Friday 30 November 2012

Mười hai


Đã sang tháng mười hai mà Sài Gòn hãy còn rất nóng. Đầu giờ sáng, còn có tí hơi mát, nhưng sang quãng mười một giờ trưa thì nắng gắt gao, không khác những ngày hè là mấy. Thời tiết như thế, chẳng biết có thể gọi là mùa Giáng sinh đã đến hay chưa. Dù sao, cứ đến này giờ trong năm, trong người vẫn không khỏi chút nôn nao. Có lẽ, tháng cuối cùng của năm, đi đâu, làm gì vẫn không tránh khỏi cái cảm giác ngoái đầu nhìn lại, dẫu trời vẫn nóng và chẳng còn cây cầu nào dẫn đến mùa đông.

Quãng hơn hai tháng qua, tôi có đến bốn hay năm chuyến đi. Đi là để về, hay nói khác hơn, đi mà chỉ muốn về. Mỗi lúc về tới Tân Sơn Nhất, giây phút ngồi trên taxi bắt đầu ra khỏi sân bay, ngắm những bảng hiệu hai bên đường qua cửa sổ xe là tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi nhận thấy bảng hiệu các cửa hàng ở Sài Gòn thường sử dụng màu xanh và trắng, hoặc trắng và đỏ; trong khi đó bảng hiệu các cửa hàng Hà Nội hay dùng màu đỏ và vàng. Tôi cũng nhận thấy tài xế taxi Sài Gòn bây giờ đã bớt sử dụng còi rất nhiều, và đường phố Sài Gòn nói chung cũng bớt tiếng còi. Có lẽ dần dần mọi người cũng nhận ra rằng bóp còi chả giải quyết được gì, cứ điềm tĩnh mà đi, thế nào cũng tới. Cảm giác dễ chịu có lẽ còn vì biết rằng mình sắp về tới nhà.

Tôi mong trời sớm lạnh, để tôi còn dựng cây thông Noel lên.

Thursday 22 November 2012

Enright nói về truyện Fat của Carver

"Fat" ("Béo") là truyện đầu tiên trong tập Em làm ơn im đi, được không? Nhiều người không thích truyện này lắm. Bản thân tôi cũng không thích truyện này bằng những truyện khác trong tập, ví dụ, "Có phải anh là bác sĩ?", "Họ đâu phải chồng em", hay "Còn cái này thì sao?" Tuy nhiên, Anne Enright, tác giả của Họp mặt, lại rất thích truyện này. Bà nói về truyện này như sau:


“Béo” là một ví dụ tuyệt  vời về một truyện ngắn chẳng cần phải làm gì nhiều nhặng để gây ra tác động- có thể nói là miệng vết thương rất nhỏ nhưng hậu quả thì thật là chết người. Như nhiều truyện khác của Raymond Carver, truyện này có vẻ rất đơn giản. Một cô hầu bàn không được nêu tên kể cho bạn mình, Rita, chuyện cô phục vụ cho một ông khách hàng béo ú. Cô thích ông ta, bất chấp vòng bụng của ông ấy. Cô thích phục vụ cho ông. Mối quan hệ của họ, mặc dù bình thường, ngắn ngủi, và trịnh trọng, lại khá dịu dàng - và, như một chuyện tình, nó diễn ra bất chấp sự phản đối của phần còn lại của thế giới. Cái tình yêu nho nhỏ mà cô hầu bàn cảm nhận được - khoảnh khắc cảm thông dành cho ông khách béo - trở nên thật lạ lùng khi sau đó vào buổi tối, nằm trên giường với Rudy,bạn trai của mình, cô hầu bàn mơ mòng về  một thay đổi  cồn cào, đầy hy vọng.

Tôi thường yêu cầu sinh viên đọc truyện “Béo” bởi vì dường như truyện này cũng nói về một truyện [ngắn] là như thế nào. Một truyện [ngắn] là điều gì đó được kể lại - như cô hầu bàn kể cho cô bạn Rita của mình về ông khách béo - đó là một điều gì thực sự phải được nói ra. Nhưng mặc dù ta cảm nhận được sức mạnh và âm vang của nó, thường rất khó nói được rằng một truyện [ngắn] có ý nghĩa gì. Có lẽ ta chỉ có thể nói  rằng một truyện ngắn là một khoảnh khắc của đời sống; và rằng, sau khoảnh khắc ấy, ta nhận ra một điều gì đó đã thay đổi.


Monday 19 November 2012

Thị trấn Tortilla Flat - Lời giới thiệu của Phan Việt



Cuốn Thị trấn Tortilla Flat của John Steinbeck vừa mới ra mắt trong bộ ba cuốn  mới nhất của tủ sách Cánh cửa mở rộng có hai lời giới thiệu, một của Thomas Fensch và một của Phan Việt. Sau đây là lời giới thiệu của Phan Việt.


Thị trấn Tortilla Flat

John Steinbeck từng nói "Không ai thực sự biết về người khác. Điều tốt nhất mà một người có thể làm là mặc định rằng những người khác cũng giống anh ta".
Nếu đúng như vậy thì khi đọc Thị trấn Tortilla Flat của Steinbeck, bạn phải mặc định rằng, giống như Danny của câu chuyện này, nếu bạn được thừa kế hai cái nhà, bạn sẽ để một căn bốc cháy; với căn còn lại, bạn để ngỏ cho các bạn bè, huynh đệ của bạn tới sống cùng bởi vì họ đã từng chia rượu với bạn, đã cùng bạn ăn cắp gà và bánh mỳ, đã cùng bạn tán tỉnh các cô gái, đã ngủ trong rừng thông, nhặt đồ trên bãi biển, đánh lộn, và vào tù. Dĩ nhiên là cả chó của họ cũng sẽ được đến ở – toàn bộ năm con. Hàng ngày, trong căn nhà chỉ toàn tình huynh đệ ấy, bạn và các huynh đệ của bạn sẽ thức dậy vào buổi trưa, khi mặt trời đã lên cao và rọi qua những tán lá thông vào nhà; và rồi trong lúc bánh xe thế gian tiếp tục lướt qua cái thị trấn nhỏ miền duyên hải California, bạn và các huynh đệ của bạn tiếp tục những cuộc phiêu lưu tình ái, những việc thiện tâm vì những người cùng quẫn, một chút đánh lộn đây đó, thi thoảng cũng tích cóp mua một cái chân nến vàng để dâng Thánh Francis, nhưng quan trọng nhất là tìm cách xoay sở để có thể tới quán lão Torrelli mua một ga-lông rượu mà say sưa.
Đấy là một cuộc sống từ chối gần như tất cả các phép tắc của thế giới hiện đại; thậm chí cả các tiện nghi của nó. Nhưng nếu bạn là một “paisano chân chính” như Danny hay những người bạn của chàng thì bạn sẽ không bao giờ nghi ngờ sự tuyệt vời của cuộc sống này.
Thị trấn Tortilla Flat của John Steinbeck là câu chuyện sinh động về các “Chí Phèo” kiểu Mỹ ở một cái “làng Vũ Đại” kiểu Mỹ. Một câu chuyện sẽ khiến người đọc bật cười nhiều lần vì sự hài hước và thông minh rất “Chí Phèo” của các paisano Mỹ, đồng thời không khỏi ngậm ngùi cho họ. Thị trấn Tortilla Flat đánh dấu sự cảm thông và thấu hiểu tuyệt vời của Steinbeck với người nông dân (và con người nói chung), cũng như những dự cảm của ông về số phận họ trong những vận hành lớn của xã hội và trong cái tổng thể lớn lao, bí ẩn gọi là “đời người”. Đây là một cuốn sách sâu sắc bên dưới cái vỏ giản đơn dễ đánh lừa người đọc – một cuốn sách mà về nhiều mặt còn đáng yêu hơn những tác phẩm kinh điển, đồ sộ của Steinbeck như Chùm nho nổi giận, Phía đông vườn địa đàng.
Tủ sách Cánh cửa mở rộng trân trọng giới thiệu Thị trấn Tortilla Flat qua bản dịch của Lâm Vũ Thao.

Thursday 8 November 2012

Tương lai kinh tế Việt Nam...

...có trở nên tươi sáng hơn hay không, điều đó tùy thuộc vào bạn.  Hãy mua cuốn sách này ngay khi nó ra lò để đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam:))




Friday 2 November 2012

Hiện hữu tiếng cười


Thế là sau các cuộc phiêu lưu cùng một chàng nam tước suốt đời chân không chạm đất (Nam tước trên cây), một vị tử tước thân chia làm hai nửa (Tử tước chẻ đôi), người đọc Việt Nam lại có dịp diện kiến một nhân vật kỳ lạ không kém - một hiệp sĩ không hiện hữu trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Ý Italo Calvino.  Hiệp sĩ không hiện hữu là cuốn thứ ba và cuốn cuối cùng trong bộ sách Tổ tiên của chúng ta của Calvino được dịch ra tiếng Việt, vẫn do Vũ Ngọc Thăng. Với cuốn sách này, một lần nữa, người đọc Việt Nam có dịp được trở về một châu Âu thời trung cổ, để đắm mình trong không khí huyền hoặc của một thứ văn chương uyên nguyên và khinh khoái.

Tương tự như hai tác phẩm trước, Hiệp sĩ không hiện hữu được xây dựng trên một ý tưởng độc đáo: trong đoàn quân của hoàng đế Charlemagne lừng danh, có một vị hiệp sĩ hiện diện nhưng không hiện hữu. Dưới bộ áo giáp trắng toát lúc nào cũng lấp lánh của vị hiệp sĩ  này đơn giản là chẳng có một thân xác nào. Để cho sự thể thêm trớ trêu, hiệp sĩ được nhà vua tặng cho một người hầu  luôn tưởng mình là một cái gì đó khác: vịt, ếch, cá, dê hay thậm chí phó-mát, vì một lẽ anh này, ngược lại với hiệp sĩ, hiện hữu nhưng không hề hiện diện.

Một người đọc quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết hẳn sẽ nhặt ra được từ cuốn này (cũng như từ Nếu đêm đông có người lữ khách) những quan niệm về tiểu thuyết mà Calvino lồng ghép vào thông qua nhân vật nữ tu viết truyện. Nếu không quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết, thì có thể suy ngẫm về hai mặt đối lập hiện hữu - hiện diện. (Gần cuối sách, có nhân vật nói: “ Ngay chuyện hiện hữu cũng phải học”. Quả là thế, nếu như muốn hiện hữu  là một việc có ý nghĩa. Bằng không, hiện hữu đấy mà cũng như không.) Còn nếu không quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết cũng không ưa suy ngẫm, có thể đọc Hiệp sĩ không hiện hữu đơn giản để thưởng thức nụ cười mang nhãn hiệu Calvino.

Xuyên suốt tiểu thuyết người đọc luôn nhìn thấy thấp thoáng nụ cười của Calvino - một nụ cười vừa giễu cợt nhẹ nhõm vừa mang dáng vẻ thông thái của một nhà hiền triết. Có thể nêu ra hai xen điển hình cho kiểu cười này: Xen thứ nhất, trong trận đấu giữa quân Ki-tô giáo và quân Hồi giáo, một tay lính Hồi giáo yêu cầu đối thủ phải tránh đường nếu không anh ta không thể tiến lên theo đúng kế hoạch, và để mình có thể tiến lên theo kế hoạch được giao anh ta sẵn lòng chỉ cho kẻ địch thủ lĩnh mình đang đứng ở đâu. Xen thứ hai, mô tả đêm yêu đương giữa chàng hiệp sĩ không hiện hữu và một bà quả phụ chủ một lâu đài. Trong khi bà chủ lâu đài đã rạo rực rũ bỏ tiết hạnh khả phong, thì chàng hiệp sĩ của chúng ta vượt qua thử thách ấy (phải nhớ rằng chàng không có thân xác) bằng cách luôn mồm nghị luận về tình yêu, về quy cách củi trong lò sửa, về nghệ thuật trải giường, về thuật búi tóc cài trâm, và bàn về ánh trăng… cho hết đêm.

Một tiểu thuyết chiều người đọc đến thế, còn mong gì hơn!

Ảnh: Chỉ có ảnh chụp chung, không có ảnh chụp riêng!




Thursday 1 November 2012

Steinbeck trọn bộ

Đây là gần trọn bộ Steinbeck đã được dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên, bộ này không phải của tôi mà của Kim giáo chủ thần thông quảng đại - vua Nobel ở Việt Nam.



Ngoài những cuốn quá quen tên, có một số cuốn khác không nói thì rất khó biết được dịch từ cuốn gì. Chẳng hạn, Tình người chính là Tortilla Flat (như đã nói, cuốn này sắp có bản dịch mới). Chuyến xe định mệnhThe Wayward Bus mà bản dịch sau này của Phạm Viêm Phương là Rời nẻo đường quen. Cái chết của chú ngựa con ắt hẳn là Red Pony. Còn Những ngày tranh đấu, hỏi khổ chủ, khổ chủ chưa tra  ra nhưng tôi đoán là In Doubious Battle (cập nhật: đã xác định là dịch từ The Moon is Down).


Và đây là cái mẻ kho mà Kim giáo chủ còn thiếu:)



BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN