Sunday 1 January 2012

Đầu năm đọc truyện

Ann Beattie, sinh năm 1947, nổi lên trên văn đàn Mỹ vào giữa những năm bảy mươi với nhiều truyện ngắn được đăng tải trên tuần báo The New Yorker. Bà nhanh chóng được coi là người phát ngôn của thế hệ của mình - thế hệ những người sinh sau thế chiến thứ hai. Các truyện ngắn của bà tập trung viết về những người trẻ, có trình độ, thuộc tầng lớp trung lưu, nhưng đầy hoang mang, bất đắc chí trước cuộc đời. Phong cách viết của bà có nhiều nét gần gũi với nhà văn chuyên viết truyện ngắn lẫy lừng Raymond Carver, cũng là bạn của bà: tinh gọn, kiệm lời, không phán xét, đứng tách biệt hoàn toàn khỏi nhân vật và hành động của họ. Truyện ngắn Thần Janus của Ann Beattie đăng lần đầu trên The New Yorker năm 1986, sau đó được tuyển chọn vào tập The Best American Short Stories of the Century.


-------------


Thần Janus[1]

Truyện ngắn của Ann Beattie

Cái bát ấy hoàn hảo. Có lẽ nó không phải là thứ bạn chọn nếu đứng trước một kệ bát, và cũng không phải loại chắc chắn thu hút nhiều chú ý trong một hội chợ hàng thủ công, tuy nhiên nó thực sự gây ấn tượng. Dễ dàng đoán ra nó được ngưỡng mộ, kiểu như một con chó lai không có lý do gì để ngờ vực rằng mình có thể buồn cười. Thực tế, đúng là có một con chó như thế thường được mang ra (và vào) cùng với cái bát.
Andrea là một nhà môi giới bất động sản, và những khi cô nghĩ rằng khách hàng triển vọng nào đó của mình có thể là người yêu chó, cô sẽ thả con chó xuống cùng lúc cô đặt cái bát trong căn nhà đang rao bán. Cô thường đặt một đĩa nước trong bếp cho Mondo, lấy con ếch nhựa chút chít trong xắc tay ra thả trên sàn. Nó sẽ chồm lên sung sướng, như hằng ngày nó vẫn làm vậy ở nhà, vờn món đồ chơi yêu thích nhất của mình. Cái bát thường được đặt trên bàn phòng khách, tuy nhiên gần đây cô chưng nó trên một cái hòm bằng gỗ thông hay trên một cái bàn sơn mài. Có lần nó được đặt trên cái bàn gỗ anh đào bên dưới bức tĩnh vật của Bonnard[2], trông thật nổi bật.
Những ai từng mua nhà hay từng muốn bán một căn nhà ắt hẳn quen thuộc với một vài tiểu xảo được sử dụng để thuyết phục người mua rằng căn nhà khá là đặc biệt: lửa trong lò sưởi vào đầu buổi tối; bình hoa trường thọ trên quầy bếp, nơi bình thường không ai có đủ chỗ để cắm hoa; hay có lẽ mùi thơm mùa xuân dìu dịu, tỏa ra từ một giọt tinh dầu bay hơi nơi bóng đèn.
Điều tuyệt vời về cái bát, Andrea nghĩ, là nó vừa tinh tế vừa gây chú ý - một cái bát ngược đời. Nước men nó màu kem và bất kể được đặt dưới ánh sáng nào cũng dường như lấp lánh. Có vài mảnh màu trong nó - những vệt sáng hài hòa bé nhỏ - và một vài đốm màu này ánh bạc. Chúng huyền bí như những tế bào nhìn dưới kính hiển vi; thật khó mà không săm soi chúng, bởi vì chúng lung linh, chớp sáng trong tích tắc, rồi quay trở về hình dáng của chúng. Có điều gì đó về các màu sắc và vị trí ngẫu nhiên của chúng gợi lên sự chuyển động. Những người thích đồ gỗ kiểu dân dã luôn bình luận về cái bát, nhưng rồi hóa ra là những người thoải mái với phong cách nội thất Biedermeier cũng thích nó như thế. Nhưng cái bát không hề có vẻ giả tạo hay thậm chí quá nổi bật khiến người ta nghi ngờ rằng nó được cố ý đặt ở đó. Họ có thể chú ý đến chiều cao của trần nhà khi vừa bước vào phòng, và chỉ khi ánh mắt họ rời khỏi trần nhà, hoặc khi rời khỏi ánh nắng khúc xạ trên bức vách sáng nhạt, thì họ mới thấy cái bát. Ngay lập tức họ sẽ bước về phía nó và bình luận. Tuy nhiên họ luôn luôn lúng túng khi cố nói điều gì đó. Có lẽ bởi họ bước vào ngôi nhà vì một lý do nghiêm chỉnh, chứ không phải để để ý đến một đồ vật nào đó.
Có lần, Andrea nhận một cú điện thoại của một phụ nữ đã xem nhà nhưng chưa đặt giá. Cái bát ấy, bà ta nói - liệu có thể biết được chủ nhà đã mua cái bát xinh xắn ấy ở đâu? Andrea vờ như cô không biết người phụ nữ muốn nói tới cái gì. Cái bát, đâu đó trong nhà ư? Ồ, ở trên cái bàn ngay dưới cửa sổ ấy. Đúng vậy, cô sẽ hỏi, dĩ nhiên. Cô để mặc cho vài ngày trôi qua, rồi gọi lại nói rằng cái bát là một món quà nên chủ nhà không biết nó mua ở đâu.
Khi cái bát không được tha từ nhà này sang nhà khác, nó được đặt trên bàn phòng khách nhà Andrea. Cô không gói nó lại (dù khi mang đi đâu thì cô gói cẩn thận, trong một cái hộp); cô để nó trên bàn, vì cô thích nhìn thấy nó. Nó khá lớn nên trông không có vẻ mong manh, hay đặc biệt dễ vỡ nếu có ai lỡ quệt phải bàn hay con Mondo húc phải nó trong lúc đùa giỡn. Cô đã yêu cầu chồng xin đừng bỏ chìa khóa nhà của anh vào trong bát. Nó cần phải được trống rỗng.
Khi chồng cô lần đầu để ý thấy cái bát, anh ghé mắt vào rồi khẽ mỉm cười. Anh luôn luôn giục cô mua những thứ đồ cô thích. Trong những năm gần đây, hai người đã mua sắm khá nhiều thứ để bù những năm tằn tiện khi họ còn là sinh viên sau đại học, nhưng lâu nay họ đã khá thoải mái, cái niềm vui thú có đồ đạc mới nhạt dần. Chồng cô tuyên bố cái bát “xinh xắn”, và anh quay đi mà không cầm lên săm soi. Anh quan tâm đến cái bát không nhiều hơn mức quan tâm cô dành cho cái máy ảnh Leica mới của anh.
Cô đoan chắc cái bát mang may mắn đến cho cô. Những ngôi nhà mà cô có trưng bày cái bát thường được dạm mua. Đôi khi chủ nhà, luôn được yêu cầu đi vắng hay ra ngoài trong khi nhà được cho khách xem, thậm chí còn không biết cái bát từng ở trong nhà của mình. Có lần, cô không tưởng tượng ra làm thế nào mà cô để quên nó, và rồi cô quá lo sợ cái bát có thể bị làm sao đến nỗi cô hớt hải quay lại căn nhà và thở phào nhẹ nhõm khi nữ chủ nhân ngôi nhà mở cửa. Cái bát, Andrea giải thích - cô đã mua một cái bát và đặt nó trên cái hòm gỗ cho an toàn trong khi dẫn khách đi xem nhà, và cô… Cô thấy muốn phóng qua khỏi người phụ nữ đang cau mày và chộp lấy cái bát của mình. Người chủ tránh sang bên, và chỉ khi Andrea chạy về phía cái hòm bà mới nhìn cô một cách hơi kỳ quặc. Trong vài giây ngắn ngủi trước khi Andrea nhấc cái bát lên, cô thấy người chủ hẳn là mới nhận ra rằng cái bát đã được sắp đặt một cách lý tưởng, rằng ánh sáng mặt trời rọi vào phần xanh biếc của nó. Cái bình của bà đã được dịch tới cạnh xa của cái hòm gỗ, và cái bát trông nổi trội. Suốt đường về nhà, Andrea băn khoăn làm thế nào mà cô có thể bỏ quên cái bát lại. Cứ giống như là bỏ rơi một người bạn trong một chuyến dã ngoại - cứ bỏ mà đi mất. Đôi khi trên báo có những câu chuyện về những gia đình bỏ quên một đứa trẻ ở đâu đó và lái xe tới thành phố kế tiếp. Andrea chỉ mới lên đường được một dặm thì đã nhớ ra.
Rốt cuộc, cô còn mơ thấy cái bát. Hai lần, khi bị bóng đè - vào sáng sớm, khi đang lơ mơ trước khi dậy - cô nhìn thấy nó rõ ràng. Nó nổi bật lên sắc nét khiến cô ngạc nhiên một lúc - vẫn là cái bát mà cô nhìn hằng ngày.

Năm ấy cô buôn bán bất động sản rất lãi. Người ta cứ kháo nhau, nên cô có nhiều khách hàng hơn mức mà cô cảm thấy dễ thở. Cô có ý nghĩ ngốc ngếch rằng phải chi cái bát là một vật sống để cô có thể cảm ơn nó. Có những lúc cô muốn nói với chồng mình về cái bát. Anh là người môi giới chứng khoán, đôi khi anh bảo mọi người rằng anh may mắn lấy được một phụ nữ vừa có khiếu thấm mỹ tinh tế lại vừa có thể hoạt động trong thế giới thực. Họ khá giống nhau, thực sự là như vậy - họ đồng ý điều này. Cả hai đều ít nói - ưa suy nghĩ kỹ càng, chậm chạp khi đưa ra đánh giá, nhưng một khi đã kết luận thì chắc nịch. Cả hai đều thích chi tiết, nhưng trong khi cô ưa sự châm biếm, anh lại thiếu kiên nhẫn và chóng chán hơn khi vấn đề trở nên đa chiều hoặc không rõ ràng. Nhưng cả hai người biết điều này; đây là thứ đề tài mà họ có thể bàn luận khi chỉ họ ngồi trong xe với nhau, trên đường về nhà sau một bữa tiệc hay bữa cuối tuần với bạn bè. Nhưng cô không bao giờ nói với anh về cái bát. Khi họ ăn tối, trao đổi tin tức về nhau trong ngày, hay đêm nằm trong giường nghe nhạc lúng búng mấy lời rời rạc ngái ngủ, cô thường toan nói thẳng ra cô nghĩ cái bát trong phòng khách, cái bát màu kem ấy, giúp cô thành công. Nhưng cô không nói điều đó. Cô không thể bắt đầu giải thích điều đó. Đôi khi vào buổi sáng, cô nhìn anh và cảm thấy có lỗi vì cô đã giữ một bí mật như thế.
Liệu có thể nào cô có một mối liên hệ sâu sắc hơn với cái bát - một kiểu quan hệ nào đó? Cô chỉnh sửa suy nghĩ của mình: làm thế nào mà cô có thể tưởng tượng ra một điều như thế, trong khi cô là một con người bằng xương bằng thịt còn nó chỉ là một cái bát. Thật nực cười. Cứ nghĩ tới việc người ta sống với nhau và yêu nhau như thế nào…Nhưng chuyện đó có phải bao giờ cũng rành mạch, luôn luôn là một mối quan hệ? Những suy nghĩ này làm cô bối rối, nhưng chúng cứ đọng mãi trong tâm trí cô. Giờ đây có một cái gì đó bên trong cô, một cái gì đó có thực, mà cô chưa bao giờ nói tới.
Cái bát là một niềm bí ẩn, kể cả đối với cô. Thật khó chịu, bởi sự dính líu của cô đến cái bát lúc nào cũng chứa đựng cảm giác về một vận may không được đền đáp; hẳn sẽ dễ dàng hơn nếu được đáp trả đòi hỏi nào đó ở chiều ngược lại. Nhưng điều ấy chỉ xảy ra trong chuyện cổ tích. Cái bát chỉ là một cái bát. Cô chẳng tin điều ấy lấy một giây. Điều cô tin cái bát này chính là thứ mà cô yêu quý.
Trước đây, đôi khi cô nói chuyện với chồng về một bất động sản mới mà mà cô sắp mua hay bán - chia sẻ một chiến lược khôn khéo nào đó mà cô vạch ra để thuyết phục những người chủ nhà có vẻ như đã sẵn sàng bán. Bây giờ cô thôi làm chuyện đó, vì mọi chiến lược của cô đều liên quan đến cái bát. Cô trở nên toan tính hơn với cái bát, và cũng khư khư với nó hơn. Cô đặt nó vào các căn nhà chỉ khi không ai ở đó, và khi ra khỏi căn nhà đó cô mang nó theo. Thay vì chỉ di chuyển một cái bình hay một cái đĩa, cô sẽ dọn sạch mọi đồ đạc khác trên bàn. Cô phải buộc mình cẩn thận với chúng, bởi vì cô không thực sự quan tâm tới chúng. Cô chỉ muốn chúng khuất mắt.
Cô tự hỏi tình hình này kết cuộc sẽ thế nào. Cũng như với một người tình, không có một phương án chính xác về việc chuyện sẽ đi đến kết thúc như thế nào. Lo lắng trở thành yếu tố quan trọng nhất. Nếu người tình lao vào vòng tay ai khác, hay viết cho cô một mẩu giấy và bỏ đi đến một thành phố khác cũng sẽ chẳng can hệ. Điều kinh khủng là tính khả thi của sự biến mất. Đó mới là điều quan trọng.
Đêm cô thường thức dậy ngắm cái bát. Cô chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện cô có thể làm vỡ nó. Cô rửa rồi lau khô nó mà không lo lắng gì, cô cũng thường xuyên dịch chuyển nó, từ cái bàn phòng khách đến bàn góc bằng gỗ hồng đào hay chỗ nào đó, mà không sợ có rủi ro gì. Rõ ràng cô sẽ không phải là người làm cái gì đó hại tới cái bát. Chỉ cô mới cầm nắm nó, an toàn đặt nó trên một bề mặt này hay bề mặt khác; không có vẻ gì ai đó sẽ làm nó vỡ. Một cái bát là một vật dẫn điện tồi: nó sẽ không bị sét đánh. Tuy nhiên nỗi lo nó bị sứt vỡ vẫn lẩn quẩn. Cô không nghĩ xa hơn thế - tới việc cuộc đời cô sẽ ra sao nếu không có cái bát. Cô chỉ tiếp tục lo sợ rằng rủi ro nào đó sẽ xảy ra. Sao lại không cơ chứ, trong một thế giới mà người ta trồng cây ở những nơi không dành cho chúng, để lừa khách tham quan nhà nghĩ rằng những góc tối cũng có ánh nắng mặt trời - một thế giới đầy những tiểu xảo?
Lần đầu tiên cô nhìn thấy cái bát là trước đây nhiều năm, tại một hội chợ hàng thủ công mà cô ghé thăm có phần lén lút, cùng với người tình của cô. Anh ta đã giục cô mua cái bát. Cô không cần thêm thứ gì hết, cô bảo anh ta. Nhưng cô bị thu hút bởi cái bát, và họ lẩn quẩn gần nó. Rồi cô đi sang gian hàng kế tiếp, và anh ta đến sau lưng cô, gõ vành bát vào vai cô trong lúc cô đang sờ một cái khuôn bằng gỗ. “Anh vẫn nài nỉ em mua cái đó à?” cô hỏi. “Không,” anh ta nói. “Anh mua cho em rồi.” Trước cái này, anh ta đã mua cho cô những thứ khác - những thứ thoạt tiên cô thích hơn - cái nhẫn ngà và ngọc lam của trẻ con vừa vặn ngón tay út cô; cái hộp gỗ, dài và ốm, được lắp mộng rất đẹp, cô dùng đựng kẹp giấy; cái áo thun xám mềm có túi ở bụng. Ý của anh là khi anh không có ở đó để nắm tay cô thì cô có thể tự nắm tay mình, siết hai tay trong cái túi ngang đằng trước bụng. Nhưng dần dần cô trở nên gắn bó với cái bát hơn những món quà khác của anh. Cô cố tự thuyết phục mình không phải vậy. Cô sở hữu những vật khác ấn tượng hơn hoặc đáng giá hơn. Đó không phải là một vật có vẻ đẹp đập vào mắt bạn; hẳn đã có nhiều người đi ngang qua nó trước khi hai người bọn họ nhìn thấy nó hôm đó.
Người tình của cô đã nói rằng cô luôn luôn quá chậm chạp nên không biết được cô thực sự yêu cái gì. Tại sao cứ tiếp tục cuộc đời cô cái kiểu như vậy? Tại sao phải hai mặt, anh hỏi cô? Anh là người chủ động nêu vấn đề với cô. Khi cô quyết định không như anh muốn, không chịu thay đổi đời cô để đến với anh, anh hỏi cô điều gì khiến cô nghĩ cô có thể có cả hai. Rồi anh chủ động ra đi. Đó là một quyết định nhằm đánh gục ý chí của cô, làm tan nát những ý tưởng không khoan nhượng của cô về việc tôn trọng những cam kết trước đây.
Thời gian trôi qua. Ban đêm một mình trong phòng khách, cô thường nhìn cái bát để trên bàn, tĩnh tại và an toàn, không phát sáng. Theo cách của nó, nó hoàn hảo: thế giới cắt thành hai nửa, sâu sắc và trống rỗng êm ái. Kể cả dưới ánh sáng lờ mờ, mắt cô cũng hướng tới một điểm sáng nhỏ màu lam nhấp nháy gần vành bát, một điểm mất hút trên đường chân trời.


Lâm Vũ Thao dịch từ truyện ngắn “Janus” của Ann Beattie, trích trong tập The Best American Short Stories of the Century (Những truyện ngắn Mỹ hay nhất thế kỷ) do John Updike và Katrina Kenison biên tập.



[1] Trong thần thoại La Mã, Janus là vị thần gác cổng, được thể  hiện bằng một cái đầu có hai  mặt nhìn về hai hướng ngược nhau.
[2] Pierre Bonnard, họa sĩ người Pháp. 


(Đã đăng Văn nghệ trẻ số Tết)

28 comments:

  1. quà đầu năm mới tuyệt vời! :)

    Hoàng Tử pé.

    ReplyDelete
  2. "thế giới cắt thành hai nửa, sâu sắc và trống rỗng êm ái " THích nhất câu này :-) Nhiều người cứ sợ trống rỗng, mình lại thích cực kỳ khoảnh khắc được trống rỗng. Thư giãn gì đâu :-D

    ReplyDelete
  3. With "Book" only or "End" only we won't have the Bookend.
    Thanks Goldmund for a interesting short story.
    Happy New Year!

    http://www.giftedpenguin.co.uk/productimages/1399/0/0

    ReplyDelete
  4. Ha ha, hai bác Giò chưng cùng một cái cẳng ra kìa :))
    http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/01/janus.html

    ReplyDelete
  5. À, mình thích bản dịch của Mund hơn ;p

    ReplyDelete
  6. Noi luon cho nhanh, ban cua Mun la da qua ban tay bien tap cua chi So!:)

    ReplyDelete
  7. Mình bị bội thực bát!

    ReplyDelete
  8. Ăn cho lắm vào!:)

    Còn mình thì thắc mắc tại sao Trần Quốc Tân thành Trần Ngọc Tân?

    ReplyDelete
  9. Chắc đang biên tập người này thì nghĩ về người khác.

    ReplyDelete
  10. Mà hóa ra hai bác dịch truyện này chỉ vì chữ Janus, phù phiếm vừa thôi chứ :p

    ReplyDelete
  11. Tân.Sao lại thế, truyện này hay mà :) kể ra thì giọng dịch bạn Mun hợp với kiểu tác giả này (và R.C), giọng của bạn Nút thì có vị LLPB nên hơi bị mượt mà ;p
    À mà đúng là lắm bát thật:)) mình cũng thấy thế.

    ReplyDelete
  12. Thì em có chê đâu, dù sao cũng là một trong những truyện ngắn Mỹ hay nhất thế kỷ cơ mà :)

    ReplyDelete
  13. Thật ra bản thân Ann Beattie không thích truyện này lắm. John Updike cũng không thích nhưng ông chọn truyện này vì Ann Beattie không có truyện nào khác được đưa vào tuyển truyện ngắn Mỹ hay nhất hàng năm, mà ông thấy Ann Beattie cần phải có mặt trong tuyển truyện ngắn Mỹ hay nhất thế kỷ. Lựa chọn này như vậy là chọn tác giả chứ không hẳn là chọn truyện. Dù vậy, mình thích truyện này, chỉ không thích cái tựa:)

    ReplyDelete
  14. Anh có chắc Janus là Thần Janus không ạ? Hay là nhãn của cái bát :P

    ReplyDelete
  15. ừ nhỉ, có khi lại là Janus - thành viên Thanh niên xa mẹ:)

    ReplyDelete
  16. Thế không phải ý là hai mặt của một vấn đề à? :((
    À Tân ơi bao giờ hội nghị nhỉ?

    ReplyDelete
  17. Em nghĩ là cuối tuần này cho nó mấu, để em trưng cầu bên trang sách mặt.

    ReplyDelete
  18. Dịch:

    Cô đã yêu cầu chồng xin đừng bỏ chìa khóa nhà của anh vào trong bát. Nó cần phải được trống rỗng.

    ReplyDelete
  19. "Mutt" ở đoạn đầu nên dịch theo nghĩa đen ('gã khờ',v.v.). Xem bài theo link dưới đây:
    http://cicely-a-richard.suite101.com/ann-beatties-janus-a90585
    T.A

    ReplyDelete
  20. Thanks TA. Tôi đọc link rồi nhưng chưa thấy ý đấy. Để tối về nhà đọc lại bản tiếng Anh xem sao.

    ReplyDelete
  21. "It was as predictably admired as a mutt who has no reason to suspect he might be funny."

    "Dễ dàng đoán ra nó được ngưỡng mộ, kiểu như một con chó lai không có lý do gì để ngờ vực rằng mình có thể buồn cười."
    1. Dịch theo cấu trúc như thế tức là muốn diễn đạt rằng cái bát "được ngưỡng mộ" giống như "con chó lai..."
    Nhưng ở đây, với phép so sánh bằng như thấy trong cấu trúc nguyên bản Anh ngữ, tác giả muốn so sánh cái giống nhau về tính chất có thể đoán biết trước được (predictably) giữa việc cái bát được "ngưỡng mộ" với việc "con chó lai không có lý do gì để ngờ vực rằng mình có thể buồn cười." Bởi chữ cần so sánh ở đây, theo tôi, là "predictably."

    Nên Goldmund có thể chỉnh lại một chút, đại khái là: "Nó được ngưỡng mộ, ấy là chuyện dễ dàng đoán ra giống như việc một con chó lai..."
    2. Bên cạnh đó, theo tôi, việc dùng chữ "ngưỡng mộ" cho cái bát thì không phù hợp lắm. Chữ "ngưỡng mộ" có hàm ý muốn noi gương bắt chước nữa, chỉ nên dùng cho người, không nên cho vật.
    3. Đây là cách dịch thoáng của tôi: "Nó được trầm trồ yêu thích, ấy là chuyện cũng đương nhiên như việc một con chó lại chẳng có lý gì lại ngờ rằng có thể mình mang vẻ buồn cười."

    Một chút góp ý nho nhỏ cho bản dịch của Goldmund với tinh thần xây dựng.
    Bổ sung: Bạn T.A ở trên đề nghị dịch chữ "mutt" theo nghĩa đen. Ấy cũng là một ý kiến đáng xem xét. Nhưng theo tôi, vì câu viết liền sau đó là "Just such a dog...," cho nên phải dịch như Goldmund là "con chó lai."

    NGƯỜI QUEN CỦA ANH GOLDMUND :)

    ReplyDelete
  22. Đính chính: Ở đoạn tôi đề nghị dịch, xin sửa lại cụm "con chó lại" thành "con chó lai." Và tôi muốn bỏ chữ "cũng" trước chữ "đương nhiên."

    ReplyDelete
  23. Rất cảm ơn góp ý của bác, cả về phần tiếng Anh và tiếng Việt.

    T.A.: Tôi xem lại, vẫn thấy nên dịch là "con chó lai", lý do đúng như bác ở trên đã nói.

    ReplyDelete
  24. thanks câu chuyện đầu năm của bạn

    ReplyDelete
  25. Chết cha, lỗi tại tôi, chắc tôi làm biến Quốc thành Ngọc rồi, tôi đang cố nghĩ lại xem tôi ngĩ tới ai lúc đó:((

    ReplyDelete
  26. Nguyên Ngọc hay Phạm Minh Ngọc? :)

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN