Wednesday, 16 December 2015

Yêu bà già

Năm vừa rồi, tôi yêu hai bà già. Chỉ gần đến cuối năm tôi mới phát hiện ra hai bà và đã gần như lập tức yêu hai bà đắm đuối. Hôm nay nói một chút đến bà thứ nhất.

Bà tên là Szabó Magda, người Hungary, sinh năm 1917, mất năm 2007. Tác phẩm đầu tiên và duy nhất của bà được dịch ra tiếng Việt, in trong năm 2015 vừa rồi, là Cánh cửa. Tiểu sử của bà cho biết bà là một trong những nhà văn hàng  đầu Hungary. Đất nước Hungary nhỏ bé thế mà sinh ra bao nhiêu nhà văn lớn, chắc nhờ vào phẩm chất đế quốc một thời (đế quốc Áo Hung tồn tại đến năm 1918). Đã dịch ra tiếng Việt thì có Marai Sandor (Những ngọn nến cháy tàn, Bốn mùa - trời và đất, v.v.), Imre Kertesz (Kinh cầu cho đứa trẻ chưa ra đời, Không số phận); chưa dịch ra tiếng Việt thì có Antal Szerb, Peter Nadas, và nhà văn có tên rất khó nhớ là László Krasznahorkai, chủ nhân giải Man Booker International 2015. Cả bốn người trên đều đã được dịch ra tiếng Anh nhiều. Còn Szabó Magda, kể cả trong thế giới Anh ngữ vẫn chưa được biết nhiều lắm. Cuốn Cánh cửa, được dịch ra tiếng Anh lần đầu 1995, nhưng mãi đến khi New York Review Book Classics đưa vào series của mình thì mới được đọc rộng rãi. Năm 2015, The Door được New York Times chọn là 1 trong 10 cuốn sách hay nhất trong năm.

Cánh cửa chắc chắn là một trong những tiểu thuyết hay nhất mà tôi đọc được  năm rồi. Nếu nói cuốn sách kể về cái gì, thì nghe có vẻ rất tẻ nhạt, bởi trên bề mặt nó chỉ kể về mối quan hệ giữa hai người đàn bà, một là nhà văn - xưng tôi, người kia là một bà già giúp việc nhà. 

Tuy nhiên, Emerence, tên bà già giúp việc, ắt là một trong những nhân vật văn học ấn tượng nhất, giàu cá tính nhất mà tôi từng biết. Bà lập dị, hẳn nhiên; bà lững lững, cả về tinh thần lẫn thể xác. Bà có một năng lực gần như siêu nhiên, đó là năng lực điều khiển chó, mèo,  (phải mở ngoặc con chó đực mang tên cái Viola cũng là một trong những con chó đáng nhớ nhất trong văn chương), thậm chí cho phép ai, bao gồm bản thân, được  chết hay không. 

Cái tôi thích ở Cánh cửa đó là cách mà tác giả chấm phá về lịch sử Hungary, những biến cố đất nước này trải qua, cả về chế độ chính trị, bằng cách gần như, có vẻ như chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa hai người đàn bà. Một cuốn tiểu thuyết có thể rất chính trị, nói được nhiều điều về một đất nước,  trong khi bề ngoài có vẻ đơn giản, thậm chí tẻ nhạt. 

Riêng về Emerence, có một điểm trong tính cách của bà làm tôi nhớ tới một nhân vật trong một tiểu thuyết khác mà tôi cũng rất thích, đó là Zorba trong Tay chơi Hy Lạp. Sự liên tưởng này có vẻ hơi kỳ quái, nhưng nếu ai đọc cả hai cuốn rồi chắc sẽ đoán ra tôi muốn nói tới điểm nào.

No comments:

Post a Comment

Bánh mì kẹp và Ocean Vương