nghĩa là đương nhiên. Chúng tôi không đi nhà thờ, nhưng chúng tôi lại đến thư viện.

Ông bà ngoại tôi cũng là giáo viên. Ông ngoại có một bộ Dickens đặt qua đường bưu điện và một bộ Bách khoa toàn thư Nelson gồm hai mươi lăm cuốn bìa đỏ khổ nhỏ. Sách của bố mẹ tôi sang hơn và phong phú hơn. Những năm sau này họ trở thành hội viên của Folio Society[1]. Hồi nhỏ tôi cứ ngỡ nhà nào cũng có sách, rằng như thế là bình thường. Cũng bình thường là việc sách được đánh giá qua độ hữu ích: để học ở trường, để cung cấp và kiểm tra thông tin, và để giải trí trong những kỳ nghỉ. Bố tôi có một bộ sưu tập sách Fourth Leaders của tạp chí Times, còn mẹ tôi có thể thưởng thức một cuốn của Nancy Mitford. Kệ sách của họ còn có những giải thưởng bọc bằng da mà bố tôi giành được tại trường hạt Ilkeston từ năm 1921 đến 1925, hầu hết là cho "Thành tựu toàn diện" hoặc "Xuất sắc toàn diện": The Pageant of English Prose, Poetical Works của Goldsmith, Dante của Cary, Last of the Barons của Lytton, The Cloister and the Hearh của Reade.

Hồi tôi còn nhỏ những tác phẩm này không làm tôi hào hứng chút nào. Chỉ khi chớm có ý thức về tính dục thì tôi mới bắt đầu nghiên cứu kệ sách của bố mẹ (cũng như tủ sách của ông ngoại và ông anh tôi). Tủ sách của ông ngoại chẳng có gì khêu gợi lắm trừ một hai cảnh trong Bhowani Junction của John Master; bố mẹ tôi thì có The Outline of Art của William Orpen trong đó có nhiều minh họa trắng đen hết sảy; nhưng anh tôi thì sở hữu một bản Satyricon của Petronius, là cuốn nóng bỏng nhất trên các kệ sách ở nhà. Người La Mã rõ là sống một cuộc đời náo nhiệt hơn so với đời sống tôi chứng kiến quanh mình ở Northwood, Midllesex. Yến tiệc, nô lệ gái, tình dục tập thể, đủ thứ. Tôi không biết là ông anh tôi có để ý thấy sau một thời gian thì một số trang trong cuốn Satyricon của mình gần như long khỏi gáy không. Thật là ngớ ngẩn vì tôi cứ ngỡ tất cả tác phẩm cổ điển của anh mình đều có nội dung phong tình tương tự. Tôi bỏ ra bao nhiêu ngày tẻ ngắt với những cuốn của Hesiod rồi mới nhận ra rằng không phải là như thế.

Con phố tấp nập ở chỗ tôi có một cửa tiệm mà chúng tôi gọi là "tiệm sách". Thực ra, đó là một cửa hàng bán đồ trang trí và văn phòng phẩm có một phòng ở dưới lầu, phân nửa diện tích dành cho sách. Một số cuốn ở đây khá oách - sách cổ điển của nhà Penguin, tiểu thuyết của Penguin và Pan. Phần nào trong tôi ngỡ rằng đây là tất cả sách có trên đời. Ý tôi là, tôi biết trong thư viện công cộng có những đầu sách khác, rồi sách dùng ở trường thì lại khác nữa, nhưng xét về một thế giới sách rộng lớn hơn thì tôi tưởng những cuốn ở đây khá là tiêu biểu. Thỉnh thoảng, chúng tôi có thể ghé thăm một tiệm sách "thực thụ" ở một khu hay thị trấn khác, thường hóa ra lại là một cửa hàng thuộc chuỗi W.H.Smith.

Nguồn sách duy nhất khác có được là nhờ giành các giải thưởng ở trường (tôi học Trường City of London, khi đó ở trên đê Victoria bên cạnh cầu Blackfriars). Những người đoạt giải được phép chọn sách cho mình, thông thường dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Nhưng dù gì thì đây là một hoạt động thu hẹp lại hơn là mở rộng ra. Bạn chỉ có thể chọn sách trong số những cuốn có trong một phòng trưng bày riêng trong một tòa nhà văn phòng ở South Bank: một nơi vừa hơi bí ẩn vừa hoàn toàn không hấp dẫn. Sau này tôi khám phá ra đó lại là một bộ phận khác của W.H.Smith. Sách ở đây tuyền là những cuốn nặng trịch, giá trị, nhưng có lẽ để trầm trồ hơn là để đọc. Giải thưởng của nhà trường thường có một giá trị nhất định, bạn được chọn một cuốn sách trong khoản đó, nó sẽ biến mất khỏi tầm nhìn của bạn, để tái xuất hiện trong Ngày trao giải của Thị trưởng, khi đó ngài Thị trưởng London, đầy đủ mũ áo trang trọng, sẽ đích thân trao nó cho bạn. Bấy giờ cuốn sách sẽ có một trang được dán vào bìa trong mô tả thành tích của bạn, trong khi bìa vải bên ngoài sẽ được dập phù hiệu trường mạ vàng. Tôi không nhớ lắm những tựa sách mà tôi đã vâng lời bố mẹ chọn. Nhưng năm 1963 khi giành giải Mortimer English tôi đã mười bảy tuổi và phải tự đến cái nhà kho nghiêm túc ấy, ở đó tôi tìm thấy (liệu có thể là hớ hênh của ai?) một cuốn Ulysses. Tôi vẫn có thể nhìn thấy vẻ mặt không tán thành của ngài Thị trưởng khi bàn tay đeo găng bảo vệ của ngài trao cho tôi cuốn tiểu thuyết có tiếng là bẩn thỉu này.

Đến lúc này, tôi đã bắt đầu nhìn sách không chỉ ở công dụng của nó: là nguồn thông tin, hướng dẫn, niềm vui sướng hay tính khêu gợi.Trước hết là có sự háo hức và ý nghĩa trong việc sở hữu. Sở hữu một cuốn sách nhất định - và chọn nó mà không cần ai giúp - là để xác định bản thân. Và sự tự xác định đó phải được bảo vệ về phương diện vật lý. Nên tôi thường bao những cuốn sách yêu thích nhất của mình (sách bìa mềm, chắc chắn như vậy, do hạn chế về tài chính) bằng ni-lông trong. Tuy nhiên, đầu tiên tôi sẽ viết tên mình - với kiểu chữ nghiêng mới luyện được, bằng mực xanh biển, gạch chân bằng mực đỏ - trên mép bìa trong. Tờ ni lông trong sau đó sẽ được cắt sao cho vừa vặn để bao bọc và bảo vệ cả chữ ký sở hữu kia nữa. Một số cuốn này - ví dụ, bản dịch các tác phẩm cổ điển Nga của David Magarshak nhà Penguin - vẫn còn trên kệ sách của tôi.

Tự xác định mình là một hình thức của điều kỳ diệu. Sau đó tôi dần dần được giới thiệu một hình thức khác: đó là điều kỳ diệu của sách cũ, đã qua sử dụng, không còn mới. Tôi nhớ một hàng Auden bản in đầu trong tủ kính một người láng giềng: một người thực sự quen biết Auden mấy chục năm về trước và thậm chí còn chơi cricket cùng với ông. Những điều này với tôi thật đáng kinh ngạc. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một nhà văn, hay quen biết ai có quen biết một nhà văn. Có thể tôi đã nghe một hai người nói trên sóng phát thanh, thấy một hai người trên ti vi trong chương trình phỏng vấn "Gặp mặt" của John Freeman. Nhưng mối liên hệ gần gũi nhất của gia đình tôi với Văn chương là sự kiện bố tôi từng học ngôn ngữ hiện đại ở Đại học Nottingham, mà Giáo sư môn đó là Ernest Weekley, vợ ông đã bỏ trốn cùng D.H. Lawrence. Ồ, và mẹ tôi từng nhìn thấy R.D.Smith, chồng của Olivia Manning, trên một sân ga ở Birmingham. Tuy nhiên ở đây lại là những bản sách thuộc sở hữu của một người quen biết với một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất nước còn sống. Hơn thế nữa, những quyển sách này chứa đựng những chữ vẫn còn vang vọng của Auden dưới cái hình thức mà lần đầu tiên nó đến với thế giới. Tôi cảm nhận được điều kỳ diệu này một cách sâu sắc, và muốn có một phần của nó. Do vậy, từ những năm sinh viên, bên cạnh việc là người sử dụng sách, tôi bắt đầu trở thành một người sưu tập sách và khám phá ra rằng chẳng phải tất cả tiệm sách đều thuộc W.H.Smith.

Trong thập kỷ kế tiếp hay đại khái vậy - từ cuối những năm sáu mươi đến cuối những năm bảy mươi - tôi trở thành một kẻ hăng say săn lùng sách, lái xe đến các thị trấn và thành phố của nước Anh trên chiếc Morris Traveller của mình, chất đầy xe những cuốn sách mua với một tốc độ vượt xa bất kỳ tốc độ đọc nào. Đây là thời mà hầu hết thị trấn cỡ vừa nào cũng đều có một tiệm sách cũ lớn, lâu đời, có thể tìm thấy được gần nhà thờ của thành phố; theo như tôi nhớ, bạn thường có thể đậu xe ngay bên ngoài bao lâu cũng được. Một trăm phần trăm tiệm sách này là tiệm sách độc lập không thuộc một chuỗi nào - đôi khi có một hàng sách mới ngay cửa trước; vào các tiệm này ngay lập tức tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà. Thoạt đầu, không khí thật khác lạ. Ở đây sách dường như được coi là quý giá và là một phần của một văn hóa tiếp diễn. Đến giờ thì có lẽ tôi ưa sách cũ hơn sách mới. Ở Mỹ những cuốn như vậy được gọi một cách khinh thị là "sách trước đây của người khác", nhưng chính sự tiếp diễn trong sở hữu này là một phần vẻ quyến rũ của chúng. Một cuốn sách giãi bày về thế giới cho một người, rồi một người khác, thế hệ này qua thế hệ khác; những bàn tay khác nhau cầm cùng một cuốn sách và rút ra được đôi chút khôn ngoan đôi khi giống nhau đôi khi khác nhau từ đó. Sách cũ phơi bày ra tuổi tác: chúng có vết ố như người già có da mồi. Mùi của chúng dễ chịu - kể cả khi hôi mùi thuốc lá và (thi thoảng) mùi xì gà. Nhiều cuốn có thể làm rơi ra những vật dậy mùi của một thời: thông báo xa xưa của nhà xuất bản và những thẻ đánh dấu sách cũ mèm- thường cho các công ty bảo hiểm hay xà bông Sunlight.

Nên tôi thường lái xe đến Salisbury, Petersfield, Aylesbury, Southport, Cheltenham, Guidford, chui vào những căn phòng ở mặt sau và những nhà kho khóa kín bất cứ khi nào có thể. Tôi kém thoải mái hơn ở những nơi tỏa mùi của những tòa nhà sang trọng, hay những nơi biết quá rõ giá trị của từng vật dụng rao bán. Tôi thích vẻ lộn xộn dân chủ của những cửa hàng mà ở đó hàng hóa được sắp xếp qua loa và có thể mặc cả. Hồi ấy, ngay cả ở những tiệm bán sách mới, cũng chưa hề có cái kiểu quay vòng nhanh dữ dội mà cách quản lý trung tâm hiện đại áp đặt. Ngày nay, thời gian trung bình trên kệ của một cuốn tiểu thuyết mới bìa cứng - cứ cho là trước hết nó có thể lên kệ - là bốn tháng. Hồi ấy, sách cứ nằm trên kệ cho đến khi có người mua, hoặc khi người ta miễn cưỡng đưa vào một đợt bán giảm giá đặc biệt, hoặc chuyển sang khu sách cũ, ở đó chúng có thể nghỉ ngơi hàng năm trời. Cuốn sách nào mà bạn chưa đủ tiền mua, hay không chắc là bạn thực sự muốn mua, thường năm sau quay lại bạn vẫn thấy còn ở đó. Những tiệm sách cũ cho thấy phán xét của hậu thế thường hóa ra là nghiêm trọng như thế nào. Charles Morgan, Hugh Walpole, Dornford Yates, Lord Lytton, Bà Henry Wood - sách của họ xếp dài hàng thước, chờ thời của mình quay lại. Nhưng rất hiếm khi.

Tôi mua sách với một khao khát mà nhìn lại tôi phải công nhận đó là một dạng quẫn: thì đấy, chứng cuồng thư (bibliomania) có phải lạ lùng gì. Mua sách đương nhiên chiếm hơn nửa thu nhập của tôi. Tôi mua ấn bản đầu của các nhà văn mà tôi ngưỡng mộ nhất: Waugh, Greene, Huxley, Durrel, Betjeman. Tôi mua ấn bản đầu của các thi sĩ thời Victoria như Tennyson và Browning (cả hai tôi đều chưa đọc) vì chúng có vẻ rẻ đáng kinh ngạc. Lằn ranh giữa sách tôi thích, sách tôi nghĩ tôi sẽ thích, sách tôi hy vọng tôi sẽ thích, và sách tôi hiện không thích nhưng nghĩ rằng một ngày nào đó trong tương lai sẽ thích gần như mờ mịt. Tôi thu thập sách King Penguins, sách của nhà Batsford về đồng quê và loạt Nước Anh qua hình ảnh do nhà Collins xuất bản trong những năm 1940 và 1950. Tôi mua các tập thơ mỏng và các bách khoa thư tiếng Pháp bìa da do Larousse ấn hành; truyện tranh và các vật lưu niệm thời Victoria; các từ điển lỗi thời và tạp chí đóng tập từ Cornhill cho tới Strand. Tôi mua một bản Sensation!, ấn bản Bỉ đầu tiên của cuốn Scoop của Waugh. Thậm chí tôi còn bịa ra một hạng mục là Sách Kỳ Cục, để biện minh cho những khoản mua lập dị như Pig-Sticking or Hog-Hunting của Sir Robert Baden-Powell, Physical Energy của Bombadier Billy Well, Guide to the Hand của Cheiro, va Tap Dancing Made Easy của "Isode". Tất cả hãy còn trên kệ sách nhà tôi, hầu như không động đến. Tôi cũng mua những cuốn mà chả có cớ gì để mua cả, kể cả vào thời điểm ấy hay sau này - ví dụ như ba tập hồi ký của Sir Anthony Eden (bản in lần đầu, còn áo, và chắc chắn là người chủ trước chưa đọc.) Có lý do nào trong việc mua cuốn đó đâu? Trường hợp của tôi còn tồi tệ hơn do sự thể tôi là, theo thuật ngữ trong ngành, một tay cầu toàn (completist). Cho nên, ví dụ, vì trót ngưỡng mộ vài vở kịch của Shaw đã xem, thế là rốt cuộc tôi mua hàng chồng tác phẩm của ông, không bỏ qua cả những tập giấy mỏng tối nghĩa bàn về ăn chay. Vì Shaw quá phổ biến, và do đó bản in tác phẩm của ông là rất nhiều, tôi không bao giờ phải mất quá nhiều tiền cho bất kỳ cuốn nào trong bộ sưu tập này. Điều này cũng có nghĩa là, ba mươi năm sau, bớt khoái kiểu cách mô phạm và óc tự ý thức của Shaw, quyết định bán sạch thì tôi chịu lỗ kha khá.

Thi thoảng, có những khám phá thật hấp dẫn. Trong nhà kho của F.Weatherhead & Son ở Aylesbury tôi tìm được một bản của hai khổ đầu bài Don Juan của Byron, in năm 1819 không ghi tên tác giả. Bản in đầu rất hiếm này, đóng gáy vải lam, làm tôi tốn hết 62.5 bảng. Tôi cũng muốn giả vờ (thỉnh thoảng tôi làm thế) rằng là nhờ kiến thức chuyên môn về thư mục Byron mà tôi phát hiện ra ấn bản này. Nhưng như thế thì phải bỏ qua cả dòng ghi chú bằng bút chì của người bán sách bên trong bìa trước ("Khổ I và II xuất hiện ở London tháng Bảy năm 1819 không có tên tác giả lẫn tên người bán trong một cuốn sách khổ bốn (quarto) mỏng"). Cái giá 62.5 bảng do đó chẳng phải là bán hớ; mà nhiều khả năng là, đó là dấu hiệu cuốn sách đã nằm trên kệ hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, tôi cũng thường xuyên mắc sai lầm. Ví dụ như, tại sao tôi lại mua của tiệm D.M. Beach ở Salisbury, cuốn Oliver Twist, bản gốc ra dưới dạng hàng tháng do Bentley's Miscellany phát hành lần đầu? Đó là một ý tưởng hay vì tình trạng của chúng hoàn hảo, hình ảnh, bìa và quảng cáo đều còn tốt. Đó là một ý tưởng tồi vì một phần (đầu hoặc cuối) bị lạc mất - lý giải tại sao giá cả của bộ là chấp nhận được. Đó là một ý tưởng lạc quan vì tôi chắc mẩm mình sẽ có thể lùng ra được phần còn thiếu một lúc nào đó trong cuộc đời sưu tầm của mình. Không cần phải nói, tôi chưa bao giờ làm được, và sự ngu ngốc ấy khiến tôi lãng tránh kệ sách của mình trong nhiều năm.

Rồi có những thời khắc khi tôi nhận ra thế giới của sách và sưu tầm sách không hoàn toàn giống như tôi tưởng tượng. Trong khi không xa lạ gì với những trường hợp giả mạo sách nổi tiếng, tôi luôn luôn tưởng rằng nhà sưu tập toàn là những người trung thực và ngay thẳng (tôi cũng từng nghĩ tương tự về những người làm vườn.) Rồi, một ngày nọ, tôi đến tiệm Lilies ở Weedon, Bucks - đó một cuộc gặp có lịch hẹn trước - một tòa lâu đài kiểu Victoria ba mươi lăm phòng đầy nghẹt sách khiến một chuyến ghé thăm cũng mất gần trọn một ngày. Trong khu vực ấn bản đầu tôi tìm thấy một cuốn sách mà tôi đã đeo đuổi hàng năm trời: Vile Bodies của Evelyn Waugh. Nó thiếu áo (chuyện bình thường, vì trước đây ít người mua tác phẩm của Waugh lại không ném áo đi), nhưng tình trạng nguyên vẹn. Giá thấp đến đáng kinh ngạc. Rồi tôi đọc thấy một ghi chú nhỏ bằng bút chì giải thích lý do. Đó là chữ viết kèm chữ ký của Roger Senhouse, chủ nhà xuất bản ở Bloomsburyite, tình nhân cuối cùng của Lytton Strachley. Tôi nhớ dòng chữ đó viết thế này: "Bản in lần hai này được để lại trên kệ của tôi thế vào chỗ bản in lần đầu của tôi". Tôi cực kỳ choáng váng. Rõ ràng, đó không phải là hành động bộc phát. Thủ phạm hẳn đã đến nhà Senhouse cùng bản sách của mình giấu trong người - tôi đoán người này là đàn ông chứ không phải phụ nữ - và rồi xoay xở đánh tráo khi không có ai trong phòng. Đó có thể là ai? Liệu có bao giờ tôi bị cuốn hút vào làm một việc như thế không? (Có, về sau tôi có bị cuốn hút, thế đấy). Và liệu ai đó có thể làm như vậy với tôi và bộ sưu tập của tôi? (Tới giờ thì tôi chưa thấy.)

Gần đây, tôi nghe được một dị bản của câu chuyện này, từ một góc độ khác. Một độc giả gửi cho một tác giả còn sống khá nổi tiếng một bản của một tiểu thuyết thời kỳ đầu của ông ấy (một cuốn mà số phát hành là dưới một nghìn bản), xin chữ ký và kèm cước gửi lại. Sau một thời gian, vị độc giả ấy nhận được một bưu kiện , trong đó có cuốn tiểu thuyết tác giả ký đàng hoàng - ngoại trừ việc ông ta đã giữ lại bản in đầu quý giá và thay vào đó bản in lần thứ hai.

Hồi đó, săn sách thường phải đi rất xa, tích lũy chậm chạp và thường bực dọc; tác dụng phụ là khuynh hướng khi không tìm được thứ bạn cần, bạn sẽ mua tá lả cả đống để chứng tỏ rằng chuyến đi của bạn không lãng phí. Cách thức tích góp này bây giờ không thể làm được nữa, không còn có ý nghĩa nữa. Tất cả cửa tiệm lâu đời, bề bộn, vị trí tuyệt đẹp ấy đã biến mất. Cuốn The Book Browser's Guide to Secondhand và Antiquarian Bookshops của Roy Harly Lewis (ấn bản lần thứ hai, 1982) viết về tiệm D.M. Beach ở Salisbury: "Có một số tiệm sách nằm ở các địa điểm giá trị đến nỗi chủ nhân có thể kiếm được một khoản kha khá bằng cách bán đi rồi làm việc ở nhà... Trong khi giá bất động sản ở Wiltshire không thể đọ nổi với (giả dụ) London, vị trí góc tuyệt vời này trên High Street là một khoản tiền khổng lồ cho bất kỳ tiệm sách nào." Tiệm Beach đóng cửa năm 1999; tiệm Weatherhead (tiệm này có túi giấy in riêng) năm 1998. Tiệm Lilies - vốn có đầy các mẫu vật lạc loài như khuôn thạch cao mặt của John Cowper Powy và 'cái đồng hồ thuộc về những người lắp động cơ cho chiếc tàu nơi Shelley chết đuối' - không còn nữa. Càng lớn, bán càng nhiều thứ, càng dễ bị tổn thương, dường như ấy là quy luật.

Với Internet, công cuộc sưu tầm đã thay đổi hoàn toàn. Tôi đã mất hơn chục năm mới tìm được bản in đầu của Vile Bodies với giá 25 bảng. Ngày nay, chỉ cần 30 giây trên abebooks.com hai tá bản in đầu tình trạng và giá cả khác nhau sẽ hiện ra (bản đắt nhất, với áo hiếm nhất, có giá từ 15.000 đến 28.000 bảng.) Khi tiểu thuyết gia người Anh tuyệt diệu Penelope Fitzgerald mất, để tưởng niệm bà tôi quyết định mua các bản in đầu (có áo) bốn tiểu thuyết cuối cùng của bà - bốn cuốn làm nên sự vĩ đại của bà. Việc này tất tần tật còn tốn ít thời gian hơn so với việc ngày nay tìm chỗ đậu xe ở nơi tiệm Beach từng tồn tại. Và mặc dù tôi có thể huyên thuyên về sự Lãng mạn và Khả năng cầu may của Khám phá - và đúng là có sự lãng mạn - cách mua bán cũ không tiết kiệm cả về thời gian lẫn tiền bạc.

Tôi bớt là người sưu tầm sách (hay, có lẽ, kẻ sùng bái sách) sau khi in cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Có lẽ, ở một tầng ý thức ngầm nào đó, tôi quyết định rằng vì bây giờ mình đã sản xuất ra những bản in đầu của chính mình, mình ít cần của người khác hơn. Thậm chí tôi còn bắt đầu bán sách, điều mà có thời là chuyện không tưởng tượng nổi. Nhưng việc này không làm giảm tốc độ tích lũy sách của tôi: tôi vẫn mua sách nhanh hơn mức tôi có thể đọc. Nhưng một lần nữa, điều này có cảm giác hoàn toàn bình thường: thật là kỳ cục chừng nào nếu xung quanh bạn chỉ có đủ sách để bạn đọc trong phần còn lại của cuộc đời . Và tôi vẫn gắn bó sâu sắc với những cuốn sách in và tiệm sách thực thụ. Áp lực hiện tại lên cả hai là to lớn. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của tôi giá 12.99 bảng trong một tiệm sách, mua trên mạng khoảng nửa giá đó (kể cả cước), và phiên bản Kindle chỉ có 4.79 bảng. Có vẻ không có câu trả lời về mặt kinh tế học. Tuy vậy, may thay kinh tế học chưa bao giờ hoàn toàn kiểm soát cả hành vi đọc lẫn hành vi mua sách. John Updike, gần cuối đời, đã trở nên rất bi quan về tương lai của sách in:

Vì còn ai, trong tương lai không tưởng tượng nổi ấy
Khi tôi chết, sẽ đọc? Trang giấy in
Chỉ là sự kỳ lạ ngắn ngủi của một nửa thiên niên kỷ...

Tôi lạc quan hơn, cả về việc đọc lẫn về sách. Sẽ luôn luôn có những người không đọc sách, những độc giả tồi, những độc giả lười biếng - họ luôn luôn tồn tại. Đọc là một kỹ năng đa số nhưng là một nghệ thuật thiểu số. Tuy nhiên không gì có thể thay thế mối tương thông chính xác, phức tạp, tinh tế giữa tác giả vắng mặt và độc giả có mặt và bị mê hoặc. Tôi cũng không nghĩ là công cụ đọc sách điện tử sẽ hoàn toàn thay thế sách giấy - ngay cả khi nó chiếm ưu thế về số lượng. Trên tay bạn mỗi cuốn sách có cảm giác và trông khác nhau; mỗi lượt tải về cho Kindle có cảm giác và trông hoàn toàn như nhau (mặc dù có lẽ công cụ đọc sách điện tử một ngày nào đó sẽ có chức năng mùi, bạn có thể bấm vào đó và cuốn tiểu thuyết Dickens bản điện tử của bạn đột nhiên tỏa mùi giấy ẩm ướt, mùi vết ố và mùi nicotine). Sách phải cố chứng minh sự tồn tại của mình - tiệm sách cũng vậy. Sách phải trở thành một cái gì đó khiến người ta khao khát hơn, thèm muốn hơn: không phải là hàng xa xỉ, nhưng phải được thiết kế đẹp, hấp dẫn, làm cho ta muốn cầm nó lên, giữ chúng, nghĩ về việc đọc đi đọc lại chúng, và nhiều năm về sau nhớ lại rằng đây chính là ấn bản mà ta lần đầu tiên chạm mặt những gì chứa đựng bên trong. Tôi không có thành kiến với công nghệ mới; chỉ có điều sách trông như thể chứa đựng kiến thức, trong khi công cụ đọc sách điện tử trông như thể chứa đựng thông tin. Các giải thưởng ở trường của cha tôi ngày nay vẫn còn trên kệ, chín chục năm sau khi ông đoạt giải. Tôi thà đọc thơ của Goldsmith dưới dạng này hơn là đọc trên mạng.

Nhà văn và con người đam mê nghệ thuật người Mỹ Logan Pearsall Smith từng nói: "Một số người nghĩ rằng đời là quan trọng, nhưng tôi thích đọc hơn." Lần đầu đọc thấy câu này, tôi nghĩ đó là một câu nói khôn ngoan; bây giờ thì tôi thấy câu đó - cũng như nhiều câu cách ngôn khác - là sai và cạn. Đời và đọc không phải là những hoạt động riêng rẽ. Sự phân biệt là giả tạo (cũng giống như khi Yeat tưởng tượng ra sự lựa chọn của nhà văn giữa "hoàn thiện cuộc đời hay tác phẩm"). Khi bạn đọc một cuốn sách lớn, bạn không thoát khỏi cuộc đời, trái lại bạn càng cắm sâu hơn vào đó. Có thể có một cuộc đào thoát hời hợt - sang những đất nước, tục lệ, cách nói khác - nhưng việc bạn làm về căn bản là nâng tầm hiểu biết của bạn về những tinh tế, các nghịch lý, niềm vui, nỗi đau và những sự thật của cuộc đời. Đọc và đời không tách biệt mà cộng sinh với nhau. Và dành cho khám phá này, có, và vẫn còn, một biểu tượng hoàn hảo: sách in.

 Julian Barnes








[1] Folio Society: Nhà xuất bản chuyên in sách chất lượng cao, thật đẹp.

Tuesday, 14 May 2013

Góp thêm một vài ý kiến về việc đọc

Nhờ đọc Mr. Tin Văn mà biết được tập tiểu luận của Barnes, sau đó nhờ giang hồ mà ngay lập tức có sách để đọc. Lời tựa của cuốn này, A Life with Books, đối với dân ghiền đọc sách và ghiền mua sách, đọc hẳn nhiên là sướng, vì thấy thằng cha này giống mình quá. Cái thể loại ấy, thể loại ghiền đọc và ghiền mua sách, có nhiều điểm giống nhau, vì thế kể lể một hồi sẽ ra những chuyện giống nhau.

Alberto Manguel, người từng đọc sách cho Borges nghe, là một tay ghiền sách thứ thiệt. Trong A History of Reading, Manguel kể chuyện thời dậy thì, ông mò mẫm trong bách khoa toàn thư các mục từ liên quan đến sex như masturbation, penis, vagina, prostitution.v.v. Rồi khi cha ông bất ngờ bước vào phòng thì ông giật mình vì tưởng cha biết mình đọc gì. Nhưng khi phát hiện rằng cha chẳng biết mình mò mẫm gì trong bộ bách khoa toàn thư ấy, ông rất sướng. Ông kể mình đã tiếp tục hoàn thiện việc giáo dục giới tính bằng cách đọc tiểu thuyết, trong số đó có The Conformist của Alberto Moravia và, đoán xem, Lolita của Nabokov!


Julian Barnes cũng thế, mò được cuốn sách của ông anh, Satyricon của Petronius, thấy nhiều hình mình họa rất nóng thì khoái quá, tưởng mấy cuốn cổ điển La Mã khác cũng thế, sau mất mấy ngày vọc Hesiod mà chẳng tìm được gì mới sáng ra.


Phần kế tiếp sẽ rất hấp dẫn, vì tôi sắp sửa tự thú những cuốn sách nào là thầy giáo dục giới tính cho tôi:)  Đầu tiên là Timur và đồng đội, vì có cảnh Timur hôn lên má một cô bạn gái. Hồi lớp tám có thích một cô bạn kia, thế là đem cuốn này cho mượn, cốt để cho cô ấy đọc được đoạn đó. Sau đó là, nặng đô hơn nhiều, Người tình của Chatterley phu nhân, và Ngôi nhà của những hồn ma của Isabel Allende! Sau này thì đọc được một cuốn non-fiction quên tựa bằng tiếng Anh, đâm ra  cả từ vựng về lĩnh vực này cũng trở nên "hoàn toàn". :)


“Books are finite, sexual encounters are finite, but the desire to read and to fuck is infinite; it surpasses our own deaths, our fears, our hopes for peace.” ― Roberto Bolaño


+ Cập nhật về tình hình bầu chọn tác phẩm văn xuôi Việt.


Saturday, 11 May 2013

Umberto Eco nói về dịch thuật

Trích dịch một phần lời giới thiệu và chương "Translating from culture to culture" trong cuốn Experiences in Translation (Kinh nghiệm dịch thuật) của nhà văn, học giả Umberto Eco từ bản dịch tiếng Anh của Alastair McEwen, University of Toronto Press, 2009


Mọi lý thuyết có lý và nghiêm ngặt về ngôn ngữ đều cho thấy một bản dịch hoàn hảo là một giấc mơ bất khả. Bất chấp điều này, người ta vẫn dịch. Giống như nghịch lý về chàng Achilles và con rùa. Về mặt lý thuyết, Achilles sẽ không bao giờ đuổi kịp con rùa. Nhưng trong thực tế, chàng bắt kịp. Không có cách tiếp cận triết học nghiêm ngặt nào đối với nghịch lý ấy có thể đánh giá thấp thực tế là, không chỉ Achilles, mà bất cứ ai trong chúng ta, cũng có thể giành phần thắng trước một con rùa ở Thế vận hội.

Người ta dịch trong các hội nghị kinh doanh và trong các phiên họp của Liên hiệp quốc, và, mặc dù nhiều hiểu lầm có thể phát sinh, những con người nói những ngôn ngữ khác nhau có thể đồng ý với nhau về thực tế rằng, ví dụ như, giày nhãn hiệu X rẻ hơn giày nhãn hiệu Y, hoặc Nga không tán thành quyết định ném bom Serbia. Đa số giáo dân Thiên Chúa đọc Phúc Âm qua bản dịch (mỗi nước một ngôn ngữ khác nhau), nhưng tất cả đều tin rằng chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập tự giá và thánh Giăng Báp-tít bị chặt đầu chứ không phải ngược lại.

Các lý thuyết ngôn ngữ cho rằng không văn bản nào đơn nghĩa, nhưng khi hai hoặc hơn hai biên tập viên của một nhà xuất bản kiểm tra bản dịch của một cuốn tiểu thuyết (hoặc một bài tiểu luận) có những trường hợp mà tất cả họ thống nhất rằng dịch giả phải bị cho nghỉ bởi vì bản dịch của người ấy là không chấp nhận được. Lần nọ, khi biên tập bản dịch tiếng Ý của một tiểu luận viết bằng Anh ngữ, tôi đọc được rằng, trong một quá trình thí nghiệm, "l'ape riuscì a prendere la banana posta fuori dalla sua gabbia aiutandosi con un bastone,", nghĩa là, "con ong dùng vòi để với lấy một quả chuối đặt bên ngoài lồng". Chưa cần kiểm tra bản gốc, tôi đã chắc chắn rằng người dịch đã sai: chắc chắn rằng bản gốc tiếng Anh nói về một ape và - vì chữ ape trong tiếng Ý nghĩa là "con ong" - người dịch nghĩ rằng ape cũng có có nghĩa là "con ong" trong tiếng Anh. Do vậy, cách trước nhất để phân biệt một bản dịch tốt với một bản dịch tồi là cách vẫn được sử dụng bởi các biên tập viên bình thường trong các nhà xuất bản bình thường trong các trường hợp thông thường – dịch thơ thì khác, ấy là các trường hợp bất thường.

Dịch luôn luôn là sự chuyển đổi, không phải giữa hai ngôn ngữ, mà giữa hai nền văn hóa.

Dịch giả phải tính đến không chỉ các quy tắc ngôn ngữ học thuần túy mà, nói rộng ra, là cả các quy tắc văn hóa. Các từ cà phê, café, và caffé có thể coi là các từ đồng nghĩa khi chúng chỉ một loại thực vật nhất định. Tuy vậy, các câu "donnez-moi un café," "cho tôi một cốc cà phê," và "mi dia un caffé" (chắc chắn tương đương nhau về mặt nghĩa, đồng thời là ví dụ tốt về các câu khác nhau chuyển tải cùng một nội dung, và là bản dịch tốt nghĩa đen của nhau) lại không tương đương nhau về mặt văn hóa.

Phát ngôn ở các nước khác nhau, chúng tạo ra những hiệu ứng khác nhau và chúng được dùng để chỉ các thói quen khác nhau. Chúng mang đến những câu chuyện khác nhau. Hãy xem hai câu sau, một câu trong một tiểu thuyết Ý, một câu trong một tiểu thuyết Mỹ: "Tôi gọi một cốc cà phê, uống cạn trong vòng một giây rồi ra khỏi quán;" và " Anh ngồi nửa giờ với chiếc cốc trên tay, nhấp cà phê và nghĩ về Mary." Câu đầu chỉ có thể nói tới một cốc cà phê Ý và một quán Ý, bởi vì không thể uống cạn một cốc cà phê Mỹ trong vòng một giây bởi cả dung lượng lẫn nhiệt độ của nó. Câu thứ hai không thể nói tới một đối tượng Ý (ít ra là với một người bình thường uống một tách expresso bình thường) bởi vì nó tiền giả định một cái cốc lớn đựng dường như cả lít cà phê.

Dù sao đi nữa, đây là một trường hợp mà dịch giả có thể hy vọng rằng thậm chí một bản dịch nghĩa đen cũng đủ để một độc giả nước ngoài hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng có những trường hợp ngoắt nghéo hơn. Thoạt nhìn có vẻ dịch oui, monsieur thành Yes, sir, hay sì, signoire là một công việc khá đơn giản. Tuy nhiên nếu dịch một tiểu thuyết Pháp thế kỷ mười chín, liệu chúng ta có dùng sir, hay (signore) mỗi khi bản gốc dùng monsieur? Những người Pháp lịch sự vẫn gọi là tài xế tắc xi là Monsieur, tuy nhiên có vẻ lại là quá lố nếu dùng Sir trong tình huống tương tự, ví dụ, ở New York. Chữ Sir phải được giữ lại khi bản gốc định biểu hiện một quan hệ rất trịnh trọng, giữa hai người lạ, hay giữa cấp dưới và cấp trên, nhưng trong các tình huống thân mật hơn thì dùng Sir có vẻ không thích hợp (nếu không nói là có tính châm biếm). Nói tới một người đi ngang qua, ở New York người ta sẽ nói là that guy, trong khi ở Paris người ta sẽ nói là ce monsieur là (ce mec là thì đã là bỗ bã rồi). Ở Paris hai người hàng xóm cùng bước vào thang máy có thể chào nhau bonjour, monsieur, trong khi trong tiếng Ý câu buongiorno, signore sẽ tạo ra một không khí quá mức trịnh trọng.

Chúng ta có thể nói rằng, vậy thì khi dịch một tiểu thuyết Pháp thế kỷ mười chín, dịch giả Ý nên bỏ tất cả các chữ monsieur xuất hiện trong bản gốc. Tuy nhiên nếu ví dụ ta dịch Bá tước Monte Cristo của Dumas, thì sự hiện diện của những chữ monsieur đó không chỉ mang đến cho câu chuyện không khí của thế kỷ mười chín, mà còn thể hiện các chiến lược đối thoại mang tính quy ước rất thiết yếu nếu độc giả hiểu được các mối quan hệ giữa các nhân vật. Điều này có nghĩa rằng chữ monsieur trong tiếng Pháp không chỉ là một từ vựng mà còn là một hình thức vận động thực tế, ràng buộc với các phong tục của một xã hội. Nếu bản dịch muốn chuyển tải cảm giác của những sự kiện diễn ra vào thời của Bá tước Monte Cristo, có lẽ cần thiết phải dịch tất cả, hoặc gần như tất cả, những chữ monsieur ấy.

Trong các chương đầu của Chiến tranh và hòa bình của Tostoy (viết bằng tiếng Nga), các nhân vật (quý tộc Nga) nói chuyện với nhau khá nhiều bằng tiếng Pháp, như thể đó là ngôn ngữ bình thường của họ. Vì tiếng Pháp là ngoại ngữ đối với độc giả Nga, nó cũng nên là như thế đối với độc giả các ngôn ngữ khác, và mọi bản dịch nên để các câu đó bằng tiếng Pháp. Rõ ràng ý định của văn bản cuốn sách là để cho thấy với giới quý tộc Nga thời đó trò chuyện bằng tiếng Pháp là thời thượng, mặc dù đó là ngôn ngữ của Napoleon, kẻ thù của đất nước họ. Phần còn lại của cuốn sách (trong bản gốc cũng như mọi bản dịch) thông tin cho độc giả về tình hình lịch sử, và làm rõ rằng các câu tiếng Pháp chỉ là các chỉ dấu của trò chuyện lịch thiệp. Một ví dụ, có một lúc Anna Pavlovna nhận xét rằng Công tước Vaxili không biết quý giá trị các con mình và cũng chẳng xứng đáng với họ. Công tước Vaxili bình luận bằng tiếng Pháp: "Lavater aurait dit que je n'ai pas la bosse de la paternité." Anna Pavlovna đáp lại:" Thôi đừng đùa nữa. Tôi đang nói chuyện đứng đắn kia mà." Như vậy văn bản ở đây thể hiện rõ ràng rằng điều mà Công tước Vaxili nói bằng tiếng Pháp không có ý nghĩa mấy, và ngay cả một người đọc không hiểu một chữ tiếng Pháp nào cũng có thể đoán được chuyện gì đang xảy ra.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Độc giả Mẫu mực của những trang này (trong mọi bản dịch) ít nhất phải nhận ra rằng những câu tiếng Pháp này được viết bằng tiếng Pháp (mà không phải là, ví dụ, tiếng Swahili). Nếu cùng một mẩu đối thoại như vậy xuất hiện ở đầu một bản dịch tiếng Hoa bằng những chữ cái Latinh kỳ quặc, hoặc, tệ hơn, bằng ký tự tiếng Hoa, thì độc giả ở Bắc Kinh hiểu gì? Tôi không băn khoăn về việc họ có thể hiểu gì về mặt ngữ nghĩa, nhưng không biết liệu họ có thể nhận ra những nhân vật này nói chuyện bằng tiếng Pháp vì cái kiểu cách trưởng giả hay không. Tôi không biết nếu trong một bản dịch tiếng Hoa, để chuyển tải khía cạnh trưởng giả của các mẩu đối thoại, người ta phải thể hiện nó bằng, cách đây ba mươi năm, tiếng Nga, hay ngày nay, tiếng Anh. Nhưng thể nào đi nữa nó sẽ rõ ràng phản bội một trong những mục đích chính của cuốn tiểu thuyết, tức là, kể một câu chuyện về việc Pháp xâm lược Nga.

Bây giờ ta hãy xem xét một vấn đề hứng thú hơn. Làm thế nào để dịch những chương đầu của Chiến tranh và hòa bình sang tiếng Pháp? Chỉ có hai giải pháp: hoặc (i) giữ nguyên các đối thoại bằng tiếng Pháp mà không cung cấp thông tin gì thêm, hoặc (ii) chú thích rằng "tiếng Pháp trong nguyên bản". Tôi nghĩ rằng - bỏ qua giải pháp (i) và chỉ xem xét giải pháp (ii) - có sự khác biệt giữa cảm giác của một độc giả đối diện với một mẩu hội thoại trong một ngôn ngữ không giống như ngôn ngữ của phần còn lại của cuốn tiểu thuyết, và cảm giác của một độc giả khác không cảm nhận được (bằng thính giác hay thị giác) sự khác biệt đó và nhiều nhất là chỉ nhận được những thông tin bên lề rằng có điều gì đó kỳ quặc trong bản gốc tiếng Nga.





Tuesday, 7 May 2013

Cuộc đời và thời đại của Michael K - J.M Coetzee

(Một vài ghi chép trong khi đọc và sau khi đọc)


Michael K (trong Cuộc đời và thời đại của Michael K) nhất định là người rất có "gu". Gu của Michaeal là trồng cây, làm vườn và nằm ngửa trên bãi cỏ nhìn bầu trời sao. Tuy vậy ai có phá vườn của anh thì anh cũng không lấy làm giận dữ. Anh chỉ tập trung vào công việc của mình thôi.

À, ngoài ra đọc cuốn này thì biết triết lý của Ngô Bảo Châu, "sống là không để lại dấu vết" cũng giống triết lý của Michael K :"Con người ta phải sống sao để không vương lại dấu vết gì." :))

Với tôi, một cuốn sách hay là một cuốn sách nhiều gợi mở. Cuộc đời và thời đại của Michael K đích xác là một cuốn sách như thế. Gạt qua chủ đề số phận con người trong chiến tranh mà ta có thể dễ dàng tìm thấy trong nhiều cuốn sách khác, với cuốn sách này Coetzee đã tạo ra một nhân vật CON NGƯỜI phản chiến huy hoàng nhất theo một cách ít ai ngờ tới nhất. Nói như viên bác sĩ chữa bệnh cho Michael, Michael là một con người quý giá, một con người cuối cùng thuộc loại người của anh, một sinh vật bị bỏ lại từ thời tiền sử. Anh có một hệ quy chiếu của riêng anh. Do đó, sẽ vô ích nếu cố gắng hiểu anh theo cách của đại đa số loài người.

Nói một cách bông phèng thì trong một chừng mực nào đó thì Michael rất giống Danny và các bạn trong Thị trấn Tortilla Flat của John Steinbeck. Michael không quan tâm đến tiền bạc, của cải: tất cả những gì anh cần là một ít hạt giống. Còn Danny và các bạn cũng không quan tâm đến tiền bạc, họ chỉ quan tâm đến rượu và đàn bà. Phần lớn chúng ta thì vừa quan tâm đến rượu và đàn bà vừa quan tâm đến tiền:). Michael K mới đích thực là người làm vườn vĩ đại.

Tôi đang cố gắng miêu tả chính xác cảm giác của mình: cuốn sách này ngấm vào tôi như nước ngấm vào đất. Và với cuốn sách này, tôi chắc chắn thêm rằng Coetzee là một trong những nhà văn yêu thích nhất của mình

Monday, 6 May 2013

Giới thiệu trang Goodreads và Hội thích đọc sách

Goodreads là trang mạng xã hội dành cho người đọc sách. Tôi mới tham gia mạng này gần đây.

Hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của một học sinh cấp 3 qua mạng này, trao đổi với tôi một số điều em ấy muốn làm trên Goodreads. Em có nhờ tôi viết một entry giới thiệu mạng này và "Hội thích đọc sách"  (http://www.goodreads.com/group/show/103098-h-i-th-ch-c-s-ch) do em lập ra. Xét thấy những điều em viết trong tin nhắn tự nó đã đủ, tôi chia sẻ những trao đổi ấy ở đây, tất nhiên đã cắt đi những đoạn mang tính chất cá nhân.


Tin nhắn 1:

Em chào anh T. ạ.

Em thưa anh, em tên là [ ..] đang học cấp 3 tại Hà Nội. Hôm qua em có lập một Group ở trên Goodreads với một hy vọng giúp những người yêu sách ở Việt Nam sẽ biết đến Goodreads nhiều hơn vì thực sự em thấy rằng trang mạng xã hội này sẽ rất tuyệt vời cho các bạn trẻ để các bạn có niềm yêu thích sách và gắn bó với sách hơn. Bản thân em cũng là một người rất yêu thích sách và cũng hay đọc các blog viết về sách [...].

Em biết là người Việt Nam không nhiều người biết về Goodreads, hay thậm chí có những người biết về nó nhưng không biết dùng. Em cũng may mắn được đi các nước và em thấy rằng các bạn trẻ tầm cấp 3 trở lên ở Châu Âu thường đọc những tác giả rất hay mà em thấy các bạn ở VN thường không tiếp xúc mấy như là Marquez, Kapuscinski hay Steinbeck... . Đa số các bạn mà em biết ở tuổi em thì thường đọc những truyện ngôn tình, thực sự thì em không phủ nhận việc đọc loại sách đấy nhưng theo ý kiến chủ quan thì em nghĩ nó chỉ làm thoả mãn tâm lý thôi chứ rất it có giá trị về mặt nhân văn.

Em viết thư này xin anh có thể định hướng Group này để cho các bạn trẻ được tiếp cận với những sách có giá trị về văn học, cuộc sống và có thể tận hưởng một tác phẩm văn học một cách trọn vẹn nhất có thể. Em biết mình còn kém hiểu biết nên không thể định hướng giúp các bạn, nhưng nếu có anh có thể tham gia và recommend cho các bạn, viết những cảm nhận của anh về những cuốn sách mà anh thấy hay hoặc thấy bổ ích cho giới trẻ thì em tin là các bạn sẽ rất thích. 

Em sẽ cố gắng mở rộng group và invite nhiều bạn hơn đến với Group nói riêng và Goodreads nói chung. Vì em nghĩ rằng mình có thể làm được điều này vì em là thành viên của rất nhiều CLB đọc sách trên Hà Nội cũng như là admin của readandlife (hội thích đọc sách) trên Facebook.

Em rất mong anh sẽ ủng hộ em :D Em cám ơn anh rất nhiều ạ.






Tin nhắn 2:


Dạ vâng ạ, em rất cám ơn anh đã nhận lời giúp em. Em biết là bây giờ Group hiện tại chỉ có rất ít thành viên và em đang cố gắng hết sức có thể để các bạn biết nhiều hơn về Goodreads cũng như Group mình.

Ngoài ra em sẽ tiếp cận và mời các chú cũng khá ảnh hưởng đến giới đọc sách mà em quen được như là chú Nguyễn Cảnh Bình, thầy Nguyễn Manh Hùng, anh Trương Quý, chú Nguyễn Quang Thạch để tham gia và giới thiệu sách cho các bạn. [...] Giờ đây trên nhà sách nhan nhản những loại sách kỹ năng hay dạy làm giàu, nhưng em nghĩ những thứ đó chỉ đơn thuần là lý thuyết, nhiều lúc em nghĩ nó có thể làm cản trở các bạn trẻ vì có lẽ nếu đọc quá nhiều những thể loại đó thì sẽ chỉ giỏi nói chứ không hề biết thực hành là gì. 

Thế nên em rất mong anh sẽ giúp các bạn ở trong group được tiếp cận với những tác gia có giá trị, có hiểu biết và những quyển sách đấy phải đòi hỏi đọc chậm, suy nghĩ. Ví dụ như Nguyễn Nhật Ánh viết truyện cho trẻ con nhưng nếu mà nếu để hiểu hết những ẩn ý, sự điêu luyện ngôn ngữ của ông thì độc giả phải đọc rất chậm và suy nghĩ kỹ thì mới có thể thẩm thấu nó một cách trọn vẹn được. Tuy nhiên các học sinh cấp 3 của mình đọc xong nhưng chỉ nhận xét được mỗi một từ hay nhưng k giải thích được nó hay ở chỗ nào thì thực sự hơi buồn ạ.

Ngoài ra có 2 điều em muốn nhờ anh ạ. 

1. Anh có thể invite các friends của anh ở trong Goodreads để mọi người biết nhiều về Group hơn không ạ? 

2. Mỗi entry của anh ở trên blog đều có rất nhiều người theo dõi nên em mong anh có thể làm một cái entry nói về trang web này, theo em khám phá được thì những cái hay của Goodreads có 8 điểm sau ạ: (em nghĩ nếu anh viết những lợi ích này vào thì sẽ có rất nhiều bạn thích và tham gia). 

_ Goodreads không chỉ cập nhật mỗi sách tiếng anh mà các sách tiếng việt cũng luôn được cập nhật rất nhanh.
_ Ai có thể mời các tác giả và dịch giả nói chuyện trực tuyến, hay độc giả có thể đưa ra hàng loạt câu hỏi để tác giả trả lời, tạo thành một cái bài báo interview.
_ Tự tạo ra các list sách yêu thích của mình cũng như tham khảo list sách của người khác, 
_ Mọi người có thể so sánh các cuốn sách mình đọc với người khác để xem cảm nhận của mọi người về cuốn sách mình đọc như thế nào.
_ Mỗi khi đọc một quyển sách và tìm được một câu nói nào hay, mình có thể up lên Goodreads để theo dõi.
_ Mình có thể đặt mục tiêu đọc bao nhiêu cuốn sách trong năm nay và theo dõi mục tiêu đọc sách của mỗi người
_ Mình có thể search quotes của những tác giả nổi tiếng trong những cuốn sách của họ.
_ Goodreads có thể dựa vào những cuốn sách mình đã đọc để chọn lọc và suggest những cuốn sách dựa theo những thể loại, tác giả mà mình thích.

Một phần em rất mong muốn group sẽ hoạt động tốt vì như các page trên FB về sách thì chỉ đơn thuần là giới thiệu sách nên nó khá là nông và không thể có nhiều hoạt động hay như trong Goodreads được.

Em biết là những ý kiến và ý tưởng của em còn rất chủ quan. Nếu có thể anh góp ý cho em với ạ. Em cám ơn anh nhiều :D



Thursday, 2 May 2013

Chuyện trong thang máy (không phải ở nông trại) :)

Chuyện chứng kiến trong thang máy sáng nay:

Thang máy mở, một cậu bé khoảng 9, 10 tuổi mặt phụng phịu bước vào cùng mẹ. Mẹ cậu đang hí hoáy điện thoại, nhưng hình như 
vẫn  đang tiếp tục cuộc trò chuyện từ trước lúc bước vào thang máy.

Mẹ: Bạn thì phải rủ nhau học hành chứ, lúc nào cũng bạn bạn
Con: Nhưng mẹ cũng bạn đấy thôi, mẹ nói chuyện với bác Long suốt
Mẹ: Nhưng đấy là làm ăn.... Bạn bè thì phải khuyên nhau học hành chứ không phải để chơi.
Con: Bác Long có làm ăn chung với mẹ đâu.
Mẹ: Sao lại không? Á, cái thằng này. Cứ cãi nhem nhẻm thế à. 

(Xán lại, tát bép bép vào mặt con).

Chỉ cần 10 giây trong thang máy, bà mẹ đã thể hiện rõ những đặc điểm của một thể chế độc tài toàn trị: thích áp đặt, không thích phản biện, và sẵn sàng đàn áp bất đồng chính kiến:)

Bánh mì kẹp và Ocean Vương