Friday 18 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (V)

***

Kể từ ngày sang Silicon Valley tôi không còn vất vả tìm nơi vào internet nữa. Vấn đề bây giờ không phải là internet mà là thời gian vì lịch họp kín mít cả ngày, tối thì phải đi ăn tối cùng mọi người trong công ty, phải hoa tay múa chân và nói về những thứ nhiều phần nhàm chán chẳng hạn “thách thức”, “vấn đề”, “giải pháp”. Chỉ khi cái tôi hoa tay múa chân nói cười ha hả chào tạm biệt mọi người rúc về phòng rồi thì cái tôi tĩnh lặng mới trở lại.

Khách sạn tôi đang ở bên ngoài cửa mỗi phòng họp đều có bảng ghi số người tối đa phòng có thể chứa. Nếu chưa nhìn thấy một bảng tương tự ở Starbucks thì tôi sẽ tưởng khách sạn chu đáo nên làm thế để tiện việc tổ chức sự kiện. Thật ra, đó là quy định pháp luật. Ở Starbucks, bảng ghi rõ: Phòng này chứa tối đa x người. Chứa hơn số người quy định là vi phạm pháp luật và có thệ bị phát đến x đô. Tôi nghe nói lý do của quy định này là để đảm bảo an toàn cho những người trong phòng hay trong tiệm, nhất là trong trường hợp hỏa hoạn.

Cái ngày mà tôi chờ nhà thơ đến dẫn đi mua sách, tôi ngồi trên một băng ghế dài không tựa ven đại lộ Michigan. Đây là mép ngoài của công viên Millenium, ngày hè ấm áp nên rất nhiều người qua lại. Ngồi gần tôi, một bé gái đang loay hoay buộc hay cởi giày, bé để chai nước cam đang uống dở bên cạnh, trên băng ghế. Cha mẹ cô bé đứng nói chuyện với vài người cách đó chỉ chừng mười bước. Rất nhanh, một cảnh sát không biết từ đâu xuất hiện, gọi cha mẹ cô bé lại yêu cầu cầm chai nước cam lên. Ông giải thích, khi em bé loay hoay, chai nước làm bằng thủy tinh có thể rơi xuống, bể, và có thể gây nguy hiểm cho chính em bé đó cũng như những em bé khác đang chơi gần đấy.

Tôi thích những quy định và những viên cảnh sát như thế. Nó chứng tỏ sự an toàn của con người luôn được quan tâm.

***

Lý do chính tôi ghé Chicago trong chuyến công tác này là để dự lễ tốt nghiệp tiến sĩ một người bạn. Bạn tôi hoàn thành chương trình tiến sĩ sau 8 năm học và nghiên cứu tại Đại học Chicago.

Cách đây 8 năm, cũng ở Chicago tôi gặp bạn và một nhóm bạn bè người Mỹ của bạn - tất cả đều đang bắt đầu chương trình tiến sĩ ở đây. 8 năm sau, trong nhóm nghiên cứu sinh đấy, chỉ có bạn đã vượt xong ải cuối cùng, những người kia có người bỏ ngang, có người còn chưa bảo vệ xong đề cương luận án. Mất đến mười một mười hai năm để tốt nghiệp tiến sĩ một ngành khoa học xã hội tại một đại học Mỹ là chuyện thường. Bạn tôi chiếm năm mươi phần trăm số tiến sĩ tốt nghiệp từ trường SSA thuộc Đại học Chicago năm nay. Năm mươi phần trăm còn lại là một cô gái Mỹ.

Ở Việt Nam, có người bảy năm bảy bằng tiến sĩ, có người vừa đi làm toàn thời gian vừa nghiên cứu tiến sĩ, có người thậm chí hoàn thành tiến sĩ của Mỹ mà không biết tiếng Anh. Xã hội không bao giờ thiếu những màn kịch hài.

Tối hôm lễ tốt nghiệp, chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng Mỹ. Biết trước khẩu phần ăn tại nhà hàng Mỹ nói chung rất to (không ngạc nhiên tại sao rất nhiều người Mỹ thừa cân) nên tôi chỉ khẽ khàng gọi một đĩa pasta, nhưng rốt cuộc tôi chỉ có thế giải quyết một phần nhỏ. Nếu ăn hết đĩa pasta đấy thì có thể sáu tháng sau tôi mới cần ăn lại, như một con trăn chúa sau khi xơi một con hươu. Kể ra, nếu một năm chỉ cần ăn hai lần cũng tốt, tiết kiệm được khối thời gian.

***

27 comments:

  1. Xã hội văn minh nên cảnh sát cũng chu đáo nhỉ.
    Vụ tiết kiệm thời gian : mình thích biến bữa ăn thành nơi phát triển ý tưởng sáng tạo giữa những người cùng ăn. Bữa ăn kéo dài hơn thường lệ nhưng thú vị lắm :-)

    ReplyDelete
  2. Bác cứ kể chuyện trên đường cho nó vui, cho chúng bạn ở nhà mở mang đầu óc. Đừng có lâu lâu lại vòng về VN một đoạn mang tính so sánh thế chứ :).

    Đã bảo là VN có chỉ số IQ cao mà, tiến sĩ nhiều cũng là chuyện thường :)

    ReplyDelete
  3. Vậy là học tiến sĩ ở bển vốn tiết kiệm được nhiều thời gian dành cho việc ăn nhưng thời gian hoàn thành lại vẫn dài hơn ở đây rất nhiều. Hic.

    ReplyDelete
  4. Em vô tình vừa được gửi cho tin này có liên quan.

    Đi học 2 tuần lấy bằng tiến sĩ:

    http://sgtt.com.vn/Thoi-su/Khoa-giao/124278/Lam-tien-si-o-My-nhung-khong-biet-tieng-Anh.html

    ReplyDelete
  5. bài này đọc yêu nhỉ.

    ReplyDelete
  6. Bác Phú: Không dừng được bác!:)

    ReplyDelete
  7. em thấy học KHXH ở các nước phát triển rất khó khăn, bên em học MA cũng dở dang chứ đừng nói đến PhD, năm ngoái khóa em trượt 1 nửa, giống y như thi ĐH ở nhà mình. Ở nhà, bọn bạn làm MA cứ thênh thênh như ko, có đứa giờ đã TS, mình thì thấy học sao cực khổ quá!
    Vừa rồi em có làm 1 nghiên cứu về VH Mỹ, cái vụ cảnh sát lo an toàn với trẻ em là rất đặc trưng, vì người Mỹ có những nỗi sợ về số phận của cá nhân, nên họ rất coi trọng sự an toàn. Chắc cũng phải lang thang Mỹ 1 chuyến :P. Anh viết cái này đến ngày về khéo thành tiểu luận được đấy nhỉ? :P (Z)

    ReplyDelete
  8. Mund dạo này tung hoành khiếp nhỉ? Định làm đầu nậu sách cho Google hay sao mà đến Silicon Valey?

    ReplyDelete
  9. Em biết bác Mun dự lễ tốt nghiệp ai rồi. 8 năm theo em là hơi lâu nhá :)) nhưng mà vì bạn ấy sản xuất ra được nhiều sản phẩm khác nên em nghĩ 8 năm vẫn là ấn tượng.

    ReplyDelete
  10. Cái này cũng tùy ngành thôi. Nói chung thời gian trung bình làm Ph.D. ở Mỹ là từ 5 tới 6 năm trong đó 5 năm chắc là giá trị median (phổ biến nhất). Số người làm trong 4 năm tương đối ít (chắc ít hơn số làm 6 năm). Còn 3 năm (hình như bác Lùng là 3 năm?) thì phải nói là rất hiếm, trừ khi là đã được lấy credit ở các khóa học trước rồi, lúc làm Ph.D. chỉ phải làm luận án thôi chứ không phải lấy lớp nữa.
    Luận án các ngành xã hội cũng thường lâu hơn các ngành tự nhiên do người làm có thể phải tiến hành khảo sát thực địa mất nhiều thời gian (ví dụ một người làm Ph.D. về nhân học hay khảo cổ học có thể phải mất nhiều năm để đến nước hay cộng đồng họ nghiên cứu sống và làm việc). Đó là chưa kể các NCS những ngành xã hội cũng hay ngắt quãng thời gian làm hơn (cũng 1 phần vì nó dài). Trong khi đó các luận án ngành tự nhiên thường có thời gian ngắn hơn, từ 4-6 năm, do các nghiên cứu đa số đều được tiến hành tại trường.

    ReplyDelete
  11. Z: Ở Việt Nam sau khi đã đi luyện thi thạc sĩ hầu như ai cũng đậu đầu đầu vào, đậu đầu vào rồi chắc chắn đậu đầu ra. Bằng thạc sĩ nhiều như đậu phụ. Tiến sĩ cũng nhiều; nhiều như cái gì thì mình phải rút lời lại, vì cái từ mình hay dùng không được nho nhã lắm:)

    ReplyDelete
  12. @Linh: Linh nói đúng, thường thì 5 năm, đặc biệt nếu muốn có thời gian publish bài. Nhưng tôi nhớ khi họ cho visa làm PhD, trong cái I20 ở trường tôi, hạn tối đa cũng chỉ có 6 năm. Tôi học master ở cùng khoa nên tôi cho xong coursework chỉ có trong 1 năm, còn lại 2 năm làm luận văn. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào việc các bạn ấy có muốn ra hay không nữa. Tôi thì tôi chán cảnh làm sinh viên nên tôi cắm đầu cắm cổ làm cho xong và biến.

    ReplyDelete
  13. Sợ thế, đi sang dự lễ tốt nghiệp mà viết đến 5 phần, cả chục nghìn chữ mới thấy nhắc lễ tốt nghiệp, còn thì toàn thấy nói chuyện đi cà phê với các fan cuồng :)

    Có mấy chỗ em muốn đính chính:

    1. Thứ nhất là em giới thiệu cái điều tra của Đại học Chicago trên toàn nước Mỹ cho những người có tốt nghiệp tiến sỹ (Survey of Earned Doctorates). Trong này có ghi tương đối rõ thông tin về thời gian đến lúc lấy được bằng PhD ở một số ngành. Nếu tính chung thì thời gian từ lúc vào học grad school cho đến lúc lấy được PhD năm 2008 là 7,7 năm (xem bảng 18). Lâu nhất là ngành giáo dục (gần 13 năm), rồi đến các ngành nhân văn (9,3 năm)... ngay cả bên KHTN cũng gần 7 năm. Nếu nhìn tổng thể thì thời gian này đã ngắn đi rồi; ví dụ như trước đó 10 năm - năm 1998, thì thời gian của ngành giáo dục là 15,2 năm, nhân văn là 9,7 năm, của tất cả các ngành là 8,3 năm.

    Link: http://www.nsf.gov/statistics/nsf10309/content.cfm?pub_id=3996&id=4

    Trong ngành của em - đính chính là bọn em là professional school chứ không phải social sciences cũng không phải humanities - các trường như Columbia chẳng hạn, ho cho nghiên cứu sinh làm 3 essays thay vì làm dissertation, thì hầu hết những người tốt nghiệp từ Columbia sang trường em làm assistant professor đều tốt nghiệp trong vòng 3-4 năm, sau đó họ deu lấy 2 năm post-doc. Làm dissertation thường lâu hơn nhiều, nhất là nếu tự thu thập dữ liệu thay vì sự dụng các database có sẵn. Bắt đầu từ năm nay, khoa em đang thử nghiệm cho NCS làm 3 essays để tốt nghiệp cho nhanh. Nhưng em nghĩ là để luyện kỹ năng làm nghiên cứu và cách tư duy thì 3 năm cho NCS là hơi ngắn, nhất là với người nhảy từ ngành khác vào PhD.

    2. Thực lòng thì em hoàn toàn có thể làm xong PhD trong 5 năm; nhưng mà vào PhD rồi, em lại lấy thêm master để định sau này lấy giấy phép hành nghề social work, thế là mất thêm hơn 1 năm cho course work và đi thực tập. Lại chuyển nhà qua bờ Tây, rồi bờ Đông nhiều lần, lại còn viết và dịch một số cuốn sách nhảm nhí :) cho nên mới mất 8 năm. Thực ra thì chỉ là 7 năm thôi; một năm cuối là lên job market cho nó thong thả và tránh cái năm 2009 khủng hoảng, thị trường việc làm đóng băng. Cho nên thực sự mà nói thì em mất khoảng 6 năm cho PhD.

    3. Nói 2 mục trên để cho các bạn nào sắp vào PhD có thêm thông tin về cái mình sắp bước chân vào, nhất là các bạn mà ngoài 30 mới bắt đầu. Nói chung làm PhD là dài; mà phần khó nhất có lẽ không phải là học course work hay dissertation. Em thấy có người hợp với nó, có người chắc chắn là không hợp.

    ReplyDelete
  14. @lvu: I20 cũ của tôi hạn là 8 năm bác ạ (nếu tôi nhớ ko nhầm). Nhưng hết hạn đó mà chưa xong thì vẫn có thể gia hạn.

    ReplyDelete
  15. @Phan Việt: Ừ, hóa ra thời gian tốt nghiệp lâu thế, thế mà sao mình cứ có ấn tượng là nó thường chỉ trong khoảng 5-6 năm nhỉ.
    Mà xem 1 cái bảng thì thấy ngành Social Work của Phan Việt cũng là ngành lớn, năm 2008 có 337 người nhận Ph.D. (bảng 47).

    ReplyDelete
  16. Hehe, các bạn cần chú ý khi hiểu cụm từ time to doctorate (TTD) được định nghĩa như sau:

    Total time to doctorate (TTD), the total elapsed calendar time between receipt of the baccalaureate and receipt of the doctorate, including time not enrolled in school.

    TTD = khoảng thời gian từ khi một người nào đó có được bằng đại học đến bằng lúc có bằng tiến sĩ, bao gồm cả khoảng thời gian những người này không đi học (ví dụ đi làm).
    Đọc thêm chi tiết ở cái link này.

    http://www.nsf.gov/statistics/nsf06319/chap4.cfm

    Khái niệm này tương tự như khái niệm Median Years to Doctorate đã từng bị hiểu nhầm và từng được gây tranh cãi, mổ xẻ sau khi báo cáo của Conference Board Study ra đời cho thấy khoảng thời gian TB cho 1 bằng tiến sĩ là 8.19 năm.

    Bạn Linh chỉ cần google 1 phát là có thể tìm thấy thông tin này cho ngành kinh tế của bạn là 5.3 năm. Các ngành computer science là khoảng 5 năm. Tất nhiên tớ không có ý bình luận học ngắn hay học dài ở đây. Học thế nào còn tùy ngành, tùy mục tiêu của mỗi người và tùy vào những gì các bạn đạt được. Nhưng túm lại 8.2 năm không phải khoảng thời gian TB 1 người dành cho grad school để có cái bằng TS.

    Một ý nữa cho cái comment 3 essays của bạn PV. Thực ra là 3 bài bào journals và theo quy định của trường tớ thì trước khi ra trường, SV này phải có ít nhất 1 bài báo xuất bản. Cái này thực ra khó hơn làm dissertation vì nhiều khi để một bài báo ra đời mất toi vài năm rồi. Tớ không chọn 3 bài báo nhưng tớ thấy làm 3 bài báo hay bởi ngay cả làm luận văn thì cuối cùng bạn cũng phải mổ xẻ cái luận văn ấy ra, biến nó thành báo để đăng, rất tốn thêm công sức và thời gian.

    Một điều nữa student status luôn = student status và vì vậy thoát ra khỏi nó ngày nào là tốt cho nghề nghiệp ngày đó. Các thầy khoa tớ chuyên môn khuyên SV ra được sớm ngày nào tốt ngày đó.

    ReplyDelete
  17. Lvu:

    1. Tất cả các thông số mình nói ở trên là mình cũng đã lấy cái mục chỉ tính từ lúc "starting grad school" chứ không phải từ lúc tốt nghiệp đại học, cho nên nó không phải TTD như bạn nói (Bảng 18).

    http://www.nsf.gov/statistics/nsf10309/pdf/tab18.pdf

    Nhưng trong này chắc bao gồm cả time bỏ ra ngoài làm việc rồi quay lại học tiếp hoặc time học các bằng master truoc PhD. Có thêm bảng này để xem các loại thời gian khác nhau:
    http://www.nsf.gov/statistics/nsf06319/tables/tt04-04.htm

    Chú ý: hai bảng này dùng dữ liệu vào các time period khác nhau

    2. Về chuyện essays: Cái khó bạn nói về việc một essay có thể mất vài năm để xuẩt bản là cái khó thuộc về quy trình xuất bản (bao gồm cả sự quan liêu) của academics, chứ nó không phải cái khó nội tại của việc viết essay so với việc viết dissertation. Dĩ nhiên, chuyện khó dễ này rất khó nói vì nó tuỳ ngành, tuỳ nhiều thứ, nhưng mình quan sát thấy khi viết essay thì nhiều người chủ yếu viết chung với người khác hoặc với thầy trên các database có sẵn, mình nghĩ là nó nhanh hơn nhiều so với làm dissertation một mình.

    Chuyện các essays này phải đã thành bài báo xuất bản rồi hoặc là chỉ cần có triển vọng xuất bản (publishable) chac là tuỳ trường. Bên mình không quy định SV cần phải có bài xuất bản trước khi ra trường; cho nên essays gọi chính xác là essays - với tính hoàn chỉnh về việc đặt vấn đề - giải quyết vấn đề trong phạm vi essay đó.

    ReplyDelete
  18. ối giời, mình đã giấu tên mà thò mặt vào, chả khác nào không đánh mà khai:)

    thôi các tiến sĩ cãi nhau đi cho đời nó vui, chứ mình thấy 8 năm khí cũng hơi lâu, thêm năm nữa làm được cái Điện Biên rồi:) Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng


    kháng chiến chống Pháp cũng đến thế là cùng, gớm chứ học gì mà học lâu thế:))

    ReplyDelete
  19. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  20. Co giau ten thi ai ma khong biet la ai :p

    ReplyDelete
  21. Chúc mừng em PV đã tốt nghiệp. Lâu hay chóng thì có quan trọng gì đâu nhỉ, nhất là khi em còn khá trẻ và lại làm được nhiều việc như thế.

    ReplyDelete
  22. td20: Người biết là ai thì biết là ai, còn người kg biết là ai thì kg biết là ai, chứ tự khai rồi thì ai cũng biết là ai:))

    ReplyDelete
  23. Với ngành kinh tế, ở Mỹ thì người ta thường khuyến khích viết essays, nói chung cần 3 essays để tốt nghiệp, không cần yêu cầu phải publish. Ở các nước châu Âu thì trước đây có thiên hướng nghiêng về dissertation, nhưng các năm gần đây cũng ngày càng nhiều trường chuyển sang hình thức 3 essays do ảnh hưởng của Mỹ. Một số trường ở châu Âu có yêu cầu phải có 1 hay 2 bài được accept trên tạp chí chuyên ngành trước khi bảo vệ, nhưng cũng nhiều trường không yêu cầu gì cả.

    Nói chung trong ngành kinh tế, thì người ta không đặt vấn đề phải có journal article trong thời gian làm Ph.D. Tuy nhiên việc có journal articles sẽ là lợi thế quan trọng khi đi xin việc, nhất là nếu đăng ở tạp chí tốt. Trong một số trường hợp nếu NCS chọn đề tài mà bản thân GS hướng dẫn và/hoặc các thành viên trong hội đồng cũng không chuyên sâu thì người ta càng khuyến khích có journal article trước khi bảo vệ như là một hình thức peer-reviewed.

    ReplyDelete
  24. hôm nay em check-out rồi dùng wifi chùa ở sảnh khách sạn từ con di động, chỉ kịp vào blog của bác rồi bị disconnected luôn. Đọc phần V lúc ngồi trên xe bus ra sân bay em nghĩ ngay đến PV (connecting the dots, nói theo kiểu Steve Jobs). Giờ về đến nhà thì đã thấy comment ngập tràn thế này, thấy hơi vui vì mình đã connect đúng:)

    ReplyDelete
  25. xấu hổ thật, chị không những có thể ăn sạch hết phần ăn chính mà còn chén được 1 khai vị + 1 tráng miệng chưa kể thức uống ... :(

    ReplyDelete
  26. hi hi, kg có gì xấu hổ, ăn được ngủ được là tiên

    mà dạo này đọc blog em muộn thế?:)

    ReplyDelete
  27. tại em set làm sao mà chị không đọc được hết bài qua google reader. về nhà dạo này con bé mọc răng nên cơm nước xong ru con ngủ chị khò luôn. em set lại được không hay có ý set như thế?

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN