Tuesday 23 February 2010

Hà Nội thêm một lần tôi đến (III)

***

Mua hoa và đi taxi

Trước Tết, có một sáng tôi phóng xe ra đường đi mua hoa. Tôi vốn luôn thích ngắm những hàng hoa bên vệ đường Hà Nội, nhất là vào những hôm trời lạnh, khi những chị những cô bán hàng khăn áo co ro còn hoa thì tươi hơn bao giờ hết. Đã bao lần tôi tự nhủ phải đi mua hoa ở Hà Nội, thế mà chưa bao giờ làm được điều đó, mãi cho đến lần này.

Tôi phóng xe ra con phố gần nhà mà tôi nhớ có nhiều hàng hoa từng nhìn thấy mỗi khi đi ngang. Tôi không có ý định rõ rệt phải mua hoa gì, và dưới hình thức nào – cành hay lẵng, chỉ định bụng thấy cái gì vừa mắt sẽ đem về. Thế nhưng ghé hai ba hàng liên tục, chưa trông thấy cái gì ưng ý. Chị bán hàng gợi ý thích thế nào thì chị cắm cho, nhưng hỏi có mẫu không thì chẳng có. Chị hùng hồn khẳng định tất cả những mẫu đẹp nhất đều đã được bày ra rồi. Trông chị có vẻ không vui khi tôi bỏ sang hàng kế tiếp. Cuối cùng, tôi quyết định mua một bó hồng thẫm ở hàng thứ tư. Hoa ở hàng này không có gì đặc biệt so với mấy hàng kia, nhưng chị bán hàng có vẻ dịu dàng hơn, không kiểu hoa đây là nhất. Chị nhận ra tôi nói giọng miền Nam, nhưng có vẻ không vì thế mà chị tính đắt hơn. Hoặc cũng có thể chị có tính đắt hơn mà tôi không biết vì tôi thấy giá cũng hợp lý.

Tôi từng có kinh nghiệm về việc trả phụ thu cho giọng miền Nam khi mua sắm ăn uống ở Hà Nội. Năm 2000, tôi và một cậu bạn lần đầu du lịch Hà Nội đã hơn một lần trả tiền cho một bát bún ngan gấp ba lần giá thường – dĩ nhiên chúng tôi chỉ phát hiện ra điều đó sau khi kể lại với những người bạn thủ đô. Còn lần này, có bác tài taxi đã cho tôi đánh vòng hơn hai cây số trong khi nếu đi đúng đường bác chỉ cần quay đầu xe. Nhưng kể cũng không sao, vì Hà Nội đi đâu cũng gần, vả lại Tết nhứt ai cũng muốn kiếm thêm một chút. Nhân nói về taxi, tôi thấy các bác tài taxi Hà Nội cởi mở hơn các bác tài taxi Sài Gòn. Ở Sài Gòn, tài xế taxi thường chỉ hỏi khách đi đâu là lặng lẽ chở đến đấy. Còn ở Hà Nội, tài xế taxi hay nói chuyện với khách, và rất nhiều khi nhiệt tình tham gia câu chuyện của khách không cần phải mời mọc. Vì thế lên taxi nói gì cũng nên cẩn thận.

***

Kem caramen và bia 10 giờ sáng

Cái ngày mà tôi đi mua hoa là ngày Hà Nội còn ấm và chúng tôi còn đang than vãn về đồng đồ rét chưa sử dụng được trong khi quần áo mùa hè thì thiếu. Nhưng trời ấm, cũng tiện việc cho trẻ con đi chơi. Hai bạn Alpha và Pi được ba mẹ cho ra Bờ Hồ chạy tung tăng. Ai ra Hà Nội mà không ra Bờ Hồ?

Chạy chơi chán, hai bạn được dẫn vào Bodega để ăn kem caramen. Ở Sài Gòn, kem caramen được gọi là kem hay bánh flan, làm biếng bật hơi thì kêu là “bánh lăng” cũng được. Kem caramen và bánh flan chỉ là một ví dụ nhỏ trong vô vàn ví dụ về sự khác nhau về từ vựng giữa Sài Gòn và Hà Nội. Có lần tôi nhắc đến chuyện này trong Từ điển Bắc – Nam. Người Sài Gòn ra Hà Nội hay ngược lại, nếu muốn giao tiếp được trôi chảy rất nên chỉnh lại từ vựng cho phù hợp với địa phương. Hiện tượng này trong ngôn ngữ học hình như gọi là code switching – chuyển mã. Ngày nay, nhờ đi lại dễ dàng và truyền hình phủ sóng toàn quốc, giọng Nam giọng Bắc không còn là vấn đề lớn. Tuy nhiên, sự khác biệt về từ vựng giữa hai miền đôi khi vẫn làm kinh ngạc những người giàu kinh nghiệm nhất.

Bodega là quán nằm trên đường Tràng Tiền, một con đường rất trung tâm Hà Nội. Nếu ra việc đi thuê một mặt bằng như thế hẳn phải rất đắt, chắc không thua gì Đồng Khởi ở Sài Gòn. Tuy nhiên, quán Bodega chắc chắn là quán quốc doanh. Chỉ có ở quán quốc doanh thì cà phê sữa nóng, à quên nâu nóng, mới có giá tám ngàn, và kem caramen dù khá ngon lại được đựng trọng hộp nhựa và cứ thế mang thẳng ra cho khách khiến bố bạn Pi cứ tưởng kem caramen mua siêu thị; và cũng chỉ quán quốc doanh mặt tiền mới được sử dụng phung phí thế và trang trí mới nhôm nhoam đến thế. Thành phố một nghìn năm tuổi mỗi địa danh một di tích lịch sử thì những vết đen đen trên sàn quán áng chừng cũng ba mươi năm chứ không ít hơn. Điểm sáng của quán này là cái bể cá - ở đó có đèn nhấp nháy. Bạn Pi rất mê cá nên cứ lôi ba sềnh sệch đứng cạnh. May sao lúc sau bạn Alpha cũng chạy ra xem. Bố bạn Pi mưu trí đánh lừa cho hai con đứng nắm tay nhau – thay vì nắm tay ba – xem cá, còn mình trở về bàn uống nâu nóng và nhìn sang bàn bên, nơi một nhóm đàn ông và đàn bà tuổi hòm hòm mặc đồng phục một công ty lớn đang uống bia Hà Nội. Dù hôm đó trời chưa lạnh nhưng đối với tôi uống bia vào lúc 10 giờ sáng của một ngày làm việc thật là một ý tưởng bất khả.

***

11 comments:

  1. GM: bún ngan của bác nấu bằng gì mà đắt thế?
    Hàng bún: ô hay, thế bác ăn cơm cũng phải để nhà em húp cháo chứ.

    ReplyDelete
  2. ha ha đọc bài này, mặc dù là người Hà Nội nhưng phải công nhận những gì bạn viết là đúng mặc dù tính châm biếm hơi cao :))

    ReplyDelete
  3. Taxi Hà Nội thì ai mà chẳng phải cẩn thận hả bác. Ngày xưa tui (giọng quê 1 cục chứ không phải SG hay HN chi mô) đã từng chửi nhau với taxi rồi đó. Không ngoa nếu phải kết luận tài xế taxi HN là bọn cướp ngày.

    ReplyDelete
  4. “ Nhập gia tùy tục ” anh àh , thấy phong cách HN hơi là lạ…qua bài viết của anh…Hay tại người SG sống thực dụng wá nên dòm thấy lạ …Hihi…Tks!

    ReplyDelete
  5. Nói thật với bác GM chứ, em ở HN mấy chục năm nay cũng chỉ có một lần ngồi uống cafe (à, uống nước dừa) ở Bodega Bờ Hồ. Ngồi một lần xong rồi thấy tiếc, tiếc cho 1 vị trí đẹp quá là đẹp mà lãng phí quá là lãng phí với cái kiểu kinh doanh ngớ ngẩn của Quốc doanh. Và cả ngán thái độ không biết tả thế nào của mấy cô bán hàng già già, bửn bửn, quê quê, kiêu kiêu, lạnh lạnh, khó chịu ở đó nữa!

    ReplyDelete
  6. đọc blog 5xu như một bếp trưởng ***** với những món chính đặc sắc, đậm mà khó tiêu thì bên GM chả khác gì bát chè sen thanh thanh thơm fức của các bà các mẹ thuở xưa.
    tóm lại là 2 anh này thật tiệt đỉnh đấy.

    ReplyDelete
  7. Cảm ơn bác. Ý bác là 5xu khó tiêu chứ gì!:)

    ReplyDelete
  8. Tức là Golmund là thuốc nhuận tràng, chữa táo bón, còn 5xu thì ngược lại, hehe.

    ReplyDelete
  9. dịu dàng quá, hồng đỏ thẫm giá cả thế nào là vừa phải thế ạ, cho em xin tí kinh nghiệm đi.
    Nhất quyết lần này không ăn kem Tràng Tiền không rời Hà Nội hehehe

    ReplyDelete
  10. Ba năm nay, tết nào em cũng ở Hà Nội mà chả viết được thế này. Anh thật là tinh tế quá!

    Về khoản phụ thu cho giọng miền Nam thì em cũng có khá nhiều kinh nghiệm rồi anh ạ, kể cả vụ các bác taxi. :)

    ReplyDelete
  11. hoa Hn vừa rẻ vừa đẹp, nhất là trong thời tiết se se lạnh. làm như SG không có hoa hồng trắng hay sao í mờ nổi hứng mua một bó bự đem về SG, ngồi trên máy bay cứ sợ hoa dập mà nghĩ "mình có quỡn quá không ta?", có quỡn không pác G? ;>

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN