Thursday 27 May 2010

Lảm nhảm cũng có lời

Tôi thấy có những người thật quá đáng. Có mỗi cái ngày mình chui ra đời mà cũng day đi day lại, gơi ý quà cáp trắng trợn tuần trước đến tuần sau, lẽ ra tôi cũng có thể niệm tình tha thứ thò ra The Enchantress of Florence của Salman Rushdie, hay tệ ra cũng một cuốn cũ cũ của Lê Tôn Nghiêm. Nhưng mà làm quá, quá đáng lắm. Cứ như thế thà cứ để nuôi mấy con mối ở nhà còn hơn:)

***

Những ngày này, vô tri Vô Tri hữu vô tri. Tất nhiên, tôi không phải là tác giả cái câu nho chùm kia. Chỉ là một lần tôi đùa một bạn rằng Vô Tri đang là “thời thượng”, nếu vô tri Vô Tri thì nghĩa là vô tri, một bạn khác nhã ý thay “thì nghĩa là” với “hữu”. Vậy là có nho chùm. May cho tôi, cuốn này tương đối mỏng – chỉ khoảng hai trăm trang – nên chỉ cần một buổi tối yên tĩnh là có thể nhấm nháp xong và thoát khỏi cảnh vô tri!

Có quá nhiều câu trong cuốn này có thể phục vụ rất tốt cho mục đích làm status trên Facebook:) – những câu mà khiến bạn bè trong friend list của bạn phải trầm trồ và khẽ khàng nhấn vào nút “like”. Tuy nhiên, tôi không liệt kê ra đây đâu, bạn phải lao động một tí, phải tìm ra chúng; và sau đó hãy thi đua xem câu nào được “like” nhiều hơn. Khi đó, bạn có thể tự thưởng cho mình một cái kẹo mút:)

Đoạn tôi chép lại dưới đây lại không nằm trong Vô Tri (nhưng vẫn có thể đưa lên status của Facebook được!) mà nằm trong Nghệ thuật tiểu thuyết, cũng của Kundera:

Tục tĩu

Trong một ngôn ngữ nước ngoài, ta dùng các từ tục tĩu, mà không cảm thấy tục tĩu. Từ tục tĩu, đọc nhấn giọng, trở thành hài. Khó tục tĩu với một người đàn bà ngoại quốc. Tục tĩu: cái gốc rễ sâu xa nhất gắn liền ta với tổ quốc của mình.

Tôi nhớ lại cái định nghĩa này của Kundera khi đọc đến đoạn gần cuối của Vô Tri, khi Irena và Josef nói chuyện với nhau về Ulysse và Penelope, và Irena bắt đầu thay thế từ bộ phận sinh dục bằng những từ bậy bạ, rồi bậy hơn nữa. Điều đó làm cho Josef choáng váng, vì đã hai mươi năm anh mới nghe lại những từ ấy bằng tiếng mẹ đẻ, “bởi vì chính là thông qua thứ tiếng ấy, thông qua những cội rễ sâu xa của nó, mà dâng lên đến tận anh sự kích thích của hàng thế hệ, hàng thế hệ” và nhờ đó “ chỉ trong vài chục giây họ đã lao vào yêu nhau”. Thế đấy, “yêu nhau” là một vấn đề mang tính lịch sử!

Kundera, bên canh việc là một tiểu thuyết gia, còn là một nhà lý luận về tiểu thuyết. Cá nhân tôi thích đọc tiểu luận của ông hơn là tiểu thuyết của ông.

***

Có một bạn hô hào mọi người chơi một trò ghép tên các tiểu thuyết của một nhà văn hay bài hát của một ban nhạc thành một đoạn văn có nghĩa. Tất nhiên là nhảm nhí, nhưng tôi đã tham gia:) và kiếm được một chầu cà phê. Sau chầu cà phê, tôi còn được giới thiệu một tiệm sách mà ở đó sau một hồi lục lọi tôi kiếm được Travels in the scriptorium của Paul Auster giá chỉ năm mươi nghìn!

Tôi kiếm được chầu cà phê trên nhờ đoạn này. Tất nhiên là nhảm nhí nhé!

It’s not uncommon to see someone who believes that in searching for identity, in slowness one may reach immortality. What an ignorance! Life is elsewhere, and one should realize that the lightness of being is indeed unbearable. Thus, life is just a joke, and all loves are laughable. In the end of the end, all memories will be fading away, like a farewell waltz. Let’s record all in a book of laughter and forgetting.

Tuesday 25 May 2010

Nhân trường hợp bạn Cỏ Nâu


Những ngày này, có vẻ không thể nào không nói về Lưu Quang Vũ, cũng như không thể nào không nói về Vô tri. "Thời thượng" mà! Vô tri sẽ nói đến sau. Nhân trường hợp bạn Cỏ Nâu, hãy đá qua Lưu Quang Vũ một tí!

Bạn Cỏ Nâu là bạn
này. Trên FB của bạn, bạn dẫn link của bạn này, và tóm tắt như sau:

Về bài thơ Nơi ấy trong tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi của Lưu Quang Vũ:
1/ câu “Ngọn gió chiều hoa NỞ trắng như mưa” bị in thành “Ngọn gió chiều hoa SỞ trắng như mưa”;


2/ câu “Nắng ĐỌNG vàng thung lũng tiếng ong bay” bị in thành “Nắng DONG vàng thung lũng tiếng ong bay”;


3/ và câu “Vẫn nguyên vẹn những QUẢ rừng thơ dại” bị in thành “Vẫn nguyên vẹn những HOA rừng thơ dại”. (?)


Bạn của bạn Cỏ Nâu kết luận: "Sử dụng thơ mà vô tình làm cho nó có thêm dị bản, đã là không nên. Đằng này, làm tuyển tập mà sinh thêm dị bản cho những bài thơ tuyệt tác của một tác giả tuyệt vời như Lưu Quang Vũ, là không chấp nhận được."

Ý kiến của bạn GM:


1/ Hoa sở là hoa có thật, nó trông như thế này.



Vì vậy, hoa sở trắng như mưa hòan toàn có lý và hay hơn hoa nở trắng như mưa. Hoa cụ thể hay hơn hoa chung chung.

Chị So có thêm: hoa sở nở đầy trong Vợ chồng A Phủ!

2/ Nắng DONG vàng nghe hay hơn nắng ĐỌNG vàng. Đọng nghe nó tù đọng quá, còn dong như trong dong buồm hay dong ruổi nghe cao xa bay hơn.

3/ HOA rừng hay QUẢ rừng? Chỉ có bác Vũ may ra mới biết bác ấy viết hoa hay quả. Hoa thì đẹp, quả thì ăn được. Tôi thiên về quả hơn, vì tôi thích thứ ăn được!:)

Nói chung, đối với những tác phẩm có nhiều dị bản, người đọc hay có khuynh hướng cho rằng bản tiếp cận đầu tiên là bản đúng nhất, vì bản đấy là bản gây ấn tượng đầu tiên cho người đọc. Love at first sight:) ấn tượng đầu tiên khó phai mờ.

Về bài thơ trên đây của Lưu Quang Vũ, tôi cũng đọc lần đầu trong cuốn thơ nho nhỏ Thơ Tình bạn Tình yêu của NXB Giáo dục 1986. Tuy nhiên,tôi thấy những điểm khác trong bản của Nhã Nam không làm bài thơ bị dở đi, ngược lại, có chỗ tôi thấy hay hơn. Vả lại, tôi cũng tin Nhã Nam. Không tin Nhã Nam thì biết tin ai?:))



Monday 24 May 2010

Răng sâu (hay câu view ngày thứ hai)


Trời vẫn nóng ghê hồn, đi bộ 10 phút từ LSQ Mỹ đến trụ sở công ty mà mồ hôi như tắm. Chui vào Coffee Bean làm một cốc cà phê vì sáng đi vội chưa kịp uống cafe. Mặc dù vẫn chửi rủa bọn đế quốc ghê gớm nhưng thật ra thì bọn chúng làm việc rất hiệu quả các bạn ạ. Nói chung là đã có cái ấy rồi và sẽ đi thôi. Đại lộ Michigan có lộng gió mùa hè? Tôi vẫn rất mê các quán cà phê và các tiệm sách đấy nhé. Còn Jazz thì sao?

Răng sâu thì ở đây. Xác rắn thì ở đây. Nuốt lời một cách gián tiếp. Xem thử thế nào:)





Sunday 23 May 2010

Vấn đề hôm nay (hay câu view ngày chủ nhật) và có thể mới tìm thấy một nhà thơ



Vấn đề hôm nay (I)


Hãy bắn rụng mặt trời

và sau đó chúng mình có thể yên tâm

đi ngủ



Vấn đề hôm nay (II)


Khi chúng mình nhắm mắt

thì mặt trời vẫn sáng

hãy yên tâm

chúng mình luôn luôn là tù-nhân-của-mặt-trời














Và có thể mới tìm thấy một nhà thơ

Trong lúc chờ đợi sự xác nhận của chàng, ta có thể giả định ta vừa mới tìm thấy một nhà thơ.






Wednesday 19 May 2010

Nắng đầy tiếng chim


Trên thành phố mang tên Bác những ngày này, nắng vẫn có rất nhiều, thậm chí quá nhiều, khiến chỉ cần dăm phút ngoài nắng là đủ để người ta mồ hôi nhễ nhại. Ngược lại, tiếng chim đã trở nên hàng xa xỉ, vì muốn có chim thì phải có cây, không có cây chim biết đậu cành nào và chuyền cành nào, không có cây chim phơi ngoài nắng thì món chim đang phơi sẽ rất nhanh chóng trở thành chim khô queo. Lẽ ra, tiếng chim mới nên là thứ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thay cho máy lạnh, là thứ đã trở nên quá phổ biến. Vậy là bây giờ quà sinh nhật chỉ còn một nửa: nắng đầy.

***

Từ những ngày đầu tháng 4 đã thấy khu Eden bắt đầu bị đập, chuẩn bị cho một đại dự án khác của Vincom. Cứ ngỡ chỉ trong vài ngày khu này sẽ biến thành một đại công trường. Ai ngờ, cách đây ba hôm vẫn còn thấy rào của công trình chưa thể quây kín. Bên phía Đồng Khởi, một số cửa hàng vẫn còn mở cửa. Trên những tầng cao, nhiều nhà dân hình như chưa dọn đi. Cờ đỏ sao vàng phất phới trên nhiều ban công, nhiều khung cửa sổ. Có hai băng rôn đỏ, chữ to, có thể đọc rõ từ xa: Người dân khu Eden sống làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại.

***

Người Sài Gòn khi rỗi rãi hay đố nhau những câu như tòa nhà nào cao nhất Sài Gòn, chùa nào xưa nhất Sài Gòn, con gái quận nào đẹp nhất Sài Gòn. Trong danh sách những câu hỏi kiểu trà dư tửu hậu như vậy bây giờ có thể thêm: Tòa nhà nào có mặt tiền oách nhất Sài Gòn? Ắt hẳn tòa nhà đó phải là tòa nhà Vincom, vừa mới khai trương dịp 30/4 vừa rồi. Tòa nhà này có nguyên cái công viên Chi Lăng làm mặt tiền cho nó. Công viên Chi Lăng ngày chưa có Vincom, tuy bé, nhưng vẫn là công viên. Nó từng có một số cây cao cao, sống lâu năm, tục gọi là cổ thụ. Khi Vincom còn đang xây dựng dở, người ta cứ ngỡ công viên bị mất đi, vì hàng rào vây kín và cây chẳng thấy đâu. Vincom khai trương, nhờ vào tấm biển to đùng chình ình ngay chính giữa với bốn chữ vàng chói lọi “CÔNG VIÊN CHI LĂNG” người ta mới biết là, à, thì ra công viên Chi Lăng vẫn còn đây. Công viên hẳn hoi, có biển đề rõ ràng, có khi là cái biển to và đẹp nhất nước, chứ không phải đấy là mặt tiền của Vincom.

***

Chiều đi làm về, ngang công viên 23/9, nơi còn một số cây và có thể còn một số chim, thấy một sân khấu đã được dựng lên. Liếc nhanh, thấy có một số cánh sen hồng hồng, hình như là chương trình ca nhạc đời đời ơn Bác. Đoán thế nào cũng có tiết mục đồng ca.

Tuesday 18 May 2010

Cụ Nguyễn Du có tinh tế không?


Nói ngay kẻo mang tiếng treo cái title cho to mà nội dung không có gì: entry này nói chuyện nhảm, cực nhảm, và khi bắt đầu gõ những dòng này vẫn chưa biết sẽ có những gì trong entry; tiếng Anh là play it by ear hay là vừa viết vừa ngoáy tai hả?

Chuyện là tôi đang đầu tắt mắt tối với một dự án rất dở hơi, và cũng như đông đảo chúng sinh khác, khi càng đầu tắt mặt tối thì càng có xu hướng procrastinating. Tôi trèo lên internet vào blog của các bạn đề gia vu tải cái luận văn của bà chánh án mới bên Mẽo về - luận văn đại học của bà bàn một vấn đề rất "gợi cảm"; xong nhân tiện tải luôn cái từ điển của hội Khai Trí Tiến Đức. Tới đây thì nhớ cụ Vương Hồng Sển hay nhắc tới Việt Nam Quấc Âm Tự Vị của Lê Ngọc Trụ, xóm đề gia vu coi có thì upload luôn nhe. (xem còm phía dưới của Nhị Linh)

Cái từ điển của Khai Trí Tiến Đức gần 300MB, tải bằng internet chùa mãi mà chưa xong, nhưng kéo thử một trang ra xem nhằm ngay trang có từ sè sè.

Sè sè theo từ điển này có hai nghĩa, một nghĩa chỉ âm thanh (tiếng sè sè) và một nghĩa chỉ vị trí gần sát đất. Câu "Sè sè nấm đất bên đàng" trong Kiều, thì chữ sè sè có nghĩa thứ hai này.

Ai dà, vậy mà hồi nào giờ vẫn nghĩ cụ Nguyễn Du ám chỉ chuyện khác: chị em Kiều làm cái gì đó kêu sè sè nên ngọn cỏ mới đâm ra "nửa vàng nửa xanh":). Hồi nhỏ cắc cớ trồng bông thược dược xong rồi tự tưới luôn, cây thược dược lúc đầu cũng nửa vàng nửa xanh sau đó thì chết ngắc chớ sống gì nổi!

Nhưng, không loại trừ Nguyễn Du sử dụng cả hai nghĩa của chữ sè sè nhỉ!


P.S: Như còm bên post Dưới gốc cây du, chút lòng trinh bạch này từ nay xin chừa không post thơ ở blog này nữa. Ế lắm!

P.S.2: Phương Nam mới in tiểu thuyết Nguyễn Du của tác giả Nguyễn Thế Quang. Bạn nào đọc rồi cho biết có nên mua không?


Sunday 16 May 2010

Dưới gốc cây du



Dưới gốc cây du



Trong trận chiến khốc liệt dưới gốc cây du già

Tôi chém được hơn ba mươi con rắn bằng một thanh kiếm sắc



Sót lại một con bé bằng ngón tay út

Bám chặt vào gáy tôi



Không thể tự chặt cổ mình

Tôi lột da

và tuyên bố chiến thắng

Saturday 15 May 2010

Tự nguyện



Tự nguyện I



Nếu là súng
hãy là súng phóng lửa
một lần phóng có thể thiêu trụi khu rừng bùng nhùng ấy
để nhoẻn cười khi mặt đất chỉ còn tro than



[.......]




Tự nguyện III


Nếu là hoa hậu
hãy là hoa hậu có khả năng cắn lưỡi
để cái đẹp có thể thanh thản đêm nhan sắc lên ngôi


Wednesday 12 May 2010

Ngẫm nghĩ lại cuộc đời

Đời tôi, cho đến giờ phút này, ngẫm ra nhiều may mắn. Cũng có thể vì cơ bản tôi là người lạc quan cho nên tôi nói như thế. Tuy nhiên, nhìn lại đời mình, thật sự tôi thấy ngoài hai lần thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và trung học môn văn chỉ có năm điểm rưỡi vì ba hoa nhiều quá, còn thì ở những mốc quan trọng trong đời tôi đều gặp may.

Năm tôi thi vào Đại học Luật – thời đấy còn gọi là Đại học Pháp lý – chế độ tuyển sinh theo lý lịch vừa bị bãi bỏ, nên tôi có thể đậu và dư ra một chút điểm để mỗi tháng được vài chục ngàn tiền học bổng đủ bao gái ăn chè. Anh và chị tôi trước đó vì cái lý lịch ngụy quyền của ba tôi mà thiếu điểm vào đại học. Ba tôi ngày xưa có làm tướng làm quan gì cho cam. Là giáo viên bị động viên, nhờ có chút chữ nghĩa mà ông được làm lính kiểng chuyên soạn thảo giấy tờ công văn, còn súng thì tôi không chắc là ông biết cò nằm chỗ nào. Năm tôi vào đại học cũng là năm cuối cùng nhà nước còn bao cấp nghĩa là không đóng tiền học phí – nếu phải đóng học phí không biết giờ này tôi đang ở đâu? Ra trường, tôi đâm đơn đại vào mấy hãng luật lớn cùng lúc. Liều thế mà có ba nơi gọi phỏng vấn, hai chỗ nhận, thế là cứ lê đít hết sở Tây này đến sở Tây khác cho đến tận bây giờ.
Mốc quan trọng thứ hai là lấy vợ. […Tự kiểm duyệt một số đoạn vi phạm privacy…:)] Cho đến giờ, ngoại trừ chuyện vợ tôi nói quá nhanh khiến tôi đôi khi không hiểu nói chung bọn tôi tâm đầu ý hợp.

Mốc thứ ba, thật ra là mốc đầu tiên và quan trọng nhất, là khi tôi sinh ra, chiến tranh kết thúc. Chính xác chiến tranh kết thúc vài tháng sau khi tôi chào đời. Trong vài tháng đó, tôi cũng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh: ba má tôi ôm tôi từ cái xứ nhỏ xíu bình yên không ai động tới là Đơn Dương chạy về quê ngoại Phan Rang vốn là nơi chiến sự nóng bỏng. Có lẽ khi có biến cố trong đời ai cũng có khuynh hướng chạy về với mẹ. Nội tôi mất từ lần tản cư năm 45, nên đến lần tản cư năm 75 này, ba má tôi quyết định đưa cả gia đình về quê ngoại. Phan Rang tháng 3 tháng 4 nóng còn hơn Sài Gòn vào thời điểm này:). Tôi nghe kể tôi lúc đấy hai tháng tuổi lúc nào cũng miệng la chang chảng. Má tôi quạt rã tay. Khi chiến tranh kết thúc, cả nhà tôi về lại Đơn Dương, tài sản mất mát nhiều nhưng may mắn cả nhà không ai bị sao. Tôi chỉ nếm mùi chiến tranh hai tháng rồi sau đó lớn lên trong hòa bình, dẫu có những thời điểm cực khổ thì vẫn là hòa bình. Tôi nghĩ đó là may mắn lớn nhất của đời tôi.

Tôi luôn có hứng thú tìm hiểu lịch sử từ bé. Riêng những năm gần đây, một cách ngẫu nhiên, cứ mỗi độ tháng tư tháng năm tôi lại đọc những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam. Tôi vẫn luôn cố tìm hiểu điều gì đã xảy ra trên đất nước mình những năm đó – rất nhiều câu hỏi tại sao và tại sao. Rất nhiều câu hỏi khó có câu trả lời chính xác. Tôi chỉ cố gắng đọc nhiều để hiểu đến mức có thể những quan điểm khác nhau, những góc nhìn, vị thế khác nhau.

Một hôm ngồi ăn sáng tôi bảo vợ: anh vừa thấy hình một người ôm xác con đứng bên chiếc xe tăng đầy lính. Vợ hỏi ở đâu. Tôi bảo trong mấy cuốn sách anh mới đọc. Vợ tôi rùng mình. Chúng tôi chuẩn bị quần áo, ba lô cho hai con rồi chở chúng đến trường. Nắng sớm qua hàng cây lấp loáng.

Nếu tôi đi thi hoa hậu và phải trả lời ứng xử, thì tôi cũng lại nói tôi yêu hòa bình và chán ghét chiến tranh thôi. Nhưng trời ơi, có ai cho tôi đi thi hoa hậu?


PS. Tên một số sách tôi đọc gần đây có liên quan đến chiến tranh Việt Nam:
Hồi ký Lý Quý Chung – NXB Trẻ 2004
Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam – Nguyễn Phú Đức – NXB Lao Động 2009
Một chiến thắng bị bỏ lỡ - William Colby – NXB Công An Nhân Dân 2007
Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn – Bộ Nội Vụ - NXB Chính Trị Quốc Gia 2010
Vietnam A History – Stanley Karnow – Penguin Books 1997

Tuesday 11 May 2010

Cái nghề là cái chi chi

Hồi còn học lớp 7, có lần trong giờ kiểm tra tiếng Anh, thầy ra câu hỏi em muốn theo nghề gì nhất. Tôi nhớ đã trả lời rằng tôi muốn trở thành giáo viên, vì đấy là một nghề cao quý. Lúc trả bài, thầy buồn bã nhìn tôi, bảo, đúng rồi, cao quý lắm em ạ. Tôi muốn nói với thầy rằng không phải thực sự tôi nghĩ thế, mà vì vốn tiếng Anh của tôi chỉ có thế. Tôi chọn viết một cách đơn giản nhất để đỡ sai.

***

Cách đây vài hôm, R. - một cậu bé học lớp 11 gọi tôi trên Yahoo. Nói chuyện một hồi tôi hỏi R. có dự định gì về nghề nghiệp không. R. bảo R. muốn trở thành đạo diễn, nhà báo, mà cũng có thế là luật sư, nói chung chưa xác định. R. hỏi tôi có khuyên gì về việc chọn nghề không. Tôi bảo chọn cái nào mà em thích nhất ấy, vì chọn cái thích nhất thì sau này dẫu mọi chuyện có thế nào em cũng không phải hối tiếc vì em đã làm được điều em thích. Nói chuyện xong rồi, tôi hơi áy náy. Chính tôi, tôi đã bao giờ đủ dũng cảm để lựa chọn theo nghề mà tôi thích nhất đâu?

***

Khi mới gia nhập thế giới giang hồ trên internet, tôi chú ý đến một nickname nọ, chỉ vì nick ấy khai trong phần nghề nghiệp của mình là choice-maker. Dịch nghĩa đen, choice-maker có nghĩa người tạo ra những lựa chọn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu bạn ấy có ý gì khi tự đặt cho mình một nghề kỳ quái như thế. Cuộc đời chúng ta là một chuỗi dài những lựa chọn và chúng ta bị định hình bởi những lựa chọn ấy. Nhưng liệu ta có thể tạo ra những lựa chọn?

***

Quảng cáo trên báo: Cần tuyển một nhân viên giỏi ngoại ngữ, sức khỏe tốt, kỹ năng giao tiếp tốt, lương 100 triệu đồng/tháng. Công việc: Dắt hổ đi dạo.

***

M. là con một người bạn Úc của tôi. Thật ra M chỉ kém tôi vài tuổi nhưng do dòng đời đưa đẩy nên tôi chơi với mẹ M chứ không phải M. Khi tôi biết M, M. 21 tuổi, ít nói, bẽn lẽn, tóc nhuộm xanh da trời, đang học công nghệ thông tin ở Brisbane. Đùng một cái, M. quyết định tạm ngừng học, sang Anh làm bồi bàn một năm. Khi trở về, M không tiếp tục ngành công nghệ thông tin, mà chỉ ghi danh học một số môn mà cậu quan tâm gồm lịch sử, triết học và…phụ nữ học. Hiện giờ, M. đang lang thang làm việc tự do ở Việt Nam.

***

Hồi năm ngoái, báo đài xôn xao vụ bang Queensland quảng cáo cho công việc hấp dẫn nhất thế giới. Công việc chỉ kéo dài 6 tháng, hết sức phè phỡn và nhàn hạ: tắm biển, cho cá ăn, quay phim và viết blog. Chỉ từng ấy việc mà lương đến 150.000 đô Úc nên đến 34.000 ứng viên nộp đơn. Người chiến thắng là một anh chàng người Anh mồm như máy khâu, khâu nhanh hơn cả chị Tạ Bích Loan. Anh này bây giờ đã trở thành đại sứ du lịch cho Queensland. Không hiểu khi còn ngồi ghế phổ thông, nghề nghiệp mơ ước của anh là gì?

***

Phil là người hướng dẫn chúng tôi trong chuyến safari từ Alice Springs đến Uluru cách đây bảy năm. Nói Phil là hướng dẫn viên du lịch e rằng, các hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam sẽ phản đối, vì Phil không có cái phẩm chất kể chuyện đùa vô duyên và bịa đặt những giai thoại. Trong chuyến đi đấy, Phil vừa là tài xế, vừa là đầu bếp, vừa là bác sĩ, là người dựng trại, người đuổi chó hoang dingo, là hoạt náo viên, và là người kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện bất tận về thổ dân Úc, những tập tục và văn hóa của họ. Chuyến đi của chúng tôi rất thú vị và đáng nhớ công lớn thuộc về Phil, người hoàn thành xuất sắc mọi vai trò của mình.

***

Tôi biết có một người làm nghề cloud-dweller. Tôi cũng biết có một người làm nghề joke-cracker. Nghề với chả ngỗng, nghe ra chẳng biết cái làm sao.

***

Trừ những đoạn in nghiêng, còn lại nếu chọn từ những đoạn trên mỗi đoạn một từ, tôi sẽ chọn những từ sau: cao quý - thích nhất - lựa chọn - quan tâm - mơ ước - xuất sắc.



Sunday 9 May 2010

Trời hỡi làm sao cho khỏi nóng

Sài Gòn mùa này nóng ghê rợn. Cái chốn đi về của bạn GM vốn là một cái chuồng cu treo cao cao, ngày thường gió lộng lộng gió, thế mà những ngày này cây lá cũng lặng tăm, ngồi ở bàn làm việc phải một quạt sau lưng một quạt trước mặt mới sống sót được. Trời nóng thì ưa uống đồ lạnh: từ bia, cà phê đá rồi chuyển sang nước cam, đã thì có đã nhưng họng thì đã viêm!

Ngày hôm qua, trong lúc đang thở hồng hộc vì nóng, bắt chước Hàn thi sĩ đem cái câu trên kia dán lên Facebook, tức thì có kẻ khuyên: trời lạnh thì ta mặc vào, mặc càng nhiều càng đỡ lạnh, trời nóng thì ta cứ làm ngược lại, cho đến khi nào mát thì thôi. Quả là lời khuyên chí lý, chỉ e rằng hàng xóm xốn con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải, rồi Bộ Văn hóa Thông tin nhảy vào tuýt còi thì ái ngại lắm. Dù sao, vẫn có nơi mà ta có thể ăn mặc tiết kiệm tốt đa, mà Bộ Văn hóa không thể làm chi ta: hồ bơi. Nghĩ thế, Chủ Nhật sáng sớm, bạn GM một mình ra hồ bơi vùng vẫy. Nước hồ bơi mùa hè nên mặc dù sáng sớm mà vẫn ấm. Lúc bắt đầu bơi, bơi một mình một hồ; lúc bơi gần xong, có thêm mấy người nữa. Về nhà , đồng hồ chỉ 7 giờ rưỡi, thấy hai con chó con và heo con cùng mẹ nó vẫn ngủ còng queo, mới kéo màn cửa cho ánh sáng vào rồi khua khoắng ầm ĩ lên một hồi cả ba con (hai con con và một con mẹ) cùng dậy! Chả hiểu vì ngủ chưa đã giấc hay vì nóng quá, mà lúc ăn sáng ở sau lưng Dinh Thống Nhất cùng bác So và đại gia Lâm tím, bạn Pi gây sự ầm ĩ cả lên làm ba mẹ phải cáo từ sớm thật là áy náy.

Trời nóng công nhận làm người ta dễ bực bội mà cũng khó nghĩ ra cái gì đến nơi đến chốn. Nói thế không có nghĩa trời lạnh hay mát mẻ thì tức khắc người ta sẽ nghĩ ngay ra được những thứ hay ho. Chợt nhớ cái sáng kiến vĩ cuồng của bác nào năm nào đề xuất mượn tên lửa Liên Xô bắn vào Bắc Cực để trục trái đất lệch thêm chục độ khiến Việt Nam trở thành nước ôn đới nhờ đó có thể phát triển như vũ bão! Giá mà chuyện đó có thể xảy ra thì có phải đỡ ta ngồi đây than van trời nóng và tiết kiệm được bao nhiêu tiền máy lạnh không?:)

Trời nóng thì các nhà thơ cũng tập trung tìm cách chống nóng nên dễ hiểu là thơ ca có mấy khi viết về cái nóng. "Nóng" nhất chắc chỉ có Hồ Xuân Hương: Càng nóng bao nhiêu thời càng mát/ Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày. Trong số các nhà thơ thời Thơ Mới, chỉ có nhóm các nhà thơ "nhà quê" Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân có tả cái nóng, nhất là cái nóng trưa hè. Tuy nhiên, các nhà này vẫn có khuynh hướng thi vị hóa cái nóng kiểu Hơi thở nóng luồn qua khe liếp/Làm rung rinh mấy chiếc diềm sô hay Quán cũ nằm lười trong sóng nắng/ Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu./ Nghe mồ hôi chẩy đầm như tắm.../ Đứng lặng trong mây những cánh diều (Bàng Bá Lân) hay Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ/ Lũ chuồn chuồn giỡn nắng đuổi nhau bay (Anh Thơ). Tả mùa hè và cái nóng hiện thực hơn cả chắc chỉ có Nam Trân, một thi sĩ Huế nhưng không bị mắc vào cái bẫy mộng mơ của xứ này:


Trời nóng băm bốn độ,

Đèn sao khắp đế đô.

Mặt trăng vàng trỏn trẻn,

Núp sau nhánh phượng khô.


Ba nhịp cầu Trường tiền

Đứng đầy người hóng mát

Ngọn gió Thuận An lên

Áo quần kêu sột soạt


và:


Lửa hạ bừng bừng cháy

Làn ma trốt trốt bay.

Tiếng ve rè rè mãi

Đánh đổ giấc ngủ ngày.



Đường sá ít người đi,

Bụi cây lắm kẻ núp.

Xơ xác quán nước chè

Ra vào người tấp nập


Nhưng tóm lại, các bác có biết vì sao càng năm trời càng nóng thế không?:( Trong lúc chờ cao kiến của các bác, tôi đi nốc một chai Smirnoff chanh ướp lạnh đây.:)


Friday 7 May 2010

Không lời A, K & M



A. Còn thiếu The New York Trilogy mẹ bạn Nemo chưa trả. Hy vọng chưa thành bỉm cho Nemo!




K. Còn thiếu Vô tri ơi hỡi Vô tri!


M. Một số tập truyện ngắn đã dịch ra tiếng Việt tôi chưa có, vì tôi ít khi đi mua truyện ngắn. Nhưng nếu có ai tặng tôi hứa không phiền lòng.:)

Thursday 6 May 2010

Đã đến vô cùng


Anh đi và em đi


Anh đi về phía không em
Em đi về phía dài thêm bão bùng

Anh đi sắp đến vô cùng
Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi

Bảy mươi đứng phía ngoẹn cười
Tám mươi đứng khóc nẻo đời chưa khô

Trăm năm nhào quyện hư vô
Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn


Bài này Hoàng Cầm viết năm 1992. Hồi đấy thì chỉ mới "sắp đến vô cùng" thôi, còn hôm nay thì đã thật sự đến vô cùng rồi.


Còn bài sau đây, Nén linh hương, là bài Hoàng Cầm viết cho vợ.



Nén linh hương



Đã hẳn em về xa mê tâm linh
Sao còn đứng nghiêng khói thiêng vươn mình
Đã hẳn em lên thượng tầng khinh thanh
Sao còn rưng rưng cỏ mồ bình minh

Đã hẳn em bay cõi im vô cực
Sao còn mưa mau quất đau lá cành
Em hết phiên canh tổng kho thế tình
Sao còn nhập siêu nhiều chiêm bao anh

Anh vâng ý em vâng mệnh đào hồng
Cưới người kế em hồi môn nắng đông
Xóa nhanh quầng thâm nhặt thầm sợi tóc
Từ hôm em đi ghi âm cười khóc
Ghi nét mày chau ghi sắc môi hồng
Băng ngắn mật gấu băng dài mật ong
Một thời yêu anh một thời như không


Nay đến lượt Hoàng Cầm hết phiên canh tổng kho thế tình, một nén linh hương cho ông!


Tuesday 4 May 2010

Trước mặt có gì?

Đi làm việc trở lại sau lễ thật uể oải. Trên đường đến công ty, mắt cứ muốn díp cả lại, đang từ nghe Bach chuyển vội sang Linkin Park cho nó máu. Vào văn phòng, mở núi email ra vừa đọc vừa ngầy ngật, cà phê bao nhiêu cũng không tỉnh. Đó là hậu quả của mấy ngày nghỉ, nghỉ thì có nghỉ nhưng thức khuya nhiều hơn. Đã nhiều năm nay cứ lễ lạc là tôi tránh xa mấy vụ đi chơi, chả dại mang đầu cho chúng chém, dã man còn hơn 10/59, đấy là chưa kể phải thưởng thức món đặc sản kẹt xe. Ở nhà, vì biết rằng sáng hôm sau không phải đi làm, nên thức khuya hơn để đọc sách báo, xem ti vi tẹo và dĩ nhiên để làm cả một số thứ khác:), chẳng hạn vào internet! Ngày cuối cùng của đợt nghỉ, bạn Pi có thành tích lôi một chai nước hoa ra và đổ sạch lên ghế sofa. Kinh khủng, cứ như có 20 người cùng xức nước hoa trong nhà cùng lúc. Sài Gòn 37 độ.
Nhờ mấy ngày nghỉ, tôi đọc gần xong Hồi ký không tên của Chánh Trinh Lý Quý Chung. Nhưng hôm nay tôi định nhắc tới một cuốn khác, cũng có chuyện đổ nước hoa, nhưng mà là đổ nước hoa lên người chết rồi!
Kết thúc cuốn tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt, mặc dù cậu bé Momo đã đổ bao nhiêu nước hoa lên xác Madame Rosa, thì người chết vẫn không thể tỏa hương được mà buộc lòng phải tỏa ra mùi xác chết. Nếu không thế thì người ta chắc vẫn chưa phát hiện ra Madame và Momo vẫn có thể còn được ở bên cạnh bà. Nằm bên cạnh Madame nồng nặc mùi tử khí trộn lẫn với mùi bao nhiêu chai nước hoa mà Momo đã dốc lên đấy, Momo hãy còn nhận xét rằng cuộc sống có mùi vị gì đâu. Cái nhận xét ấy ngậm ngùi như chính tên tác phẩm: Cuộc sống ở trước mặt. Cuộc sống có ở trước mặt không khi ở những trang cuối cùng của tiểu thuyết, hai nhân vật chính, người thì chết rã, người thì, cái cậu bé mười tuổi à không mười bốn tuổi đấy, biết sẽ lang thang ở cái xó xỉnh nào của Paris, rồi có đến lúc cậu phải “tự thân vận động” như mẹ cậu đã từng không? (“Tự thân vận động” là một trong những “thuật ngữ” của Momo, trong truyện này có nghĩa là… Nếu biết mẹ cậu là gái đĩ, có lẽ không cần giải thích gì hơn.)
Với cái kết đó, cuộc sống chắc chắn không ở trước mặt, còn ở đâu thì tôi không biết. Có khi nó chẳng ở đâu cả. Lại dẫn lời Momo: “Cuộc sống, nó không phải là thứ dành cho tất cả mọi người”. Và nữa, làm gì có sự công bằng trên thế giới này, khi mà “có những người có tất cả mọi thứ, từ xấu xí, già nua, đến nghèo khó, bệnh tật [như Madame Rosa] trong khi có những người chẳng có gì.”
Những ngày tôi đọc Cuộc sống ở trước mặt là những ngày bận rộn. Thời gian trước đây, một tuần tôi đọc trung bình ba bốn cuốn sách các loại, còn thời gian này tôi thường đọc nhiều quyển cùng một lúc và hầu như cuốn nào cũng chừng vài chục trang là bỏ dở. Thế mà, mỗi ngày vài chục trang, tôi không bỏ Cuộc sống ở trước mặt để nhảy sang những cuốn khác. Cuốn tiểu thuyết này không có một cốt chuyện hấp dẫn hay những tình tiết giật gân, nó chỉ có một thứ mà rất nhiều cuốn khác, đặc biệt là những cuốn best-seller không có: văn chương đích thực.
Đọc Cuộc sống ở trước mặt, bên cạnh tận hưởng hạnh phúc của việc thưởng thức một thứ văn chương hảo hạng, ta còn có thể hạnh phúc khi nhận ra rằng mình không phải có những thứ mà Madame Rosa của Momo có.
* Cuộc sống ở trước mặt, tiểu thuyết của Romain Gary, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn 2010, Hồ Thanh Vân dịch.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN