Monday 28 June 2010

No milk today



Today I'm working for milk, hence, no milk today.

Cheese, and possibly yogurt, may come the next days, though!:)



BONUS: Goldmund in the Bean at Millennium Park, Chicago!:))





and here's the Bean:







Thursday 24 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (VIII)

***

Sau một ngày mua sắm mệt nhoài, ngày cuối cùng ở Portland vợ chồng chị P chở tôi ra biển. Biển ở đây lạnh, nên chỉ ngắm chứ không để tắm. Trên đường đi, chúng tôi ghé qua xưởng sản xuất phô-mai ở Tillamook, nếm thử phô-mai và ăn kem. Một viên kem ở đây to bằng ba viên kem Bạch Đằng mà nhiều người vẫn hồn nhiên xơi ba viên một lúc. Tôi gọi một viên, anh chị P chia nhau một viên vì sợ béo.

Chị P sang Mỹ đã ba mươi năm. Anh H thì sang từ 75. Hai người làm cùng công ty – chính là công ty tôi. Đề tài thường xuyên tôi nghe những ngày ghé thăm anh chị là sức khỏe. Hai người rất chú tâm đến việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn. Cả nhà anh chị là hội viên một câu lạc bộ thể thao gần nhà. Chỉ là câu lạc bộ của một thị trấn nhỏ gần Portland, nhưng ở đây có đủ tiện nghi mà những câu lạc bộ lớn ở Sài Gòn phải mơ ước: ba sân tennis trong nhà, phòng tập vô số máy, ba hồ bơi, đường chạy cũng trong nhà, sân bóng rổ, sân squash, jacuzzi, phòng xông ướt, xông khô. Anh H đưa tôi đến câu lạc bộ này hai lần để…tắm. Lần đầu, tôi hơi ngại khi thấy bà con cứ nhồng nhỗng đi lại giữ các phòng xông, phòng tắm và jacuzzi mà chẳng buồn đắp tấm khăn nào trên người, nhưng ai cũng thế nên tôi tặc lưỡi làm theo. Vừa bước ra khỏi bồn jacuzzi, anh H gặp người quen nên giới thiệu với tôi. Tôi vớ vội một tấm khăn, vì cảm thấy bắt tay trong tư thế thiên nhiên không thoải mái lắm, nhưng hai đồng chí kia thì cứ thế mà nói cười chào hỏi.

Vợ chồng anh chị có hai con, gái 19, trai 16 đều sinh ở Mỹ. Những lúc đi chơi, chỉ có anh chị đi cùng tôi. Chị P bảo lúc nhỏ đi đâu tụi nó cũng đòi theo, bây giờ còn khuya chúng mới đi cùng ba mẹ. Chị cũng khoe là hai đứa đọc, viết, nói được tiếng Việt; nhưng mấy hôm ở nhà chị, tôi thấy mỗi lần ba mẹ hỏi gì hai đứa đều trả lời bằng tiếng Anh, và cũng rất ít nói chuyện với ba mẹ mà chỉ nói với nhau là chính. Có vẻ như ngoài khoảng cách thế hệ thường thấy giữa teen và cha mẹ, giữa anh chị và con còn có thêm khoảng cách về ngôn ngữ: Anh chị luôn yêu cầu con nói tiếng Việt ở nhà, nhưng có lẽ bọn trẻ lại thấy không thoải mái lắm khi dùng tiếng Việt nên chúng chọn cách ít nói.

Buổi tối, tôi loay hoay thu dọn đồ đạc và cân hành lý. Rốt cuộc, tôi phải gửi lại Portland 3 cân sách, đợi tháng tới có đồng nghiệp từ Việt Nam sang Mỹ mang về giùm.

***

Khi nào thì điều buồn chán nhất sẽ trở thành điều mong đợi nhất?

Tôi không có câu trả lời dưới hình thức tổng quát cho câu hỏi trên. Nhưng, nếu nói về sân bay chẳng hạn, thì cái sân bay mà tôi từng bảo là chán đến chết khi đợi giờ khởi hành là sân bay mà tôi mong nhất khi trở về. 28 giờ cho một hành trình lê thê từ sân bay này sang sân bay khác, với bao nỗi lo lắng về hành lý, bao phiền phức về thủ tục an ninh, bao lần thay đổi múi giờ và bao nhiêu giấc ngủ dở dang dặt dẹo khiến tôi mong chờ gặp lại sân bay Tân Sơn Nhất hơn bao giờ hết. Thật ra cái cảm giác “home coming” đã bắt đầu xuất hiện khi bước chân lên máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay Narita, được nhìn thấy tà áo dài huyết dụ của các nữ tiếp viên, thấy bộ mặt lấc cấc của các tiếp viên nam, và được nghe cái giọng tiếng Anh ngọng nghịu lơ lớ trên loa. Ngồi bên cạnh tôi trên chuyến bay từ Tokyo về Sài Gòn là một cô bé đang tỵ nạn giáo dục ở, tình cờ lại là, Portland. Cô bé về thăm nhà, mang theo một cô bạn Mỹ. Sau lưng tôi, là một gia đình người Việt, có vẻ cũng từ Mỹ về thăm nhà. Họ đánh thức tôi nhiều lần khi tôi đang ngủ bằng những tranh luận rất sôi nổi về múi giờ và hành lý.

Tôi khá hồi hộp về hành lý của mình. Lý do là khi check-in ở sân bay Portland, Alaska Airlines – hãng partner của American Airlines – chỉ có thể gửi hành lý của tôi đến sân bay Narita. Họ bảo tôi khi đến Narita phải lấy hành lý ra và làm thủ tục ký gửi lại, mà thông thường chỉ lấy được hành lý sau khi đã nhập cảnh! Khi đến Narita, việc đầu tiên là tôi tóm lấy một cô nhân viên sân bay người Nhật và trình bày về hoàn cảnh của mình. Cô ghi lại số biên nhận hành lý của tôi và nói sẽ chuyển hành lý về Sài Gòn cho tôi. Dù vậy, nhưng tôi vẫn lo lo, lỡ may thất lạc thì có phải phí cái công mua sắm. Chỉ khi đã nhận được đầy đủ hành lý ở Tân Sơn Nhất, tôi mới thở phào.

Ra khỏi sân bay, nhìn quanh không thấy hòn đất nào, tôi bắt taxi đi thẳng về nhà. Cậu taxi không rành đường, nhưng rất thành thật khai báo từ đầu, nên tôi chỉ đường cho cậu. Cậu ta cố dò xem có đài nào tường thuật đá bóng để cho tôi nghe nhưng không tìm thấy, bèn dừng lại ở một đài đang có tiết mục đọc truyện đêm khuya. Tôi nhận ra đó là đoạn cuối trong Búp sen xanh của Sơn Tùng - đoạn anh Ba đang chia tay Út Huệ trước khi lên tàu.

***

Ba giờ sáng, tôi vào giường nằm xuống cạnh Alpha. Tưởng con gái ngủ say, ngờ đâu con gái phát hiện ra ba về, mở mắt trong bóng tối, nhìn ba cười rất tươi. Sau một màn hôn nhau chi chút, Alpha lăn ra ngủ tiếp. Anh cu Pi ngủ say đến sáng, vẫn hôi như một con heo con. Sáu giờ sáng, anh mở mắt. Thấy ba, anh nhoẻn miệng cười, rồi lại nhắm tịt mắt, ngủ rán thêm nửa tiếng nữa, miệng vẫn nhoẻn.

Thiên ký sự này đến đây là hết. Xin thân ái kính chào đồng bào, đồng chí và các bạn. Hẹn gặp lại trong những chương trình sau.:)

Tuesday 22 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (VII)




***

Tôi còn có thể viết gì nữa về Chicago, thành phố nằm bên bờ hồ Michigan lộng gió, lần này tôi đến mùa hè nên may không bị gió thổi rụng tai như lần trước khi mùa đông tuyết chưa tan hẳn làm nhoe nhoét những lối đi? Thành phố Chicago rộng bao nhiêu mét vuông? Có bao nhiêu dân? Có bao nhiêu công viên? Bao nhiêu thùng rác? Bao nhiêu người nghiện hút? Đội hockey ở đây tên gì? Nhà Obama ở đâu? Và Hemingway? Cả anh chàng Lee – thần tượng âm nhạc mới nữa? Tôi đã đến, đã đi rong dưới những tán cây, đã cắm đầu vào những tiệm sách cũ, đã nghe hụt jazz, đã xem đọc thơ và nói chuyện về thơ, đã thấy những ngôi nhà gạch đỏ trăm năm, đã mê những công viên chạy dài ven hồ, đã đi ngang những khu nhà người Mễ và da đen để biết Chicago không chỉ có nhà cao tầng và sự tráng lệ. Vẫn còn bao điều tôi chưa thấy và tôi chưa biết. Nhưng tôi biết, ở Chicago, tôi có những người bạn.

***

Bốn ngày ở Silicon Valley là bốn ngày đi tôi đi tu. Có câu: Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Tôi tu theo kiểu trên cả hạng nhất (hạng đặc biệt?): tu tại khách sạn. Các buổi họp diễn ra từ sáng đến chiều ngay tại khách sạn, ăn trưa ăn tối cũng cùng một nơi. Những buổi ăn là cơ hội để networking – tức là giao lưu với đồng nghiệp các nước, nên ăn cũng là làm việc. Chỉ có hai lần được đi ăn bên ngoài: một lần BBQ toàn công ty bên một bờ hồ, và lần thứ hai, đêm cuối của hội nghị, sếp dẫn đi ăn một nhà hàng Ý nơi những người chạy bàn mặc sơ mi dài tay trắng toát đeo cà vạt đen, có anh lại còn đeo kính, trông giống giáo sư hơn bồi bàn – họ ăn nói cũng lưu loát và duyên dáng hơn khá nhiều giáo sư.

Bốn ngày liên tục ăn toàn đồ Tây - mặc dù thật ra không quá tệ và tôi cũng đã không phàn nàn nhiều như các đồng nghiệp Trung Quốc – khiến tô phở mà hai vợ chồng chị P mời tôi ở Portland ngon hơn rất nhiều. Hai vợ chồng chị ra sân bay Portland đón tôi, chở đi ăn phở, rồi chở thẳng ra thác Multnomah cho tôi leo núi và ngắm cảnh– không quên chuẩn bị sẵn cho tôi một đôi giày thể thao. Tôi phăm phăm leo thẳng lên đỉnh ngọn thác cao thứ hai nước Mỹ và là điểm thu hút du khách số một của bang Oregon để thỏa những ngày cùn chân trong khách sạn và ra sức hít thở không khí mát dịu trong lành của vùng núi bù lại mấy hôm toàn hít mùi máy lạnh.




Thác Mulnomah nhìn từ dưới

Oregon là xứ mưa. Chị P nói mùa thu mưa có thể rỉ rả cả tháng. Nếu Nguyễn Bính đến đây hẳn ông sẽ viết: Giời mưa Portland sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy tuần. Mấy ngày trước trời vẫn rất âm u. May cho tôi, hôm đến, nắng hửng, trời trong, gió nhẹ, những bông cỏ la đà trong không trung, thời tiết lý tưởng cho một ngày leo núi.



Rất nhiều người leo núi ngày hôm ấy. Trên đường lên đỉnh, tôi thấy nhiều gia đình cùng đi. Em nào bé quá thì được bố cõng trên vai. Nhiều bé tầm ba bốn tuổi cũng hăng hái leo. Tôi nghe một cậu bé đang hổn hển mặc cả với bố: Con muốn quay lại. Ông bố bảo: Nào, con có muốn nhìn thấy đỉnh thác không? Gắng lên. Thế rồi cả nhà lại tiếp bước. Cũng có những ông bà cụ ngoài tám mươi, da nhăn nheo, tóc bạc trắng nhưng bước chân hãy còn khá vững. Chị P bảo dân Mỹ rất thích những họat động ngoài trời. Nước thác Multnomah trong veo và lạnh cóng, tôi thò tay vào thấy chẳng khác nước để tủ lạnh, ấy là do tuyết trên đỉnh núi tan ra và chảy xuống.


***

Rời thác Multnomah, chúng tôi đi thẳng đến đập thủy điện Bonneville, để xem cá hồi ngược dòng Columbia, nhảy lên những bậc thang (fish ladder)để vào trong hồ. Bất giác tôi nhớ chuyện cá chép vượt vũ môn.

Tôi chép lại đây một chút về vòng đời của cá hồi (thật ra còn một số cá khác cùng họ, nhưng tôi không phải chuyên gia về cá, và để đỡ phức tạp tôi gọi chung là cá hồi), vì tôi nghĩ cũng như tôi phần đông mọi người ở Việt Nam chỉ nhìn thấy cá hồi khi đã lên đĩa chứ ít biết về cuộc đời đầy mạo hiểm và thú vị của loài cá này:

Cá hồi thuộc họ cá anadromous. Anadromous là một từ gốc Hy Lạp có nghĩa “ngược dòng sông”, ám chỉ hành trình từ sông ra biển và từ biển về lại sông của cá hồi. Khi cá hồi con nở ra và lớn lên, chúng hoàn toàn không còn cha mẹ để “dạy dỗ” chúng. Tuy nhiên, theo bản năng, chúng sẽ xuôi dòng bơi ra biển. Cá hồi xuất phát từ sông Columbia bơi về hướng Bắc lên tận Alaska hoặc biển Bering. Chúng chỉ bơi trong đêm và gần bờ để tránh bị các loài cá khác ăn thịt. (Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Raymond Carver có một tập thơ tên At Night the Salmon Moves – Cá Hồi Bơi Trong Đêm). Sau hai đến bốn năm sống ở đại dương, cá hồi trưởng thành tìm đường về nguồn cội. Người ta cho rằng sở dĩ chúng có thể tìm về được nơi chúng nở ra là nhờ vào mùi nước: chúng ghi nhớ mùi nước trên đường ra biển và lần theo mùi để trở về.

Khi trở về, cá hồi trưởng thành bơi ngược dòng chảy. Nếu gặp trở ngại, chúng sẽ rất kiên tâm vượt qua, thà chết chứ không từ bỏ nỗ lực. Cũng trong hành trình này, chúng bắt đầu nhịn ăn, và sử dụng năng lượng tích lũy để sản sinh ra trứng và tinh trùng. Những con đực bắt đầu đổi màu để thu hút cá cái.

Vì bơi ngược dòng, nên cá hồi sử dụng quá nhiều năng lượng đến nỗi thịt da chúng bắt đầu tan rã, và cá cái sẽ chết đi sau khi đẻ trứng tại nơi chúng từng nở ra. Tài liệu không nói rõ nhưng tôi đoán cá đực cũng chết sau khi thụ tinh cho trứng. Cá hồi con mồ côi từ khi sinh, lại tìm đường ra biển và tái lập hành trình của cha mẹ chúng.


Đập thủy điện Bonneville

Khi xây đập thủy điện trên dòng Columbia, chính phủ Mỹ đã đầu tư hơn một tỷ đô phối hợp cùng các nhà khoa học và cư dân ven sông nghiên cứu tập quán của cá hồi. Nhờ đó, họ tạo ra những bậc thang (fish ladder) mô phỏng tự nhiên cho cá hồi vượt thang vào trong hồ , nếu không, cá hồi sẽ bỏ hàng tuần để cố gắng vượt qua đập, cố gắng đến chết mới thôi. Cá cái vào trong hồ rồi sẽ được bắt lên, mổ ruột, lấy trứng thụ tinh với tinh trùng cá đực. Người ta sẽ ươm trứng cho đến khi chúng nở rồi thả cá con về với tự nhiên.

Đây là đọan video ngắn tôi quay cảnh xem cá hồi vượt fish ladder.






***

Saturday 19 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (VI)

***
Buổi tối cuối cùng ở Chicago, nhà văn không biết uống cà phê và nhà thơ biết uống cà phê đồng lòng dẫn tôi đến một quán có tên Green Mill, âm mưu nghe jazz, nhưng như sẽ kể sau, đó sẽ là một âm mưu bất thành. Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân chứng minh chúng tôi đều trên 18 tuổi, anh gác cửa cho chúng tôi vào. Nhà thơ và tôi gọi bia, còn nhà văn nằn nì một cốc sữa tươi mà không được bèn uống nước cam.

Quán này, nghe đâu dưới thời cấm bán rượu, là nơi bán rượu lậu và hang ổ gangster. Người ta còn bảo cột kèo bàn ghế trong đây hãy còn vết đạn bắn. Tuy nhiên, quán đông người, đèn thì nhập nhoạng nên tôi không có điều kiện kiểm tra thực chứng lời đồn đại này.

Jazz chỉ được chơi từ 11 giờ đêm trở đi. (Điều này chứng tỏ không có quy định yêu cầu các quán bar phải đóng cửa lúc 12 giờ, vì không ai chơi jazz một tiếng rồi đuổi khách về cả.) Chúng tôi đến sớm, tầm 8 giờ tối. Đêm nay, trước phần chơi nhạc sẽ là phần biểu diễn của một nhóm nhảy thiết hài, sau đó, tiết mục đọc thơ của một nhà thơ trẻ và một cuộc thi đọc thơ trong số khách ở quán.

Xưa nay, tôi chỉ được xem thiết hài trên tivi. Đây là lần đầu tôi xem trực tiếp. Cảm giác rất khác, rất đã, cứ như đi mưa mà không phải mặc áo mưa vậy. Đứng cách các nghệ sĩ chỉ vài bước chân, tôi có thể nhìn thấy từng nét mặt của họ, từng uốn éo hình thể, từng cú nhắm mắt, từng giọt mồ hôi rịn ra. Họ chỉ biểu diễn hai bài. Bài đầu, bốn nghệ sĩ mỗi người trình diễn một kỹ thuật khác nhau, người nhảy trên đầu ngón chân, người tung người lên không. Âm thanh phát ra từ gầm giày họ lúc rào rạt, lúc khoan thai, lúc trong như tiếng hạc bay qua, lúc đục như tiếng suối mới sa nửa vời. Bài thứ hai, sáu nữ nghệ sĩ nhảy trên nền nhạc Queen – vâng, Queen, ban nhạc yêu thích nhất của tôi mới chết chứ - bài Somebody to love. Trong khúc dạo đầu, điệu nhảy họ dịu dàng mơn trớn. Rồi nhạc nhanh dần lên, tiếng chân cũng thúc giục nôn nao, người xem bắt đầu lắc lư trong ngất ngây; một vài khoảng lặng lim dim rã rời, rồi lại bùng lên hối hả đẩy người xem lên đỉnh thống khoái. Và khi cả nhạc và âm thanh thiết hài đột ngột ngừng lại, tất cả người xem đều chính thức ngã lăn ra, bất tỉnh.

Tôi định viết thêm rằng xe cứu hỏa hụ còi từng đợt, cảnh sát rầm rập chạy vào khênh những người bất tỉnh ra xe, nhưng nghĩ bịa thế cũng đủ rồi. Dĩ nhiên, không ai bất tỉnh, không ai ngã lăn ra, nhưng khi viết những dòng này, trong đầu tôi vẫn còn âm vang tiếng thiết hài rạo rực hôm ấy.

Sau thiết hài là đọc thơ. Một nhà thơ Mỹ trẻ tuổi, quần jean áo sơ mi bỏ ngoài, một tay cầm chai bia, một tay cầm xấp giấy lên sân khấu. Anh gác chai bia xuống, gãi đầu gãi tai, rồi tự giới thiệu và đọc thơ. Anh đọc một số bài mới làm và một số bài trong tập thơ đã in của anh, có bài thuộc lòng, có bài nhìn giấy; khoảng giữa các bài, anh làm một ngụm bia và gãi đầu. Có một bài tên là Skin (Da), có những câu tôi nhớ lõm bõm thế này: Da/ bao bọc cơ thể ta/ Da/ trải ra ta sẽ có một tấm bản đồ/ Da/ mẹ ta cho ta/ nhưng khi ta lớn lên tế bào chết đi và sinh mới nên nó trỏ thành của riêng ta/ Da/ khi làm tình ta không nhớ là có nó. Một bài khác, dài, và khá ấn tượng anh bày tỏ sự bực tức khi các cô gái nói “Em yêu anh” dễ dàng như nói Hello hay How are you. Một bài có tên là The sex that could have been, và một bài khác, nói về sex giữa cây cối. Tôi có tập thơ của anh (cảm ơn nhà tài trợ!) nên để hôm nào tôi thử dịch một hai bài cho các bạn tham khảo.

Sau phần đọc thơ của nhà thơ này là phần đọc thơ của các khách ở quán. Có sáu người tham gia cuộc thi. Vòng một, mỗi người đọc một bài thơ của mình, được một ban giám khảo chấm điểm trực tiếp như cách ở ta chấm điểm Tiếng hát truyền hình, điểm được ghi vào khăn ăn và giơ lên, hai người điểm cao nhất vào vòng hai. Vòng hai, mỗi người đọc một bài nữa, và phần thưởng cho người chiến thắng là 10 đô. Những người lên đọc thơ đều tự tin, thoải mái, vung tay múa chân, gào thét thật là diễn cảm. Một số bài tôi hiểu, một số bài không. Bài đọat giải nhất thì tôi chả hiểu gì. Dù sao, với tôi, đó là một kinh nghiệm thú vị.
***

Friday 18 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (V)

***

Kể từ ngày sang Silicon Valley tôi không còn vất vả tìm nơi vào internet nữa. Vấn đề bây giờ không phải là internet mà là thời gian vì lịch họp kín mít cả ngày, tối thì phải đi ăn tối cùng mọi người trong công ty, phải hoa tay múa chân và nói về những thứ nhiều phần nhàm chán chẳng hạn “thách thức”, “vấn đề”, “giải pháp”. Chỉ khi cái tôi hoa tay múa chân nói cười ha hả chào tạm biệt mọi người rúc về phòng rồi thì cái tôi tĩnh lặng mới trở lại.

Khách sạn tôi đang ở bên ngoài cửa mỗi phòng họp đều có bảng ghi số người tối đa phòng có thể chứa. Nếu chưa nhìn thấy một bảng tương tự ở Starbucks thì tôi sẽ tưởng khách sạn chu đáo nên làm thế để tiện việc tổ chức sự kiện. Thật ra, đó là quy định pháp luật. Ở Starbucks, bảng ghi rõ: Phòng này chứa tối đa x người. Chứa hơn số người quy định là vi phạm pháp luật và có thệ bị phát đến x đô. Tôi nghe nói lý do của quy định này là để đảm bảo an toàn cho những người trong phòng hay trong tiệm, nhất là trong trường hợp hỏa hoạn.

Cái ngày mà tôi chờ nhà thơ đến dẫn đi mua sách, tôi ngồi trên một băng ghế dài không tựa ven đại lộ Michigan. Đây là mép ngoài của công viên Millenium, ngày hè ấm áp nên rất nhiều người qua lại. Ngồi gần tôi, một bé gái đang loay hoay buộc hay cởi giày, bé để chai nước cam đang uống dở bên cạnh, trên băng ghế. Cha mẹ cô bé đứng nói chuyện với vài người cách đó chỉ chừng mười bước. Rất nhanh, một cảnh sát không biết từ đâu xuất hiện, gọi cha mẹ cô bé lại yêu cầu cầm chai nước cam lên. Ông giải thích, khi em bé loay hoay, chai nước làm bằng thủy tinh có thể rơi xuống, bể, và có thể gây nguy hiểm cho chính em bé đó cũng như những em bé khác đang chơi gần đấy.

Tôi thích những quy định và những viên cảnh sát như thế. Nó chứng tỏ sự an toàn của con người luôn được quan tâm.

***

Lý do chính tôi ghé Chicago trong chuyến công tác này là để dự lễ tốt nghiệp tiến sĩ một người bạn. Bạn tôi hoàn thành chương trình tiến sĩ sau 8 năm học và nghiên cứu tại Đại học Chicago.

Cách đây 8 năm, cũng ở Chicago tôi gặp bạn và một nhóm bạn bè người Mỹ của bạn - tất cả đều đang bắt đầu chương trình tiến sĩ ở đây. 8 năm sau, trong nhóm nghiên cứu sinh đấy, chỉ có bạn đã vượt xong ải cuối cùng, những người kia có người bỏ ngang, có người còn chưa bảo vệ xong đề cương luận án. Mất đến mười một mười hai năm để tốt nghiệp tiến sĩ một ngành khoa học xã hội tại một đại học Mỹ là chuyện thường. Bạn tôi chiếm năm mươi phần trăm số tiến sĩ tốt nghiệp từ trường SSA thuộc Đại học Chicago năm nay. Năm mươi phần trăm còn lại là một cô gái Mỹ.

Ở Việt Nam, có người bảy năm bảy bằng tiến sĩ, có người vừa đi làm toàn thời gian vừa nghiên cứu tiến sĩ, có người thậm chí hoàn thành tiến sĩ của Mỹ mà không biết tiếng Anh. Xã hội không bao giờ thiếu những màn kịch hài.

Tối hôm lễ tốt nghiệp, chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng Mỹ. Biết trước khẩu phần ăn tại nhà hàng Mỹ nói chung rất to (không ngạc nhiên tại sao rất nhiều người Mỹ thừa cân) nên tôi chỉ khẽ khàng gọi một đĩa pasta, nhưng rốt cuộc tôi chỉ có thế giải quyết một phần nhỏ. Nếu ăn hết đĩa pasta đấy thì có thể sáu tháng sau tôi mới cần ăn lại, như một con trăn chúa sau khi xơi một con hươu. Kể ra, nếu một năm chỉ cần ăn hai lần cũng tốt, tiết kiệm được khối thời gian.

***

Wednesday 16 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (IV)


Tại sao tôi mua nhiều sách? Lẽ dĩ nhiên vì tôi thích đọc. Tại sao tôi thích đọc?

Tôi nghĩ về điều này rất nhiều và có ý định viết về lý do tại sao tôi thích đọc. Nhưng, trong một trong những tập sách mới mua được, tôi thấy Orhan Pamuk viết quá hay về điều này. Cho nên thay vì viết, tôi sẽ múa rìu qua mắt thợ dịch bài On reading: Words or Images của Pamuk, rút trong tập Other Colors.

Về việc đọc: Ngôn từ hay Hình ảnh (Orhan Pamuk)

Mang theo một cuốn sách trong túi hay giỏ xách của bạn, nhất là những khi buồn, là sở hữu một thế giới khác, một thế giới có thể mang lại cho bạn niềm vui. Suốt thời tuổi trẻ buồn chán của tôi, ý nghĩ về một cuốn sách như thế - một cuốn sách tôi chờ mong đọc – là niềm an ủi giúp tôi vượt qua những buổi học, vì khi ngáp quá nhiều tôi sẽ ràn rụa nước mắt; sau này trong đời, sách giúp tôi chịu đựng những cuộc họp chán ngấy mà tôi phải dự vì nghĩa vụ hoặc vì không muốn bất lịch sự. Tôi sẽ liệt kê ra những điều khiến tôi đọc sách, không phải vì công việc hoặc để học hỏi, mà chỉ để chơi:

1. Hấp lực của cái thế giới khác mà tôi nhắc đến ở trên. Đây cũng có thể coi là một sự đào thoát [khỏi thực tại]. Ngay cả khi chỉ xảy trong trí tưởng tượng của bạn, lẩn tránh nỗi buồn của cuộc sống hàng ngày và thả mình vào một thế giới khác vẫn là điều tốt.

2. Trong khoảng từ mười sáu đến hai sáu tuổi, đọc sách với tôi là nỗ lực chính yếu để biến mình thành một cái gì đó, nâng cao nhận thức, và qua đó định hình tâm hồn tôi. Tôi phải trở thành người như thế nào? Thế giới có nghĩa lý gì? Tư tưởng của tôi có thể vươn xa tới đâu, những mối quan tâm của tôi, những giấc mơ của tôi, những vùng đất tôi có thể nhìn thấy bằng tuệ nhãn? Khi dõi theo cuộc đời, mộng tưởng và nghĩ suy của người khác trong những câu chuyện hay áng văn của họ, tôi biết tôi sẽ lưu giữ họ trong những góc ký ức sâu kín nhất và không bao giờ quên, theo cách mà một đứa trẻ không bao giờ quên một cái cây, chiếc lá, con mèo nhìn thấy lần đầu tiên. Với kiến thức thu lượm được từ việc đọc sách, tôi sẽ vạch đường tôi đến tuổi trưởng thành. Khởi đi với niềm lạc quan trẻ thơ để tạo dựng và định hình bản thân như thế, sự đọc của tôi trong những năm đó là một cam kết nghiêm cẩn và vui thú có nguồn gốc sâu xa từ trí tưởng tượng của tôi. Nhưng bây giờ hầu như tôi không đọc theo cách như thế nữa, và có lẽ đó là lý do tại sao tôi đọc ít hơn nhiều.

3. Một điều nữa khiến cho việc đọc sách đối với tôi thật vui thú là sự tự ý thức. Khi ta đọc, có một phần trong trí óc ta kháng cự sự đắm chìm hoàn toàn trong văn bản và chúc mừng ta vì đã dấn thân vào một công việc trí tuệ và sâu sắc như thế: nói cách khác, sự đọc. Proust thấu hiểu điều này. Ông nói có một phần của ta đứng ngoài văn bản ngắm nhìn cái bàn ta ngồi, ngọn đèn hắt sáng, khu vườn quanh ta, hay cảnh trí phía xa kia. Khi ta để ý những thứ đó, ta đồng thời nhấm nháp nỗi cô đơn của mình, sự vận hành của trí tưởng tượng và chúc mừng chính ta về việc ta sâu sắc hơn những người không đọc sách. Tôi hiểu việc một người đọc, khi không đi quá đà, có thể muốn tự chúc mừng mình như thế nào, nhưng tôi không kiên nhẫn lắm với những kẻ hãnh diện khi khoe khoang.

Đây là lý do mà khi nói về đời đọc sách của mình, tôi phải nói điều này lập tức: nếu những vui thú tôi mô tả trong điểm 1 và 2 trên đây là những vui thú tôi có thể tìm thấy trong phim ảnh, ti vi, hay những phương tiện truyền thông khác, có lẽ tôi sẽ đọc sách ít hơn. Có lẽ một ngày điều đó sẽ xảy ra. Nhưng tôi nghĩ sẽ khó. Bởi vì ngôn từ (và những tác phẩm văn chương mà ngôn từ tạo ra) như nước hoặc như đàn kiến. Không gì có thể xâm nhập vào những khe hở, những lỗ hổng và những khoảng cách vô hình trong đời sống nhanh chóng và toàn diện như ngôn từ. Chính trong những khe hở này tinh túy của sự vật – những sự vật khiến ta băn khoăn về cuộc đời, về thế giới - trước hết có thể được xác định, và chính văn chương đích thực khơi lộ chúng trước tiên. Văn chương đích thực giống như một lời khuyên khôn ngoan chưa được đưa ra, và như thế nó mang trong nó khí chất của tính cần thiết y như những tin tức cập nhật nhất; và đó là lý do chủ yếu khiến tôi vẫn phụ thuộc vào nó.

Nhưng tôi nghĩ sẽ sai lầm nếu nói về niềm vui thú này như đối trọng hoặc cạnh tranh với niềm vui thú của việc xem hay nhìn ngắm. Điều này có lẽ bởi vì, trong khoảng từ bảy đến hai mươi hai tuổi, tôi muốn trở thành họa sĩ và dành những năm tháng đó vẽ điên cuồng. Với tôi, đọc là dựng nên một bộ phim của văn bản trong đầu cho chính mình. Ta có thể ngẩng đầu lên khỏi trang sách để mắt ta nghỉ ngơi trên một bức tranh trên tường, phong cảnh ngoài cửa sổ, hoặc cảnh trí phía xa, nhưng trí óc ta không thu nhận những điều này: Ta vẫn bận rộn với việc dựng phim cái thế giới tưởng tượng trong cuốn sách. Nhìn thấy thế giới mà tác giả tưởng tượng, tìm thấy niềm vui trong thế giới đó, người ta phải vận dụng trí tưởng tượng của mình. Bằng việc trao cho ta ấn tượng của không chỉ là kẻ quan sát một thế giới tưởng tượng mà còn phần nào là người sáng tạo ra nó, sách trao ta khoái cảm kín đáo của người sáng tạo. Và chính khoái cảm kín đáo đó khiến cho đọc sách, đọc những tác phẩm văn chương lớn, trở nên thật hấp dẫn với tất cả mọi người và thật thiết yếu đối với nhà văn.

***

Tuesday 15 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (III)

***

Nhiều lúc tôi nghĩ, số phận của thơ thật hẩm hiu, nhất là khi so với văn xuôi. Khi đọc một tản văn, một truyện ngắn, hay một tiểu thuyết, người ta có thể nói văn hay văn dở, nhưng tuyệt nhiên không ai bảo đấy không phải là văn, mà là thơ! Ngược lại, khi đọc một bài thơ, thậm chí chưa đọc xong một bài thơ, bất kỳ ai cũng có thể hùng hồn tuyên bố đấy không phải là thơ, mà là văn xuôi. Thấy chưa, người ta còn không buồn gọi đấy là thơ dở. Người ta từ chối gọi sản phẩm của nhà thơ là thơ, mặc dù khi bị hỏi ngược lại thế nào mới là thơ, thường sẽ không có câu trả lời rành mạch.

Thơ phải có vần ư? Một vạn lần không phải thế, mặc dù thơ từng có vần và không ai cấm các nhà thơ tiếp tục làm thơ có vần. Nhưng nếu chỉ vần mà thành thơ thì đây hẳn là tuyệt cú: “Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai/ Thế nào cũng có một vài ô tô.”

Có người nhao nhao: Thơ phải có hình ảnh, phải có nhạc điệu. Nhưng than ôi, có thể dẫn ra vô vàn ví dụ tản văn, truyện ngắn hay tiểu thuyết đầy ắp hình ảnh và nhạc điệu mà chẳng ai nhầm với thơ cả.

Thế thì thơ phải hàm súc! Nghe có vẻ thuyết phục, nhưng rất khó coi những bài thơ của nhà thơ rất được nhiều người, đặc biệt thanh niên miền Bắc, yêu mến - Lưu Quang Vũ - là những bài thơ hàm súc. Ngược lại, Lưu Quang Vũ luôn nhiều lời, quá nhiều lời là đằng khác. Khi làm thơ, Lưu Quang Vũ nói nhiều như một… nhà viết kịch! Đấy là chúng ta còn chưa nói đến thơ văn xuôi hay tân hình thức.

Vậy thì thế nào là thơ? Sao phải nhọc công đi tìm định nghĩa mà không chịu tin nhà thơ lấy một lần: Thơ là cái nó là khi nhà thơ gọi nó là thơ. Tước mất quyền của nhà thơ gọi tác phẩm của họ là thơ, chẳng khác gì tước quyền đặt tên con của những ông bố bà mẹ. Tương tự như những đứa trẻ, bài thơ ra đời khi nhà thơ đẻ ra nó. Giây phút nào nhà thơ hoàn tất bài thơ chúng ta có thơ. Nhà thơ phải có toàn quyền đối với tác phẩm của mình mà quyền lớn nhất và cần được tôn trọng nhất là quyền khai sinh.

***

Tôi trao đổi một phần những suy nghĩ trên với một nhà thơ. Nhà thơ này biết uống cà phê (và nhiều thứ khác). Bằng vào số vết trầy trên đuôi xe, có thể đoán nhà thơ có khá nhiều người hâm mộ.

****

Nhà thơ dẫn tôi vào một quán cà phê trước cổng có treo hình con heo toòng teng. Nói ngắn gọn, đấy là quán cà phê con heo. Nói đầy đủ, quán cà phê có tên Con Heo Tiểu Tư Sản (Bourgeoisie Pig). Thực đơn ở đây chỉ có sandwich và salad, ừm, thật ra còn có cả soup. Tuy nhiên, các loại sandwich được gắn những cái tên hết sức mỹ miều sặc mùi tiểu tư sản, chẳng hạn Mặt Trời Vẫn Mọc, Gatsby Vĩ Đại hay Bắt Trẻ Đồng Xanh. Vừa được nhà văn không biết uống cà phê tuyên truyền cách đó không lâu The Sun Also Rises là cuốn hay nhất của Hemingway, nên tôi gọi ngay một cái sandwich Mặt Trời Vẫn Mọc, vừa gặm vừa loay hoay xem mặt trời mọc hướng nào. Nhà thơ gọi một món không tiểu tư sản lắm là salad Ceasar. Ceasar, Ceasar, salad toàn thịt gà, vừa khô vừa cứng. Bữa trưa lúc 4 giờ chiều làm dịu cơn đói của giai cấp tiểu tư sản, sau một ngày vất vã đi lùng sách cũ.

Có một tiệm sách cũ tên là Open Books. Tiệm này nằm ở một vùng nào đó của Chicago. Xuất phát từ đại lộ Michigan chúng tôi cuốc bộ về hướng Nam độ hai chục block nhà thì rẽ sang hướng Tây cuốc chừng mười block rồi đi mười hai block về hướng Bắc rồi thêm chin block rưỡi về hướng Đông thì tới. Đại khái với sự trợ giúp của mobile internet và sau khi hỏi đường chừng hai chục người chúng tôi tới đích.

Open Books là tiệm sách cũ phi lợi nhuận. Nguồn sách ở đây hoàn toàn do mọi người hiến tặng. Nhân viên làm việc không lương. Toàn bộ lợi nhuận của tiệm sách được dành vào việc gây quỹ cho trẻ em nghèo (chú ý: mục đích thiện nguyện có thể khác, nhưng khi bước chân vào tiệm sách tôi chỉ nhìn sách chứ không để ý những thông tin khác nên những gì tôi viết ở đây có thể hoàn toàn sai.)

Cũng như mọi tiệm sách cũ và mới khác ở Chicago, sách ở đây được sắp xếp theo từng thể loại, và trong từng thể loại, theo thứ tự tên tác giả. Riêng phần tiểu thuyết chiếm năm dãy kệ, có mặt hầu hết các tác giả tên tuổi từ Auster, Bolano, Calvino ở đầu bảng chữ cái đến Roth, Updike, Vonnegut phần cuối bảng. Giá trung bình một cuốn khoảng 5-6 đô. Nếu may mắn, bạn có thể tìm thấy những cuốn rất ra trò, dày, bìa cứng, và khá mới trong đống sách đổ lộn xộn trong hai thùng các-tông to với giá chỉ một đô một cuốn. Rabbit at rest của John Updike nằm trong số này.

Hôm trước đó, tôi còn có dịp (hai dịp) vào lục lọi tiệm sách cũ Powell’s ngay gần khuôn viên trường đại học Chicago. Nói là sách cũ – thường do sinh viên trường bán lại – nhưng nhiều cuốn còn gần như mới nguyên. Có cả những cuốn tinh tươm hẳn là sách tồn kho của các nhà xuất bản bán với giá chỉ một phần tư giá gốc, điển hình là tập Other Colors của Orhan Pamuk, bìa cứng, mới cứng, giá 6.95 đô, trong khi giá gốc là 28 đô. Diện tích của tiệm Powell’s không quá lớn, nhưng sách chất trùng trùng điệp điệp, từ sàn đến trần nhà. Theo ước lượng của tôi, chỉ riêng phần sách lịch sử Trung Quốc đã chừng trăm cuốn, tổng số đầu sách lịch sử các nước trừ Mỹ khoảng ba, bốn nghìn. Tôi áng chừng gom tất cả đầu sách của tất cả các nhà sách của Fahasa và Phương Nam ở Sài Gòn lại cũng không bằng số đầu sách của tiệm sách cũ Powell’s này, chưa nói tới sự phong phú về thể loại.

Với ba lần ghé thăm hai tiệm sách cũ, tôi đã có dịp gần như hoàn thiện bộ sưu tập Paul Auster của mình, bổ sung kha khá vào hai bộ Hemingway và Roth, và hẳn là đang bắt đầu hai bộ Coetzee và Pamuk. Ngoài ra, tôi còn tóm được những cuốn tôi đang tìm kiếm lâu nay như Franny and Zooey của Salinger hay Ho Chi Minh – The Missing Years của Sophie Quinn-Judge. Nhà thơ biết uống cà phê còn nhiệt tình giới thiệu, tặng và chuyển giao cho tôi khá nhiều cuốn của các tác giả các nước nhỏ như Pakistan, Hong Kong, Nigeria, Haiti, kèm theo lời trách cứ Giò Trắng sao trên blog chỉ giới thiệu các nhà văn nước lớn.

Trong mọi tình yêu luôn có mầm mống khổ đau, không loại trừ tình yêu sách. Hành lý từ Việt Nam sang của tôi chỉ có 15kg. Khi bay từ Chicago sang San Jose, vali của tôi cân nặng 70 pounds (khoảng 32kg). Southwest cho phép hành khách gửi hai kiện hành lý, mỗi kiện 50 pounds (23kg). Tôi chỉ có một vali, nhưng Southwest không cho tôi nhét cả vào một vali, mà phải lấy bớt sách ra, cho đến khi vali nặng đúng 50 pounds mới thôi. Số sách dôi ra tôi phải xách tay. Thế là với đôi vai gầy guộc nhỏ và đôi cánh tay khẳng khiu, tôi mòn mõi lê bước từ quầy check in qua cổng kiểm tra an ninh đến cổng ra máy bay dưới sức nặng của…sách.

Sunday 13 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (II)

***
Philip Roth là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu Mỹ. Ông từng đọat giải Pulitzer với cuốn American Pastoral, nhiều giải thưởng văn học khác của Mỹ, và hình như ngấp nghé Nobel. Everyman là tiểu thuyết tương đối mới của ông, viết 2006.

Tôi có cảm giác đây không phải là cuốn xuất sắc của ông, mặc dầu vậy, vẫn nhận thấy cách viết của ông đáng nể. Ông thường viết những câu ngắn, cô đọng, chính xác. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói hình như ông đánh mất tinh thần hài hước. Hẳn đó chỉ là một cách nói, vì trong cuốn này, tuy hài hước không phải tinh thần chính, nhưng vẫn thấy đây đó Philip Roth đang nhếch mép.

Everyman mở đầu bằng đám tang của một người mà ta sẽ nhanh chóng nhận ra đó là nhân vật chính – một người đàn ông thành đạt trong nghề quảng cáo, có ba đời vợ, có hai con trai ghét ông như đào đất đổ đi - ghét đến nỗi khi ném nắm đất xuống huyệt mộ ông và chúc ông yên nghỉ cũng không thể hiện chút tình cảm nào trong giọng nói, một đứa con gái yêu ông và ông yêu hơn mọi thứ trên đời, và một số người tình. Everyman kết thúc bằng đoạn đối thoại giữa ông này và người đào huyệt trong nghĩa trang - người từng đào huyệt cho cha mẹ ông, và có thể sắp đào huyệt cho chính ông – và là một con người làm việc cần mẫn, chính xác, luôn đào những huyệt mộ “sâu sáu foot và đáy thật phẳng đến nỗi người ta có thể kê giường lên” một cách chuyên nghiệp và đầy tinh thần trách nhiệm, hệt như cách Roth viết một câu văn vậy.

Tôi đọc hết cuốn này khi bay từ Sài Gòn sang Tokyo. Hết truyện, tôi chợt nhận ra hình như Roth không đặt cho nhân vật chính của mình một cái tên, trong khi tất cả nhân vật phụ bao gồm ba bà vợ, hai anh con trai, một cô con gái, một ông anh ruột và một cô y tá kiêm tình nhân, tất cả đều có tên. Tôi chưa nhớ ra một cuốn tiểu thuyết nào khác trong đó nhân vật chính không có tên. Có lẽ đó là lý do tại sao Roth gọi tiểu thuyết này là: Everyman. Người đàn ông này có thể là bất kỳ người đàn ông nào khác: ích kỷ, nhiều đam mê, lắm lỗi lầm nhưng cũng thật sự chân thành. 

Văn của Roth chân phương, giản dị. Câu chuyện không nhiều tình tiết, không màu mè. It doesn’t really have a plot, although there is a plot against America! Tôi nghĩ tôi sẽ có thể tiếp tục đọc Roth.

***
Không có gì nhiều để nói về sân bay Narita, Tokyo, nơi tôi trải qua ba tiếng đồng hồ quá cảnh, một tiếng rưỡi trong đó dành cho việc làm các thể loại thủ tục giấy tờ và an ninh buồn chán.
Không nhộn nhịp như khu vực quá cảnh của sân bay Singapore hay Hong Kong, hoặc cũng có thể vì người ta đẩy tôi đến chỉ một góc nhỏ, phần của sân bay Narita tôi nhìn thấy khá lặng lẽ. Phải nỗ lực khá nhiều tôi mới tìm được một quầy nho nhỏ bán đồ lưu niệm, nước giải khát và thức ăn nhẹ. Tôi gọi một món ăn có hình chụp giống một tô mì gói, tên là miso ramen. Hóa ra đó là một tô bao gồm mì, măng, bắp hạt, một loại rau không rõ tên có vị là lạ, và một loại thịt không xác định. Hy vọng không phải thịt người. Không có bàn để ngồi ăn, chỉ có một quầy dài đủ cho bốn người gác khay đồ ăn lên và đứng đối diện nhau ăn cùng một lúc. Món mì ăn tạm được, hơi dư muối, chắc vì cả nước Nhật bao quanh bởi đại dương. Ngoài tôi mì này, tôi còn mua một cái bánh ngọt nhỏ. Có khá nhiều loại bánh ngọt ở đây và phải rất kiềm chế mới không mua hơn một cái. Các loại bánh của Nhật, ngon hay không chưa biết, nhưng đều được đóng trong bao bì xinh xắn, trông hết sức ngon mắt.
***
Từ Tokyo sang Chicago, tôi bay American Airlines. Cũng là hàng không Mỹ, nhưng American Airlines tốt hơn nhiều so với United Airlines, tuy nhiên tuổi tác và nhan sắc các tiếp viên hai hãng này thì tương đương: đại khái không dùng để ngắm, trừ khi bạn nhớ mẹ. United Airlines là cơn ác mộng cho những chuyến bay đường dài: ghế ngồi bé tẹo, không có chương trình giải trí cá nhân, và thức ăn thì ôi thôi tệ. Làm sao họ có thể nghĩ ra được việc cho hành khách trên chuyến bay xuyên đại dương ăn tối bằng một cái bánh quy và một ly mì bé bằng một phần ba ly mì ta vẫn thường thấy trên kệ các siêu thị? Bữa tối của American Airlines thịnh soạn hơn nhiều. Thường khi bay đường dài, tôi vẫn cố chén sạch những gì người ta dọn ra, phòng khi bao tử cồn cào bất chợt. Vậy mà, lần này, tôi chừa lại những nửa cái bánh mì tròn cộng với 1/3 miếng phô-mai hiệu Kiri! Riêng về món cà phê thì tôi vẫn nghĩ đã đến lúc cần truy tố các hãng hàng không – không chừa hãng nào – về tội dám gọi cái món nước nhờ nhờ nhạt nhẽo mà họ vẫn thường cho khách uống trên máy bay bằng hai từ cao quý: cà phê.

Nhân nói đến cà phê, tôi biết có một nhà văn nọ không uống cà phê. Thậm chí, nhà văn nọ không uống cả trà, không uống bia, không uống rượu, đến cả heroin cũng không dùng. Thế làm quái nào viết văn được, tôi bảo. Thay vì trả lời, nhà văn đi…đánh răng!

***
So với việc làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Los Angeles hay San Francisco, nơi luôn có những dòng người xếp hàng dài ngoằn ngoèo tưởng chừng bất tận, thì làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay O’Hare là một niềm vui – tất nhiên chỉ trong trường hợp mỗi ngày bạn cần chọn một và chỉ một niềm vui. Chỉ mất ba mươi phút, tôi đã xong thủ tục nhập cảnh, hải quan và lấy được hành lý. Nhưng mất một tiếng, tôi mới được đón. Mất hai tiếng nữa, tôi mới về được nhà của một bác (bác này tuy cho ở nhờ nhưng keo kiệt không cung cấp internet!:)). Trốn Sài Gòn sang tận Chicago mà vẫn không tránh khỏi kiếp kẹt xe. Điểm khác biệt so với kẹt xe ở Sài Gòn là ở đây xe nào vẫn giữ làn xe đấy, nên đường vốn có ba làn xe, khi kẹt xe vẫn chỉ có ba làn, không thành năm hay sáu làn hỗn hợp như ở Sài Gòn.

Chicago mùa hè, cây lá xanh mướt, không khí trong lành. Nhìn những công viên trải dài trong nắng, người ta chỉ muốn xỏ giày và ra đường chạy bộ. Rải rác đây đó là những khu trò chơi trẻ con với cầu tuột, xích đu, vòng thang xoáy leo trèo đầy ắp tiếng cười con trẻ. Nhớ hai bạn Alpha và Pi ở nhà. Đi chỉ mới ngày, mẹ hai bạn đã nhắn tin bảo con gái nói: “Con đã bắt đầu nhớ ba rồi đấy!”

Saturday 12 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (I)

5.23 sáng 10/6/2010

Tom Hanks là diễn viên yêu thích của vợ tôi. Hình như tất cả phụ nữ Việt Nam chân chính và có xem phim Mỹ đều thích Tom Hanks. Họ nói anh ấy tuy không đẹp trai lắm, nhưng đóng hay và đặc biệt, không lăng nhăng. Hậu quả của việc vợ tôi, một trong số những phụ nữ Việt Nam chân chính, yêu thích Tom Hanks là thỉnh thoảng tôi xem phim có anh. Vì đang ngồi ở sân bay nên tôi nhớ đến phim The Terminal.

Trong The Terminal, Tom Hanks đóng vai một hành khách có quốc tịch một quốc gia X. Khi Tom Hanks vừa đến Mỹ, thì ở quê nhà của anh xảy ra đảo chính, chính phủ cũ bị lật đổ, chính phủ mới lên thay. Chính phủ này không được sự công nhận của quốc tế (i.e. Mỹ), nên hộ chiếu anh cầm không được công nhận. Thế là anh không được vào Mỹ, mà cũng không ra được Mỹ. Ngày này qua ngày khác anh sống tại sân bay, ăn uống, yêu đương, làm việc kiếm tiền ở đấy. Kết thúc phim thế nào tôi không nhớ. Đối với một trí nhớ suy tàn như trí nhớ của tôi nhớ đến đây đã khá lắm rồi. Đại khái anh ta sống ở sân bay khá lâu, lâu lắm, không chết, đến cuối phim vẫn không chết.

Nhưng tôi cá rằng nếu anh ta mắc kẹt ở một sân bay giống cái sân bay mà tôi đang ngồi chờ giờ khởi hành, chắc anh ta sẽ không tồn tại được ba ngày, không, ý tôi nói ba giờ. Anh ta sẽ chán đến chết, chết trước khi thưởng thức những rắc rối và sinh động của một cuộc đời không tổ quốc.

***

Tôi đến sân bay sớm. Hiển nhiên là vì tôi phải bay sớm. 3 giờ sáng, tôi đã phải dậy, sau chỉ 3 tiếng ngủ, vì tối hôm trước phải sửa soạn hành lý và soạn nốt cái hợp đồng dang dở. Phải gửi hợp đồng cho khách trước khi đi, nếu không sếp có thể gõ đầu tôi. Hôn từ biệt hai con chó con đang ngủ say và người phụ nữ Việt Nam chân chính yêu thích Tom Hanks, tôi kéo vali xuống nhà gọi taxi. Đường vắng, chốc lát tôi đã đến sân bay.

Làm thủ tục xong, vẫn còn gần tiếng mới tới giờ bay. Tôi leo lên tầng lầu, định vào một trong những quán cà phê trên đó để uống một chút gì và vào internet. Thế nhưng, tất cả quán hãy còn đóng cửa im ỉm. Lúc đó khoảng 4 giờ rưỡi sáng.

Gần cổng lên máy bay, tôi tìm thấy một quán mở cửa. Lúc tôi phát hiện ra quán, chị bán hàng – khoảng ngoài năm mươi tuổi, mặc đồng phục SASCO – đang đôi co với hai cô khách nước ngoài. Hai cô khách kia có vẻ muốn mua mấy chai nước suối, đang xòe ra mấy tờ tiền Việt Nam. Tôi nghe lóm nội dung là bọn tao còn ngần này tiền Việt Nam. Chị bạn hàng thì cứ lắp đi lặp lại nhõn “one more, one more” – ý là chưa đủ tiền. Hai cô khách bỏ đi. Chị bán hàng cất lại 4 chai nước suối vào tủ.

Tôi gọi một tách cà phê sữa nóng, chị bảo 3 đô. Tôi đưa chị 60.000 đồng, chị cất tất vào ngăn kéo và đưa tôi tách cà phê. Và chỉ thế. Cứ như cà phê vỉa hè, dù giá gấp 10. Không biết làm thế nào để SASCO biết được chị đã bán cho tôi một tách cà phê và đã thu 60.000 đồng

Không có tín hiệu wifi chùa, tôi giở sách ra đọc. Everyman của Philip Roth. Đây là cuốn đầu tiên của Roth tôi đọc. Nhưng, thật khó tập trung khi thỉnh thoảng thông báo của sân bay lại vang lên, ong óng vào tai. Dù sao cũng nghe được một thông tin mới là không được mang cà phê trong hành lý xách tay vì lý do an ninh. Chắc người ta sợ bom làm bằng bột cà phê. Cũng may, nếu cái vali cỡ nhỏ của tôi không bị chuột gặm thì tôi đã dùng nó cho hành lý xách tay và sẽ nhét cà phê trong đó. Chẳng những bị chuột gặm, nó còn gãy càng, thế là tôi chỉ mang một cái ba lô nho nhỏ theo người, còn cà phê và sách cho những người ở bển tôi cho vào hành lý kỷ gửi cả.

Không internet, đọc sách không xong, không muốn dùng iPod, tôi gõ những dòng này giết thời giờ.

Tuesday 8 June 2010

Hoàng Cao Khải - nhà thơ


Hoàng Cao Khải, đương thời bị coi là theo Tây, gần đây bắt đầu được "đánh giá lại". Tác phẩm của ông, như cuốn Việt sử yếu, đã được in lại, và có thể thấy nhiều ở Đinh Lễ (Hà Nội) hay Nhà sách Hà Nội (Sài Gòn):)

Ít ai biết ông còn có làm thơ. Có tác giả còn đánh giá Hoàng Cao Khải, cùng với một người nữa là hai đại biểu thơ của giai đoạn 1913 - 1920. Người kia thì tên tuổi lẫy lừng, nói ra ai cũng biết: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Tác phẩm thơ của Hoàng Cao Khải được nhắc đến trong mấy cuốn văn học sử là tập Vịnh Nam Sử, nghe tên thì đoán là thơ ngâm vịnh về sử nước Nam:), chứ còn văn bản thơ ông thì chưa nhìn thấy bao giờ!


Monday 7 June 2010

Du hành trong chốn thư phòng



Cái tít ở trên tôi tạm dịch từ Travels in the Scriptorium của Paul Auster mà ra. Tôi vừa đọc xong hôm nay, dự định ghi lại vài phát hiện thú vị khi đọc cuốn này. Tuy nhiên, đó là chuyện tôi sẽ làm khi hai bạn Alpha và Pi ngủ say đã. Còn bây giờ, trong khi chờ đợi hai bạn ngủ yên, tôi sẽ post vài dòng này lên câu view (học chiêu của bác Giò Trắng):), đồng thời đọc Chúa Ruồi (Lord of the Flies) của William Golding qua bản dịch của Lê Chu Cầu. Các bạn lưu ý đi, đây là một cuốn nên có trong tủ sách của bạn (dĩ nhiên nếu bạn có một cái).

--------

Một thú vị hiển nhiên khi đọc một nhà văn đang sống, so với một nhà văn đã chết rồi, là một khi mình đã thích họ, mình còn niềm vui sướng được chờ đợi và đọc những tác phẩm mới nhất của họ. Tập thể những người chờ đợi tác phẩm của một nhà văn, tuy không ồn ào náo nhiệt, nhưng cũng có thể gọi là fan. Travels in the Scriptorium xuất bản 2007 không phải là tác phẩm mới nhất của Paul Auster, sau cuốn này ông đã kịp in Man in the DarkInvisible, cũng không phải là tác phẩm hay nhất của ông, nhưng đích thực là một cuốn sách dành cho fan của ông: nó có quá nhiều tham chiếu tới những cuốn tiểu thuyết trước đó của ông, mà nếu chưa đọc những cuốn đó, sự thích thú khi đọc Travels in the Scriptorium sẽ khác đi. Khác đi chứ chưa chắc đã giảm, vì biết đâu người chưa đọc Auster sẽ nhìn thấy trong cuốn này những điều mà người quen thuộc với Auster không nhận thấy, nhất là khi Auster luôn có tài bịa chuyện.

Những tham chiếu dễ nhận ra nhất là các nhân vật: hầu hết (nếu không phải tất cả) nhân vật trong Travels in the Scriptorium đều đã xuất hiện trong các tiểu thuyết trước của Auster. Nhân vật chính, Mr Blank, người tỉnh dậy thấy mình nằm trong một căn phòng lạ với một tá khung ảnh, một chồng hồ sơ, mọi đồ vật trong phòng đều có dán tên, hoàn toàn không biết mình là ai và không nhớ gì về quá khứ, có thể là nhân vật duy nhất chưa từng xuất hiện trong các tiểu thuyết khác. Tuy nhiên, nếu coi Paul Auster là một nhân vật thì Mr Blank, như sau này ta sẽ nhận ra, mang bóng dáng của chính Paul Auster. Nhân vật xuất hiện thứ hai, Anna, người sẽ cho Mr Blank ăn, tắm cho Mr Blank (and give him a hand job!), và được coi là cùng phe với Mr Blank, chính là nhân vật chính của In the Country of Last Things. Người chồng đã chết của Anna, David Zimmer, lại còn xuất hiện đến trong hai cuốn tiểu thuyết khác nhau: trong Moon Palace với vai cậu bạn của Marco Fogg, và trong The Book of Illusions với vai người chồng mất cả vợ và hai con trong một tai nạn máy bay. Ta còn có thể nhận ra Peter Stillman, người ra lệnh cho Mr Blank phải mặc đồ toàn trắng, đã xuất hiện trong City of GlassThe Locked Room; Sophie, người mang thức ăn đến cho Mr Blank thay cho Anna, chính là vợ của Fanshawe – anh chàng tự khóa trái mình trong The Locked Room. Fanshawe cũng được nhắc đến trong cuốn này, cũng với tư cách là chồng Sophie và là tác giả một tập sách có tên… Travels in the Scriptorium, Travels in the Scriptorium lại còn là tên một bộ phim được nhắc tới trong The Book of Illusions. Ta còn tưởng ta có thể gặp cả Marco Fogg – chàng trai tự hành xác mình trong Moon Palace – nhưng không, ta chỉ gặp Daniel Quinn – nhà văn mà Peter Stillman nhầm với Paul Auster trong City of Glass – xuất hiện trong cuốn này với tư cách luật sư của Mr Blank.

(tối mai viết tiếp chớ bây giờ phải đi ngủ::)))

--------

(Nhờ sự chỉ điểm của Giò Trắng, tôi đã tìm ra Anna Bloom hay Blume trong Moon Palace. Trong cuốn này, cô là bạn gái mất tích của David Zimmer. Trước đó, trong In the Country of Last Things, Auster đã gửi cô đến một đất nước xa xôi để đi tìm người anh trai William và đẩy cô vào tình trạng cực cùng tuyệt vọng. Vì cái thói hay đày đọa nhân vật của mình mà Auster – trong hình dáng của Mr Blannk - có thể sẽ phải trả giá, như ta sẽ thấy trong Travels in the Scriptorium. Auster viết Moon Palace năm 1989, hai năm sau khi hoàn thành In the Country of Last Things. Như vậy ngay từ hồi đó Auster đã có thói quen cho nhân vật xuất hiện liên văn bản.)

Khó nhận thấy hơn là những tham chiếu về tình tiết. Trước khi viết Travels in the Scriptorium, Auster đã viết 12 tiểu thuyết trong vòng 20 năm. Rất khó để biết Auster tham chiếu tình tiết nào trong cuốn nào và nhằm mục đích gì. Trong City of Glass, Peter Stillman mặc đồ toàn trắng, trắng đến nỗi có cảm giác như anh ta vô hình. Ở đây, Mr Blank được Anna mặc cho đồ cũng toàn trắng theo lệnh của Peter Stillman. Peter Stillman trả đũa Mr Blank – Auster chăng? Trả đũa như thế còn nhẹ, vì còn có nhân vật khác, James P Flood, lại một nhân vật trong The New York Trilogy, còn mang dao theo người, định dụ Mr Blank ra công viên và xử đẹp. Tôi không nhớ ra Auster đã làm gì James P Flood, nhưng tôi nhớ rõ Auster đã cho Benjamin Sachs nổ tung ngay đầu cuốn Leviathan. Chính vì thế, giữa vô số lời buộc tội Mr Blank trong cuốn này, Quinn – luật sư của Mr Blank – đã nói nếu có thể bào chữa cho Mr Blank khỏi cáo buộc này (cáo buộc làm nổ tung Benjamin Sachs), thì sẽ có tiền lệ để bào chữa các cáo buộc khác.

Chủ đề quen thuộc trong các tiểu thuyết của Auster là căn cước (identitity) và việc viết lách (writing/authorship). Cả hai chủ đề này xuất hiện trở lại trong Travels in the Scriptorium. Bằng việc cho hàng lọat các nhân vật cũ xuất hiện trở lại, có vẻ như Auster muốn làm một cuộc tự truy vấn rốt ráo về trách nhiệm của nhà văn đối với các nhân vật của mình bởi vì, như Auster viết trong trang cuối của cuốn tiểu thuyết này, các nhân vật tuy là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng một khi đã được ném vào thế giới, tức khi đã được kể, thì sống một cuộc đời dai dẳng ngay khi các nhân vật đã chết rồi. Dĩ nhiên ta cũng có thể hiểu Auster muốn gián tiếp nhắc đến trách nhiệm của nhà văn đối với thế giới. (Auster thường xuyên kể những câu chuyện-trong-chuyện, và một trong những câu chuyện được kể trong cuốn này là chuyện một cuộc thảm sát không rõ thủ phạm lại bị bóp méo trong một báo cáo quân sự thành một cuộc thảm sát xác định rõ thủ phạm – tác giả bản báo cáo sau đó tự nổ súng vào đầu.)

Tuy nhiên, cũng có thể tôi hiểu sai Auster hoàn toàn, và biết đâu việc hiểu sai của tôi – một độc giả - mới là chủ đích của Auster, người luôn kể những câu chuyện không chắc chắn, mơ hồ, và đầy bí ẩn như chính thế giới của chúng ta.

PS. Khi đọc xong cuốn này, lạ thay, tôi nhớ đến tác phẩm của một nhà văn Việt Nam – truyện ngắn Bút máu của Vũ Hạnh. Liên tưởng của tôi có thể khập khiễng, nhưng nếu bạn chưa đọc Bút máu thì chẳng có lý do gì bây giờ bạn lại không đọc cả. Bạn sẽ thấy thông điệp trong truyện của Vũ Hạnh rõ ràng gấp mười lần truyện của Auster:)

PS2: Tôi rất mong một số cuốn khác của Auster sẽ được dịch ra tiếng Việt. Ngoài Leviathan mà tôi biết bác Giò Trắng đang dịch, tôi còn mong thấy bản tiếng Việt của ít ra là The Book of Illusions, Oracle NightThe Brooklyn Follies. Bạn nào mê phim ảnh rất nên đọc The Book of Illusions.


Thursday 3 June 2010

Mưa đầu mùa


Tôi vác ba lô ra khỏi văn phòng khi chiều đã muộn. Vừa đi vừa cắm mặt xuống đất nên khỏi cửa tôi mới nhận thấy: trời đang mưa. Đã từ lâu rồi, rất nhiều ngày rồi, tôi mới lại gặp mưa khi đi làm về. Mưa, thường tôi không khoái lắm, tôi vốn không ưa những thứ ướt át, từ vật cho đến người. Chẳng hạn, tuy mê văn, nhưng tôi chúa ghét người học văn, đặc biệt con gái học văn – những người mà tôi hay gọi đùa là lãng mạn nửa mùa, sến một mùa, lơ mơ lãng đãng như những người chết trôi [không] đẹp nhất trần gian. Dĩ nhiên, cũng có ngoại lệ:). À, mà thôi, tôi đang nói về mưa.

Người xưa có câu gì mà như nắng hạn gặp mưa rào thật đúng. Hai ba tháng qua trời nắng rát mặt nóng chảy mỡ, nay có mưa, dịu mát, thật là khoái.

Ngờ đâu, vui chẳng tày gang. Chưa kịp tận hưởng cảm giác mát mẻ cơn mưa mang lại, tôi đã sa vào một đám kẹt xe ê chề. Xe tải, xe con, nối đuôi nhau dằng dặc, tràn hết các làn đường, đầu chiếc này cách đít chiếc kia vài xăng-ti-mét. Tôi rút điện thoại ra nhắn tin cho người thân, nhắn đã rồi vào internet, chán chê mà xe chẳng nhúc nhích được mấy. Cái quãng đường hơn chục cây số trên con đường được gọi là xa lộ huyết mạch đấy, rốt cuộc lấy mất của tôi hơn hai tiếng đồng hồ.

Kẹt xe tệ hại như hôm nay là ngoại lệ. Khi không ngoại lệ thì kẹt đỡ tệ hại hơn tí. Nghĩa là thay vì hai tiếng cho 10 cây số, thì “chỉ” một tiếng hay bốn mươi lăm phút thôi. Các ngã tư, ngã ba trên con đường này, xe lưu thông nhiều, lại không có cầu vượt hay hầm chui, nên chỉ cần một sự cố nho nhỏ là ùn tắc, kẹt cứng. Mà sự cố ngày nào cũng xảy ra, không ngoại lệ mới chết chứ.

Ngồi trên xe, chân mỏi nhừ vì đạp thắng, mông ê ẩm vì ngồi một chỗ quá lâu, và bụng đói meo (may còn chưa đau bụng hay mắc tè), chẳng còn trò gì khác để tiêu khiển ngoài việc … chửi thề. Những lúc bực mình vớ va vớ vẩn tôi hay chửi thề bằng tiếng Anh, có khi bằng tiếng Lào hay tiếng Ý (nhưng tuyệt nhiên không xài tiếng Đan Mạch), còn những lúc bi đát như thế này, tôi chửi bằng tiếng Việt hẳn hòi, cho có tinh thần yêu nước. Phải yêu nước lắm mới chửi thề bằng tiếng mẹ đẻ được, Kundera bảo thế:).

Trong cơn yêu nước, tôi chợt nhớ ra dự toán cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam lên đến hơn 50 tỷ đô. Nếu như chỉ lấy một phần rất nhỏ số tiền ấy đầu tư xây mấy cầu vượt hầm chui trên con đường tôi đi làm về thì có phải đỡ khổ cho tôi không. Và nếu dành một phần (phần bao nhiêu tôi không biết, nhưng chắc không cần toàn bộ) số tiền ấy để xây dựng một hệ thống đường bộ cao tốc cho tử tế thì người dân có phải được nhờ nhiều hơn không. Lúc đấy, bất kỳ người dân nào của thành phố mang tên Bác, sau 20 giờ ngồi trên một chiếc xe buýt Bắc Nam chạy suốt, cũng có thể ra thăm lăng Bác và thấy trong sương hàng tre bát ngát (nhân tiện ăn bún ốc Hồ Tây hay kem Tràng Tiền).

Còn đường sắt, chỉ mong cái con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui đấy sạch sẽ hơn một tí, không còn rải phân từ Bắc chí Nam suốt bốn mùa vui đã tốt lắm rồi. Chứ nhỡ cao tốc mà mỗi khi vào ga lại yêu cầu quý khách không sử dụng phòng vệ sinh thì kẹt lắm.

Ai dà, mưa đã tạnh và tôi đã về nhà. Một kỷ lục mới được thiết lập: 2 giờ 45 phút đi từ công ty về nhà, phá rất sâu kỷ lục trước đây 2 giờ 5 phút.

------------

Trong khi đang pageview đang xuống, nhờ có nữ sĩ TTT để link mà fan của cô lũ lượt kéo sang. Xin đa tạ:)

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN