Ban công lên trời* là tập truyện của một nhà văn Ba Lan mà tên tuổi còn khá xa lạ với chúng ta, Tomasz Jastrun, và chủ đề của tập truyện này là tình yêu và tình dục, mà chủ yếu là tình dục – một chủ đề không phải ít người viết nhưng lại là một chủ đề rất dễ khiến người viết sa lầy. Thế nhưng, nếu cái kéo người đọc đến với tập truyện là tình dục, thì cái giữ người đọc ở lại với tập sách là một cái gì đó khó gọi tên. Chất trữ tình hài hước chăng? Hay vẻ lọc lõi và ngây thơ cùng lúc của các nhân vật? Hay là nét bảng lảng của những sự thật trần trụi được phanh phui, khiến ta vừa thấy khó chịu vừa khoan khoái? Mà cũng có thể tất cả những yếu tố đó lắm chứ?
Ban công lên trời là một cái tựa rất nên thơ, rất dễ cho ta mường tượng ra những chuyện tình đầy mơ mộng. Ta sẽ đúng một nửa: chuyện tình thì có, mơ mộng thì không. Mười bảy truyện trong tập theo một cách nào đó đều là những câu chuyện tình: tình chớp nhoáng, tình qua tin nhắn SMS, tình qua internet, tình sưu tập, và đặc biệt rất nhiều ngoại tình; nhưng chúng có điểm chung là nhiều thất vọng và lắm phũ phàng.
Trong các truyện ngắn trong tập này, người ta đến với nhau nhanh chóng, ân ái trong vội vàng, để rồi cái còn lại chủ yếu là những ảo tưởng tan vỡ. Trong “Tên sát nhân và đứa bé”, ảo tưởng bị chôn vùi trong câu nói ơ hờ của người đàn bà từng có cuộc tình rất ngắn ngủi nhưng nồng nhiệt với một người đàn ông lạ trên một chuyến tàu mà kết quả của nó là một đứa bé : “Chồng tôi qua đời cách đây ba năm rồi, trong toa tàu.” Trong “Bức tranh thay đổi”, người phụ nữ góa chồng hẳn đã đặt bao nhiêu kỳ vọng trong lần viếng thăm của ông họa sĩ - tác giả của bức tranh có những thay đổi lạ kỳ treo trong nhà nàng; tuy nhiên, đáp lại những ao ước nóng bỏng của nàng, ông họa sĩ lại chỉ đề nghị mang thuốc vẽ đến để “khôi phục lại bức tranh như cũ” và sau đó “ôm chặt lấy nàng rồi ngủ thiếp đi”. Trong các truyện “Bí mật”, “Tảng băng nóng”, và “Bờ bên kia” , thì ngay sau những sẻ chia tưởng như không thể nào gần gũi hơn được nữa giữa một người đàn ông và người đàn bà, cái còn lại cũng là một điều gì đó lạnh tanh, ráo hoảnh: họ có thể nhìn nhau như người lạ, hay phát hiện ra mình chỉ là kẻ lấp vào chỗ trống của "bên kia". Còn trong “Cuộc hẹn hò với bóng tối” thì tất cả lãng mạn, mơ mộng gầy dựng bao lâu qua những tin nhắn điện thoại chíu chít đi về lại bị giết chết bằng tiếng gõ cửa sỗ sàng trong ngày đôi bên hẹn gặp.
Cách viết về tình dục trong Ban công lên trời có thể khiến người đọc nhớ tới tiểu thuyết Họp mặt của nhà văn Ireland Anne Enright. Nếu như những đoạn mô tả về tình dục trong Họp mặt cho thấy trong cái hành động ngỡ như mang hai con người lại gần nhau nhất, người ta lại có thể ở xa nhau đến mức nào, thì ở Ban công lên trời, người ta đến với nhau đầy khao khát, đầy nhục cảm, nhưng khi buông nhau ra, người ta cảm thấy nhạt nhẽo, toen hoẻn. Người ta chợt thấy rằng vẫn cần phải có tình yêu. Người đàn ông trong truyện "Dã tràng" sau một ngày hẹn hò mệt nhoài với bao nhân tình, tối về nhà nhìn thấy "hai chiếc máy điện thoại cũng đang ôm nhau nằm ngủ" thì chỉ thèm có một bờ vai để gục đầu vào.
Đọc Ban công lên trời, còn là để thích thú trước những so sánh bất ngờ như thế này: “Thành phố này mà không có cây cối thì nom chẳng khác gì một bà già khỏa thân” , hay “Bó hoa nom như thể mõm con thú dữ vừa mới xé xác con mồi”, hay nhất là thế này: “Chiếc lông vàng, co ro như đứa trẻ đang ngủ phủ mật ong”.
Đọc truyện ngắn, trong chừng mực nào đó, thách thức hơn cả đọc tiểu thuyết. Nếu tiểu thuyết là một thế giới lớn, người đọc chỉ cần chìm được vào thế giới ấy là có thể sống với cuốn tiểu thuyết, thì mỗi truyện ngắn là một thế giới, mà bước ra khỏi thế giới này rồi bước vào thế giới khác ngay chẳng khác gì bật công tắc on - off liên tục rất dễ khiến râu tóc bóng đèn trong đầu ta cháy rụi. Tuy nhiên, các truyện ngắn trong Ban công lên trời lại kết nối với nhau thành một thế giới tương đối thống nhất. Do vậy, gần như ta có thể đọc một mạch các truyện mà không e ngại vấn đề "cháy bóng đèn". Nói thế cũng có nghĩa là đây đó các truyện trong tập có sự lặp lại.
* Ban công lên trời, Tomasz Jastrun, Lê Bá Thự dịch, Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
-
Từ điển Bắc - Nam Những ai đã từng sống ở cả Sài Gòn (tiêu biểu cho miền Nam) và Hà Nội (tiêu biểu cho miền Bắc) sẽ không khó mà nhận ra ...
-
BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN Tôi có người bạn viết ba cuốn sách vài trăm nghìn chữ mất 7 năm, lấy tựa chung “Bất hạnh là một ...
-
Chỉ có đọc lại mới đáng kể - một nhà nào đó đã nói về việc đọc sách, chính xác lại là "đọc lại sách", như thế. Một nhà nào đó k...
No comments:
Post a Comment