Thursday 29 November 2007

Hoàng hạc lâu

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc:
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Lòng sông quang tạnh in rõ cây đất Hán Dương
Cỏ xanh mướt ở bãi sông Anh Vũ,
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Khói sóng trên sông khiến ai buồn sầu.

Bản dịch của Văn Toàn

Người xưa cưỡi hạc biết đi đâu?
Hoàng hạc trơ đây một mái lầu.
Biền biệt hạc vàng không trở lại,
Phiêu diêu mây trắng vẫn trên đầu.
Sông quang rõ nét Dương Hán thụ.
Cỏ mướt xanh màu Anh Vũ châu.
Quê cũ chiều tà đâu chẳng thấy.
Trên sông khói sóng khiến ai sầu.

Bản dịch của Ngô Tất Tố


Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày.
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút
Chơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi
Hạc vàng một đã đi, đi biệt
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng
Bãi xa Anh Vũ cỏ xanh ngời
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người

Bản dịch của Vũ Hoàng Chương

Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay lầu hoàng hạc chút hương rơi
Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Chiều hôm dần xuống đâu quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi

Bản dịch của Trần Trọng San

Người xưa cưỡi hạc đến nơi đâu ?
Hoàng Hạc còn đây một mái lầu
Hạc đã một đi không trở lại
Mênh mang mây trắng xóa ngàn thâu
Hán-dương sông tạnh cây in sắc
Anh-vũ bờ thơm cỏ biếc màu
Chiều tối trông vời đâu cố quận
Trên sông khói sóng giục ai sầu

Bản dịch của Đoàn Đức Nhân

Người xưa cưỡi hạc đi rồi
Còn đây lầu hạc vắng người trống không
Hạc vàng đi biệt tăm mòng
Ngàn năm mây trắng ruổi giông ngút trời
Cây bên đồng Hán rạng ngời
Cỏ thơm Anh Vũ xanh tươi một màu
Chiều tà quê ở nơi đâu
Trên sông khói sóng khơi sầu lòng ai

Bản dịch của Tản Đà

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng aỉ.

Bản dịch của Gỗ Mun – bản này chỉ những ai tham gia Thăng Long 2002 mới hiểuJ

Chị Vìu nay đã đi đâu?
Mà đây bác Quốc ôm sầu ngồi trơ.
Chị Vìu đi mất từ xưa,
Mà sao lắm chú bây giờ còn cay.
Biu Tỳ nhân dịp may này,
Vớ ngay Anh Vũ vui vầy cỏ non.
Thiếu người quang quác chiều hôm.
Thăng Long trống vắng cho buồn lòng aỉ.

Định qua chỗ bạn Tề Phi lấy thêm bản của bạn ấy nhưng sang đến nơi thấy bạn đã tự xử rồi.

Wednesday 28 November 2007

Độc hành ca

Nửa đêm thức dậy xem đá bóng xong không ngủ lại được, đành post thơ hầu các bạn. Trần Huyền Trân chơi cùng nhóm với Thâm Tâm, Nguyễn Bính, không nổi tiếng bằng hai người kia nhưng thơ không phải là không có chỗ đặc sắc. Nhắc đến Trần Huyền Trân là nhắc đến bài Độc hành ca này, tuy nhiên, toàn văn bài này chưa nhìn thấy trên toàn cõi internet. Lóc cóc gõ lại từ một cuốn sổ tay. Nói vậy cho các bạn cảm kích cái công lao to lớn của mình.



 

ĐỘC HÀNH CA

Trần Huyền Trân



1.



Ớ kìa thiên hạ đang say

Ớ nghìn tay nắm nghìn tay đang cười

Nhớ nhau nhạt thếch rượu đời

Tay vo chỏm tóc ta ngồi ta ca



Tình tang lỗi nhịp mình ta

Thương về đầu bạc xót ra má hồng

Tình tang ai vợ không chồng

Võng đưa ai mẹ bế bồng không con

Nằm đây thép rỉ son mòn

Cái đi mất mát cái còn lần khan

Cúi đầu bóng rét vương chân

Ngẩng lên đã đụng giời xuân trên cành

Không vui rau cỏ không đành

Mà cười nghe chửa ngọt lành trái mơ

Đã toan ném bút vùi thơ

Thõng buồng tay áo sợ dơ dáng đời

Trót thừa, ừ ngược ừ xuôi

Chút thân tâm sự ra người hát ngao

Giao tình tợp chén chiêm bao

Ngựa Hồ thôi gió bấc nào đạp xuân

Đây người áo đỏ tầm xuân

Đấy đi tang trắng mấy lần trùng quan

Không dưng rét cả dây đàn

Này cung dâng áo ngự hàn là đây!





2.





Đêm nay cũng đổ bụi giày

Miệng cười ha hả thơ mày rượu tao

Say đời nhắm lẫn chen bao

Thơ ra miệng dại, sầu vào mắt điên

Đầu bừng khí núi đang lên

Sá gì bóng tối đắp trên thân còm

Gặp thời xô xát nước non

Ta trôi ngươi chảy lòng còn ngó theo

Đưa nhau qua bữa cơm nghèo

Đứa sầu gào rượu đứa nheo mắt cười

Vung tay như vạch ngang trời

Bảo rằng đâu nữa cái thời ngất ngư

Chén mồi dù hắt ưu tư

Sao cho ráo được gió mưa lội lầm

Cõi ngoài trăm họ muôn dân

Sống trong rau cỏ vẫn thầm khóc than

Sao ta lì mãi ruột gan

Đời ai mắt sáng hơn vàng mà mong

Chẳng nghe đỏ khé sông Hồng

Sóng ngàn xưa vẫn đọng lòng ngàn sau

Chẳng nhìn bóng đá thâu thâu

Non Lam như kẻ gục đầu còn thương

Chẳng hoài thóc giống vất vương

Giếng khô lấp sạch cây vườn rụi hoa

Trách nào trái rụng hương sa

Cốt muôn trẻ đắp muôn già càng cao

Mồ hôi làm suối chiêm bao

Nguồn sinh vô lượng đổ vào vô biên

Lũ mình rắp hận thành điên

Cái câm thưở ấy cười lên thưở này





3.



Thế rồi thí bỏ rủi may

Đứa giam cõi bụi đứa đày rừng sâu

Vai cày chẳng kẻo làm trâu

Giong xe chẳng kẻo tóc râu làm bờm

Nẻo về chật chội áo cơm

Dặm đi lại động từng cơn lá rừng

Lòng ta không sóng không dừng

Thơ vang lại vướng mấy từng cửa quan

Ngẩng thì núi quấn mây tang

Kìa Đông lửa cháy kìa Nam khói mù

Tóc xanh như cỏ trên mồ

Đời hoang chôn cả xuân thu một thời

Nghêu ngao cho sập bóng ngày

Khề khà cho ráo hận đầy từng hơi

Chiều nay nhấc chén lên môi

Không dưng tưởng nhắp máu người tanh tanh

Khóc nhau ném chén tan tành

Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ.

Xem thêm về Trần Huyền Trân trên Wiki



Tuesday 27 November 2007

Blog zì viêu

Trong thế giới blog này, mình là người đến sau, thiên hạ đã chơi bét nhè cả rồi, mình nhân dịp vợ vắng nhà mới đổ đốn đi vọc niêu tôm blog, lúc dân tình đã rục rịch muốn chuyển sang Mash, sau anh yahoo mới bảo là không phải. (Định viết một câu thật dài và thật nhiều dấu phẩy cho bằng em Vũ Phương Nghi mà không xong, em này tài thật, một câu gần nửa trang giấy và cả tá dẩu phẩy.) Chơi blog đến nay đã được hai tháng rưỡi, nghĩ cũng đã quen quen cái thế giới này, bắt chước thiên hạ làm quả blog review phát.

Đầu tiên là em gái Nhị Linh mình hạc xương mai duyên dáng điệu đàng chỉ tội hơi hôi mùi khói thuốc, chuyên gia viết những thứ tù mù , kẻ thù số một của Vietimes, Lê Thiếu Nhơn, Nguyên Khôi, etc. . Không thể bỏ qua nàng nếu bạn có quan tâm đến văn chương.

Kế đến là anh 5xu, gã lưu manh xuất chúng của thời đại chúng ta. Trừ những bải điểm sách, truyện ngắn và bình luận về nhân phẩm, các entries khác của anh bảo đảm cho chúng ta những cơn cực [sảng] khoái.

Và đây là ngôi sao của sự kiện Vàng Anh(có kẻ độc mồm bảo là scandal Vũ Hoàng - Linh), nghiên cứu sinh ngành Blog học, tất cả những gì bạn cần biết trên thế giới blog và internet, từ thơ tình khó nhá đến ria mép, từ chicklit đến kinh tế học, all in one.

Một ngôi sao khác của làng bloggers, kẻ tự nhận mình đẹp trai thông qua nhan sắc của con trai, mặc dù chưa có xét nghiệm ADN thì ta có thể hoàn toàn bảo rằng đấy là niềm tự hào vô căn cứ. Lương tâm của thời đại blog. Nơi chất chứa những bức xúc bộc phát , những tản mạn hồng hồng tuyết tuyết, phù hợp với quảng đại quần chúng. Đặc biệt là gái.

Bàng môn tả đạo. Nếu không nhiễm sẵn một ít tà khí trong người, cần ngậm sẵn linh đan trong miệng trước khi bước vào kẻo bỏ mạng oan uổng.

Cuối cùng, chả biết cửa đóng hay mở, đằng nào cũng nên ghé vào xin (hoặc cướp) tí oản!

Friday 23 November 2007

Bài của người khác về Murakami/ Giá vs Lương

*Chẳng biết bạn này là ai nhưng thấy bạn ấy có một cách nhìn hay hay về Murakami. Link đây cho các bạn tham khảo.

*Bài này cũng chẳng biết của ai về giá & lương sau khi xăng tăng lên 13.000đồng/lít.

LƯƠNG – GIÁ

Giá ơi thương ly lương cùng!

Tuy rng khác loi nhưng chung là tin.

Thương nhau lương giá đi lin

Ghét nhau lương giá hai min xa xôi.

Gió đưa cái giá v tri,

Cho lương li chu lời đắng cay.

Giá ơi ta bo giá này:

Giá lên nhanh quá có ngày…chết lương.

Nhiu điu ph ly giá gương

Đồng lương vt giá phi thương nhau cùng.

Người ta đi cy ly công,

Tôi nay đi cy còn trông nhiu b:

Trông cho vt giá…r r,

Lương tăng vùn vt là mê lm ri.

Bc thang lên hi ông tri

Giá lương như thế, dân thi sng sao?

Thursday 22 November 2007

Hôm nay post một bài thơ

...thuộc loại gần đây nhất của mình. Viết năm 2004. Nằm ngoài tập Ngày vắng mặt trời.

MỘT THẾ GIỚI

Không còn ai trong thế giới này

Những rừng cây sừng sững mọc lên đen nghìn như ngàn cánh tay vẫy vùng từ đầm lầy của quỷ

Cánh tay trắng xóa

Ánh sáng trắng xóa

Rừng cây ngoác miệng cười ha hả

Sự hù dọa không hướng đến ai và không làm ai hoảng sợ

Không còn ai trong thế giới này

Đôi cánh bé tẹo này sẽ được dành cho em, người sinh ra dưới một ngôi sao trong vắt (không phải như tôi, sinh ra dưới một ngôi sao ngái ngủ nên lúc nào cũng ngái ngủ), cặp mắt trong vắt, nước mắt trong vắt như nước cam lồ của Quan Âm Bố Tát có thể dùng để gột rửa sạch mọi bụi bặm. (Nhớ câu này:…Thở ra khói và hít vào toàn bụi – làm sao anh dừng lại – gác chân lên vỉa hè - làm sao anh đứng đợi – rụng lên vai mình lấm tấm lá me). Đôi cánh dành cho em đơn giản vì nó thuộc về em, dẫu rằng không có nó em vẫn có thể chấp chới bay trên ngàn cánh tay vẫy. Dành cho em vì không thể thuộc về ai khác, kể cả tôi. (Không có sự nhân nhượng.)

Nhữnghammuốncôlạithànhbùnsềnsệtđặcquánh

Không thể di chuyển được, trừ loài rắn

(Mà cũng có thể đấy chính là người, em nhỉ?

Còn tùy vào định nghĩa người

Chỉ em có thể trả lời được khi bay luợn từ trên cao)

Lời của thiên thần:

- Chớ bận tâm về loài người, hay loài rắn

Thế giới còn hay không còn ai

Nếu có thể hãy bay lên, và ngắm

Nếu tìm ra đôi cánh thứ hai.

Tháng 5/2004

Lời bình (của ai ấy nhở - vừa mới tìm lại được trong ổ cứng)

..... Chưa nói đến những cái mới đó, mới nói đến vài thủ pháp cơ bản mà bài thơ này sử dụng: Trước hết đó là sự tương phản: tương phản giữa “Một thế giới” và “không có ai”, giữa trắng và đen, giữa bẩn thỉu và thanh cao, giữa nặng nề (đầm lầy) và nhẹ nhõm (đôi cánh), giữa quỷ và thiên thần, giữa cái khổng lồ (rừng cây sừng sững) và bé nhỏ (đôi cánh bé tẹo). Nhưng đó là những sự đối lập và tương phản không hoàn toàn: bởi vì cuối cùng, không thể biết giữa người và rắn quẫy đạp ở dưới kia khác gì nhau, thế có nghĩa là cái nhìn từ góc độ nào, từ đống bầy nhầy ghê tởm đó hay từ trên cao, trên đôi cánh thiên thần, thật ra cũng không có ý nghĩa.

Có bốn chỗ mở ngoặc đơn. Ngoặc đơn thứ nhất để giải thích sự tương phản, ngoặc đơn thứ hai có hoặc không có cũng không ảnh hưởng gì đến toàn bài thơ, dù nó cũng là những câu thơ hay, nhất là “làm sao anh đứng đợi - rụng lên vai mình lấm tấm lá me”, nó hay kiểu không biết giải thích làm sao nó lại hay, đọc lên thì thấy sướng vậy thôi. Ngoặc đơn thứ ba nhấn mạnh tính tuyệt đối của sự không có loại trừ. Ngoặc đơn cuối cùng thì dở, bỏ ngoặc đơn đi cho nó thành câu bình thường tiếp theo mấy câu kia cũng được; nó không mở ra được không gian nào mới, mà sa vào giải thích dài dòng.

Câu “Nhữnghammuốncộlạithànhbùnsềnsệtđặcquánh” là một câu đáng chú ý. Nó thể hiện trước nhất một ý tưởng mới: một ý muốn dùng chính hình thức của chữ để miêu tả cái nội dung mà nó chứa đựng. Không có chỗ cách, nó cố gắng miêu tả sự sền sệt, cô đặc... Một cố gắng dùng chữ, cùng với một số cố gắng khác như sử dụng liên tiếp từ láy.

Khổ thơ cuối cùng, Lời của thiên thần, không gây ấn tượng nhiều lắm. Nó còn tạo ra cảm giác nhà thơ Goldmund đang đổi mới nhưng vẫn tiếc nuối về một thời thơ học trò ngày xưa, nhất định phải làm thơ có vần vè đàng hoàng đọc lên cho du dương. Không biết có đúng không?


Wednesday 21 November 2007

Chính mình như một thằng khác

And when this dust falls to the urn,
In that state I came, return.

Dự án ngâm kíu văn học Việt Nam của anh đang tiến đến chỗ tro bụi thì dang dở lần thứ hai. Lần trước vì Kafka Murakami, lần này vì Harry Potter và bốn mươi tên cướp. Chỉ cáu không biết anh có mua nhầm sách giả không mà đến khoảng hai mấy trang chữ in chồng lên nhau không đọc được. Cáu cái xương sườn.

Vì Harry Potter cho nên mới chỉ đọc được trang đầu tiên của Và khi tro bụi. Ấy là trang có hai câu thơ trên. Tác giả dịch như sau:

Và khi tro bụi rơi về

Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương

Nghe rất nhẹ nhàng, êm tai, rất diệu vợi, rất hay nhưng ý nghĩa thì đi xa lắc, không lột được cái nghĩa cát bụi trở về cát bụi. Có đọc đâu đó chị Phượng giải thích rằng quê hương đây chính là mình, phăng teo rồi ta lại chính là ta. Nhưng có giải thích như thế thì câu thơ dịch cũng chỉ lớt phớt chạm vạt áo ngoài của câu thơ gốc.

Anh thì thấy có chữ “came” rất hay (I’m coming…I’m coming), nên đề xuất dịch thế này cho sát nghĩa:

Và khi bụi rớt vô bình

Ấy nơi ta đã xuất tinh, quay về.

Chết, dạo này thế nào ăn nói bậy bạ thế không biết. Mịa kiếp, chính mình mà cứ như thằng đíu nào khác! Thế này thì đến tinh dịch gia Nhị Linh cũng chạy mất dép.

Tuesday 20 November 2007

Hình mới của Alpha và Pi

Trong Tràng Tiền Plaza

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Alpha chúi đầu vào tủ kính Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Sà vào hàng đồ chơi Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Trèo lên xe của người ta Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Anh cu Pi đẹp trai Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Hai chị em Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Friday 16 November 2007

Nhân ngày đẹp trời, không đi xem căng gu ru, mà đi phổ cập luật sở hữu trí tuệ

Hôm nay đẹp trời. Sài Gòn mùa này hầu như ngày nào cũng đẹp trời, nhất là buổi sáng. Những buổi sáng đẹp trời sẽ thôi thúc người ta làm một điều gì đó tử tế. Chẳng hạn như đi mua sách văn học Việt Nam không lậu vào một chủ nhật cách đây chưa xa. Còn hôm nay, thứ sáu, ta sẽ nói chuyện…quyền tác giả.

Để mở đầu, ta có thể đọc luật tí chơi. Dưới đây là điều 19 và 20 Luật sở hữu trí tuệ:

Điều 19. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Điều 20. Quyền tài sản

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Các bạn để ý những đoạn bôi xanh.

Như đã nói, hôm nay đẹp trời. Những ngày không đẹp trời lắm thì mình có thể viện những lý do khác nhau để bỏ qua cữ chạy thể dục buổi sáng, chứ ngày đẹp trời như hôm nay thì mình chạy rất hăng. Kết quả chạy về đến nhà thì thở hổn hển. Cơn thở hổn hển của mình có nguy cơ tắt nghẹn, vì, khi nhặt tờ Thể thao Văn hóa cuối tuần trước cửa nhà lên liếc sơ qua, mình bàng hoàng nhận ra các bạn TTVH đã cho bài này của mình lên báo. Thật là vinh dự cho …các bạn ấy!

Các bạn ấy chắc nghĩ ngược lại, nên dành phần vinh dự lẫn bất ngờ cho mình. Các bạn ấy là báo nhớn mà lại, nên rất người nhớn, lặng lẽ cho bài mình lên báo mà cóc nói mình tiếng nào. Mình cũng chẳng trách các bạn ấy, vì các bạn làm báo văn hóa chứ có phải làm báo pháp luật đếch đâu mà cần phải biết đến và tuân theo Luật sở hữu trí tuệ phỏng ạ. Nhưng mà, đến đây bắt chước bạn Cát Khuê phát, hu hu hu, ignorance is no defence. (Câu này theo bác Trưởng ban tuyên huấn ở Thăng Long, có nghĩa là sự ngu dốt thì không được bảo vệ. Nhẽ ra mình không phiên dịch, nhưng vì có tiền án bác tuyên huấn dịch như thế, nên mình phải nó cho rõ rằng nó có nghĩa là không phải không biết là không có tội.) Cho nên, như thế là các bạn đã vi phạm điều 20.3 của Luật sở hữu trí tuệ rồi.

Ngoài ra, nếu cắc cớ, mình có thể vin vào điều 19.4 Luật SHTT, kiện các bạn thêm về tội xâm phạm vào sự toàn vẹn tác phẩm của mình. Hẳn các bạn cũng có ý tốt, nên các bạn biên tập vài chữ. Nhưng mà, hu hu phát nữa, có ai mượn các bạn biên tập đâu. Mình viết “nông dân phương Bắc” thì cứ để yên như thế, việc gì phải sửa thành “nông dân miền Trung, miền Bắc”. Mình viết tản mạn chứ có viết bài khóa luận lịch sử đếch đâu. Vả lại, đứng ở Hoành Sơn ngó ra, nếu chả phải phương Bắc thì là phương cái đếch gì.

Ờ mà hôm nay đẹp trời, mình nói đôi điều tử tế cho vui thế thôi, chứ mình đếch có thời gian đâu mà đi kiện các bạn. Mặc dù, nếu thích chơi trội như anh gì ở Luật Gia Phạm, mình hoàn toàn có thể cho các bạn ra tòa một cách rất professional. Mình nói thật đấy, thề có danh dự thiếu niên tiền phong.

Kết thúc buổi phổ cập Luật sở hữu trí tuệ nho nhỏ này, mình đề nghị các bạn có lấy bài bất cứ ai đưa lên báo thì nên nói qua người ta một tiếng. Mình tin chả ai hẹp hòi gì. Mí lại, xong rồi nhớ liên hệ trả nhuận bút cho người ta, gọi là đủ tiền đi uống café Highlands vào một ngày đẹp trời.

Thursday 15 November 2007

Thơ mực tím

Thơ làm hồi bằng tuổi Vàng Anh bi giờ. Đọc lại buồn cười phết, bằng ấy tuổi mà ngồi chung bàn với gái còn run, tình cảm rất chi trong sáng lãng mạn. Phải thời gian quay trở lại, lại là 19 tuổi có khi cũng đua đòi vàng anh vàng em. Lúc đấy có khi không làm thơ về khoảng trống mà về khoảng khác!

Khoảng trống

Giữa hai đầu bàn là một khoảng trống

Ở rìa khoảng trống là tôi và em

Em cúi thấp bờ vai rung rinh nắng

Tôi học bài trên mái tóc em nghiêng

Tôi học mặt trời sinh ra ánh sáng

Gió thành giông những chỗ không người

Lồng ngực ứ căng phăng đi tĩnh lặng

Nhút nhát hiện hình khoảng trống trêu ngươi

Nhưng tôi biết nếu xích gần chút nữa

Thế nào em cũng bỏ đi

Khoảng trống sẽ trở thành khoảng cách

Và tôi lại dằn vặt tôi vì…

Đành vậy, em cứ ngồi bên đó

Đầu bàn đây không thể thiếu tôi rồi

Một khoảng trống phân chia hai đứa

Mà em chất ngất trong tôi.

Tuesday 13 November 2007

Aó lụa Hà Đông - khi em đã thành tôi

Phim này tôi không xem ngoài rạp, mặc dù đã được nghe đồn đãi rằng nó lấy đi không ít nước mắt của không ít người. Chẳng phải tôi bận rộn hay gì cả, mà chỉ vì tôi hơi bị có định kiến với phim Việt Nam nói chung, và anh Phước Sang nói riêng. Không hiểu sao mà cứ nhắc đến anh Phước Sang là tôi lại nhớ đến mì. Tôi vốn không thích mì, bất kể ăn liền hay nấu kỹ. Thế nên tôi rất là thờ ơ khi phim vẫn còn chiếu ê hề ngoài rạp.

Bẵng đi một thời gian thì tôi lại nghe nhắc đến Áo lụa Hà Đông, trên báo, nhân dịp ồn ào về việc lập lờ tên gọi giải thưởng Kim Kê Ô Kê gì đó. Tôi hơi ngạc nhiên một tí tẹo, vì phim của anh Sang mà lại được giải, dù rằng tôi cũng chẳng biết giải Kim Kê ấy thực ra nó là con gà con vịt gì.

Thế xong rồi tôi đọc blog của một bạn kể chuyện đi mua đĩa lậu, và một bạn khác vào khóc lóc thương xót cho tình hình phim Việt Nam bị giết chết một phần là vì những người có ý thức nhưng vẫn dùng hàng lậu. Tôi vẫn còn đang phân vân không hiểu phim của anh Sang thì có gì mà phải khóc lóc thương xót thế, thì đùng một cái, một đĩa DVD Áo lụa Hà Đông tự dưng rơi vào tay tôi. Dĩ nhiên, nó vẫn là hàng lậu. Tôi mở ra xem với một tâm trạng hơi tò mò nhưng chẳng phấn khích gì mấy. Gì chứ, mì vẫn là món ăn khó nuốt.

Thế mà, ngay những cảnh đầu tôi đã rất ngạc nhiên. Góc máy quay khá lạ và đẹp mắt. Nhạc nền hay. Diễn viên đẹp, diễn xuất tốt. Chừng đó đã thấy quá ưu tú so với những là Trai nhảy, Gái nhảy hay một số bộ phim Việt Nam khác mà tôi đã không may xem phải. Non sông cẩm tú nước nhà cứ gọi là tươi non mơn mởn qua từng góc máy. Cảnh làng quê Bắc Bộ cổ kính, cảnh phố cổ Hội An thâm trầm hay rừng vàng biển bạc núi kim cương gì cũng đẹp. Thậm chí những cảnh nghèo hèn khắc khổ như cào hến trên sông, lặn lội bùn đất trong cuộc hành tẩu phương Nam của đôi vợ chồng nghèo cũng đẹp làm sao. Tôi chợt vỡ ra rằng mì thì cũng có năm bảy loại mì, có loại trần trụi không thèm cho vào giấy gói như mì Miliket, có loại thường thường bậc trung như là Aji-ngon, cũng có loại hảo hạng và trình bày đẹp mắt như là mì ly Hàn Quốc, mì bát Nhật.

Diễn viên diễn cũng tốt. Trương Ngọc Ánh ngoại trừ việc cô vẫn đẹp một vẻ đẹp bất biến theo thời gian của người mẹ 4 con, trong hoàn cảnh nghèo rớt mấy giậu mùng tơi, còn lại thì cô diễn tốt. Tốt nhất là cảnh cô thất thểu bước ra khỏi trại giam, tuyệt vọng đuổi theo nhặt từng mảnh vải áo dài, hoặc cảnh cô lật từng manh chiếu tìm con, gào lên một cách đau đớn tận cùng trước cái chết của đứa con ngoan. Cảnh này chắc hẳn đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả.

Anh Quốc Khánh thì tôi chả biết bình luận sao. Chắc tại tôi vẫn quen nhìn thấy anh í đóng vai hài tự dưng lại vào vai chính, mà lại còn bi nữa, nên nhìn mãi vẫn không quen. Nói chung tôi bị bệnh định kiến khá nặng, tôi biết. Tôi cứ thắc mắc mãi về cái lưng gù của anh í. Không hiểu dụng ý của đạo diễn là gì khi đặt cục bướu lên lưng anh ấy, làm tôi cứ lẫn lộn lung tung rằng không biết cái mặc cảm mà anh ấy thể hiện là mặc cảm của người nghèo hay của người tật nguyền? Nếu chỉ nghèo không thôi thì mặc cảm chưa đủ ép phê hay sao mà còn cần phải tật nguyền dị dạng nữa? Cứ thấy có cái gì đó không xuôi lắm, khi anh vừa nghèo, vừa tàn tật, vừa thấp bé nhẹ cân, thế mà lại lấy được một cô vợ đẹp như... người mẫu, hết lòng hết dạ vì chồng con. Hay chính là đạo diễn muốn dùng hình ảnh anh chồng tật nguyền, xấu xí, nghèo hèn, bất lực để làm nền cho hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam? Khéo có khi xem phim này xong bạn bè thế giới tưởng nước mình thời đó sống trong chế độ mẫu hệ.

Dàn diễn viên nhí thì diễn tốt, nhất là bé Ngô. Đoạn diễn của em trong cảnh chuẩn bị đtôi chị đi chôn, hoặc một mình em đi ngang qua ngôi nhà bỏ hoang, mường tượng lại cảnh ngày nào hai chị em còn vội vàng đổi áo cho nhau là những đoạn gây xúc động nhất. Tất nhiên là không kể đến cái đoạn tôi vác chiếc áo dài treo phất phơ chạy theo dòng người, chiếc áo dài bay phần phật như cờ khởi nghĩa nhìn phản cảm không chịu được.

Ngoài ra còn có những yếu tố lịch sử không thể không nghĩ đến. Người có để ý về lịch sử và mốc thời gian một chút thì chắc là khi xem phim ít nhiều cũng cảm thấy khó chịu vì sự vô lý của bối cảnh lịch sử trong phim. Xem cảnh dân nghèo vùng lên khởi nghĩa, đốt nhà, giết cường hào ác bá, tôi chắc mẫm rằng đây là thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh hay đại loại thế. Vẫn còn đang phân vân không hiểu làm sao thời kỳ này mà có quả áo dài đẹp thế, mẹ anh Gù ắt hẳn sành điệu đi trước thời đại và ẳt là giàu có, không hiểu ra nông nỗi nào mà lại bỏ con, thì lại thấy thông báo là đến năm 1954. Xong rồi tự dưng áo lụa Hà Đông lại xuất hiện vào cuối phim, rợp trời như một đàn bướm trắng một cách hết sức khiên cưỡng, và được thông báo đấy là năm 1975, lúc đất nước thống nhất. Thời gian quả là trôi nhanh như tên bắn.

Không hiểu sao xem chị Dần mà tôi cứ nhớ đến chị Dậu. Những cảnh chị Dần bị bà chủ nhiếc móc, cảnh chị đi bán... sữa, hoặc cảnh sữa của chị bị đổ cho chó liếm, làm tôi cứ nhớ đến cái sự nghèo đến tận cùng của chị Dậu. Xem phim thì chị Dần cũng nghèo thật, đạo diễn nói thế và tôi biết thế. Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao chị phải hy sinh để làm một việc động trời là đi làm vú nuôi cho một ông già bú, rồi sau đó vẫn không may ra được một chiếc áo dài mới, mà vẫn phải lấy áo dài cũ đtôi sửa lại. Thế thì vì sao không đem sửa ngay từ đầu mà phải khổ thế? Thế thì công tình chị đi làm vú nuôi để làm gì? Ý đồ nghệ thuật ở đây là gì tôi không hiểu.

Còn vô khối những điều không hiểu nữa. Mà thôi, trong một ngày mà tôi vẫn còn bị bội thực vì bữa tiệc thịnh soạn và nhiều cholesterol mà bạn Murakami bày ra bên bờ biển, thì cũng không nên cố hiểu thêm cái gì nữa kẻo mà tẩu hỏa nhập
ma. Gì chứ, mì vẫn là món ăn khó nuốt, dù rằng mì lần này được chế biến cũng khá ngon lành và trình bày đẹp mắt.

Disclaimer: Bài viết không phản ánh quan điểm chủ nhân blog này, đơn giản vì chủ nhân blog này không phải là tác giả! Tác phẩm gốc có thể xem ở đây. Nếu không xem được ấy là lỗi của bạn. Đa tạ!

Monday 12 November 2007

Một dự án dang dở

Chỉ vì Kafka. Chính xác là Kafka bên bờ biển. Tôi chắc rằng chỉ vài ngày nữa thôi, cái tên này sẽ làm xao động làng blog, như chim vặn dây cót đã từng. Đầu tiên là em gái Nhị Linh, với lợi thế mảnh mai của mình đã upperhand làm một chuyến ra đi và trở về khi dân tình hãy còn đang ngơ ngác. Rồi đến cô nàng Saigonese xuýt xoa con chim và mưa cá trên cái bìa. (Hiển nhiên đấy là một cái bìa ấn tượng). Rồi sẽ còn nhiều nhiều nữa, chắc chắn như thế. (Tôi đang nhớ đến bạn Linh, nhà Blog học lừng danh của thời đại chúng ta, cũng như anh 5xu, tên lưu manh xuất chúng của thời đại chúng ta.)

Nếu các bạn yêu quý còn nhớ, tôi đã và đang có một dự định lớn lao. Đó là nghiền bằng hết 7 cuốn truyện Việt Nam mà tôi mua vào một ngày chủ nhật đẹp trời cách đây chưa xa. Tôi đã đọc được ¾ cuốn Bóng đè, trọn cuốn Song song và chừng hai chục trang T mất tích thì thình lình bị quẳng vào tay một quả Kafka bên bờ biển.

Đỗ Hoàng Diệu và Bóng đè, bây giờ tôi mới chính thức đọc cô. Không hiểu vì sao xung quanh cô lại có quá nhiều tiếng ồn ào đến thế. Tôi không thấy văn cô “ghê rợn” như những gì người ta đồn đãi. Những tiếng đồn ấy có lẽ phần lớn chỉ căn vào bề mặt văn bản mà không nhận thấy hoặc cố tình lờ đi những ẩn dụ mà cô cất đi dưới những con chữ vặn vẹo. Vâng, tình thực tôi chỉ thấy cô hay vặn vẹo. Cái vặn vẹo người ta thường có những khi phải ngồi cả ngày trong văn phòng hoặc khi mông phải dán vào ghế trên những chuyến xe đò liên tỉnh. Nếu cô không vặn vẹo có khi chúng ta sẽ có một Đỗ Hoàng Diệu tươi tắn hơn và nhờ đó, ít tiếng thị phi hơn.

Vũ Đình Giang (trong Song song) thì không vặn vẹo, nhưng lại hơi cứng, và vì thế không thật sự đáng tin. Nếu so với một cuốn khác cùng đề tài nổi đình nổi đám của Bùi Anh Tấn (nổi vì đề tài, không phải vì chất lượng), rõ ràng Vũ Đình Giang có một cách tiếp cận giàu chất văn học hơn rất nhiều. Dẫu tôi nhận thấy một chút Kafka và kha khá Dos (Tội ác và trừng phạt) trong Song song, thì tôi cũng không thể không nhận thấy anh rất cố gắng vùng vẫy cho ra một thế giới của riêng mình. Tuy nhiên, anh có vẻ không tin lắm vào cách viết của mình, cho nên cái thế giới của anh cũng không rõ nét lắm.

Chỉ với 20 trang T mất tích đã đọc, tôi đã có cảm giác rằng tôi đang được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao. Thì khốn thay, tôi bị quẳng vào tay một quả Kafka bên bờ biển. Kafka, Murakami, Dương Tường - chừng ấy cái tên cộng lại khiến tôi không thể không lật vài trang. Như một cái bẫy, cả ba đã cuốn tôi đi. Dưới sức nặng của cái chăn dày cộp và trong mùi mưa ẩm mục, tôi chìm vào thế giới của Murakami đến bây giờ vẫn chưa thoát ra được.

Khi chưa thoát ra được thế giới của Murakami, thì đọc tiếp bất kỳ ai cũng là một cực hình. Tôi nghĩ là tôi đã đối xử thật bất công với Thuận, và cả Vũ Phương Nghi nữa. Từ tối hôm qua đến hôm nay, tôi đã nâng lên hạ xuống bao nhiêu lần T mất tích và Chuyện lan man đầu thế kỷ. Vậy là cái dự án vĩ đại của tôi đành dang dở rồi. Ít nhất cho đến khi nào tôi trở về.

Sunday 4 November 2007

Không có kiêu hãnh và [càng] không có định kiến

Dạo này nghe câu này hơi nhiều: “Ngồi buồn cởi cúc xem trym – Còn hơn vào rạp xem phim nước mình”.

Câu này nghe cũng hơi bị nhiều: “Văn học Việt Nam thì có gì mà xem”.

Thậm chí còn như thế này: “Không đọc cuốn đấy vì nhìn qua thấy tiếng Việt không nhuần nhuyễn”.

Những câu mà tôi nghe được đấy, cũng có lúc là suy nghĩ của tôi. Đã mười năm nay tôi không xem phim truyền hình Việt Nam. Ba năm nay tôi không xem phim điện ảnh Việt Nam. Tác phẩm văn học Việt Nam gần đây nhất mà tôi đọc, một cách chính thống, nghĩa là bỏ tiền ra và mua về đọc, là Cánh đồng bất tận. Còn kể cả ồn ào như Bóng đè, tôi cũng chưa đọc. Phần vì tôi nghĩ mình có ít thời gian, đọc cái gì phải cho đáng. Phần vì tôi nghe bảo, ở trong đấy có rất nhiều thô tục. Mà tôi không thích cái gì thô tục nên tôi không đọc.

Tôi chợt nhận ra, tôi không xem phim mà tôi vẫn cứ chê (mặc dù không nói ra - thường là ngầm tán đồng với những người chê), tôi không đọc mà tôi đã sẵn có một ý định tẩy chay từ trước. Với tư cách là một khán giả, một độc giả, tôi đã không cho những cuốn phim ấy, những cuốn sách ấy một cơ hội để chứng minh rồi.

Lang thang trên blog cũng có cái hay là tiếp xúc được nhiều với suy nghĩ, quan niệm của người khác. Cái vòng tròn bạn bè trong đời thực của tôi không quá nhiều và không đủ phong phú để tôi nghe những ý kiến khác nhau. Blog phong phú hơn nhiều. Tôi nhặt được ối điều hay từ những người trong friend list và trong favorites. Chẳng hạn tôi có đọc bài của chị 2 4 6 nói về giải thưởng Hội nhà văn năm nay. Đại ý rằng có những người phán xét một cuốn sách trước khi đọc nó. Tôi cũng đọc đâu đó trên blog của Phan Xi Nê, đại ý rằng nếu Việt Nam làm phim tình cảm thì dân tình bảo giống Hàn Quốc, làm hành động thì bảo giống Hong Kong, etc. Tôi đọc những lời như thế và chợt nhận ra rằng tôi, và có thể rất nhiều các bạn nữa, có quá nhiều định kiến.

Thế nên, sáng nay là một sáng chủ nhật đẹp trời, tôi phóng xe ra khỏi nhà để đi mua sách. Trời đẹp lắm nên đầu tôi cởi mở hơn chăng, vì tôi mua những bảy cuốn truyện Việt Nam cùng một lúc. Chưa bao giờ trong cuộc đời làm người…mua sách, tôi mua cùng một lúc nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đến thế, Những cuốn này là những cuốn ít nhiều được nhắc đến gần đây, hoặc chưa được nhắc đến nhưng tôi có biết đôi chút về tác giả. Tôi mua Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, T mất tích của Thuận, Bóng đè của Hoàng Diệu, Chuyện lan man đầu thế kỷ của Vũ Phương Nghi, Vũ điệu tử thần của Trần Thanh Hà, Song song của Vũ Đình Giang và 21 Khúc biến tấu của Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

Có một cân nhắc thú vị về cuốn cuối cùng này. Tôi biết đôi chút về tác giả qua một cái nick ở Thăng Long. Ở Thăng Long, nick này hay bị coi hâm, dở hơi, viết văn sai chính tả, ngữ pháp và bị ném đá toàn diện. Tôi nhìn lướt qua vài trang cuốn tiểu thuyết dày cộm của cô và thấy rằng quả thật văn của cô rất khác người. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải thật kiên nhẫn mới đọc được hết 21 khúc biến tấu của cô. Vậy mà thật kỳ lạ, chính điều đấy lại thôi thúc tôi phải mua cuốn này và phải đọc hết nó cho bằng được. Vì tôi cảm thấy, chỉ qua vài trang mà tôi đã nhìn lướt, rằng cô đang chơi một trò chơi thú vị với tiếng Việt. Hình như cô không biết, hoặc giả cô cố ý bóp méo, tất cả những quy tắc ngữ pháp tiếng Việt. Tiếng Việt của cô khó lòng được coi là trong sáng trong mắt những nhà “trong sáng học”. Nhưng không trong sáng thì đã sao, biết đâu cô lại làm giàu cho tiếng Việt. Mà thôi, tôi không nên nói quá nhiều, khi tôi chưa đọc hết truyện.

Tối hôm qua, tôi cũng đã mua hai bộ phim Việt là Áo lụa Hà Đông và Dòng máu anh hùng. Tuần này và tuần tới, tôi sẽ xem phim Việt Nam và đọc văn học Việt Nam. Tôi đã vứt bỏ một ít định kiến. Hy vọng sau hai tuần này tôi sẽ có được niềm vui rằng những định kiến ấy xứng đáng được vứt bỏ.

Mặc dầu vậy, trưa nay tôi sẽ ăn spaghetti chứ không ăn cơm.

Thursday 1 November 2007

Bùi Giáng tiễn Quang Dũng

Nhân mấy hôm nay hay nói chuyện Quang Dũng, post luôn bài này của Bài Giáng cho nó tiện.

Quang Dũng

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Thình lình vĩnh biệt cõi đời

Anh đi để lại những lời thế kia

Sáo diều thổi suốt đêm khuya

Lúa vàng Bương Cấn sẻ chia vui buồn

Vòng quanh Phú Quốc chậm nguồn

Bến bờ sông Đáy mưa phùn nhớ anh

Bùi Giáng

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN