Wednesday 30 September 2009

Không giống nhau

Cho nó thành series, sau Không tập trung, Không kết nối, hôm nay đến lượt Không giống nhau. Ngày mai chắc là Không còn gì.

***

Nhân ngày ở một số phần ở Việt Nam đang có rất nhiều nước, thậm chí quá nhiều nước, thường gọi là lũ, có bạn đăng [trên FB] một kết luận khoa học rằng không bao giờ có hai giọt nước giống nhau cả. Kết luận này cho thấy câu ví von “giống nhau như hai giọt nước” thật ra là láo toét.

Nhiều năm trước đó, nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska, trong bài thơ đã trở thành kinh điển Không thể có hai lần cũng đã ý nhị chỉ ra rằng “không có hai nụ hôn/hai ánh nhìn giống hệt”. Nụ hôn lúc 7 giờ sáng sẽ khác với nụ hôn lúc 7 giờ một phút sáng, cho dù nó có thể được tiến hành trên cùng một khách thể, vì nụ hôn lúc 7 giờ một phút sáng không thể có được sự náo nức pha lẫn băn khoăn của nụ hôn một phút trước đó – cái nụ hôn còn nồng nàn vi khuẩn của cả một đêm túng tù (lẽ ra là tù túng, nhưng đảo ngược cho nó xuôi tai). Ấy là chưa kể không thể lặp lại một cách chính xác cường độ, trường độ, giác độ, biên độ, vô độ của nụ hôn thứ nhất. Không thể có hai nụ hôn giống nhau. Và, nói tóm lại, không có cái qué gì xảy ra đến hai lần. Nữ sĩ Szymborska do đó mới hạ một câu kết: Mình khác nhau như hai giọt nước trong veo. Câu thơ của Szymborska đi trước kết luận khoa học kia mười mấy năm ánh sáng.

***

Hai bạn Alpha và Pi cách nhau một tuổi, chính xác là 13 tháng. Cậu em sinh nhật tháng 9, còn cô chị sinh nhật tháng 8. Cho đến bây giờ, hai cô cậu cân nặng xem xem nhau, mặc dù Pi vẫn còn thấp hơn Alpha một tí. Tuy cũng có lúc gấu ó với nhau, nhưng nhìn chung hai bạn chung sống hòa bình: thích chơi cùng một thứ đồ chơi, ăn cùng thứ thức ăn, thích được giỡn theo cùng một kiểu. Nếu như ba bạn giả vờ trèo lên lưng một bạn thì bạn kia cũng đòi y chang như thế, nếu không sẽ kêu la ầm ĩ. Nói chung hai bạn còn ở giai đoạn thích giống nhau hơn là thích khác nhau. Hai bạn đang là trẻ con mà. Chứ người lớn thì luôn có nhu cầu chứng tỏ/tìm kiếm sự khác biệt. Hôm nọ cụ thân sinh hai bạn đi gặp bác TQ mặc áo xanh kẻ, bác TQ cũng mặc áo kẻ xanh, đã thấy nhột nhột. Phải bác TQ báo trước bác ấy mặc áo xanh cụ đã mặc áo đỏ cho nó khác:)

***

Có trường đại học nọ sau khi cột thêm chữ “quốc tế” vào mình bỗng dưng buộc sinh viên phải mua đồng phục do chính hiệu trưởng thiết kế vì đấy là “biểu tượng tốt đẹp trong giới đại học quốc tế”. Sau khi báo chí lên tiếng ông hiệu trưởng chuyến sang khuyến mãi: mua đồng phục được tặng nón và túi du lịch. Phản ứng tình thế của ông hiệu trưởng chỉ tạo thêm đối thủ cạnh tranh cho các siêu thị, chứ vấn đề cơ bản vẫn còn nguyên: sinh viên đến trường sẽ vẫn phải mặc cái “biểu tượng tốt đẹp trong giới đại học quốc tế” ấy. Chưa thấy ai tính nguồn thu của trường từ việc bán “biểu tượng tốt đẹp” sẽ là bao nhiêu, cũng chưa thấy ai đo đếm xem việc yêu cầu sinh viên đồng loạt mặc “biểu tượng tốt đẹp” có tác dụng gì đến óc sáng tạo, tư duy độc lập của sinh viên. Hay những từ vừa nhắc đến là hàng xa xỉ?

Mà thôi, có lẽ, chúng ta không nên chỉ trích ông hiệu trưởng nọ. Dù gì thì ông chỉ bắt sinh viên của ông, những người tự nguyện nộp đơn vào trường ông mặc đồng phục, nếu không thích họ vẫn có lựa chọn là không vào trường này mà vào trường khác. Không phải trường nào cũng yêu cầu đồng phục. Vả lại, đồng phục về quần áo cũng chưa phải là điều đáng sợ nhất.

***

“Vì sao hỡi thời gian nghiệt ngã
người cứ khuấy đảo lên một nỗi âu lo
người đang tồn tại ư? - vậy là người sẽ phải trôi qua
người đang trôi qua – đó là điều tuyệt diệu
Chúng ta ôm nhau, miệng cười
cố tìm ra điều thân thiện
dẫu rằng ta biết
mình khác nhau như hai giọt nước trong veo

***

Càng đọc Đường về nô lệ lại càng thấm thía. Có lẽ hôm nào sẽ làm một entry về những cuốn sách như là dấu ấn cuộc đời.

Friday 25 September 2009

Thư gửi con trai nhân sinh nhật hai tuổi

Chàng thanh niên bé bỏng của ba

Vậy là con đã tròn hai tuổi. Cách đây hai tháng, khi con 22 tháng tuổi, ba gửi cho con lá thư đầu tiên. Ba còn nhớ khi đấy ba làm tròn tuổi cho con. Lẽ ra ba không nên như thế. Nói chung, trong cuộc đời ai cũng có lúc phạm sai lầm, quan trọng là biết nhìn lại và phục thiện. Ba đang làm việc đó. Sai lầm của ba khi làm tròn tuổi cho con, đó là con có thể mất hai tháng vui chơi cùng ba, cho dù cái mất này mang tính chất tinh thần hơn là thực tế.

Con hai tuổi, nghĩa là chỉ bốn năm nữa con phải vào lớp một rồi. Ba sợ rằng khi đó nhà mình sẽ không còn vui như bây giờ. Chương trình buổi tối bây giờ là: ba đi làm về, con và chị Alpha ùa ra ôm ba, mỗi đứa cởi một chiếc vớ, một chiếc giày. Trong khi cả nhà ăn tối thì hai con xem Tom & Jerry hoặc Disney Channel. Ăn tối xong, ba sẽ vờ kêu lên có ai đi chơi không, tức thì con và chị Alpha (đôi khi cả mẹ) cùng yeah lên và cuống quýt chạy đi tìm dép. Cả nhà mình sẽ xuống sân chơi rượt đuổi với nhau. Có khi ba đóng vai chó sủa gâu gâu cho hai đứa ù té chạy. Hôm nào đi chơi về con cũng đầm đìa mồ hôi, bà nội vẫn bảo con hôi như heo mọi. Về nhà, con sẽ được dội nước cho đỡ hôi, rồi uống sữa, xem Chúc bé ngủ ngon rồi đi ngủ. Mai mốt con vào lớp một rồi, không biết con còn có thời giờ để đi chơi với ba không? Hay là lúc đó con phải đi học thêm, nếu không học thêm cũng phải gò người ra tập viết cho bằng chúng bạn, hầu hết trong số đó đã đọc thông viết thạo trước khi vào lớp một? Con không thuận tay trái nên chắc con sẽ không bị cô giáo đánh như anh Gôn con bác Ba. Ba cũng hy vọng con sẽ không bị đánh bằng tay không phải bằng thước như bạn B. trường Bàu Sen, vì nếu bị đánh như thế, về nhà chắc con sẽ buồn bực lắm, chả có hứng chơi với ba nữa.

Thú thật, cứ nghĩ đến việc chẳng bao lâu nữa con đã phải vào lớp một ba mẹ lại rùng mình, tóc mẹ rụng thêm một sợi và tóc ba ngắn đi một xăng ti mét. Có lẽ trong bốn năm kế tiếp, ba mẹ phải dành nhiều thời gian để kiếm một ngôi trường mà ở đó con được vui chơi, được học hành một cách bình thường theo chương trình được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục khẳng định là không quá tải, một ngôi trường mà ở đó con không phải viết chính tả trong tuần thứ ba của lớp một và không phải vác theo một cái cặp to gấp đôi con. Hiện giờ, ba chưa biết ngôi trường đó ở đâu, nhưng ba sẽ cố tìm bằng được. Nhưng ba cũng nói trước cho con biết nếu như ba tìm ra ngôi trường đó, mà người ta lại yêu cầu ba phải ký sổ vàng hoặc viếng thăm riêng hiệu trưởng thì ba chịu, không làm được việc đó. Có lẽ, nếu tình huống đó xảy ra, ba mẹ sẽ cân nhắc việc cho con đi du học. Các bạn vận động viên thể dục dụng cụ nước mình cũng xa gia đình đi du học từ khi còn tè dầm đấy con ạ, nên việc du học ở lứa tuổi tiểu học cũng không phi nhân tính lắm đâu.

Tối qua, VTV9 có chương trình truyền hình trực tiếp Phó Thủ tướng đối thoại với khán giả về giáo dục. Ba nghĩ đấy là một chương trình hay nên ba bảo con ngồi xem với ba, thế mà chỉ được một lúc con đã chạy lăng quăng, leo trèo lên ghế rồi ném đồ chơi tung tóe. Tập trung kém như thế là không tốt, ba phê bình con đấy. Con phải triệt để khắc phục những chỗ còn yếu kém thì sau này mới mong làm công dân tốt được. Vì con không chịu theo dõi những trao đổi thú vị giữa Phó Thủ tướng và khán giả, nên ba kể sơ lại chương trình cho con.

Đầu tiên, ba thấy thích việc Phó thủ tướng xuất hiện trên truyền hình và đối thoại trực tiếp như thế. Cõ lẽ ở nước khác, chuyện một quan chức cao cấp lên truyền hình trả lời câu hỏi trực tiếp không qua hiếm hoi, nhưng ở nước mình chuyện đó chưa phổ biến lắm. Thứ hai, chương trình có nhiều câu hỏi thú vị từ khán giả khắp nước. Ba nhớ có một bạn học sinh tiểu học trường Kim Liên, Hà Nội (trường ngày xưa mẹ học) gọi điện đến chương trình than phiền học nặng quá, không có thời gian chơi, Phó thủ tướng có cách gì giúp bạn ấy không. Phó thủ tướng, sau khi khẳng định rằng chương trình được thiết kế vừa sức, đã gợi ý bạn ấy nên trao đổi với cô giáo và các bạn khác trong lớp, nếu như cả lớp có 50% số bạn cho rằng học nặng quá thì phải xem lại. Ba ghi nhớ lời gợi ý này, để sau này con vào lớp một, nếu đến tuần thứ ba cô giáo yêu cầu con viết chính tả, ba sẽ nhắc con về việc trao đổi với cô giáo. Ba nghĩ việc trao đổi như thế thật là có ích, một mặt giúp các em học sinh tiểu học rèn luyện khả năng giao tiếp, mặt khác, cũng là một cách thức thực hành dân chủ.

Thư trước, ba có nói lần tới ba sẽ bàn với con về chủ đề làm thế nào để không tè trong quần. Hai tháng vừa qua, ba thấy con tiến bộ rất nhiều, nên chủ đề đó trở nên không còn liên quan nữa. Ba rất tự hào về con.

Thư đến đây cũng đã khá dài, ba chúc con trai sinh nhật thật vui, và hãy tận hưởng những tháng ngày đẹp đẽ khi chưa vào lớp một, con trai nhé.

Ba

Trường thiên tản mạn lung tung đoạn

Hôm nay sinh nhật bạn Pi, tên chữ Tùng Quân. Định viết một cái gì đó cho bạn nhưng chưa có thời gian, nên tiếp tục tái bản một đoạn cũng trong bài trường thiên tản mạn trước đây để làm mồi. Đoạn này viết về cháu, sau đó sẽ dắt dây sang con. Những nhân vật trong bài này bây giờ đều cần được cộng thêm bảy tuổi.


***

Tôi có 3 đứa cháu, Bambi 10 tuổi, Remy 5 tuổi và cu Gôn 16 tháng. Cứ mỗi lần nhìn bất kỳ một đứa trẻ con nào ở Úc, là tôi lại nhớ chúng.

Bambi là một đứa bé đẹp sắc sảo và giàu tình cảm. Tôi không ngờ rằng nó đã khóc lúc tôi lên máy bay, lại khóc một trận nữa khi tôi gọi điện về nhà lần đầu mà mẹ nó không cho nó nói chuyện vì sợ tôi tốn tiến. Lúc Bambi 7 tháng, bố mẹ nó căng nhau lắm, suýt phải chia tay. Tôi ngồi uống nước mía trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng với thằng bạn thân nhất tuyên bố rằng nếu bố mẹ nó chia tay, tôi sẽ đưa cả hai mẹ con vào Sài Gòn và đi làm thêm để nuôi nó. May mà bố mẹ nó hòa, nên mãi đến năm thứ tư đại học tôi mới bắt đầu đi làm thêm để nuôi chính tôi và trang trải tình phí. Thằng bạn tôi hôm ấy gật gù nhận xét người ta có thể trở thành đàn ông chỉ vì một đứa bé. Tiên sư bố nó, triết lý gớm nhể!

Có một vài điều lý thú tôi nhớ về Bambi khi nó còn nhỏ. 18 tháng tuổi có lần nó đã vận hết sức bình sinh cắn phập vào ngón chân cái của tôi. Tôi lúc đấy đang rất cáu kỉnh đã trả đũa bằng cách cốc vào đầu nó. Nó khóc ré còn mẹ nó giận tôi mấy hôm. Tôi cũng giận chị tôi về việc đã rêu rao sự cố này với ba mẹ tôi. Thật làm mất uy tín tôi quá thể.

Lúc 2 tuổi có lần nó chạy ra sân vốc nắng vào tặng mẹ, hỏi mẹ có thơm không. Chị tôi sung sướng ôm choàng nó, còn tôi thì biết nó nhạy cảm và mơ mộng từ khi ấy. Con gái nhạy cảm quá, lớn lên sẽ khổ, nhất là khi nó còn đẹp nữa.

Một sự kiện nữa về Bambi làm tôi nhớ mãi, đó là khi nó 4 tuổi, thừa cơ mọi người trong nhà đều đang bận rộn, cúng hay giỗ gì đấy, nó đã trộn chè đậu xanh bột báng và cháo gà với nhau, ăn và khen ngon. Cả nhà vừa tức cười, vừa thấy tội nghiệp cho nó. Chao ôi, sao mà nó ngu thế, cháo gà trộn với chè, mới nghe đã thấy tởm, vậy mà nó khen ngon. Cái vị giác của nó đã bị các cô giữ trẻ làm hỏng mất rồi. Nó thì ăn chậm, mà các cô thì hay ép. Hậu quả là cái hột vịt lộn chưa nuốt xong thì cái bánh flan ùa tới. Nó trệu trạo ngậm một miệng. Có hôm tôi đón nó ở nhà trẻ, sau 30 phút len lỏi giữa phố chiều kẹt xe của Sài Gòn trên chiếc xe máy cà tàng, về đến nhà trong miệng nó vẫn còn nguyên.

Bambi 5 tuổi thì có em, em nó tên là Remy. Remy là một đứa bé đặc biệt. Nó tự động bỏ bú khi mới sáu tháng tuổi. Tôi cứ cắn nhằn chị, theo cách nuôi con hiện đại, chị phải cho nó bú đến năm hai tuổi. Chị tôi chống chế, nó tự bỏ đấy chứ. Nó phải uống sữa ngoài và ăn dặm bột từ rất sớm. Bố mẹ nó thời đấy có khi không kịp có tiền để mua sữa. Một hôm chị tôi nhờ tôi đi mua giùm. Tôi là một ông cậu tuyệt vời, cho nên tôi nhận lời. Đi mua đến chiều thì tôi về. Remy đói, khóc. Hóa ra chị tôi hết tiền, mà không nói tôi hay. Dù sao tôi vẫn tuyệt, vì tôi mua đúng loại bột Remy ưa thích. Ai sau này lấy tôi chắc hẳn phải sướng, vì tôi có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ con.

Remy có một trí nhớ tuyệt vời. 18 tháng đã thuộc bài “chú Cuội mê chị Hằng Nga, để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”. Hai mắt nó tròn xoe, lúng liếng, trông rất yêu. Đến 2 tuổi thì Remy đã thuộc vài chục bài hát và thơ. 3 tuổi hát Quốc ca không sai một chữ. 4 tuổi thì thuộc cả Nam bộ kháng chiến, Vầng trời đông lẫn bài hát trong phim Vương triều Ung Chính (tiếng Tàu). Giọng nó khàn khàn và khoẻ. Nó hát đúng cả lời, cả nhạc, giữ nhịp rất tài. Tôi bảo nếu đầu tư cho nó nghiêm chỉnh sau này nó hát hay bằng Thanh Lam chứ không ít. Anh chị tôi hình như chưa suy nghĩ về hướng phát triển này.

Nó còn có tài kể chuyện. Nó thuộc cả chục cuốn truyện tranh mà mẹ nó vẫn đọc cho nghe, rổi kể lại bằng giọng rất diễn cảm. Kể xong, nó bắt cả nhà vỗ tay. Ai không vỗ tay nó sẵn sàng chỉ vào mặt và dõng dạc hét lên “Tại sao cô kêu vỗ tay mà không vỗ?”. Có khi, nó bắt chước ông ngoại nằm trên ghế salon, đầu gác lên thành ghế, hai tay giở truyện ra đọc rất diệu nghệ. Ai thoạt nhìn cứ tưởng nó biết chữ, nhìn kỹ mới thấy truyện cầm ngược!

Nếu như Bambi là một đứa bé rụt rè giữa đám đông như phần lớn các trẻ em Việt Nam khác, thì Remy cực kỳ dạn dĩ, sinh động, cởi mở, dễ hòa đồng, những phẩm chất khiến nó dễ dàng thu hút sự chú ý và yêu mến của mọi người. Tất cả khách đến nhà sẽ nhanh chóng trở thành bạn của Remy. Còn ở trường, Remy là trợ lý đắc lực của cô trong việc sắp chén, muỗng ra bàn ăn và kiểm tra tay các bạn sạch hay bẩn. Đến cơ quan mẹ ngày 1 tháng 6, khi được hỏi cháu nào hát tặng các bác, Remy lập tức xung phong và trèo lên bàn hát ngay một bài. Lớn lên, Remy chắc sẽ trở thành một thủ lĩnh giữa bạn bè, ngay cả việc trỏ thành thủ lĩnh của các phong trào thanh niên cũng hoàn toàn là điều có thể.

Khác với Bambi và Remy, cu Gôn là con trai và là con của anh tôi. Cu Gôn mới 16 tháng tuổi và tôi chỉ mới gặp nó có hai lần. Lần thứ nhất tôi về quê thăm nhà khi nó mới hai tháng tuổi. Lúc đấy nó mới chỉ có tên khai sinh, còn tên ở nhà thì chưa có. Mọi người cứ gọi là thằng cu, thằng cu. Ơ hay, gọi thế mãi chết tên người ta còn gì. Thế là tôi đã đi đến một quyết định hết sức cao cả, đó là hy sinh cái tên mà tôi ấp ủ dành riêng cho con trai tôi trong tương lai cho cháu. Cu Gôn, cu Gôn! Cái tên mới hay làm sao, vừa rất con trai, vừa phản ánh được sở thích của bố nó, mà lại rất hiện đại nữa. Vấn đề còn lại là tôi phải tiếp tục suy nghĩ để tìm một cái tên khác cho con tôi.

Tôi không rõ là tôi thích có con từ bao giờ. Càng nhìn cu Gôn, cái mặt xinh xắn của nó, cái cách nó đùa với tôi, mong muốn này trong tôi càng định hình rõ. Đôi khi tôi nghĩ, vợ thì không cần thiết lắm, nhưng con thì nhất định phải có. Bằng cách nào thì thú thật tôi chưa hình dung ra, nhưng chắc chắn phải có. Tôi không đặt ra kế hoạch cụ thể, vì như thế xui lắm. Gương nhãn tiền còn đó. Ng.H. một cô bạn của tôi (bạn bình thường) hồi còn học đại học đã tuyên bố làm gì thì làm đến năm 26 tuổi phải có một đứa con. Hai năm đã trôi qua kể từ sinh nhật thứ 26, tôi vẫn chưa nghe tin gì từ Ng.H cả.

Tôi thích có một đứa con trai. Tôi sẽ tò mò chờ xem nó giống tôi như thế nào. Nó có cao to đẹp trai giống tôi không, có yêu thích văn chương nghệ thuật không, chơi thể thao có giỏi không. Tôi sẽ đợi xem khi lớn lên nó tán gái như thế nào, liệu tôi có phải là người có phúc như ba tôi đã từng không. Tôi sẽ cho nó ăn những bữa ăn nhiều bơ sữa, cân đối thịt và rau, bớt cơm và giảm muối, và nhất thiết không có bột ngọt. Nó sẽ được ăn những chiếc bánh mì không nuớng bởi một anh bụng phệ ở trần đánh bột, những quả táo không cần gọt vỏ, rau sống không phải ngâm thuốc tím. Nó sẽ được dạy bơi từ tuổi lên ba, chơi tennis từ khi lên 4, học một loại nhạc cụ khi lên 5, và đến 10 tuổi thì nói tiếng Anh trôi chảy. Đương nhiên, nó sẽ được hưởng thụ nhiều thứ nữa, nhưng tôi cũng sẽ bắt nó bàn luận về lịch sử, để hiểu tại sao ông cố nó bị Tây đánh đến mức lao phổi, ông nội nó 8 tuổi phải bơ vơ kiếm sống, còn bố nó cũng khi 8 tuổi đã dũng cảm từ chối uống ly sữa đầu tiên trong đời vì “hôi quá”!


***

Wednesday 23 September 2009

Lại tái bản

Cái này cũng là một phần trong trường thiên tản mạn được tái bản cách đây ít lâu ở đây

***

Đã bao lâu rồi tôi chưa quay lại bờ hồ? Tôi không nhớ rõ. Tháng ngày trôi nhanh quá. Cái chiều mà tôi lang thang ra bờ hồ và bắt đầu viết tản mạn là một ngày cuối đông. Những cây phong sân trường lúc đấy đang đỏ rực. Sáng nay, khi tôi đến trường thật sớm để chụp ảnh, tôi chợt nhận ra cũng những cây phong đấy đã sum suê xanh lá. Hôm nay đã là giữa mùa xuân. Sân trường nghiêng sang sắc tím của những cây tôi gọi là phượng tím. Các bạn tôi gọi là jacaranda, tôi tra từ điển Lạc Việt thấy cho nghĩa là lan dạ hương. Để cho đơn giản, nếu tôi có nhắc lại tên loại cây này trong bài viết này tôi sẽ gọi chúng là phượng tím.

Đà Lạt cũng có một cây phượng tím. Tôi chưa bao giờ ngắm nó thật kỹ để có thể chắc chắn rằng phượng tím Đà Lạt chính là phượng tím Brisbane. Tôi chẳng dại gì khẳng định một điều tôi không biết rõ. Điều duy nhất mà tôi có thể chắc chắn vào lúc này là tôi đang rơi vào một tình trạng hết sức bi kịch.

Xin đừng vội trầm trọng hóa vấn đề. Đã từng sống ở một thành phố như Sài Gòn gần mười năm, nơi mọi bi kịch vốn không nhiều trên sàn diễn đều ít nhiều nhuốm màu hài kịch, thì khi tôi nhắc đến bi kịch cũng có thể chẳng là vấn đề gì ghê gớm lắm. Đó là chưa kể bi kịch của tôi có thể khác hoàn toàn bi kịch của bạn. Càng khác ghê gớm cái bi kịch về miếng ăn và nhà ở mà Nguyễn Huy Thiệp từng nhắc đến. Bi kịch của tôi vài ngày gần đây đơn giản chỉ là tôi không ngủ được khi muốn ngủ và buồn ngủ khi muốn thức. Đang giữa một chương trình ti vi yêu thích, mắt tôi díp lại và không còn nghe anh chàng hoạt náo viên ba hoa những gì. Nhưng khi quyết định ngủ thì mắt tôi lại thao láo mở ra như chưa từng bao giờ buồn ngủ. Sau một hồi lăn qua lộn lại, tôi quyết định ngồi dậy và viết một cái gì đó cho đến khi nào không nhấc nổi mí mắt nữa thì thôi. Tôi đã có ý định viết về những người bạn Đức của tôi từ lâu, có khi đêm nay là một dịp tốt.

Tôi vốn không ưa nuớc Đức. Như bao cậu học trò từng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa khác, tôi yêu nuớc Nga một cách vô điều kiện. Mà Đức thì gây chiến với Nga…

Tôi không ưa Đức còn vì bóng đá Đức. Thứ bóng đá lạnh lùng, khô khan từ đội tuyển cho đến câu lạc bộ, tàn nhẫn diệt những đội bóng lãng mạn mà tôi yêu thích.

Ấn tượng của tôi về người Đức càng tệ hại hơn khi người Đức đầu tiên tôi gặp ở trường Queensland là một cô gái luôn chun mũi lại khi nói chuyện. Tên cô ta là Astrich thì phải, nhưng nếu ai đó nghĩ rằng cô ta phải tên là Ostrich tôi cũng không phản đối. Tôi gặp Ostrich, à quên Astrich, trong buổi tiệc trà chào đón các sinh viên luật quốc tế mới đến trường. Astrich bắt tay tôi, nhăn mũi, xưng tên (hoặc trình tự ngược lại, không nhớ rõ lắm), rồi sau đó nói chuyện với những người khác mà không nhìn tôi đến lần thứ hai. Sau đó tôi còn gặp cô nàng trong lớp Luật Nhãn hiệu hàng hóa và lớp Hệ thống pháp luật các nuớc Đông Á nữa, thế mà cô nàng chả buồn cười với tôi lấy nửa cái. Tôi chỉ thấy cô nàng vẫn nhăn mũi mỗi khi tranh luận bốp chát với giảng viên. Sau này tôi hỏi Philipp về Astrich, Philipp bưng mặt và nói trời ạ, con gái Đức học luật điển hình đấy, không thể nào chịu nổi. Con trai Đức còn không chịu nổi, huống gì con trai Việt Nam như tôi.

Chẳng hiểu sao ngừơi Đức đến Queensland học thạc sĩ luật nhiều thế, vào lớp nào cũng gặp ít ra ba, bốn tên. Ngừơi Đức chăm học nên đâm ra hay gặp tôi ở thư viện. (Câu này nhằm khẳng định sự chăm học của người Đức, chứ tôi không có ý định tự khoe. Tôi thường có mặt ở thư viện nhưng điều này không có già bảo đảm cho sự chăm học của tôi.) Vài câu chào hỏi xã giao, rồi đi ăn trưa chung, đi uống café. Rốt cuộc bây giờ tôi có ba người bạn Đức khá thân, tên là Joerg, Philipp và Sirko.

Joerg cao một mét tám muơi tư, 24 tuổi, dân miền Bắc nuớc Đức, giáp với Đan Mạch. Joerg trắng nhất trong các người Đức mà tôi đã gặp, người da trắng điển hình. Câu lạc bộ bóng đá yêu thích của Joerg là Werder Bremen. Tôi nhìn thấy Joerg cũng trong cái ngày mà tôi gặp Astrich, nhưng mãi đến học kỳ hai chúng tôi mới nói chuyện với nhau, thông qua một người bạn chung người Malaysia. Phải mà tôi gặp Joerg trước Astrich, thì ấn tượng về ngừơi Đức của tôi đã tốt hơn nhiều lần.

Nhà Joerg cách nhà tôi chỉ mỗi cái trạm xăng. Từ lúc chơi với nhau thì cứ cách ngày một lần, vào lúc năm giờ chiều, Joerg sẽ đến gõ cửa căn hộ của tôi. Chúng tôi đi bộ một quãng, đến con đường nhỏ dành cho xe đạp và người đi bộ dọc theo bờ sông thì bắt đầu chạy. Hồi chưa chạy cùng Joerg thì tôi chạy một mình, thường chỉ chạy một phần ba con đường thì thở hổn hển và đi bộ ngược lại. Hôm đầu chạy cùng Joerg, được hai phần ba đường tôi đứng lại còn Joerg vẫn chạy cho đến cuối đường. Hôm sau tôi cố thêm một chút. Hôm sau tôi cố thêm một chút nữa và đến lần chạy cùng thứ tư thì tôi đã có thể thoải mái chạy đến cuối đường, cùng nghỉ khoảng 5 phút rồi chạy bộ trở về. Thật là chỉ cần cố một chút thì người ta có thể khá hơn rất nhiều. Từ đấy trở đi tôi bao giờ cũng hoàn thành đường chạy, kể cả những hôm Joerg bận và tôi chạy một mình.

Hay gặp nhau nên chúng tôi nói chuyện với nhau khá nhiều. Có lần chúng tôi gặp trên đường chạy một thiếu niên Australia, là bạn ở cùng nhà cũ với Joreg. Joerg khoe cậu nhóc đấy (mười chin tuổi) uống rượu rất nhiều, hút thuốc rất kinh, nhưng ở cùng với Joerg một thời gian, cậu này bỏ thuốc và bắt đầu chạy cùng với Joerg. Bây giờ Joerg đã chuyển sang nhà khác, cậu đấy vẫn tiếp tục chạy. Nhưng độ chục hôm sau Jorge bảo tôi là cậu này bỏ chạy rồi, và uống bia nhiều hơn trước. Joerg bảo bọn thiếu niên Australia này uống ghê quá, cha mẹ chúng giàu chúng chỉ biết tiêu tiền thôi chứ chả biết quý tiền. Ở Đức bây giờ nhiều thanh niên mới lớn cũng chỉ biết hưởng thụ như thế. Joerg nói Joerg cảm thấy lo lắng, vì thành công của xã hội Đức là dựa trên tính kỷ luật và lao động chăm chỉ. Nay nếu lớp trẻ chỉ hưởng thụ thì xã hội Đức sẽ xuống dốc. Trong khi đó những nước như Trung Quốc, cả nuớc họ đang làm việc rất hăng để phát triển thật nhanh…Joerg chính là người đã đọc Hermann Hesse cho tôi, còn tôi thì đọc Chế Lan Viên cho Joerg.

***


Saturday 19 September 2009

Không kết nối

Đã bao lâu rồi bạn chưa nhìn ra cửa sổ? Có thế bạn bảo rằng, bạn nhìn ra cửa sổ hàng ngày, bạn thấy rất nhiều xe chạy, hoặc không chạy, hoặc ly kỳ hơn, bạn còn nhìn thấy cả một vụ tai nạn, một con chó chui vào gầm xe tải, hoặc một con ruồi va vào kính chiếc Camry. Không , không tính kiểu nhìn ra cửa sổ kiểu fast food như thế. Câu hỏi của tôi là đã bao lâu rồi bạn chưa ngồi bên cửa sổ, thật lâu, phóng tầm mắt ra xa, ngồi thừ ra và nghĩ vẩn vơ? Lần gần đây nhất của tôi là sáng nay - sẽ nói chuyện đó sau – còn lần liền kề trước đó thật tình tôi không nhớ, có thể là năm, mười hay mười lăm năm, mà cũng có thể xa hơn nữa, xa đến mức cơ hồ không còn trong ký ức.

Để có thể nhìn ra cửa sổ như sáng nay, cần có hai điều kiện: một chiếc laptop hỏng, và, một khung cửa sổ, dĩ nhiên. Chiếc laptop của tôi, hiện đại như nó vẫn thế, có thể bắt mọi tín hiệu wireless mong manh nhất, trừ tín hiệu wireless của chính công ty tôi. Ngoài chuyện đó, thật ra, nó vẫn hoạt động bình thường, nhưng như vậy có nghĩa là tôi không tận dụng được những không gian thư giãn trong tòa nhà văn phòng của công ty, chẳng hạn những hành lang dài được trang trí như những quán bar hay café sân vườn vốn được thiết kể để khuyến khích nhân viên tăng cường giao tiếp. Các bạn IT sau khi xem xét kỹ lưỡng kết luận rằng laptop của tôi cần phải rebuild. Thế là, sáng nay tôi đến văn phòng, bàn giao laptop cho các bạn IT, sang Highlands mua một ly cà phê đá, ghé thư viện lấy một chồng báo, rồi đường hoàng ra khu vực thư giãn, trèo lên một chiếc ghế cao như ghế quán bar và nhìn ra cửa sổ.

Điều đầu tiên tôi nhận ra, không phải là một thứ gì đó trong tầm nhìn, mà là cảm giác không kết nối. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, tôi là ốc đảo, cách xa cái xa lộ thông tin hàng tỷ tỷ bytes đang chạy rầm rập ngoài kia. Tôi ngồi đây, một chồng báo trên tay, nhìn ra cửa sổ, ở đó mà như không tồn tại…

Có lẽ tôi phóng đại cảm giác. Có lẽ, thật ra, không đến nỗi như thế. Có một sự thật là công việc của tôi chủ yếu sử dụng email để trao đổi với đồng nghiệp và khách hàng trên rất nhiều nước, và đối với nhiều người trong số họ, tôi chỉ là một cái tên trong inbox, nếu tôi không gửi hoặc trả lời email, họ sẽ tưởng tôi tuyệt tích giang hồ. Tuy nhiên, cảm giác thật sự của tôi lúc đó là: lạ. Vì đến văn phòng mà không phải dán mắt vào màn hình, không phải đọc email, không lướt net. Thay cho màn hình, tôi có một khung cửa sổ mênh mông. Ngoài cửa sổ, là một bãi đất trống dài, rồi một con kênh. Bên kia kênh, là một con đường, hơi khuất nên không nhìn thấy xe cộ, chỉ thấy chòi lên một dãy nhà cái cao cái thấp. Sau dãy nhà, hình như là một ngọn đồi thấp, cỏ cây lơ thơ. Còn thay cho internet, tôi có một chồng báo in, mới toe chưa ai đọc.

Tôi lướt qua mục lục một tờ báo cuối tuần khổ to, giấy bóng loáng. Đập vào mắt tôi, là một bài báo viết về bài hát Goodbye của Air Supply. Một thời, vào quán café nào người ta cũng nghe I can see the pain living in your eyes, and I know how hard you try… Bài báo cũng bắt đầu bằng mấy câu đó, tiếp theo là cái gì mà tiếng dương cầm chạy dài trong chiều mưa nhiệt đới, rồi kỷ niệm co thắt. Tôi bị mắc kẹt ở đó, ở hai chữ “co thắt”. Tôi nhìn chằm chằm vào hai chữ đó, nhìn cái dáng vẻ bên ngoài của hai chữ đó. Bạn có bao giờ làm như thế chưa? Nhìn chăm chăm vào một chữ, một lúc mắt bạn hơi mờ đi, nghĩa của chữ trong đầu bạn cũng mờ đi, bạn nhìn chữ như một người lạ, xem cái cách chữ được viết gợi ra điều gì.

Tôi nhìn và tôi thấy, trong “co” có chữ “o” nằm co ro, còn trong “thắt” có chữ “ă” như một cái hố bị chặn bởi chữ “t” như một cái thành. Co thắt, co thắt, co thắt… bạn rụt cổ lại đi. Tôi thở ra một hơi dài, ngẩng đầu lên và nhìn ra cửa sổ. Kỷ niệm của tôi chưa bao giờ co thắt, tôi cũng không hình dung nổi kỷ niệm khi co thắt thì như thế nào. Một trăm lần đi ngang chợ Bến Thành, một trăm lần nhìn lên hàng chữ quảng cáo trên tóc trạm điều hành xe bus, tôi thấy Happy Cock. Sự thật đó là Happy Cook, chảo chống dính, nhưng mắt tôi hoạt động theo một cách nào đó, chỉ nhìn ra Happy Cock, là gì thì bạn biết rồi, con chim vui vẻ. Không biết có phải nhờ cái gen méo mó tự nhiên của tôi mà con gái Alpha chỉ hát em yêu chim em đánh chim, chứ không hát em yêu chim, em mến chim. Còn bây giờ, nhìn chữ co thắt, tôi chỉ nhớ đến co thắt tử cung.

Nhiều khi không kết nối cũng là một cảm giác vui, ngồi nhìn ra cửa sổ cũng là một kỷ niệm tuyệt vời phải không? Kỷ niệm này không co thắt.

Laptop tôi đã sửa xong. Tôi đã có thể ôm laptop chạy lung tung trong văn phòng. Nhưng lần tới ngồi bên cửa sổ, tôi kết nối.

Thursday 17 September 2009

Số phận

Tiếp một bài của bác Phạm Quang Vinh, trong tập Chúng ta là bạn sắp xuất bản. Entry kế tiếp rất có thể là một bài review cuốn này. Mà cũng có thể không:)


SỐ PHẬN

Thứ Hai ngày 30 tháng 3 năm 2009

Có rất nhiều người sinh ra cùng với sự thiếu may mắn. Thực tế là tất cả mọi người đều mong muốn giá như họ có thêm chút may mắn này hay may mắn khác, kể cả những người mà khi nhìn vào, chúng ta nghĩ rằng có vẻ như họ đã có được tất cả mọi thứ. Đôi khi người ta còn mong muốn đổi sự may mắn của mình lấy sự may mắn của người khác, chỉ vì người ta không có được sự may mắn mà mình mong muốn.

Cũng chính sự khác nhau trong số phận và hoàn cảnh của mỗi con người, tạo nên một xã hội hấp dẫn và quyến rũ, thu hút mỗi ngày mỗi giờ trong cuộc sống của chúng ta, con trai ạ.

Ví dụ như sáng nay, bố thấy mình rất may mắn khi không chỉ có tiếng những con chào mào hót bên ngoài cửa sổ, mà còn có tiếng đàn từ phòng khách, khi con tranh thủ tập chơi một bản nhạc mới khi chờ đến giờ xe bus đón.

Nhưng xung quanh chúng ta, có rất nhiều những người không may mắn, dù họ không có lỗi lầm dù nhỏ nào khi có mặt trên đời.

Chẳng hạn câu chuyện về một cậu bé ở Xuân La bị các bạn cùng học chế giễu và thậm chí, xúc phạm chỉ vì cậu bé ấy là một người chậm phát triển. Hay như những câu chuyện về những đứa trẻ khác bị tự kỷ mà bố mới đọc cách đây mấy chục phút. Cách thức con người đối xử với sự kém may mắn của những người khác, chính là cái mà người ta gọi là nhân cách, là sự tử tế, là cách thức người ta trở thành những người đáng được tôn trọng trong xã hội.

Có nhiều người, dù may mắn là người bình thường, nhưng lại sẽ tự mang lại cho mình sự thiếu may mắn khi tự mình hành xử thiếu chừng mực, và đánh mất sự may mắn của việc mình được làm người bình thường.

Ví dụ như chàng trai trẻ tối thứ bảy vừa rồi ở phố Cửa Nam, chú ấy có may mắn là có cô bạn trẻ xinh tươi ngồi sau xe, nhưng lại đánh mất sự may mắn của khả năng làm một người lịch sự khi cố gắng chen xe máy vào giữa xe đạp của bố và xe đạp của con chỉ để vượt lên phía trước một chút.

Hành xử với những người khác, theo cách mà chúng ta tôn trọng họ, luôn là cái mà mỗi người đàn ông sẽ phải học và cân nhắc trong suốt cuộc đời của mình, để không chỉ mang lại may mắn cho chính mình, mà còn làm cho số phận của những người khác trở nên tốt hơn, may mắn hơn.

Bố muốn con biết rằng con đã có rất nhiều may mắn, nhưng cũng sẽ có rất nhiều thứ mà những người khác may mắn hơn con, và mỗi ngày lớn lên, con sẽ biết cách làm cho những người xung quanh mình hạnh phúc hơn, như cảm giác sáng nay con mang lại cho bố, từ những thanh âm chập chững của con trong một buổi sáng đầu tuần.

Wednesday 16 September 2009

Không tập trung

Hôm nay có mấy việc quan trọng cần làm mà thế quái nào mãi không tập trung được. Cái thói đã không tập trung thì hay lo mọ trên net. Lọ mọ trên net nghĩ ngợi một hồi càng không tập trung được. Đã có thời không tập trung được thì làm thơ. Tất cả các quyển vở của tôi thời đi học từ trước ra sau là ghi chép lời vàng ý ngọc của các thầy cô, còn từ sau ra trước là phác thảo các thể loại thơ ca vẽ vời nhăng nhít. Hồi lâu lắm rồi, nhớ có một bạn có một loạt thơ dưới tựa đề chung là Trong lớp không tập trung (giống tôi). Ví dụ một đoạn như sau:

ngày dài lắm tháng dài vô tận

cái nhìn xa xăm vẫn đến mỗi lần

ờ mà ngày xưa Nguyễn Huệ dẹp quân Thanh

chết đã bao người nhỉ ?

Bạn này bảo bạn chẳng bao giờ đọc thơ, nhưng làm thơ khá nhiều. Thơ bạn nhiều bài hay và lạ, nhưng động đến chuyện thơ thì bạn lại giãy lên như đĩa phải vôi, nên thôi không nhắc đến tên bạn làm gì. Kể cũng là điều đáng tiếc.

Lọ mọ trên net thấy bài này. Nói chung đọc báo hàng ngày cũng là một cách luyện yoga, vì yoga chú trọng phép thở, mà đọc báo thế nào cũng có chuyện khiến thở dài thườn thượt. Nếu không thở dài thườn thượt thì cũng có chuyện cười đau cả bụng, chung quy cũng tốt cho vùng cơ ít vận động của dân văn phòng. Tuy nhiên, có chuyện cười xong lại xót xa, mà xót xa thì hại cho bao tử. Lợi hại chẳng biết đường nào mà lần:) Cứ theo như cái link kia, Obama hay Clinton sang Việt Nam chắc không kiểm nổi chân chủ tịch huyện vì các vị ấy không có bằng tiến sĩ, cũng đồng nghĩa không có tư duy đột phá. Thật ra, để làm chủ tịch quận huyện hay giám đốc sở chỉ cần tư duy như một người có học bình thường là tốt lắm rồi. Tình hình này vài năm nữa có khi tiến sĩ lại nhiều như lợn con.

Lọ mọ tí nữa lại thấy bài này. Có nhiều thứ hay ho trong đó, chẳng hạn như fact số 3 nói về chuyện vi trùng có thể xuyên 10 lớp giấy toa-nét vì vậy xong thì nhớ rửa tay. Cái này tưởng thường thức vệ sinh căn bản nhưng thực tế ở Việt Nam có số liệu cho thấy tỷ lệ không rửa tay sau đại tiện lên đến 68%, còn tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng chỉ ớ mức 17%. Chợt nhớ chuyện một người bạn kể hồi phổ thông đi học thêm môn toán ở nhà thầy. Nhà thầy là dạng phòng trong khu tập thể, phía trước kê bàn ghế làm chỗ dạy thêm, kế đến là giường của thầy, phía sau là khu vệ sinh chung. Phòng thầy thông thống nên ngồi học phía trước có thể nhìn thấy phía sau. Đang dạy, chợt thầy ra một bài tập cho học trò cắm cúi làm rồi thầy lẻn ra phía sau. Bạn tôi nhìn thấy thầy đi vào, lát sau đi ra rồi vào lớp cầm phấn dạy tiếp. Bạn tôi kể nó không tập trung học tiếp được. Đầu nó chỉ lẩn quẩn một câu hỏi: tại sao thầy đi xong mà không rửa tay? Thế mới biết việc một người không rửa tay cũng có thể làm cho người khác mất khả năng tập trung.

Tuesday 15 September 2009

Cũng sốt

Nhân dịp bạn Nhị Linh đang sốt, post bài thơ Sốt của Hoàng Hưng. Nói chung tôi thích thơ bác này, nhất là tập Người đi tìm mặt. Ngoài việc thơ hay, bác còn có một cô con gái ngày xưa rất xinh, bây giờ không biết như thế nào, nhưng nghe đồn vẫn còn xinh:)


Sốt

Tôi bồng bềnh tôi nở chật không gian
Tôi nhìn tôi bay khỏi đất
Cơn sốt nào đây thân thể rùng rùng ù tai chóng mặt

Bàn tay em suối mát
Lòng anh còn bất an

Tiếng em đều đều lời kinh xa xăm
Có một kiếp mình tu chưa trọn kiếp
Mắt em trên ngọn cây
Dõi đoàn tàu oan nghiệt
Kiếp này anh lại vụng
Có còn kiếp khác không em?

Giật mình gối ướt
Tay quờ sang em
Ngày buồn ăn cả vào đêm
Em ngồi như núi lặng im mà buồn
Anh còn chao đảo vô thường
Những cơn động đất điên cuồng dưới da
Bao giờ cơn sốt lùi xa
Để anh lẳng lặng tan ra thành lời


Hoàng Hưng

Monday 14 September 2009

Tay trái

Bài của một người bạn, bác Phạm Quang Vinh, tục gọi là Phừng Già. Bài này nằm trong tập sách Chúng ta là bạn sắp xuất bản, tập hợp những bài viết cho con trai trên blog của bác trước đây. Post lại với sự đồng ý của tác giả.


TAY TRÁI

Thứ Ba ngày 7 tháng 8 năm 2007

Hôm nay, bố viết thư cho cô giáo hiệu trưởng của con, và để nói với cô giáo rằng, bố muốn cô giáo và các bạn con đừng để tâm đến chuyện con thuận tay trái.

Bố thuận tay phải và vì vậy, bố không có kinh nghiệm gì để biết hay nhận xét rằng, thuận tay trái thì có tốt hơn hay xấu hơn thuận tay phải không, nhưng bố biết, con được sinh ra như vậy, và có lẽ điều đó tốt hơn cho con. Có người nói rằng thuận tay trái thông minh hơn, cũng có thể như vậy, nhưng quan trọng hơn, chúng ta không nên bắt mình phải khác với cái mình có, cái tự nhiên, con trai ạ.

Bố cũng không mong rằng con cần được rèn cho chữ đẹp, có vẻ chuyện đó thật sự không cần thiết, chúng ta thực sự có rất nhiều việc khác phải làm trong cuộc đời, có rất nhiều thứ con phải học. Đọc những quyển sách của con chẳng hạn, là một ví dụ cho những công việc cần thiết.

Và có lẽ mọi người không muốn biết bố đã đề nghị cô hiệu trưởng đừng bắt con trai của bố phải khoanh tay chào người lớn. Bố biết rằng đó không phải là một phần của lễ nghi và lịch sự, và bố cũng biết chẳng đứa trẻ nào mong hay yêu thích việc đó. Bố muốn con hãy làm khác hơn, nhìn thằng vào mắt người đối diện, dù là người lớn hơn hay bé hơn, và hãy tập cầm lấy bàn tay người khác để biết họ là ai...

Bố không biết như thế là sai hay không, nhưng bố muốn con, như mọi đứa trẻ khác, cần phải được tôn trọng. Và giá như bố có thể để nghị cô giáo của con đừng gọi con là các con, để con không phải hỏi bố "tại sao cô giáo lại gọi con như vậy".

Nhưng mà có điều này nữa con trai ạ, cuộc sống thật sự là phức tạp, và chúng ta cần phải làm quen với nó và cần kiêu hãnh để sống.

Friday 11 September 2009

Trên bàn bên kia có rượu vang

Tôi ăn tối một mình trong một quán nhỏ, ở một tỉnh nhỏ, ở Đức. Các bàn đều có người ngồi, nhưng quán không ồn, vì ai cũng nói khẽ. Vì đi một mình, tôi được sắp ngồi ở cái bàn tròn nhỏ nhất của quán, gần nơi máng áo khoác.

(Trích Trên bàn có hoa cúc – Đoàn Minh Phượng)

***

Chuyện này xảy ra hôm qua:

Tôi ăn trưa ba mình trong một quán không lớn, cũng không nhỏ, ở một thành phố lớn, ở Việt Nam. Hầu hết các bàn đều vắng, và quán lại ở dưới hầm, nên khi chúng tôi mới vào quán khá yên tĩnh. Vì quán ít người, nên chúng tôi có thể ngồi đâu tùy thích. Tôi chọn một bàn dành cho bốn người ở giữa quán. Khi ngồi ăn một lúc rồi tôi mới nhận ra đây là sai lầm. Lựa chọn tốt hơn có thể là một bàn trong góc, khi đó, khả năng những người bạn không thích ngồi bàn kế bên sẽ giảm đi đáng kể. Thường chỉ khi hậu quả xảy ra rồi, người ta mới biết lựa chọn của mình có đúng hay không.

Ba người chúng tôi, tuy đều tiềm tàng khả năng nói to, nhưng câu chuyện của chúng tôi chỉ vừa đủ nghe: quán yên tĩnh, nhạc nhẹ nhàng, chúng tôi không có nhu cầu gào vào tai nhau hoặc vào tai người khác. Nhưng người khác dường như có nhu cầu gào vào tai chính tôi: bàn kế bên lúc ấy đã có bảy tám hay chín người. Tôi nhận ra trong số đó một nam ca sĩ tương đối có tiếng. Anh này có một giọng hát mà tôi hay đùa là phều phào, thiếu sinh [thực] khí. Dù sao, anh cũng là người đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên nhất trong đám thực khách bàn bên.

Vì là ăn trưa, mỗi người trong chúng tôi đều sẽ quay lại văn phòng tiếp tục làm việc, nên chúng tôi không gọi rượu hay bia. Bàn bên kia gọi rượu vang.

Chúng tôi nói chuyện về công việc, nhà cửa, những dự án sách vở. Nhưng, tôi không tập trung được cho lắm, vì trong khi hai bạn tôi quay lưng với bàn bên kia thì tôi lại nhìn thẳng, nên dù muốn dù không họ cứ đập vào mắt tôi. Tệ hơn, những âm thanh phát ra từ bàn họ cứ dội vào tai tôi, chói lói. Họ cười nói, họ trêu đùa như thể trong quán chỉ có họ. Họ đứng dậy cụng ly chan chát, côm cốp, như thể họ đang uống bia hơi ở vỉa hè Hà Nội hay bia tươi trong những vườn bia Sài Gòn. Những ly rượu vang mỏng mảnh cứ như chực vỡ.

Những ly rượu vang chỉ chực vỡ chứ chưa vỡ, còn cái tinh tế, thanh lịch trong văn hóa rượu vang phương Tây chắc đã vỡ rồi, tại đây, trong một nhà hàng ở Sài Gòn, ở Việt Nam.

Thursday 10 September 2009

Hễ thế này thì thế kia (tiếp)

Đoạn đầu ở đây

***

Hôm nay lại mưa từ sớm, nhưng hôm qua và cả hôm trước nữa trời hoàn toàn khô ráo. Buổi sáng, bầu trời nhiều mây. Không khí trong lành và mát dịu. Tôi lái xe đi làm, cửa kính hạ thấp, để gió lùa vào mang theo mùi cỏ cây hăng hắc. Đất trời hình như sang thu. Mà thu về thật. Hai bên đường, những hàng cây tôi không rõ tên lá đã chớm vàng. Có chiếc lá vội sớm lìa cành, cuốn theo chiều gió, bay vào trong khoang xe rồi đáp xuống vai tôi dịu dàng như cánh bướm. Chợt nhớ câu Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu (Ngô đồng một lá bay vèo – Ai ai cũng biết eo sèo thu sang). Rồi lại nhớ đoạn văn kinh điển này: “Hàng năm, cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…”. Hễ thu về thì lá rụng mà lòng tôi cũng khắc khoải nao nao…

Tôi bịa đấy. Cái đoạn trên là hoàn toàn bịa. Chiêu bịa này mới học của cô Tùy nữ:) Ở Sài Gòn thỉnh thoảng không khí cũng trong lành mát dịu, nhưng đấy là phải dạt ra ngoại ô, chứ phóng xe giữa phố thì đào đâu ra mùi cỏ cây hăng hắc với cả lá vàng khẽ bay vèo. Tả như thế là định kiến với mùa thu Sài Gòn. Đâu nhất thiết lá rụng mới ra mùa thu, đúng không?

***

Trong bài này, bác VMC có kể về quang cảnh khai giảng ở một trường nhà giàu. Tuy không nói thẳng ra, nhưng bàng bạc trong bài của bác là ý người giàu, hoặc ít ra là những người giàu có mặt trong buổi khai giảng đấy, lố lăng. Có vẻ như câu chuyện khai giảng đó, xét về khoảng cách, đứng gần với chuyện đội Brazil nhảy samba khi đá với Argentina và câu chuyện bịa Sài Gòn mùa thu lá rụng của tôi, hơn là chuyện bạn Alpha nhất định phải khóc nhè khi phải đi học lại sau mấy ngày nghỉ hay chuyện trời mưa mọi người đều phải đi tìm chỗ trú. Trong một số trường hợp, có thể hễ thế này thì thế kia, nhưng trong một số trường hợp khác, không nhất thiết hễ thế này thì thế kia. Cho nên, tôi nghĩ, để tránh thành kiến thì tốt nhất là không có thành kiến:), mà phải nhìn thẳng vào sự thật như anh Nguyễn Viết Xuân nhìn thẳng quân thù mà bắn:).

Tuesday 8 September 2009

Vì sao dịch giả nên học lái ô tô?

Trong cuốn Người tình Sputnik của Murakami, bản dịch tiếng Việt, tất nhiên, có một câu như thế này: Chiếc Alfa Romeo bọn tớ thuê là loại lái bằng tay nên tớ không giúp được gì cả”. Alfa Romeo là một chiếc trông như thế này, và tất nhiên mọi chiếc Alfa Romeo đều lái bằng tay hay chính xác hơn mọi ô tô đều lái bằng tay trừ khi bạn là diễn viên xiếc khi đó bạn có thể lái bằng chân hay bằng mồm tùy ý. Tôi đoán rằng chữ lái bằng tay trên trong bản tiếng Anh là manual drive. Tiếng Việt thường gọi là xe số sàn, để phân biệt với xe số tự động.

Còn trong cuốn Nỗi cô đơn của các số nguyên tố của Paolo Giordano (cũng bản dịch tiếng Việt và cũng tất nhiên vì tôi đâu có đọc bản tiếng Ý), đoạn Alice tập cho Mattia lái xe, Alice chỉ Mattia rằng chân trái điều khiển cần thắng, còn chân phải điều khiển phanh và ga. Như vậy hóa ra phanh và thắng là hai thứ khác nhau, và trên cùng một chiếc xe, ở đây là Fiat, vừa có phanh vừa có thắng. Thật ra, trên ô tô cái mà chân trái điều khiển thường được gọi là chân côn. Đối với xe số sàn, không phải xe lái bằng tay, khi vô số, chuyển số hoặc khi thắng cần phải đạp côn, nếu không thì xe tắt máy.

Vì có hai sự cố liên quan đến ô tô như thế, có lẽ các dịch giả nên học lái ô tô:) Tuy nhiên, biết lái ô tô rồi không loại trừ vẫn dịch không chính xác những chi tiết liên quan đến tàu thủy, phi thuyền, hay máy bay bà già, nên chăng các dịch giả cần học lái cả những thứ này?:)

----

Liên quan đến ô tô, có bạn này đang xuyên Việt bằng ô tô, vừa đi vừa chụp ảnh vừa viết blog khá thú vị.


Tái bản

Cái trường thiên tản mạn dưới đây được viết tại Úc cách đây 7 năm, xuất bản ở tathy.com cùng năm, tái bản lần thứ nhất tại Yahoo 360 nhưng sau đó bị rút xuống do trục trặc về vấn đề giấy phép. Nay, sau khi bị bọn thực dân đế quốc cùng bè lũ tay sai kiểm duyệt đục bỏ một số rất nhiều mênh mông đoạn, được phép tái bản lần thứ hai tại Blogger. Dĩ nhiên, mục đích của việc tái bản là phục vụ những người chưa đọc, còn ai đọc rồi miễn đọc miễn bình luận:) Trường thiên tản mạn này có nội dung người lớn, do đó, được xếp hạng R++, chống chỉ định người dưới 18 tuổi .

Ngọn gió, và những ghi chép rất vụn vặt bên bờ hồ

Diều cao nhờ gió lên ngôi
Gío nâng bao cánh chim vời trời xanh
Luôn nghe hơi gió bên mình
Thướt tha như váy bồng bềnh cỏ tơ

Suốt ngày dài gío reo ca
Những bài ca gió ngân nga suốt ngày

Biết bao việc gió làm đây
Mà sao gío cứ che tay giấu mình?
Gió rộn ràng gió rung rinh
Mà sao chẳng thấy bóng hình gió ơi

Suốt ngày dài gió reo vui
Những bài ca gió chơi vơi suốt ngày

Gió già, hay trẻ thơ ngây?
Mà sao mạnh mẽ, mà đầy cách xa?
Gió là quỷ cánh đồng hoa?
Hay là cậu bé lắm trò nghịch thôi?

Suốt ngày dài gió reo chơi
Những bài ca gió rền vui suốt ngày.

Cách đây mấy hôm, một chiều ngồi bên bờ hồ, không hiểu lơ tơ mơ thế nào nhớ lại bài này. Đó là một trong những ngày rách việc cuối cùng, tôi đi lang thang một mình trong khuôn viên trường. Chiều thứ sáu, còn trong đợt nghỉ đông nên trường rất vắng. Tôi chầm chậm thả bộ men theo đường Sir Fred Schonell, băng qua bãi cỏ rộng, nơi những cây tôi không biết tên đang đỏ và rụng lá. Tôi cứ thong dong như thế, vừa đi vừa nhẩn nha ngắm, thỉnh thoảng dừng lại chụp mấy kiểu ảnh, rồi lần lần ra đến ven hồ lúc nào không hay.

Bờ hồ luôn là nơi ít nguời qua lại, mặc dù đẹp. Có lẽ vì nó ở khá xa những toà nhà chính. Ven hồ có một chiếc ghế gỗ, tôi buông mình xuống đấy, và ngồi im. Sau lưng tôi là triền cỏ, dưới chân tôi là cỏ, và trước mặt tôi là hồ nước. Nước hồ sẫm màu, trông hơi huyền bí, nhất là khi trời đang tối dần. Ngày không nắng lắm, nên khi trời tối dần, tôi cũng không bị hụt hẫng. Tôi cũng không được thấy một hoàng hôn kiểu mặt trời xuống dần, vài tia nắng xuyên qua mây, rồi óng lên mặt nước. Không, tôi không thấy như thế.

Thật ra tôi cũng không thấy gì nhiều, vì tôi không cố tình nhìn ngắm. Tôi ngả người vào ghế, hai tay thoải mái tì hai bên. Ghế rộng, mà chỉ mình tôi ngồi. Tôi đăm đăm nhìn vào mặt hồ, thỉnh thoảng cũng ngước mắt nhìn ra phía xa bên kia. Tôi không đeo kính, nên bờ hồ bên kia đâm rất mờ ảo. Nhưng tôi biết chắc có rất nhiều chim bên đấy. Cứ nghe tiếng xao xác thì biết.

Trong khuôn viên trường tôi có rất nhiều chim. Nhiều nhất là quạ, những con quạ to, đen và ồn ào, luôn nhảy thoăt thoắt từ các cành cây xuống sân, rồi đâm bổ ngược lên khi có nguời tới gần . Chúng tránh người chắc chỉ vì lòng tôn trọng, chứ không phải để tự vệ, vì ở đây không ai tấn công chim cả, mặc dù nguời thì có. Cách đây mấy tháng, trường có thông báo về một trường hợp một nữ sinh viên bị tấn công khi đi tắt qua chính khu bờ hồ này, nhưng cô ấy chạy thoát.

Tôi muốn nói thêm về những con quạ ở đây, nhìn kỹ chúng không có vẻ gian giảo mấy, trông bệ vệ là đằng khác. Dù vậy, tôi cũng không ưa chúng. Chúng luôn ồn ào hơn mức có thể chịu đựng được: lúc mới sang, nhiều buổi sáng tôi đã bị đánh thức vì sự lắm mồm của chúng. Tôi còn một lý do khác, cơ bản hơn để không thích quạ. Lúc bé, tôi đã trót đọc quá nhiều truyện không hay về chúng. Bây giờ, tôi không thể nhớ chính xác chúng đã làm gì xấu trong những truyện tôi đã đọc, nhưng ấn tượng xấu về chúng trong tôi vẫn không phai. Có lẽ những gì đã in dấu vào tuổi thơ đều khó phai như thế, cho dù khi lớn lên, ta tiếp xúc với những môi trường hoàn toàn khác, kinh nghiệm những cái hoàn toàn khác những thứ mà chúng ta đã biết khi còn nhỏ. Có thể cách nhìn nhận vấn đề sẽ thay đổi theo thời gian, theo môi trường sống, nhưng cái phần gốc, phần cơ bản nhất của tính cách, đã hình thành từ khi còn bé, và bất biến. Chẳng những bất biến, nó còn chi phối mạnh mẽ đến cách nhìn nhận thế giới về sau này.

***

Tôi đang làm một việc khá lạ lùng đối với chính tôi, là ghi lại nhưng cảm xúc của mình bằng văn xuôi. Tôi ít khi viết văn xuôi, trừ những bài tập làm văn lúc bé và những bài nghị luân lúc lớn. Tất cả đều được viết khi bị bắt buộc. Thật ra, tôi cũng đã từng có vài cuốn nhật ký. Vào những giai đoạn khác nhau, tất cả các cuốn nhật ký này đều được viết dày đặc trong khoảng một hai tuần đầu, thưa dần trong vài tuần kế, và sau hai tháng thì đều bị quẳng vào một xó. Tôi lười. Vả lại tôi khó chịu với chính mình khi đọc lại những suy nghĩ của mình. Tôi đấy ư? Làm sao tôi lại có thể suy nghĩ vớ vẩn, cải lương như thế được.

Tôi thích diễn đạt cảm xúc của mình bằng thơ hơn. Tôi làm bài thơ đầu tiên năm lớp một, chính xác là khi 5 tuổi, vì tôi học miễn tuổi. Bài thơ đấy bây giờ tôi vẫn nhớ, khá buồn cười.

Nhà tôi có vườn, tuy không rộng lắm nhưng cũng đã quá nhiều đối với bố tôi, một giáo viên trường làng không còn được dạy học từ sau giải phóng, dù ông là người sáng lập ra trường học ở vào cái lứa tuổi mà tôi bắt đầu biết viết thơ tặng con gái. Bố tôi thường vác cuốc ra vườn, cuốc xới một cái gì đấy, ngày nào cũng thế chừng vài tiếng. Tôi, 5 tuổi, chắc là rất bé, vác một cái cuốc bé xíu.luỡi cuốc chắc to bằng bàn tay tôi lúc đấy, cũng ra vuờn và đứng “cuốc đất” bên cạnh ông. Đó hoàn toàn là một công việc tự nguyện, và tôi tự hào vì đã biết lao động chân tay là vinh quang từ khi học đánh vần, mặc dù khi thật sự có khả năng cầm cuốc thì tôi luôn kiếm cớ trốn tránh bằng cách làm bài tập. Vậy mà khi đó, anh tôi và chị tôi đã cả gan dám trêu tôi. Tôi quyết định phải dạy cho họ một bài học.

Nhà tôi có một cái bảng to treo giữa nhà, vì cả bố và mẹ tôi đều là giáo viên. Sau này cả anh và chị tôi đều là giáo viên nốt, cho dù họ không muốn. Còn tôi thì đã muốn, nhưng rốt cuộc không trở thành giáo viên. Lúc đó, tôi đã biết viết. Tôi viết lên giữa bảng bốn câu xiêu vẹo như thế này:

“Cuốc đất là một việc cần nhất

Vì cuốc đất làm ta khoẻ mạnh

Thì nuớc ta lại càng giàu mạnh

Nuớc khác không dám động đến nuớc ta”.

Viết xong, tôi nắn nót viết bằng chữ in tựa đề bài thơ, LAO ĐỘNG.

Thế đấy, tôi, 5 tuổi, đã quán triệt được mối quan hệ giữa lao động chân tay và sự phát triển kinh tế và khả năng quốc phòng của đất nuớc. Tôi có thể khẳng định rằng tôi yêu nuớc từ khi còn rất bé, bây gìơ vẫn còn yêu, dù rằng tôi không cho rằng “cuốc đất là một việc cần nhất” nữa.

Cả nhà nửa tin nửa ngờ khi tôi tuyên bố tôi mới làm một bài thơ. Bố mẹ anh chị tôi đều đọc. Hình như cả nhà được một bữa cười, nhưng hình như tôi cũng được anh chị tôi kính nể vài phần. Mẹ tôi bắt tôi chép bài thơ vào một tờ giấy đôi. Tôi được khuyến khích làm thơ, đọc thơ từ đó. Tôi bắt đầu đọc Tố Hữu, Giang Nam (bài Quê huơng là bài đầu tiên tôi thuộc lòng và chưa bao giờ quên một chữ) rồi sau đó là Trần Đăng Khoa.

Bạn văn chương của tôi hồi đó bao gồm một cô giáo dạy văn cấp hai và một cô giáo dạy văn cấp ba. Cô giáo cấp hai tặng tôi cuốn thơ Trần Đăng Khoa. Thỉnh thoảng cô đem tôi vào trường giới thiệu với các giáo viên khác, hỏi tôi những câu hỏi kiểu Đường lên đỉnh Olympia, đại loại Tố Hữu có mấy tập thơ, Nguyễn Trãi làm đến chức quan gì.v.v. Khi tôi học đến lớp 7, tôi nhớ cô gặp tôi dọc đường và than phiền với tôi rằng sách tiếng Việt cải cách buồn cười lắm, ai đời lại ghép từ “tình hình” và “trạng thái” thành từ “tình thái” bao giờ. Tôi rất thông cảm và chia sẻ với cô. Cô giáo cấp ba tặng tôi muốn cuốn sổ nhỏ, giấy trắng tinh với 4 câu thơ ở trang đầu:

Tặng Vũ cuốn sổ nhỏ

Làm ngôi nhà cho thơ

Những bài thơ dẫu ngắn

Đừng để mất bao giờ

Cuốn sổ đó thay thế những tờ giấy đôi, bây giờ ở trên kệ sách nhà bố mẹ tôi.

Làm thơ, đối với tôi bây giờ dễ hơn viết văn xuôi rất nhiều, dù những năm gần đây tôi viết rất ít. Tôi sẽ ngồi lặng yên, đôi khi nhắm mắt, lắng nghe câu chữ đến. Câu chữ, vần điệu, ý tứ tự nó đến, đến một cách xôn xao nhưng trật tự, tôi chỉ việc ghi lại thật nhanh những gì đến với tôi lúc đó. Văn xuôi đối với tôi khó hơn nhiều. Mà tôi lại cảm thấy viết văn xuôi quá rủi ro, người đọc dễ dàng hiểu những gì tôi viết, nhìn thấu cả tôi. Thế nên tôi vẫn thường thích viết thơ hơn, cho dù khi làm thơ tôi cũng cô đơn hơn rất nhiều. Ngừơi đọc, cho dù bất kỳ đấy là ai, bạn bè, gia đình hay người lạ, thường chẳng hiểu tôi hoặc hiểu sai tôi. Và thường những bài tôi thích nhất thì bị cho là dở. Còn những bài được nhiều người thích thì bản thân tôi thấy chán.

(hình như là chưa hết)

Monday 7 September 2009

Hễ thế này thì thế kia

Hôm nay, trời mưa từ sớm. Hay nói đúng hơn, mưa từ tối qua, rả rích, dằng dai và đến sáng vẫn không thèm dứt. Trời âm u, xám xịt, ướt át. Tôi nghĩ bụng giá không phải đi làm thì tốt biết bao. Bạn Alpha chắc cũng nghĩ nếu không phải đi học thì tốt biết bao. Ấy là tôi đoán thế, chứ bạn không nói ra, bạn chỉ òa lên khóc khi được mẹ gọi dậy chuẩn bị đi học. Tuần vừa rồi, trường mẫu giáo của bạn tạm nghỉ để các cô trang trí lớp học cho năm học mới nên bạn không phải đến lớp. Bạn được ở nhà vui chơi nhảy múa với em Pi suốt cả tuần. Hai cụ thân sinh ra bạn đã dự đoán rằng sáng nay thế nào bạn cũng kêu gào. Quả nhiên đúng thế. Hễ cứ nghỉ ở nhà vài hôm đến khi đi học lại bạn lại sụt sùi. Đây là một quan sát mang tính ghi nhận quy luật, trung thành với sự thật và không có thành kiến.

***

Hôm thứ bảy mùng 5 tháng 9, tôi dậy từ lúc 5 giờ 15 để [ăn sáng rồi] đi dự lễ khai giảng ở một trường phổ thông trung học một quận ngoại thành. Dậy sớm vào một sáng thứ bảy không phải là điều dễ chịu gì. Tuy nhiên, đã mười mấy năm rồi tôi không dự bất kỳ lễ khai giảng nào nên tôi cũng có phần háo hức. Cảm giác háo hức bù trừ với cảm giác không dễ chịu vì dậy sớm sáng thứ bảy cho ra một cảm giác trung tính. Kết quả là tôi không vui vẻ, chẳng buồn bực, có thể ngồi thẳng thóm trên hàng ghế đại biểu và quan sát các em học sinh. Nhìn chung, trông các em cao và đầy đặn hơn so với thế hệ chúng tôi. Các em trông cũng có vẻ tự tin hơn, từ các em lên hát nhún qua nhún lại giống ca sĩ chuyên nghiệp đến em dẫn chương trình hay cười mỗi khi dẫn sai trình tự buổi lễ.

Lễ khai giảng tiến hành ngoài trời. Mỗi em có một cái ghế nhựa nhỏ để ngồi cho đỡ mỏi chân. Đây cũng là điều tiến bộ so với thời tôi đi học. Thời đó, ở trường của tôi, học sinh không có ghế nên chỉ có thể ngồi chồm hỗm, ngồi trên gót hay ngồi trên dép mỗi khi không phải đứng. Về cơ bản, sau một buổi khai giảng hay chào cờ đầu tuần, học sinh, điển hình là tôi, rất mỏi chân. Ở trường này, khi chào cờ thì các em đứng, những lúc khác các em được ngồi, riêng khi nghe đại diện chính quyền địa phương đọc thư Chủ tịch nước gửi các em (và các thầy cô giáo) nhân khai giảng năm học mới thì các em được yêu cầu đứng. Thời gian đọc thư chỉ khoảng năm phút nên có lẽ các em không mỏi chân lắm. Dù sao, đứng hay ngồi thì các em vẫn không có vẻ lắng nghe. Dựa vào nét mặt các em, tôi có thể cảm nhận được rằng trong khi trên khán đài có người phát biểu, tâm hồn của phần lớn các em đang bay lơ lửng trên những vòm cây trong sân trường. (Đây là phỏng đoán, mà phỏng đoán thì có thể hoàn toàn sai.)

Lẽ ra, tôi đã phát biểu vài lời ngăn ngắn sau khi trao quà tặng cho mấy em đậu thủ khoa kỳ thi tuyển sinh các trường đại học cao đẳng vừa rồi. Tôi đã chuẩn bị bài phát biểu tương đối kỹ, định bụng sẽ nói chuyện một cách thân mật với các em, bày tỏ lòng hâm mộ các em đậu thủ khoa và giới thiệu về công ty mình. Tôi đã hy vọng rằng tôi có thể lôi tâm hồn của các em lơ lửng trên những vòm cây trên sân trường xuống và trò chuyện, dẫu ngắn, với tôi. Nhưng, trời không chiều lòng người, đổ mưa sầm sập ngay sau khi tôi vừa trao quà. Tất cả, các thầy cô, các quan khách, các em học sinh, và tôi, dĩ nhiên, đều chạy kiếm chỗ trú mưa. Buổi lễ khai giảng do đó kết thúc sớm. Không cần tinh tế lắm người ta cũng có thể rút ra kết luận rằng hễ trời mưa thì ai cũng đi tìm chỗ trú nếu không muốn hay không thích bị ướt. Quan sát này tương đối hiển nhiên.

***

Sáng hôm qua, chủ nhật, giờ Việt Nam, Argentina tiếp Brazil trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2010. Đoàn quân của huấn luyện viên Maradona thua 1-3. Thua là phải, vì ai cũng biết Maradona chỉ giỏi đá bằng chân chứ không giỏi đá bằng đầu.

Hôm sau đọc báo, thấy ngay có bài tường thuật trận đấu với tiêu đề Đoàn vũ công samba nhảy múa trên đất Argentina. Nhiều người có thói quen hễ nói tới đội tuyển bóng đá Brazil là dùng ngay từ các từ vũ công, samba, nhảy múa. Vũ công không lẽ không nhảy múa?

Ai có xem trận này thì thấy ngay là các “vũ công samba” không hề “nhảy múa”. Họ đá chặt chẽ, thực dụng, có phần khá rát. Hai bàn thắng đầu xuất phát từ hai pha cố định. Bàn thắng thứ ba, Kaka chọc khe cho Fabiano bấm bóng bằng má trong chân phải qua người thủ môn, là một bàn thắng đẹp, hao hao nhiều bàn thắng đẹp khác, trong nhiều trận khác, trong nhiều giải đấu khác. Như vậy, không phải hễ Brazil thì samba hay nhảy múa. Không nhất thiết phải như thế.

(từ từ rảnh viết tiếpJ)

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN