Thursday 31 December 2009

Hạnh phúc năm mới

Năm mới sắp đến, lại đem bản dịch bài Happy New Year rất nhố nhăng của bạn My Lăng không phải Goldmund ra treo. Chúc mọi người năm mới an bình và lúc nào cũng tìm được cớ để mỉm cười.

Hạnh phúc năm mới

Hết xừ nó sâm banh rồi
Pháo hoa cũng tịt mít
Còn mỗi mình với nó
Chán vật!

Tiệc cũng tàn xừ nó rồi
Mới sáng ra giời xám ngoét
Thôi thì cứ mặc kệ hôm qua
Giờ mình với nó cứ gào cái đã

Hạnh phúc năm mới
Hạnh phúc năm mới
Cầu cho chúng mình thỉnh thoảng có thị lực
Ờ, vào nhà hàng xóm tự nhiên như vào nhà mình.. hè hè...
Hạnh phúc năm mới
Hạnh phúc năm mới
Cầu cho chúng mình đều có tí hy vọng và tí di chúc
Nếu không thì nằm xuống và chết đi
Cả mình và nó

Thỉnh thoảng mình lại nhìn thấy
Thế giới mới đi lại dũng cảm ra phết
Mình lại còn thấy nó ngoi lên trong đống tro của cuộc đời mình.. hè hè..
Ối giời, đàn ông toàn là lũ ngốc
Cứ tưởng là mình OK lắm đấy.. húc
Trông kìa, kéo lê cái quả chân đất sét
Lăng qua lăng quăng, vít

Hạnh phúc năm mới
Hạnh phúc năm mới
Cầu cho chúng mình thỉnh thoảng có thị lực
Ờ, vào nhà hàng xóm tự nhiên như vào nhà mình..hè hè...
Hạnh phúc năm mới
Hạnh phúc năm mới
Cầu cho chúng mình đều có tí hy vọng và tí di chúc
Nếu không thì nằm xuống và chết đi
Cả mình và nó

Ơ hơ, bây giờ tự nhiên mình thấy
Những quả mơ của mình lúc trước đều chết ngoẻo, chả còn đếch gì nữa.
Lại hết xừ nó một thập kỷ nữa
Mà mười năm nữa thì bố ai mà biết là cái gì chờ mình ở phía trước...hu hu

Thôi thì cứ nói: Hạnh phúc năm mới.
Hạnh phúc năm mới
Cầu cho chúng mình thỉnh thoảng có thị lực
Ờ, vào nhà hàng xóm tự nhiên như vào nhà mình..hè hè...
Hạnh phúc năm mới
Hạnh phúc năm mới
Cầu cho chúng mình đều có tí hy vọng và tí di chúc
Nếu không thì nằm xuống và chết đi
Cả mình và nó

Happy New Year - ABBA

No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
It's the end of the party
And the morning seems so grey
So unlike yesterday
Now's the time for us to say
Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I
Sometimes I see
How the brave new world arrives
And I see how it thrives
In the ashes of our lives
Oh yes, man is a fool
And he thinks he'll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he's astray
Keeps on going anyway

Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I

Seems to me now
That the dreams we had before
Are all dead, nothing more
Than confetti on the floor
It's the end of a decade
In another ten years time
Who can say what we'll find
What lies waiting down the line
In the end of eighty-nine
Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I

Wednesday 30 December 2009

Niềm vui. Sự âu lo. Nỗi đau.

[Đặt tên entry theo phong cách bác Tùng H.]

Ngày đầu tiên của tuần trước Giáng sinh, cũng là tuần mà tôi tự gọi là reading and house work vacation – nghĩa là tuần nghỉ phép để đọc sách và làm việc nhà (thoạt tiên chỉ định là reading vacation, nhưng sau đó đã bị cụ bà bóc lột triệt để sức lao động nên phần house work mới thêm vào – viết xong câu này thì bác TQ phải chào thua vì mức độ rau muống của nó), tôi ra nhà sách Hà Nội vác về một chồng sách dày cộm. Định bụng mua Những kẻ thiện tâm vì một tuần không phải đi làm chính là thời gian thích hợp nhất để xơi những món khó tiêu như thế, nhưng thật may đã hết sách này:). Bù lại, trong số vác về không thiếu những cuốn hoành tráng như Xứ Cát, Dưới bóng cô gái tuổi hoa hay Anh em nhà Karamazov. Mỏng nhất, và sau này tôi cũng phát hiện ra là dở nhất trong số sách mới mua này, là cuốn 69 của Ryu Murakami, sau khi đọc chừng 30 chục trang thì tôi quyết định lướt qua phần còn lại, kết quả là bạn Alpha ăn xong chén cơm thì tôi cũng xong.

Cũng trong tuần, bạn mang về cho tôi ba cuốn sách mà tôi nhờ mua từ Mỹ: Vietnam - A History của Karnow, The Sun Also Rises của Hemingway, và The Unbearable Lightness of Being của Kundera – cuốn cuối cùng này bìa đẹp mê man. Mê man hơn khi bạn nhân tiện đã tặng luôn cho tôi đĩa DVD phim cùng tên do Kaufman đạo diễn, có sự góp mặt của Daniel Day-Lewis và Juliette Binoche. Phim này được đánh giá là the most erotic serious film since Last Tango in Paris. Nghe tới đây thì bác 5xu có ngất vì ghen tức không?

Cũng trong tuần, mang The New York Trilogy cho một gái (bầu) mượn, được gái cho mượn lại The Blindfold của Siri Hustvedt - vợ của Paul Auster, đồng thời nhận được từ chim bồ câu The Music of Chance do bác Linh gửi tặng. Quyển của Siri Hustvedt đã được chén ngay trong tuần - đọc nhanh để đòi sách kia lại cho sớm – dù có nghe bạn Nhị Linh nói văn vợ thích hơn văn chồng vẫn khoái văn chồng hơn hẳn. Văn vợ không dở nhưng cứ lửng lơ thế nào, đọc không tới được!

Cũng trong tuần, lượn ra Phương Nam, không định mua gì, nhưng thấy 1984 của Orwell nằm mời mọc, sách in rất đẹp mà chỉ có 88.000 đồng. Thế là lại tậu luôn.

Niềm vui lớn nhất trong tuần, chính xác là rơi vào ngày đầu của tuần sau, là việc nhận được quà của bạn từ Mỹ gởi về: Brazil của John Updike và, cái này đến phiên Nhị Linh ghen tức đây, tiểu thuyết mới nhất của Paul Auster, Invisible. Cả hai cuốn đều bìa cứng đẹp mỹ miều, chữ lại to và rõ, chẳng bù lúc đọc Leviathan bìa mềm rẻ tiền chữ san sát như kiến muốn nổ cả mắt. Thêm cả Invisible thì tôi có bảy hay tám cuốn của Auster rồi. Thật là sung sướng! À, riêng cuốn Brazil thì điều kiện của bạn là khi đọc xong tôi phải chuyền nó cho người khác. Tất nhiên tôi sẽ làm theo yêu cầu của bạn, vậy bạn nào muốn đọc kế thì đăng ký nhé, first come first served. Tuy nhiên, tôi, ngoài việc thích đọc sách, thì còn thích sở hữu và nhìn ngắm chúng, nên tôi sẽ giữ cuốn này lâu nhất đến mức có thể bằng cách đọc nó sau tất cả các cuốn khác mà tôi đang có. Và số sách tôi đang có mà chưa đọc xong thì sớm nhất đến tháng 4 năm sau mới thanh toán hết!:)

Trong niềm vui cũng lẫn những mối âu lo, đó là khi đọc được tin rằng 20 năm nữa đàn ông Việt Nam sẽ rất khó lấy vợ vì nam thừa nữ thiếu. Bản thân tôi thì không lo rồi, đằng nào cũng đã có one wife at my disposal (tiếng Kinh là đã có một vợ để làm gì thì làm); lo là lo cho anh cu Pi, 20 năm nữa không biết có kiếm được vợ không hay phải nhập khẩu!

Còn nỗi đau là thế này: thỉnh thoảng, có bạn vào blog gọi mình bằng chú. Đau hết cả ruột!

Tuesday 29 December 2009

Cô bé quàng khăn đỏ - Biến tấu blogger

5xu

Sói chồm lên, chực nuốt Khăn Đỏ. Khăn Đỏ bèn giơ tay nhổ phắt ngay một chòm lông nách của sói. Sói đau quá, ngã bật ra sau, đầu va vào thành giường cái bốp. 5xu giật mình tỉnh dậy, hóa ra tối qua chàng ngủ quên gối đầu trên laptop. Mắt vẫn còn dính ghèn, chàng đã bật laptop lên đánh răng bằng một entry. Chàng viết về sự tàn tạ của ngôn ngữ, trộn lẫn điệu moon walk của Michael Jackson với món xốt màu xanh trong nhà hàng Moon Palace và dân chủ kiểu Trung Hoa.


TQ

Khi tấm khăn quàng đỏ của của cô bé hãy còn ngắc ngứ trong cổ họng sói thì bác thợ săn vốn cư ngụ trong ngôi đền cổ chưa được xếp hạng di tích văn hóa gần đấy đã xông vào nhà và giáng cho sói một búa ngay giữa đỉnh đầu. Trong lúc hấp hối, sói còn kịp phều phào : Ăn thịt Khăn…. Đỏ rất… khó… thấy… ngo…n…


Thích Học Toán

Khi sói tỏ ý định vồ lấy Khăn Đỏ, Khăn Đỏ bình tĩnh bảo:

- À- A, hóa ra anh là Sói đây mà. Sói này, trước khi anh ăn thịt tôi, có hai điều tôi muốn chia sẻ với anh từ kinh nghiệm 15 năm cô đơn với bổ đề cơ bản và 20 năm học bơi. Thứ nhất, anh phải học cách khen người khác: ít ra anh cũng phải biết khen cái khăn của tôi trước khi dùng nó làm giẻ lau miệng. Thứ hai, phải biết cách tiếp nhận lời khen, không phải vì một lời khen của tôi mà tai và miệng của anh trở nên to hơn đâu!


Ramblings

Khăn Đỏ à, tôi phải sở hữu bạn. Trên đường đến túp lều này tôi đã nghĩ thế, và bây giờ vẫn muốn như vậy. Bạn là một thế giới rộng, và tôi muốn có một thế giới rộng. Tôi muốn đi đến những nơi bạn đã đi, gặp những người bạn đã gặp, đọc hàng ngàn quyển sách bạn đã đọc, và làm tình với tất cả những người tình của bạn. Tôi muốn nuốt chửng bạn vào bụng, để những lúc muốn gặp bạn tôi không cần phải đợi, như lúc đi trên đường tới đây, chỉ cần ói bạn ra (không cần phải nhờ đến tay thợ săn thô lỗ kia) là chúng ta có thể gặp nhau.


Nhị Linh

“Cô bé quàng khăn đỏ” (The Brothers Grimm, KD dịch, NL hiệu đính, NXB Tả Chính, 2009), nếu coi là một chuyện cổ tích, thì nó đúng là một chuyện cổ tích rất dở và rất gở: chẳng có lý do nào mà sói không ăn thịt Khăn Đỏ ngay khi vừa gặp, sói hoàn toàn có thể đến nhà bà ngoại và đánh chén bà ngay sau đó mà không cần phải vờ vịt gì kia mà. Nếu coi câu chuyện là một đoản thiên tiểu thuyết, thì tác phẩm in lần đầu năm 1812 này vẫn quá ngắn; độ dài của nó không quá ba trang giấy, font Vernada, cỡ chữ 10, chừa lề tiêu chuẩn, và Hội Nhà Văn Hà Nội đã có lý khi ngậm ngùi mà thôi không trao giải biên tập hay nhất cho cuốn sách này. Còn nếu coi “Cô bé quàng khăn đỏ” là một tản văn, thì biết lý giải sao đây sự xuất hiện của câu mở đầu: “Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé hay quàng khăn đỏ” và hình ảnh kết thúc: “một con sói đầu vỡ toác”?


Goldmund

(Phần này đã có bác Trương Đức viết hộ. Cảm ơn bác!)

Hãy giở thử truyện Cô bé quàng khăn đỏ ra xem, có phải chỉ vì cha mẹ đi ăn tiệc về muộn, mà cô bé quàng khăn đỏ ta, một hot teen, đã đang đêm hôm tót sang nhà sói, đàn hát rồi thề bồi này nọ kia không:

Đến nhà vừa thấy tin nhà
Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình

Các bậc cha mẹ cứ mải đi ăn tiệc đi, rồi con gái mình nó chạy theo sói hết. Chẳng những chạy theo sói, mà còn nói thế này:

Đừng điều nguyệt nọ hoa kia
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai

Chỉ không có chuyện hoa nguyệt thôi, ngoài ra thì chẳng tiếc gì cả. Ghê gớm chưa cái cô bé quàng khăn đỏ hot teen này!


Sunday 27 December 2009

Cô bé quàng khăn đỏ

Cái này nhặt được trên internet, không rõ tác giả, lúc trước đã post bên facebook, nay post lại ở đây phục vụ quảng đại quần chúng, cũng để mua vui dịp cuối năm.

Dịch từ tiếng Nga: Nina

Edgar Poe

Một khu rừng già ảm đạm, quấn trong một chiếc khăn voan bí ẩn nghiệt ngã. Phía trên khu rừng là những đám mây của những sự bay hơi chứa đầy điềm gở. Dường như ta nghe thấy những âm thanh định mệnh của xiềng xích. Cô bé Khăn đỏ sống ở bìa khu rừng đó, sống trong một nỗi sợ hãi huyền bí.

Ernest Hemingway

Người mẹ bước vào nhà, bà đặt một cái làn lên bàn. Trong làn là sữa, bánh mỳ trắng và trứng gà.
- Này, - người mẹ nói.
- Cái gì hả mẹ? Khăn đỏ hỏi mẹ.
- Những thứ này này, – người mẹ nói, – con đem đến cho bà.
-Cũng được – Khăn đỏ nói.
- Mà cẩn thận đấy, – người mẹ nói, – Sói.
- Vâng.
Người mẹ nhìn theo cô con gái mà tất cả mọi người đều gọi là Khăn đỏ, vì cô lúc nào cũng quàng khăn đỏ cả. Người mẹ nhìn Khăn đỏ bước ra, và khi nhìn theo cô con gái đang rời xa, mẹ nghĩ rằng để con gái đi một mình vào rừng là rất nguy hiểm; và bà lại nghĩ rằng Sói lại bắt đầu xuất hiện ở đó. Nghĩ đến đó, bà cảm thấy rằng bà bắt đầu lo lắng.

Guy de Maupassaant

Sói gặp Khăn đỏ. Chàng nhìn nàng bằng cái nhìn đặc biệt, cái nhìn của một gã Don Juan thành Paris nhìn một cô nàng điệu đà tỉnh lẻ vẫn còn cố làm ra vẻ mình còn ngây thơ trinh bạch. Nhưng chàng tin vào sự trinh bạch ấy không hơn gì nàng, và dường như đã thấy nàng bắt đầu cởi quần áo, thấy những lớp váy của nàng lần lượt rơi xuống và trên người nàng chỉ còn một chiếc váy lót, và dưới lớp váy ấy ẩn hiện những hình dáng ngọt ngào của thân thể nàng.

Lev Tolstoi

Một buổi sáng mùa hè yên ả. Thiên nhiên tràn đầy mọi hương thơm của mùa thu. Bầu trời xanh, xanh biếc ửng hồng trên phương đông bởi những tia nắng đầu tiên của mặt trời vừa thức dậy. Nam tước tiểu thư Khăn Đỏ cầm chiếc làn bánh rán và đi vào rừng. Nàng mặc một chiếc áo đầm màu trắng tuyệt đẹp, điểm xuyết vài giọt lệ trong sáng của ngọc trai. Trên mái đầu tuyệt đẹp của nam tước tiểu thư là một chiếc mũ rơm Ý rất mốt, đôi tay trắng muốt được bao bọc trong đôi găng duyên dáng may từ lụa ba tit. Chân nàng xỏ đôi hài cườm, sản phẩm vô cùng tinh xảo. Dường như cả con người của nàng sáng rực lên trong những tia nắng sớm, và nàng đang bay trên đường rừng như một con bướm trắng, để lại sau mình là một dải mùi nước hoa Pháp tuyệt hảo.
Bá tước Sói có thói quen dậy sớm. Không đánh thức người hầu, chàng tỉnh dậy, ăn mặc giản dị và hạ lệnh đóng ngựa. Và sau khi ăn sáng qua loa, chàng thúc ngựa vào rừng…

Victor Hugo

Khăn đỏ run lên. Nàng chỉ có một mình. Nàng chỉ có một mình đơn độc, như cây kim trong sa mạc, như hạt cát giữa trời sao, như đấu sĩ giữa bầy rắn độc, như một người mộng du trong bếp lò…

Jack London

Nhưng chị là một người con gái xứng đáng của chủng tộc ấy, trong huyết quản của chị là dòng máu mạnh mẽ của những người da trắng chinh phục phương bắc. Vì vậy, chị không hề chớp mắt, mà xông đến Sói, tát cho Sói một cái tát trí mạng và ngay lập tức chị đệm thêm một cú đấm móc (upper-cut) cổ điển nữa. Sói hoảng hốt chạy.

Chị nhìn theo Sói và mỉm cười – một nụ cười dịu dàng và nữ tính tuyệt vời.

Honore de Balzac

Sói đến gần ngôi nhà nhỏ của bà và gõ vào cánh cửa. Cánh cửa này được một người thợ vô danh nào đó làm vào khoảng giữa thế kỷ 17. Người thợ đã làm nó từ gỗ sồi Canada rất mốt vào thời đó, tạo cho miếng gỗ một kiểu dáng cổ điển và treo nó lên những bản lề sắt. Có lẽ hồi xưa thì những bản lề này cũng tốt lắm đấy, nhưng bây giờ thì kêu cót két kinh khủng. Trên cánh cửa không hề có hoa văn nào cả, chỉ có ở góc phải phía dưới vẫn còn nhìn thấy một vết xước nhỏ. Theo truyền thuyết trong vùng thì đó là vết xước do cựa giày của Selesten de Shavard – tình nhân của Maria Antuanet và anh em họ hàng về phía ngoại của bà của ông của Khăn đỏ. Ngoài điều đó ra thì đó là một cánh cửa hết sức bình thường, và vì thế chúng ta sẽ không cần thiết phải xem xét cánh cửa ấy kỹ lưỡng hơn.

Erich Marria Remarque

- Hãy đến bên anh – Sói nói.
Khăn đỏ rót hai ly cô nhắc và đến ngồi trên giường của Sói. Họ ngửi hương thơm quen thuộc của rượu cô nhắc. Trong rượu cô nhắc có nỗi buồn và sự mệt mỏi - nỗi buồn và sự mệt mỏi của hoàng hôn sắp tàn. Cô nhắc như chính cuộc đời.
- Tất nhiên, – Khăn đỏ nói. – Chúng ta chẳng còn gì để hy vọng nữa. Em không có tương lai.
Sói im lặng. Anh hoàn toàn đồng ý với nàng.

Gabriel Garcia Marques

Nhiều năm sẽ trôi qua, và khi Sói đứng dựa vào bức tường chờ đợi phát súng bắn vào tim, anh sẽ nhớ lại buổi chiều xa xôi ấy, khi mà Bà ăn cái bánh ga tô với lượng thạch tín đủ để đầu độc một bầy chuột cống. Nhưng Bà vẫn tiếp tục hành hạ cây đàn dương cầm, và hát đến tận nửa đêm, như là không có chuyện gì xảy ra. Hai tuần sau thì Sói và Khăn đỏ tìm cách gây nổ trong căn lều của bà cụ không chịu đựng nổi này.

Họ nhìn ngọn lửa xanh bò theo dây dẫn đến khối thuốc nổ, căng thẳng đến thót tim. Cả hai bịt tai lại, nhưng thật là uổng công, vì không có tiếng nổ nào cả. Khi mà Khăn đỏ đủ can đảm đi vào trong lều, hy vọng thấy xác của Bà, thì nàng thấy trong lều vẫn ngập tràn sự sống: Bà mặc một chiếc áo rách và bộ tóc giả cháy dở chạy thoăn thoắt trong lều và dùng cái chăn để dập lửa.

Nhicolai Gogol

Trong những ngày u ám thì khu rừng của chúng ta thật là vô cùng rộng lớn và ảm đạm. Hiếm có cô bé đội mũ nào có thể đến được giữa rừng, ngoại trừ những chiếc mũ đỏ nhất. Nhưng giá mà có đến được thì Mũ đỏ sẽ gặp Sói ngay lập tức.
- Sói, sói! Anh chạy đi đâu trong khu rừng vô tận này? – Không có tiếng trả lời…

Dale Carnegie

Bất kỳ một cô bé nào, đặc biệt là ở nông thôn, đều quen biết những người thợ săn. Tuy nhiên nếu như cô bé lại đội trên đầu một cái mũ của chú hề thay cho chiếc mũ đỏ cẩn thận, cũng như nếu cô bé lại tặng những người xung quanh những cái tát và cười nhạo thay vì những chiếc bánh nướng ngon lành, thì chưa chắc gì đã có ai chạy đến giúp khi cô bé kêu. Vì thật ra thì bà cũng kêu khi chết trong hàm răng của con sói khát máu. Nhưng số phận của một bà lão già lại luôn luôn cau có chẳng làm bận tâm ai trong rừng.

Và tất nhiên không chỉ có những người đi săn – bất kỳ một Sói nào cũng có thể bị sức mạnh của sự quyến rũ khuất phục. Các bạn cứ thử nghĩ xem, tại sao Sói lại không kết liễu cô bé ngay lập tức, mà lại bắt đầu bằng bà? Không lẽ không phải là vì Sói muốn nghe giọng nói vui vẻ cua Khăn đỏ thêm một lần nữa? Giá như Khăn đỏ vẫn tiếp tục bình tĩnh, thì có khi Khăn đỏ chẳng cần sự giúp đỡ nào của các bác thợ săn. Nhưng Khăn đỏ đã sợ hãi kêu lên, và Sói hiểu rằng Khăn đỏ chỉ coi Sói như một con vật khát máu.

Bạn hãy cố gắng trước hết nhìn thấy những nét tốt đẹp của người đối thoại với bạn, và bạn sẽ có thể không quan tâm đến chế độ làm việc của những người thợ săn.

Sigmund Freud

Khăn Đỏ bị ám ảnh bởi việc phải đem bánh rán đến cho bà. Có lẽ, điều này là do ý muốn chuộc lỗi gây nên, để bù lại tổn thất đạo đức trước đây cô đã gây cho bà.

Rừng – một tập hợp những cây cao là một biểu tượng phallus thể hiện rất rõ ràng, và hoàn toàn tự nhiên trong những tưởng tượng của một cô gái trẻ. Không có Sói nào cả. Trong trường hợp này thì Sói không phải là gì khác hơn khía cạnh chưa biết của Khăn Đỏ, những tưởng tượng tình dục bị chèn ép của cô bé đang tràn ra ngoài.

Như vậy, cuộc đối thoại của Sói và Khăn Đỏ chỉ có trong trí tưởng tượng đang lên cơn sốt của Khăn Đỏ, và chính Khăn Đỏ là người đã nhạo báng bà dưới áp lực những mong muốn chính cô còn chưa biết rõ. Cuối cùng, sau cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng và dạng sơ khai của phân tâm học – hãy nhớ đến câu hỏi tại sao mũi bà to thế và v.v... thì Sói đã chiến thắng. Chỉ có sự can thiệp của các nhà phân tâm học đầy kinh nghiệm – hình ảnh của những người thợ săn – mới có thể đưa được bản chất của cô bé ra ánh sáng.

Bổ sung

Đỗ Hoàng Diệu

Đối diện chiếc giường bà cô bé quàng khăn đỏ là bàn thờ ông che màn đỏ có rất nhiều bát nhang và những bức trướng chữ Tàu. Cô bé chồm lên người Sói nuốt lấy chàng vồ vập. Môi miệng khát cháy, toàn thân căng cứng. Sói van xin cô đừng hực lên như sói cái.
Bỗng tấm màn đỏ nhúc nhích và tứ chi cô bé nặng trĩu. Từ sau tấm màn đỏ, những chiếc bóng bay ra lũ lượt tích tụ thành mảng đen lớn. Thời gian như bất tận, cô bé không dám ngoái lại nhìn mảng đen đã rất gần, chỉ tích tắc nữa sẽ ập xuống mình bất thình lình.

Hồ Anh Thái:

Đỏ đã tiến lại gần Sói lúc ấy, nhìn chằm chằm tự nhủ, gương mặt kia, cơ bắp kia là phải xông vào đâu đó lao vào đâu đó. Sói không đề phòng, biết gì đâu mà đề phòng. Đỏ tuy trẻ hơn Sói nhưng dày dạn trận mạc, vì thế Sói đờ người ra, rồi nóng bừng khắc người, Sói chưa kịp chuyển sang lạnh thì Đỏ đã lao vào...

Kim Dung

Sói thiếu gia nộ khí xung thiên. Y múa tít cây lang nha bổng gia truyền đời đầu, thi triển những chiêu số như gió táp mưa sa. Vốn nổi danh cao thủ đệ nhất trong rừng, thuật xử bổng của y quả nhiên phi thường. Khăn đỏ không có nội lực để di chuyển thân hình, nàng phải gắng gượng mới đứng vững. Sói thiếu gia hoài bão chí lớn, y định tâm bước đầu là hạ sát Khăn đỏ đoạt lấy giỏ bánh làm bàn đạp để tiến tới Khăn đỏ tổ ngoại sơn trang.

Cổ Long

Chớm đông, rừng phong thật diễm lệ. Khăn đỏ bỗng nhiên thấy bụi cây vừa mới ở xa đã đến gần. Mấy lối đi thông thoáng đã bị bít chặt. Sói thiếu gia ngồi bên bụi cây, gương mặt lộ vẻ nôn nao, hình như cả ngày chưa ăn. Trái tim của Khăn đỏ bỗng nhảy mạnh lên. Nàng cảm thấy có điều gì bất hạnh sẽ xảy ra.

Trần Thu Trang

Uất hận tê tái, chàng thợ săn quay lưng lê bước không tin vào cái cảnh chàng vừa chứng kiến. Đỏ dịu dàng đoan trang của chàng đấy sao, Đỏ tinh khiết trong trắng của chàng đấy sao, lẽ nào Đỏ không biết thằng Sói bẩn thỉu ấy chính là kẻ đã dùng thủ đoạn tiểu nhân để hại bà nàng.
Quá đau đớn, mọi suy nghĩ đông đặc trong đầu, chàng gọi một chiếc taxi buông cụt lủn một câu với người tài xế, "Sân bay Nội Bài". Đằng sau tiếng cười trong trẻo của Khăn Đỏ và tiếng cười khả ố dâm dục của thằng Sói vẫn vang vang đuổi theo bám riết lấy chàng. Chàng biết đời mình từ đây sẽ không còn Khăn Đỏ nữa, không còn thật rồi...

Rừng Nauy

Khăn đỏ nhìn thẳng vào mắt Sói.
- Cậu không định ăn thịt tớ ngay bây giờ đấy chứ...Tớ không muốn chết mà vẫn còn trinh đâu!
Sói thản nhiên:
- Tớ nghĩ là ăn thịt thôi, chứ vừa ăn thịt lại còn vừa "ấy" thì nhiều quá, tớ không chịu nổi....
Khăn đỏ cười phớ lớ:
- Tớ thích cách nói chiện của cậu. Mịn như trát vữa ấy....


Monday 21 December 2009

Tại sao, con trai?


Đây là một truyện trong tập Will you please be quiet, please của Raymond Carver. Truyện này tuy không được các nhà phê bình chú ý lắm nhưng Tess Gallagher, vợ ông, rất thích và cho là một truyện xuất sắc của ông. Raymond Carver sử dụng nghệ thuật người trần thuật không đáng tin cậy (unreliable narrator) - nôm na là "nói vậy nhưng không phải vậy", trong truyện này.

Truyện dịch để tặng chị Sonata, người bất thình lình đột nhiên bỗng dưng tặng bạn GM cuốn Moon Palace của Paul Auster (mà bạn GM cũng đã chén xong), và cũng để tặng các bạn yêu thích truyện của Raymond Carver.


Tại sao, con trai?
Raymond Carver

Thưa Ông

Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được thư ông hỏi về con trai tôi, làm thế nào ông biết được tôi ở đây? Tôi chuyển đến chỗ này cách đây nhiều năm ngay sau khi chuyện đó bắt đầu diễn ra. Không ai biết tôi ở đây cả mà tôi cũng sợ người ta biết. Người mà tôi lo ngại chính là nó. Mỗi khi đọc báo tôi lại lắc đầu và băn khoăn. Tôi đọc những gì người ta viết về nó và tự hỏi cái người đó có thật là con trai tôi không, nó có thật sự làm những việc này không?

Nó là một đứa ngoan trừ tính nóng nảy và việc nó không thể nói thật. Tôi không đưa ra cho ông được lý do nào. Chuyện bắt đầu vào một mùa hè trong dịp lễ Quốc khánh, hồi đó nó chừng mười lăm tuổi. Con mèo Trudy nhà tôi biến mất cả đêm và cả ngày hôm sau. Tối hôm sau bà Cooper ở ngay sau nhà tôi sang nhà bảo tôi rằng con Trudy lết vào sân sau nhà bà rồi chết. Con Trudy tanh bành nhưng bà nói bà vẫn nhận ra đó là Trudy. Ông Cooper chôn phần còn lại của Trudy.

Tanh bành? Tôi hỏi. Ý bà nói tanh bành là sao?

Ông Cooper thấy hai thằng bé ngoài đồng nhét pháo vào tai và chỗ đấy của Trudy. Ông ấy cố ngăn chúng lại nhưng chúng chạy mất.

Ai, ai có thể làm một trò như thế, ông ấy có nhận ra ai không?

Ông ấy không biết đứa kia nhưng một trong hai đứa chạy lối này. Ông Cooper nghĩ đó là con trai bà.

Tôi lắc đầu. Không, không phải thế đâu, nó không làm trò đó, nó thương Trudy mà, con Trudy ở với nhà tôi bao năm rồi, không, không phải là thằng con tôi đâu.

Tối đó tôi kể nó chuyện con Trudy, nó tỏ vẻ ngạc nhiên và sốc và nói chúng tôi nên treo thưởng. Nó đánh máy một cái gì đó và hứa sẽ dán ở trường. Nhưng đêm đó trước lúc về phòng nó nói mẹ đừng coi nặng chuyện đó quá, nó già rồi, phải sáu lăm hay bảy mươi tính theo tuổi mèo, nó đã khá thọ.

Vào các buổi chiều và thứ bảy nó đi làm việc sắp xếp hàng hóa ở cửa hàng Hartley’s. Betty Wilks, một người bạn của tôi làm ở đó mách tôi về công việc đó và nói sẽ giới thiệu nó. Tối đó tôi bảo nó, nó nói tốt, thiếu niên không dễ tìm việc.

Cái đêm nó lĩnh lương lần đầu, tôi nấu món khoái khẩu của nó và bày biện trên bàn sẵn chờ nó về. A người đàn ông của gia đình đây, tôi nói và ôm nó. Mẹ tự hào lắm, con lĩnh được bao nhiêu, con trai? Tám mươi đô, nó nói. Tôi kinh ngạc. Thật là tuyệt, con trai ạ, mẹ không thể tin được. Con đói ngấu rồi, nó nói, mình ăn đi.

Tôi vui, nhưng tôi không hiểu được, chỗ đó còn nhiều hơn lương của tôi.

Khi tôi giặt quần áo tôi thấy giấy lĩnh lương của cửa hàng Hartley’s trong túi áo nó, chỉ ghi hai mươi tám đô, nó nói tám mươi. Sao nó không nói thật? Tôi không hiểu được.

Nếu tôi hỏi nó tối qua con đi đâu, nó sẽ trả lời đi xem diễn. Rồi tôi sẽ phát hiện ra nó đi khiêu vũ ở trường hay lượn lờ cả đêm với ai đó bằng xe hơi. Tôi sẽ nghĩ có khác biệt gì đâu, sao nó không thể thành thật, chẳng có lý do gì mà dối mẹ cả.

Tôi nhớ có lần nó nói là đi thực địa về, tôi hỏi nó con thấy những gì trong chuyến đi. Và nó nhún vai bảo địa chất, đá núi lửa, tro, người ta chỉ cho bọn con nơi cách đây hàng triệu năm là một cái hồ lớn, bây giờ chỉ là sa mạc. Nó nhìn vào mắt tôi và huyên thiên. Rồi tôi nhận được thư của nhà trường nói họ muốn xin phép cho nó đi thực địa, liệu nó có được phép đi không.

Gần cuối năm mười hai, nó mua một chiếc xe hơi và đi chơi suốt. Tôi lo lắng về điểm chác của nó nhưng nó chỉ cười. Ngài biết đấy nó là một học sinh xuất sắc, hẳn là ngài biết rõ điều đó. Sau đó nó mua một khẩu súng ngắn và một con dao săn.

Tôi ghét nhìn thấy những thứ đó trong nhà và tôi bảo nó thế. Nó cười, lúc nào nó cũng cười. Nó nói nó sẽ để súng và dao trong cốp xe, nó nói dù sao để đó cũng dễ lấy hơn.

Một tối thứ bảy nọ nó không về nhà. Tôi lo đến độ phờ phạc. Khoảng mười giờ sáng hôm sau nó về và bảo tôi nấu bữa sáng cho nó, nó nói nó đi săn về nên rất đói, nó xin lỗi vì đã đi cả đêm, nó nói chúng đã lái một quãng đường dài đến chỗ này. Nghe là lạ. Nó có vẻ run run.

Con đi đâu?

Lên tận Wenas. Bắn được vài phát.

Con đi với ai?

Fred.

Fred?

Nó ngó tôi và tôi không nói gì nữa.

Ngày chủ nhật kề sau đó tôi rón rén vào phòng nó lấy chìa khóa xe. Nó đã hứa mua đồ ăn sáng trên đường đi làm về tối hôm trước và tôi nghĩ chắc nó để quên trong xe. Tôi thấy đôi giày mới của nó thò ra dưới giường dính đầy bùn và cát. Nó mở mắt.

Con trai, giày con làm sao thế? Nhìn giày con kìa.

Xe hết xăng, con phải đi bộ mua xăng. Nó ngồi dậy. Mẹ quan tâm làm gì?

Mẹ là mẹ con mà.

Trong lúc nó tắm tôi lấy chìa khóa và ra xe. Tôi mở cốp. Tôi không tìm thấy đồ ăn. Tôi thấy khẩu súng nằm trên một tấm khăn và cả con dao nữa và tôi thấy áo sơ mi của nó vo tròn và tôi giũ nó ra thì thấy máu me be bét. Nó còn ướt. Tôi thả nó xuống. Tôi đóng cốp xe và quay vào nhà và thấy nó đang đứng nhìn chỗ cửa sổ và nó mở cửa.

Con quên bảo mẹ, nó nói, con bị chảy máu mũi, con không biết cái áo đó có giặt được không, hay là vứt đi vậy. Nó mỉm cười.

Mấy ngày sau tôi hỏi nó công việc ở chỗ làm thế nào. Nó bảo, tốt, nó mới được tăng lương. Nhưng tôi gặp Betty Wilks ngoài đường và chị ấy bảo mọi người ở Hartley’s đều rất tiếc khi nó bỏ việc, nó rất được mọi người yêu mến, Betty Wilks nói.

Sau đó hai đêm tôi nằm trong giường mà không ngủ được, tôi nhìn trần nhà chằm chằm. Tôi nghe tiếng xe nó dừng trước nhà và tôi lắng nghe tiếng nó tra chìa vào ổ khóa và nó vào nhà bếp đi qua hành lang về phòng rồi đóng cửa lại. Tôi dậy. Tôi có thể nhìn thấy đèn trong phòng nó hắt ra dưới cửa. Tôi gõ và đẩy cửa hỏi nó có muốn uống trà hay cà phê không, con trai, mẹ không ngủ được. Nó cúi xuống bên tủ quần áo và đóng rầm một ngăn kéo và quay sang tôi, mẹ ra khỏi đây đi nó gào, ra khỏi đây đi, con chán thấy mẹ rình mò con rồi nó gào. Tôi về phòng mình và khóc đến khi ngủ thiếp. Đêm đó nó làm lòng tôi tan vỡ.

Sáng hôm sau nó dậy và đi trước khi tôi thấy nó, nhưng với tôi thế cũng được. Kể từ đó tôi coi nó như khách trọ trừ khi nó muốn thay đổi, tôi hết chịu được rồi. Nó sẽ phải xin lỗi nếu nó muốn chúng tôi hơn là những người lạ ở chung nhà.

Tối đó khi tôi về nó đã ăn tối xong. Mẹ khỏe không, nó hỏi, nó đỡ áo khoác cho tôi. Mọi việc hôm nay thế nào?

Tôi nói tối qua mẹ không ngủ được, con trai. Mẹ hứa với chính mình sẽ không gợi lại chuyện và không cố làm cho con cảm thấy có lỗi nhưng mẹ không quen bị con trai mình nói bằng giọng như thế.

Con muốn cho mẹ xem cái này, nó nói, và nó cho tôi xem bài luận nó viết cho lớp dân sự. Tôi nghĩ là về mối quan hệ giữa quốc hội và tòa tối cao. (Đó là bài luận giúp nó đoạt giải khi tốt nghiệp!) Tôi gắng đọc và rồi tôi quyết định, đã đến lúc. Con này, mẹ muốn nói chuyện với con, với mọi sự như ngày nay nuôi dạy con cái là một việc khó khăn, đặc biệt khó khăn khi không có một người bố trong nhà, không có một người đàn ông mà chúng ta nương tựa khi cần. Con bây giờ đã gần trưởng thành nhưng mẹ vẫn còn trách nhiệm và mẹ cảm thấy mẹ có quyền được tôn trọng và tính đến và mẹ đã cố công bằng và thành thật với con. Mẹ muốn sự thật, con à, đó là tất cả những gì mẹ đòi hỏi ở con, sự thật. Con trai, tôi thở một hơi, thử nghĩ con có con mà khi con hỏi nó một cái gì đó, bất cứ thứ gì, nó đã ở đâu hoặc định đi đâu, định làm gì, bất cứ thứ gì, nó không bao giờ, không bao giờ nói sự thật? Mà nếu con hỏi nó có phải bên ngoài trời mưa không, lại trả lời không, trời đẹp và nắng, và mẹ nghĩ là sẽ cười một mình và cho rằng con quá già hoặc quá ngốc nên không thấy quần áo nó ướt. Tại sao nó nói dối, con hỏi chính mình xem, nó được gì mẹ không hiểu. Mẹ cứ tự hỏi mình mà mẹ không có câu trả lời. Tại sao, con trai?

Nó không nói gì, nó cứ nhìn tôi chằm chằm, rồi nó nhích về phía tôi và nói con sẽ chỉ cho mẹ. Con nói là quỳ, con nói là quỳ xuống, nó nói, đó là lý do đầu tiên.

Tôi chạy vào phòng mình và khóa trái cửa. Tối đó nó bỏ đi, nó mang theo đồ đạc của nó, những thứ nó cần, và nó bỏ đi. Tin hay không thì tùy nhưng tôi chưa bao giờ gặp lại nó. Tôi thấy nó trong lễ tốt nghiệp nhưng lúc đó có nhiều người xung quanh. Tôi ngồi cùng cử tọa và nhìn thấy nó nhận bằng và giải thưởng cho bài luận của mình, rồi tôi nghe nó phát biểu và cùng vỗ tay với mọi người.

Sau đó tôi về nhà.

Tôi không bao giờ gặp lại nó. Ồ dĩ nhiên tôi thấy nó trên tivi và tôi thấy hình nó trên báo.

Tôi biết là nó gia nhập hải quân và tôi nghe ai đó bảo nó ra khỏi hải quân và đi học đại học bên bờ đông và rồi cưới cái con bé đó và đi làm chính trị. Tôi bắt đầu thấy tên nó trên báo. Tôi tìm ra địa chỉ của nó và viết thư cho nó, vài tháng tôi lại viết một lá thư, không bao giờ có hồi âm. Nó tranh cử thống đốc và đắc cử, và giờ nổi tiếng. Đó là khi tôi bắt đầu lo lắng.

Tôi bồi đắp nên tất cả những nỗi sợ hãi này, tôi bắt đầu sợ, tôi thôi viết thư cho nó dĩ nhiên và tôi hy vọng rằng nó nghĩ tôi đã chết. Tôi chuyển đến đây. Tôi đặt một số điện thoại không tra cứu. Và rồi tôi phải đổi tên. Nếu ông là người có quyền lực và ông muốn tìm ai đó thì ông tìm thấy, không khó khăn gì lắm.

Tôi phải thấy tự hào nhưng tôi sợ. Tuần trước tôi thấy một chiếc xe hơi trên phố và một người đàn ông ngồi trong mà tôi biết là theo dõi tôi, tôi đi ngay về nhà khóa cửa lại. Cách đây vài hôm điện thoại đổ chuông liên hồi khi tôi đã nằm nghỉ. Tôi nhấc điện thoại nhưng không có gì cả.

Tôi già rồi. Tôi là mẹ nó. Tôi phải là người mẹ hãnh diện nhất trong số các bà mẹ trên mặt đất nhưng tôi chỉ lo sợ.

Cảm ơn ông đã viết thư cho tôi. Tôi muốn phải có ai đó biết chuyện. Tôi rất xấu hổ.

Tôi cũng muốn biết làm thế nào mà ông biết được tên tôi và nơi tôi ở. Tôi đã cầu rằng không ai biết. Nhưng ông đã biết? Sao ông lại biết? Vui lòng nói cho tôi.

Trân trọng.


Goldmund dịch từ nguyên bản tiếng Anh Why, Honey?



Thursday 17 December 2009

Danh sách 2009 (tiếp)

Phần 1

6. lưng chừng thời gian của David Bergen, Nguyễn Tuệ Đan dịch, Nhã Nam xuất bản: Có những lý do khác nhau để người ta thích một cuốn tiểu thuyết: một câu chuyện, một vấn đề, một kỷ niệm, một cách ứng xử, hay một cấu trúc. Với Ở lưng chừng thời gian, tôi đặc biệt thích văn, một giọng văn lơ mơ mà ám ảnh. Vết hằn cuộc chiến Việt Nam lên đời sống tinh thần của một cựu chiến binh Mỹ là đề tài của tiếu thuyết này. Đọc Ở lưng chừng thời gian không thể không nghĩ đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh – hai cuốn này tạo thành một cặp tiểu thuyết cân xứng về người lính hai bên chiến tuyến tuy Ở lưng chừng thời gian thiên về phầh hậu chiến hơn. Và quả thực, ở phần cuối sách David Bergen có ghi nhận ảnh hưởng của cuốn sách của Bảo Ninh đối với cuốn sách của mình. 

7. Giết con chim nhại của Harper Lee, Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch, Nhã Nam xuất bản: Giết con chim nhại (To kill a mocking bird) luôn được xếp vào hàng kinh điển – nó thường đứng trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất trong mọi cuộc bầu chọn. Mark Twain định nghĩa một cuốn sách kinh điển là một cuốn sách ai cũng muốn đọc nhưng chẳng ai đọc, có lẽ vì ai cũng ngần ngại sách kinh điển thì vấn đề có to tát quá không, đọc có mệt đầu không. Nếu bạn cũng nghĩ thế thì tôi xin được mách ngay là vấn đề thì có to tát – phân biệt chủng tộc không phải là vấn đề nhỏ rồi – nhưng đọc thì không mệt đầu tí nào. Điểm thú vị nhất của cuốn này đó là những vấn đề tưởng như rất lớn đó lại được kể lại, và nhìn theo lăng kính của một cô bé con học cấp một. Cuốn sách còn là một gợi ý rất tốt đối với những ai quan tâm đến vấn đề giáo dục con trẻ – nghĩa là tất cả chúng ta – hãy xem người bố luật sư Atticus đối xử và nói chuyện với hai con của ông như thế nào!

8. Nam tước trên cây của Italo Calvino, Vũ Ngọc Thăng dịch từ nguyên bản tiếng Ý, cũng do Nhã Nam xuất bản: Bản thân việc dựng nên câu chuyện về một vị nam tước suốt đời sống trên cây đã là một ý tưởng xuất sắc khiến cho bạn không thể không đọc cuốn này rồi. Tất nhiên, tác phẩm có ý nghĩa ngụ ngôn, ý nghĩa triết học, nhưng kể cả bỏ qua tất cả những lớp ý nghĩa đó, đọc chỉ để tò mò về cuộc sống của một người sống ở trên cây hoàn toàn, tìm hiểu xem tác giả cho người đó ăn uống, ngủ nghê, bài tiết, yêu như thế nào chẳng phải là điều hấp dẫn sao? Chỉ bản thân điều đó thôi đã khiến cuốn này là một niềm vui đọc. Và tất nhiên, nếu gấp sách lại bạn ngẫm nghĩ một tí, rồi đọc lại lần thứ hai hay thứ ba, bạn sẽ thu hoạch được nhiều hơn. Review của bạn AI ở đây.

9. Nửa kia của Hitler của Eric-Emmanuel Schmitt, Nguyễn Đình Thành dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, cũng do Nhã Nam xuất bản nốt (tất nhiên tôi biết Nhã Nam chỉ có thể xuất bản thông qua một nhà xuất bản, nhưng tên nhà xuất bản đó là gì đâu quan trọng bằng cái logo Nhã Nam, các bạn Nhã Nam nhỉJ): Cũng như Nam tước trên cây, cuốn tiểu thuyết này có một ý tưởng hấp dẫn: nếu như năm 1908, Adolf Hitler không bị trượt kỳ thi vào trường Mỹ thuật thì điều gì sẽ xảy ra, thế giới sẽ như thế nào nếu có một Hitler - họa sĩ siêu thực thay cho Hitler – độc tài phát xít? Cuộc đời của một Hitler như lịch sử đã chứng kiến và một Hitler giả định cứ thế được kể ra sinh động và đầy cuốn hút. Và, cũng như Nam trước trên cây, Nửa kia của Hitler cũng không thiếu những tầng nấc nghĩa để ai thích suy ngẫm có thể suy ngẫm hơn, nhưng điều quan trọng là bản thân câu chuyện đã quá hấp dẫn rồi. (Trivial: Bạn Alpha nhà này nhìn mặt Hitler trên bìa sách cứ bảo đấy là ông ngoại. Thật tội nghiệp ông ngoại!)

10. The New York Trilogy của Paul Auster: Chỉ sau khi đọc xong nguyên tác thì tôi mới biết cuốn này đã được Trịnh Lữ dịch với tên Trần trụi với văn chương. Thật ra, cuốn nào của Auster tôi cũng thích, nhưng cũng như với mọi danh sách khác, phải “cơ cấu” một chút. Tôi có nhắc sơ qua đến cuốn này ở đây.

Dĩ nhiên, tôi còn thích nhiều cuốn khác, nhưng đã trót giới hạn ở 10 rồi nên thôi cứ đành thế vậy.

Quan sát lại danh sách, tôi thấy tôi không chọn cuốn nào của các tác giả Việt Nam. Không phải tôi có ý phân biệt, nhưng năm vừa rồi tôi không đọc được cuốn nào của một tác giả Việt Nam mà tôi thật sự thích (trừ cuốn của Đặng Phong, nhưng đó lại là sách khảo cứu, mà tôi ưu tiên cho sách văn học hơn). Nếu như lập danh sách cho 2008, thế nào tôi cũng để vào Lần đầu tiên của Nguyễn Nguyên Phước, còn danh sách 2007 chắc chắn có T mất tích của Thuận và Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng.

Ngoài ra, có khi các bạn Nhã Nam nên nghiên cứu tặng tôi món quà nho nhỏ nào vì có công mua, đọc và quảng cáo cho sách của các bạn:)

Tuesday 15 December 2009

Danh sách 2009

Sau khi tôi post danh sách 10 cuốn sách vĩ đạt nhất mọi thời đại theo bình chọn của báo Time năm 2007, có bạn gợi ý tôi đưa ra danh sách của mình. Việc này khó, vì mỗi giai đoạn khác nhau tôi đọc những cuốn khác nhau và thích những cuốn khác nhau. Nếu bây giờ bảo lập danh sách thì tôi sẽ “ưu tiên” cho những cuốn đọc gần đây hơn, đơn giản vì tôi nhớ những cuốn mới đọc hơn. Cho nên, tôi sẽ làm một việc dễ hơn là đưa ra danh sách 10 cuốn đọc trong năm 2009 mà tôi thích. Những cuốn này có cuốn xuất bản trong năm, nhưng có cuốn in từ nhiều năm trước; chúng có thể là tiểu thuyết hay phi tiểu thuyết. Điểm chung duy nhất giữa những cuốn này là tôi đọc nó trong năm vừa rồi. Tôi chia sẻ danh sách này với hy vọng nếu bạn đọc những cuốn sách này bạn cũng thích chúng. Thứ tự trong danh sách này là thứ tự ngẫu nhiên.

1. 1. Ho Chi Minh – A Life của William Duiker: Nếu có một nhân vật lịch sử Việt Nam mà bạn cần tìm hiểu thì đó chính là Hồ Chí Minh, và nếu tìm hiểu về Hồ Chí Minh thì bạn không thể bỏ qua cuốn sách này. Tôi từng nhắc đến cuốn này ở đây. Rất tiếc cuốn này chưa được dịch ra tiếng Việt. Nhưng nếu bạn đọc được tiếng Anh thì rất nên tìm cuốn này.

2. Đường về nô lệ của F.A. Hayek, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri Thức: Tôi nghĩ người Việt Nam nào cũng nên đọc cuốn này để hiểu hơn những gì đang diễn ra trong xã hội chúng ta. Bạn nên mua cuốn này ngay khi nào còn có thể:), kể cả khi bạn chưa có ý định đọc.

3. Bàn về tự do của J.S. Mill, Nguyễn Văn Trọng dịch, NXB Tri Thức: Là một trong những cuốn sách mà khi đọc xong tôi luôn tiếc nuối vì sao mình chưa đọc nó sớm hơn. Cuốn sách này như một loại ánh sáng đối với tâm hồn. Cuốn sách không quá dày nhưng những gì bạn có được sau khi đọc nó chẳng bao giờ là mỏng.

4. Du hành cùng Herodotus của Kapuscinski, Thái Linh dịch, Nhã Nam xuất bản: Nếu bạn muốn đọc một cuốn du ký và chỉ một mà thôi thì đó phải là cuốn này. Có thể tôi quá lời, nhưng tôi chưa biết có cuốn du ký nào hay hơn, làm người ta mơ mộng hơn và khiến người ta nghĩ ngợi nhiều hơn Du hành cùng Herodotus. Bài review rất hay của bạn Marcus ở đây.

5. Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa của Đới Tư Kiệt, Lê Hồng Sâm dịch: Đới Tư Kiệt người Hoa, nhưng cuốn này viết bằng tiếng Pháp. Cuốn tiểu thuyết mỏng này thu hút tôi từ trang đầu tiên. Cũng viết về cách mạng văn hóa của Trung Hoa, cũng viết về sự tù túng tinh thần và khát khao hiểu biết khát khao yêu của những thanh niên trí thức thời kỳ đen tối ấy nhưng cuốn sách không quá nặng nề bức bối nhờ vào tính chất lạc quan và hài hước của nó. Một cuốn tiểu thuyết cay đắng nhưng cũng hết sức lãng mạn.

--------
Cái này nghịch thử cho vui. Hoàn toàn không phải top 10 thật sự của tôi. Số 7 chính là Tam quốc!

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN