Monday 7 June 2010

Du hành trong chốn thư phòng



Cái tít ở trên tôi tạm dịch từ Travels in the Scriptorium của Paul Auster mà ra. Tôi vừa đọc xong hôm nay, dự định ghi lại vài phát hiện thú vị khi đọc cuốn này. Tuy nhiên, đó là chuyện tôi sẽ làm khi hai bạn Alpha và Pi ngủ say đã. Còn bây giờ, trong khi chờ đợi hai bạn ngủ yên, tôi sẽ post vài dòng này lên câu view (học chiêu của bác Giò Trắng):), đồng thời đọc Chúa Ruồi (Lord of the Flies) của William Golding qua bản dịch của Lê Chu Cầu. Các bạn lưu ý đi, đây là một cuốn nên có trong tủ sách của bạn (dĩ nhiên nếu bạn có một cái).

--------

Một thú vị hiển nhiên khi đọc một nhà văn đang sống, so với một nhà văn đã chết rồi, là một khi mình đã thích họ, mình còn niềm vui sướng được chờ đợi và đọc những tác phẩm mới nhất của họ. Tập thể những người chờ đợi tác phẩm của một nhà văn, tuy không ồn ào náo nhiệt, nhưng cũng có thể gọi là fan. Travels in the Scriptorium xuất bản 2007 không phải là tác phẩm mới nhất của Paul Auster, sau cuốn này ông đã kịp in Man in the DarkInvisible, cũng không phải là tác phẩm hay nhất của ông, nhưng đích thực là một cuốn sách dành cho fan của ông: nó có quá nhiều tham chiếu tới những cuốn tiểu thuyết trước đó của ông, mà nếu chưa đọc những cuốn đó, sự thích thú khi đọc Travels in the Scriptorium sẽ khác đi. Khác đi chứ chưa chắc đã giảm, vì biết đâu người chưa đọc Auster sẽ nhìn thấy trong cuốn này những điều mà người quen thuộc với Auster không nhận thấy, nhất là khi Auster luôn có tài bịa chuyện.

Những tham chiếu dễ nhận ra nhất là các nhân vật: hầu hết (nếu không phải tất cả) nhân vật trong Travels in the Scriptorium đều đã xuất hiện trong các tiểu thuyết trước của Auster. Nhân vật chính, Mr Blank, người tỉnh dậy thấy mình nằm trong một căn phòng lạ với một tá khung ảnh, một chồng hồ sơ, mọi đồ vật trong phòng đều có dán tên, hoàn toàn không biết mình là ai và không nhớ gì về quá khứ, có thể là nhân vật duy nhất chưa từng xuất hiện trong các tiểu thuyết khác. Tuy nhiên, nếu coi Paul Auster là một nhân vật thì Mr Blank, như sau này ta sẽ nhận ra, mang bóng dáng của chính Paul Auster. Nhân vật xuất hiện thứ hai, Anna, người sẽ cho Mr Blank ăn, tắm cho Mr Blank (and give him a hand job!), và được coi là cùng phe với Mr Blank, chính là nhân vật chính của In the Country of Last Things. Người chồng đã chết của Anna, David Zimmer, lại còn xuất hiện đến trong hai cuốn tiểu thuyết khác nhau: trong Moon Palace với vai cậu bạn của Marco Fogg, và trong The Book of Illusions với vai người chồng mất cả vợ và hai con trong một tai nạn máy bay. Ta còn có thể nhận ra Peter Stillman, người ra lệnh cho Mr Blank phải mặc đồ toàn trắng, đã xuất hiện trong City of GlassThe Locked Room; Sophie, người mang thức ăn đến cho Mr Blank thay cho Anna, chính là vợ của Fanshawe – anh chàng tự khóa trái mình trong The Locked Room. Fanshawe cũng được nhắc đến trong cuốn này, cũng với tư cách là chồng Sophie và là tác giả một tập sách có tên… Travels in the Scriptorium, Travels in the Scriptorium lại còn là tên một bộ phim được nhắc tới trong The Book of Illusions. Ta còn tưởng ta có thể gặp cả Marco Fogg – chàng trai tự hành xác mình trong Moon Palace – nhưng không, ta chỉ gặp Daniel Quinn – nhà văn mà Peter Stillman nhầm với Paul Auster trong City of Glass – xuất hiện trong cuốn này với tư cách luật sư của Mr Blank.

(tối mai viết tiếp chớ bây giờ phải đi ngủ::)))

--------

(Nhờ sự chỉ điểm của Giò Trắng, tôi đã tìm ra Anna Bloom hay Blume trong Moon Palace. Trong cuốn này, cô là bạn gái mất tích của David Zimmer. Trước đó, trong In the Country of Last Things, Auster đã gửi cô đến một đất nước xa xôi để đi tìm người anh trai William và đẩy cô vào tình trạng cực cùng tuyệt vọng. Vì cái thói hay đày đọa nhân vật của mình mà Auster – trong hình dáng của Mr Blannk - có thể sẽ phải trả giá, như ta sẽ thấy trong Travels in the Scriptorium. Auster viết Moon Palace năm 1989, hai năm sau khi hoàn thành In the Country of Last Things. Như vậy ngay từ hồi đó Auster đã có thói quen cho nhân vật xuất hiện liên văn bản.)

Khó nhận thấy hơn là những tham chiếu về tình tiết. Trước khi viết Travels in the Scriptorium, Auster đã viết 12 tiểu thuyết trong vòng 20 năm. Rất khó để biết Auster tham chiếu tình tiết nào trong cuốn nào và nhằm mục đích gì. Trong City of Glass, Peter Stillman mặc đồ toàn trắng, trắng đến nỗi có cảm giác như anh ta vô hình. Ở đây, Mr Blank được Anna mặc cho đồ cũng toàn trắng theo lệnh của Peter Stillman. Peter Stillman trả đũa Mr Blank – Auster chăng? Trả đũa như thế còn nhẹ, vì còn có nhân vật khác, James P Flood, lại một nhân vật trong The New York Trilogy, còn mang dao theo người, định dụ Mr Blank ra công viên và xử đẹp. Tôi không nhớ ra Auster đã làm gì James P Flood, nhưng tôi nhớ rõ Auster đã cho Benjamin Sachs nổ tung ngay đầu cuốn Leviathan. Chính vì thế, giữa vô số lời buộc tội Mr Blank trong cuốn này, Quinn – luật sư của Mr Blank – đã nói nếu có thể bào chữa cho Mr Blank khỏi cáo buộc này (cáo buộc làm nổ tung Benjamin Sachs), thì sẽ có tiền lệ để bào chữa các cáo buộc khác.

Chủ đề quen thuộc trong các tiểu thuyết của Auster là căn cước (identitity) và việc viết lách (writing/authorship). Cả hai chủ đề này xuất hiện trở lại trong Travels in the Scriptorium. Bằng việc cho hàng lọat các nhân vật cũ xuất hiện trở lại, có vẻ như Auster muốn làm một cuộc tự truy vấn rốt ráo về trách nhiệm của nhà văn đối với các nhân vật của mình bởi vì, như Auster viết trong trang cuối của cuốn tiểu thuyết này, các nhân vật tuy là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng một khi đã được ném vào thế giới, tức khi đã được kể, thì sống một cuộc đời dai dẳng ngay khi các nhân vật đã chết rồi. Dĩ nhiên ta cũng có thể hiểu Auster muốn gián tiếp nhắc đến trách nhiệm của nhà văn đối với thế giới. (Auster thường xuyên kể những câu chuyện-trong-chuyện, và một trong những câu chuyện được kể trong cuốn này là chuyện một cuộc thảm sát không rõ thủ phạm lại bị bóp méo trong một báo cáo quân sự thành một cuộc thảm sát xác định rõ thủ phạm – tác giả bản báo cáo sau đó tự nổ súng vào đầu.)

Tuy nhiên, cũng có thể tôi hiểu sai Auster hoàn toàn, và biết đâu việc hiểu sai của tôi – một độc giả - mới là chủ đích của Auster, người luôn kể những câu chuyện không chắc chắn, mơ hồ, và đầy bí ẩn như chính thế giới của chúng ta.

PS. Khi đọc xong cuốn này, lạ thay, tôi nhớ đến tác phẩm của một nhà văn Việt Nam – truyện ngắn Bút máu của Vũ Hạnh. Liên tưởng của tôi có thể khập khiễng, nhưng nếu bạn chưa đọc Bút máu thì chẳng có lý do gì bây giờ bạn lại không đọc cả. Bạn sẽ thấy thông điệp trong truyện của Vũ Hạnh rõ ràng gấp mười lần truyện của Auster:)

PS2: Tôi rất mong một số cuốn khác của Auster sẽ được dịch ra tiếng Việt. Ngoài Leviathan mà tôi biết bác Giò Trắng đang dịch, tôi còn mong thấy bản tiếng Việt của ít ra là The Book of Illusions, Oracle NightThe Brooklyn Follies. Bạn nào mê phim ảnh rất nên đọc The Book of Illusions.


26 comments:

  1. sợ thật cứ hở cái gì ra là bị ăn cắp liền

    đến phải nhờ một in house khác tư vấn về các vấn đề bản quyền, patent etc. chống lại cái in house này

    chẳng hiểu sao bây giờ mình thích sử dụng luật sư thế, khéo thuê luôn một quả làm riêng, ngày ngày nói chuyện và sỉ vả thì mới sướng được hehe

    ReplyDelete
  2. :(

    hết rình bên kia rồi sang đây cũng lại phải tiếp tục rình :(

    ReplyDelete
  3. nói năng như thế kia thì đúng là cần tư vấn thật, vì bản quyền và patent là hai thứ rất khác nhau, hehe, một thứ bảo vệ hình thức, một thứ bảo vệ nội dung, khi không phân biệt được thì nói cả hai cho nó chắc cú he he:)

    ReplyDelete
  4. ignorance is... cái gì í nhỉ quên rồi hehe

    ừa, thế mới cần tư vấn, biết rồi tội gì mất tiền thuê mấy ông luật sư chuyên gia chém cổ con người ta :d

    ReplyDelete
  5. kết từ độ được tặng Câu chuyện dòng sông chứ gì@

    ReplyDelete
  6. Anna Blume cũng đã xuất hiện thoáng qua trong Moon Palace. Chi tiết này hình như không ai nhớ cả, kể cả Paul Auster, căn cứ vào lời trả lời phỏng vấn của ông ấy một lần nào đó :d

    Nhà văn quên béng mất chi tiết trong truyện của mình cũng nhiều như dịch giả quên béng mất tình tiết câu chuyện mình đã dịch í

    ReplyDelete
  7. Cũng như Paul Auster, tớ cũng không nhớ:) Để tối về giở Moon Palace xem lại.

    ReplyDelete
  8. đố bác làm được một cái entry dài như entry bác dùng để mô phỏng hòng câu view đấy

    và đố bác kiếm được chừng ấy comment đấy (bác đã có lợi thế lớn vì em comment hộ bao nhiêu choác rồi chứ bác có góp được cái lào đâu), đi sau thì phải chứng tỏ sự vượt trội đấy nhé, không là kiện luôn :d

    ReplyDelete
  9. thở dài:( tớ già rồi, sự thật là tớ già rồi, đã qua cái tuổi tranh đua những cái vặt vãnh trẻ con như thế:))

    còn muốn post dài có gì khó, ai có lợi thế người đấy. NL muốn post dài thì dịch cái gì đấy dài ngoằng; tớ muốn post dài thì post cái hợp đồng hay điều lệ gì đấy được vài chục trang ngay:))

    ReplyDelete
  10. tớ thì lại nghĩ 2 bạn đang câu kết theo kiểu các sao nhà mình, cứ phải cặp đôi để lôi nhau lên cho nổi, hahaha. Tạng của bác GM hợp với kiểu viết tiết chế ngắn gọn hơn :P (Z)

    ReplyDelete
  11. không tớ không cặp đôi với bạn Nhị Linh

    nếu nói về căp đôi thì bạn Nhị Linh đang gặc với một bác già già ký tên là NSC:)

    ReplyDelete
  12. hợp đồng hay điều lệ thì chả mấy ai đọc, dưng mà cái Trường thiên tản mạn thì khác he he

    tha hồ mà cuộn chuột he he

    ReplyDelete
  13. NSC - Nguyễn Sinh Cung ? :))

    -Land-

    ReplyDelete
  14. sao giờ vẫn chưa tiếp vậy :((

    ReplyDelete
  15. tiếp rồi đó, post trễ vì phải tra cứu xem Anna Blume được nhắc tới ở đâu trong Moon Palace!

    ReplyDelete
  16. tớ đang đọc The Brooklyn Follies, đọc rất trôi, thích! Tớ mua Travels in the scriptorium bản bìa cứng, bọc giấy ngoài rất đẹp, các cuốn khác thì mua bản nhỏ in giấy mỏng thôi, vì ko đông tiền. Lúc trước có dịch sơ sơ được gần 100 trang cuốn Mr Vertigo rồi vứt đó vì ko có thời gian, nhưng sau này thấy có phim Mr Vertigo, ko biết là phim đó dựa trên Auster hay Auster lấy cảm hứng từ phim đó (phim đó bản đẹp trên mạng có, nhưng cũng lười xem quá!) :P (Z)

    ReplyDelete
  17. Tớ cũng thích The Brooklyn Follies. Tớ thấy nó rất entertaining và witty, giọng điệu tươi vui hơn những cuốn như Moon Palace hay The Book of Illusions. Tuy nhiên bác Giò Trắng lại không khoái cuốn đó lắm.

    ReplyDelete
  18. chị cũng thích cuốn lord of the flies, nó đối lập với cuốn the catcher in the rye.

    ReplyDelete
  19. Hơ hơ, hai tay này sao bỗng dưng xoay ra vặc nhau thế.

    ReplyDelete
  20. vặc bao nhiêu năm rồi mà chị :)

    à bác GM nhắc "Bút máu" thì trước đó còn một cái tương tự nữa là "Thần Tháp Rùa" của Vũ Khắc Khoan hehe, đố bác tìm được mà không search e-book đấy :d

    ReplyDelete
  21. Gái lại không thích Paul Auster, cả giọng văn lẫn cách hành văn. Buồn là không viết nổi một bài ra hồn để coi tại sao không thích đến thế.

    ReplyDelete
  22. (Lỡ tay enter khi nói chưa xong)
    Cuốn mới nhất đọc được của bác Paul là Man in the Dark, cảm thấy nhàm. Quyết định đó là cuốn cuối luôn.

    ReplyDelete
  23. Man in the Dark thì đúng nhàm. Nói chung cả 3 cuốn gần nhất của bác này tôi đều không thích bằng mấy cuốn trước. Chắc bác này hết đòn phép rồi:)

    ReplyDelete
  24. (Lỡ tay enter khi nói chưa xong), à, nhưng Man in the Dark có mấy đoạn nói về điện ảnh thú vị phết.

    ReplyDelete
  25. lúc đọc xong thì em nghĩ là ổng lười.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN