Friday, 4 April 2025

Những tiệm sách nhỏ

Nhiều năm trước, khi bắt đầu blog này, tôi hay than phiền biết lấy đâu ra những tiệm sách mà người bán sách có đọc sách. Ngày ấy, các hiệu sách chủ yếu bán kèm nước tương, dầu gội đầu, thú bông, nồi cơm điện và văn phòng phẩm. Sách thì có một ít và xếp lộn tùng phèo, một cuốn như Bữa sáng ở Tiffany's rất dễ được xếp vào kệ sách Nấu ăn.

Giờ thì khác nhiều rồi. Có những người từ chỗ đọc sách, mê sách đã đứng ra mở tiệm sách. Can đảm hơn, có những bạn hoàn toàn chuyên bán sách ngoại văn, và không hề là những cuốn trinh thám, young adult hay best seller mà là những cuốn triết và văn học rất chọn lọc, rất có gu. Tôi biết ít nhất có hai nơi như thế: một là Sleepy Cat ở Hà Nội và hai là Tiệm sách Quýt ở Sài Gòn. Cả hai chủ tiệm thỉnh thoảng dịch những đoạn ngắn hay review ngắn rất ấn tượng. Bạn chủ Tiệm sách Quýt có hôm còn match những cuốn sách bạn yêu thích nhất với các bản nhạc cổ điển. Bạn tạo cảm hứng cho tôi mua và đọc lại The Blind Owl, tức Con cú mù. Nhiều năm trước, tôi đọc Con cú mù chắc đang trong lúc mệt mỏi thế nào ấy, toàn ngáp. Nhưng lần đọc lại này thì tôi thấy mình đã chạm vào được một kiệt tác.

Sự tồn tại của những tiệm sách nhỏ này cho thấy rõ ràng có một lớp độc giả rất chăm chú đọc tinh hoa hay những tác phẩm mới nhất trên thế giới từ bản gốc hoặc ít nhất qua tiếng Anh hay Pháp. Họ đọc thật sự, vì sách ba, bốn trăm ngàn một cuốn thì mua về chỉ có đọc thôi, chứ có phải sách giảm giá 50-70% đâu mà kéo về cho chật nhà. Tôi chỉ băn khoăn không biết các tiệm sách nhỏ này "sống" như thế nào: nhập sách thì vất vả, bán thì rõ là không nhanh như bán quần áo hay mỹ phẩm, lời cũng không thể nào nhiều. Dẫu sao, sự hiện diện của các bạn đúng là kiểu "may mà có em, đời còn dễ thương." 

Ngày xưa tôi hay mua sách từ nước ngoài. Nhưng như thế thì khá lôi thôi, có lúc phải đi khai hải quan, có khi thì mất sách. Giờ tôi hay mua ở mấy tiệm này. Các bạn có thể tìm sách và đặt mua giùm luôn, rất tiện. Cả hai tiệm nói trên đều có Facebook và trang web, tìm một phát ra ngay, nên không cần để link làm gì. 

Thursday, 3 April 2025

The Dry Heart - Natalia Ginzburg

Natalia Ginzburg là  nhà văn Ý, sinh năm 1916, mất năm 1991. Đây là cuốn đầu tiên của bà mà tôi đọc. 

Cuốn sách mở đầu như sau:

'Tell me the truth,' I said.
'What truth?' he echoed. He was making a rapid sketch in his notebook and now he showed me what it was: a long, long train with a big cloud of black smoke swirling over it and himself leaning out of a window to wave a handkerchief.
I shot him betwen the eyes.


Nhân vật xưng tôi là người vợ, cũng là người kể chuyện. Đây có lẽ là một trong những đoạn mở đầu gây sốc nhất tôi từng đọc. Thật ra tôi chưa nhớ ra một đoạn mở đầu gây sốc tương tự.

Sau đó, qua lời người vợ, ta sẽ dần biết được cô là người như thế nào, đã quen chồng như thế nào, đã hẹn hò rồi lấy nhau và sống với nhau như thế nào, và hiểu vì sao đến một ngày cô rút súng đòm ngay trán chồng một phát. Khi tôi nhắc tới cuốn này trên FB, nhiều bạn nữ đã rất quan tâm đến cuốn sách.

Đọc cuốn này, tôi quan tâm tới cách viết của bà hơn là câu chuyện. Lối viết của Giznburg đơn giản, trực diện nhưng hiệu quả rất bùng nổ. Bà viết câu ngắn, dùng từ đơn giản (tất nhiên qua bản dịch tiếng Anh, nhưng tôi đồ rằng nguyên bản tiếng Ý cũng vậy), không kỹ thuật gì rườm rà hay màu mè, gần như không tả cảnh hay sa đà vào các chi tiết. Nhân vật đi dạo thì chỉ nói là đi dạo, chứ không nói bầu trời thế này, đường phố thế kia. Nhân vật làm tình thì chỉ nói làm tình, không có tả chấm ba chấm. Có thể nói là đây là một lối viết tối thiểu nhưng mang lại một hiệu quả tối đa. Không biết trong các cuốn khác thì bà viết thế nào, hay lối viết này chỉ áp dụng cho cuốn này? Có một nhận xét về cuốn này của độc giả tôi thấy đáng lưu ý: lối viết đơn giản này thể hiện góc nhìn hạn hẹp của người vợ (môt phụ nữ không có gì đặc sắc, đến hai sáu tuổi không có mốt tình nào, quan hệ xã hội cũng rất hạn chế chỉ có một hai người bạn.)

Tôi dự định đọc tiếp All Our Yesterdays của bà.

Wednesday, 2 April 2025

Tuyển tập ca khúc thiếu nhi Sài Gòn bao nhớ - Đàm Hà Phú

Tương tự bài này, đây là bài thứ hai trong tổng số hai bài tôi đã đóng góp cho trang điểm sách theo phong cách rất nghiêm túc và thiếu hiểu biết Danh Mục Sách.

Tương truyền, khi Đàm Hà Phú vừa nổi lên, ông hoàng show biz Đàm Vĩnh Hưng đã ngửa mặt lên trời, đấm ngực bành bạch mà than rằng: Trời sinh Hưng sao còn sinh Phú?

Tất nhiên, mọi giai thoại/huyền thoại đều rất khó biết sự thật thế nào, nhưng cũng tất nhiên, mọi giai thoại/huyền thoại/ truyền thuyết đều cho ta ít nhiều chỉ dấu. Dẫu gì truyện Sơn Tinh Thủy Tinh cũng cho ta biết từ ngàn xưa việc tranh giành gái đẹp con nhà giàu lúc nào cũng khốc liệt. Dẫu gì chuyện Thánh Gióng ăn bảy nong cơm ba nong cà cũng cho ta biết thời ấy cà chua/pháo chưa thấm đẫm thuốc bảo vệ thực vật như bây giờ, ăn thế chứ ăn nữa cũng không sao.
Trở lại giai thoại của Đàm Hưng, rất khó biết chính xác Đàm Hưng vỗ ngực, mông, hay bộ phận khác. Nhưng có thể chắc chắn rằng, Đàm Hưng, bằng tất cả kinh nghiệm show biz và sự nhanh nhạy qua rèn luyện của mình, đã nhận ra rằng Đàm Phú chính là địch thủ tám lạng nửa cân của mình.
Quả vậy, Đàm Phú, xuất thân thợ câu cá (Đàm Hưng xuất thân thợ hớt tóc), đã nhanh chóng nổi lều phều ngay sau khi anh cho in tuyển tập ca khúc thiếu nhi đầu tiên “Chuyện nhỏ Sài Gòn”. “Chuyện nhỏ Sài Gòn” bao gồm các bài hát viết cho thiếu nhi mà Đàm Phú viết từ khi anh đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn. Tựu trung, đó là các bài hát trong sáng, vui tươi, dễ nghe, dễ nhớ, vào phòng karaoke không cần tập trước vẫn có thể hát dễ dàng. Thừa thắng xông lên, ba năm sau, Đàm Phú, bấy giờ đã là một nhạc sĩ thời danh, ấn hành tuyển tập ca khúc thứ hai, “Sài Gòn bao nhớ”. Dư luận chia làm hai phe: một phe bảo tập này nhàm, không mới; một phe ca ngợi rằng tập này thậm chí dễ hát hơn tập trước. Âu cũng nhờ có tranh luận sôi nổi giữa cộng đồng mạng như thế, mà tập ca khúc của anh bán rất chạy.
Thói thường, nhạc sĩ là người đứng sau ca sĩ, ca sĩ làm CD bán mới tốt, chẳng ai ngờ Đàm Phú, chỉ in lời ca khúc, mà sách của anh lại bán chạy như tôm tươi. Bình luận về hiện tượng Đàm Phú, nhận định của các học giả DMS là: ca khúc của Đàm Phú về phần nhạc tuy không có gì đặc sắc, nhưng phần lời gần gũi với các em thiếu nhi, bởi lẽ lời ca khúc của anh chắp nhặt lời ăn tiếng nói thường dùng của các em, đôi chỗ nhang nhác đồng dao, nên vì thế các em rất yêu thích. Trong thời đại trẻ em là tiếng nói quyết định cho đồng tiền của bố mẹ, tuyển tập ca khúc của anh thành best seller là điều không khó lý giải. Chưa kể, lắm người mua sách của anh rất có thể chỉ vì mê vợ anh!
Tuyển tập ca khúc thiếu nhi “Sài Gòn bao nhớ” của Đàm Hà Phú do vậy là một hiện tượng văn hóa nghệ thuật đặc sắc của đời sống nghệ thuật Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung những năm gần đây. Việc Đàm Phú hạ bệ ngôi vị ông hoàng show biz của Đàm Hưng ắt sẽ diễn ra trong một tương lai không xa. Ắt vì dự đoán điều ấy mà Đàm Hưng mới ngửa mặt nhìn trời tự thán.

Những tiệm sách nhỏ