Wednesday, 30 April 2014

Mặc khách Sài Gòn



Với đa số người trẻ tuổi bây giờ, văn học miền Nam trước 1975 là một khoảng trắng. Không dễ tìm thấy những bản sách cũ, còn sách tái bản cũng rất hiếm hoi.  Trong bối cảnh đó, sự ra đời của một cuốn sách như Mặc khách Sài Gòn là rất đáng chú ý.

Mặc khách Sài Gòn là tập di cảo của nghệ sĩ sáo trúc và ngâm thơ nổi tiếng Tô Kiều Ngân. Không phải là tập sách phê bình văn học hay văn học sử, Mặc khách Sài Gòn chỉ gom góp những ký ức tản mạn của các văn nghệ sĩ miền Nam mà Tô Kiều Ngân có dịp quen biết.  Mặc dù chỉ phác thảo đôi nét về mười lăm người mà tác giả quen, cuốn sách vẫn kịp đủ để giúp người đọc hình dung ra một thời kỳ văn nghệ sôi nổi trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Cuốn sách có nhiều chi tiết mang tính “giai thoại”  thú vị như chuyện nhà thơ Đinh Hùng tổ chức thi… bò ra đường hay chuyện Vũ Hoàng Chương nặng chưa bốn mươi ký, ngồi trên xe máy ngoài đường thì Tô Kiều Ngân phải ôm lại cho khỏi bay nhưng bình thơ trên đài phát thanh thì sang sảng, thao thao bất tuyệt.

Phần đặc sắc hơn của tập sách này chính là phần trích tuyển tác phẩm của các văn nghệ sĩ được giới thiệu. Đọc những tiểu luận như bài của Tạ Tỵ về dạy hội hoạ trong nhà trường hay bài của Nguyên Sa về các vấn đề văn nghệ, người đọc có thể ngỡ ngàng nhận ra những ý kiến ấy dường như vẫn còn mang tính thời sự. Còn đọc những tuỳ bút, truyện ngắn của Mai Thảo chẳng hạn, người đọc hẳn sẽ ngỡ ngàng bội phần vì một thứ tiếng Việt cực đẹp, cực độc đáo. Văn đẹp thì thời nào cũng đáng đọc.

Quân Khuê

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/597842/mac-khach-sai-gon.html

Saturday, 5 April 2014

Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách ở trẻ em?

Cần phải nói ngay rằng, tạo dựng thói quen đọc sách cho người lớn mới khó, chứ tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ em là một việc quá đơn giản. Người lớn vốn bảo thủ, hay nói cách khác là những tờ giấy đã bê bết màu, giờ muốn tô cho thành màu khác cũng khó. Trong khi đó trẻ em, tuyệt nhiên là những tờ giấy trắng, tô màu nào sẽ ra màu ấy. Chính vì vậy, nếu phụ huynh quan tâm đến việc xây dựng thói quen đọc sách cho con, thì bản thân sự quan tâm ấy đã là tiền đề mang ý nghĩa quyết định.  Bởi nếu phụ huynh quan tâm, thì rất có thể phụ huynh ấy đã làm những việc như sau.

1.       Tạo ra một môi trường phù hợp: Vì sao trẻ con nào cũng mê chơi iPad hay smartphone? Dĩ nhiên, trong đó có những trò chơi hấp dẫn, nhưng tiên quyết chẳng phải vì các bậc phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình tiếp xúc những món đồ chơi công nghệ cao ấy sao?  Nếu không dí iPad cho chúng mua lấy sự yên thân thì chúng lấy iPad đâu ra mà chơi? Vậy thì, với sách, hãy cũng tạo điều kiện cho con em mình như thế. Hoặc hơn thế. Hãy đưa con đi nhà sách. Hãy mua sách cho con. Hãy tặng sách cho con nhân sinh nhật hay những ngày lễ. Hãy xếp sách quanh giường con. Hãy quy định nếu con muốn chơi iPad hay xem tivi thì phải xin phép bố mẹ, nhưng nếu con muốn đọc sách lúc nào thì tuỳ ý. Miễn là đầy đủ ánh sáng.

2.       Dành thời gian đọc sách cho con: Rất nhiều ông bố bà mẹ biết rằng nếu đọc sách mỗi tối cho con từ khi con còn rất nhỏ là tốt, nhưng cũng chính những ông bố bà mẹ ấy thường xuyên than bận. Có thật thế không? Người viết bài này quen biết một vị tổng giám đốc của một tập đoàn đa quốc gia lớn và có thể đoan chắc rằng phần lớn chúng ta sẽ chẳng thể nào bận rộn bằng ông. Nhưng ông, trừ khi đi công tác xa, tối nào cũng đưa hai cô công chúa xinh xắn của mình vào giấc ngủ bằng cách đọc sách cho con. Bận rộn, thật ra chỉ là cái cớ. Chúng ta bao giờ cũng có thời gian cho những việc ta thật sự muốn làm. Mười phút mỗi tối đọc truyện cho con không bao giờ là quá nhiều so với cuộc đời dài dặc. Rồi chẳng mấy chốc con lớn lên thành thiếu niên thiếu nữ, khi ấy ta có muốn đọc truyện cho con chúng cũng chẳng nghe.

3.       Tự  mình đọc sách: Rất khó đòi hỏi con phải chăm đọc sách khi bản thân bố mẹ nhìn sách như những kẻ xa lạ. Hoặc thậm chí trong nhà không có cuốn sách nào mà nhìn.

4.       Chọn sách cho con (và cùng con chọn sách): Chưa bao giờ sách lại phong phú, đa dạng và đẹp như bây giờ. Bạn sẽ dễ dàng tìm được sách cho mọi lứa tuổi. Cho con cùng đi nhà sách là một ý tưởng hay, và cũng không nên quá “độc tài” với con. Nếu thằng nhóc nhà bạn khăng khăng đòi một cuốn truyện tranh siêu nhân mà bạn không ưa, hãy chiều nó. Điều quan trọng là một câu chuyện trong cuốn sách đó đã hấp dẫn cậu bé. Với trẻ con, được đắm chìm vào trong những thế giới tưởng tượng quan trọng hơn nhiều so với các bài học luân lý.

5.       Cuối cùng, xây dựng thói quen là một quá trình, do vậy hãy kiên nhẫn. Những điều ở trên cần được làm thường xuyên. Một cơn cao hứng của bố mẹ chỉ có thể dẫn đến một cơn cao hứng tương tự ở con, chứ không thể nào hình thành một thói quen được!

Quân Khuê



Tuesday, 1 April 2014

Sự không thức thời của Linda Lê


Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao Linda Lê, tuy sở hữu một bút danh không kém phần thời thượng so với Iris Cao, Jun Phạm, hay Hamlet Trương, nhưng tại Hội sách vừa qua, tác phẩm Thư chết của nữ tác giả không còn trẻ này lại hoàn toàn đứng ngoài Top 10 bán chạy nhất. Thậm chí, theo một nguồn tin chưa kiểm chứng, nếu lập danh sách Top 10 cuốn bán kém nhất, Thư chết có thể nằm trong đó. Tuy vậy, cho đến nay, chưa ai mặn mà với công tác thống kê này.

Thư chết bán kém, liệu có phải vì Linda Lê tiếc tiền máy bay giá rẻ, không chịu xuất hiện tại Hội sách để ký tặng độc giả chăng? Hay tại vì Linda Lê không biết hát? Điều ấy có thể là một trong những nguyên nhân, nhưng còn lâu mới là yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định ắt là tên sách. Hãy nhìn xem, những tên sách bán chạy đều chia sẻ các điểm chung dài dài, buồn buồn, nhè nhẹ, lăng lắng, chứa chan tình cảm, thậm chí, càng ít yếu tố nghĩa càng tốt. Chẳng hạn, Buồn làm sao buông, Nếu như không thể nói nếu như, Người yêu cũ có người yêu mới, hay Thương nhau để đó. Đằng này, Thư chết. Cộc lốc. Tối tăm. Hũ nút. Thư, hà cớ gì lại chết? Không ai hiểu được. Theo các chuyên gia về marketing, cũng như các đầu nậu sách vài chục năm kinh nghiệm, “chết” là một từ nhìn chung không nên đưa lên bìa sách. Chẳng ai muốn rước cuốn sách với cái tên xui rủi như thế về nhà.

Tuy nhiên, nếu khéo léo một chút, am hiểu thị trường một chút, người ta hoàn toàn có thể chuyển bại thành xụi, à nhầm, thành thắng. Người ta hoàn toàn có thể giữ lại chữ “thư” trong tên sách, thậm chí, có thể giữ cả chữ “chết”. Chẳng hạn như, Được thư anh em buồn muốn chết, hoặc Em viết thư cho ai kia rồi, anh đi chết đây.

Sự không thức thời của Linda Lê khiến tác giả này bỏ qua một cơ hội tuyệt vời để góp tên vào danh sách bestseller sách Việt. Về việc này, tác giả chỉ có thể tự trách mình. Âu cũng là một bài học cho những nhà văn không quan tâm đến xu hướng thị trường.




Bánh mì kẹp và Ocean Vương